Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tỉnh Sóc Trăng (Phần 1)

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với lượng mưa, bốc hơi tiềm năng, lưu vực sông và tài nguyên nước mặt, nước ngầm tỉnh Sóc Trăng




MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU- 1
CHƯƠNG I. BIỂU HIỆN CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TỈNH SÓC TRĂNG-- 2
I. BIỂU HIỆN BIỂN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI VIỆT NAM-- 2
II. BIỂU HIỆN CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TỈNH SÓC TRĂNG- 2
1. Nhận định chung- 2
2. Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại tỉnh Sóc Trăng- 3
CHƯƠNG II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TÍNH DỄ BỊ TỔN HẠI DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GÂY RA ĐỐI VỚI LƯỢNG MƯA, BỐC THOÁT HƠI TIỀM NĂNG, LƯU VỰC SÔNG VÀ TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT, NƯỚC NGẦM TỈNH SÓC TRĂNG-- 5
I. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GÂY RA ĐỐI VỚI LƯỢNG MƯA VÀ BỐC HƠI 5
1. Lượng mưa và bốc hơi trong chu trình thủy văn- 5
2. Những tác động đến lượng mưa và bốc hơi tại tỉnh Sóc Trăng- 6
II. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GÂY RA ĐỐI VỚI LƯU VỰC SÔNG- 8
1. Biến đổi khí hậu và lưu vực sông- 8
2. Tác động của biến đổi khí hậu gây ra đối với lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng  9
III. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GÂY RA ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT, NƯỚC NGẦM-- 11
1. Nhận định chung tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước- 11
2. Tác động đối với tài nguyên nước do biến đổi khí hậu- 12
KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ- 17
TÀI LIỆU THAM KHẢO
________________________________

MỞ ĐẦU


Biến đổi khí hậu là hiện tượng trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ ở các đại dương tăng dần lên, làm tan băng ở các vùng cực đới, dẫn tới khí hậu của trái đất biến đổi, hạn hán bão lũ xảy ra ngày một tăng, nước biển ngày một dâng cao.
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khí tượng thủy văn trong vòng 50 năm (1950 - 2000) nhiệt độ trung bình tăng 0,70C, dẫn. Quan trắc tại trạm hải văn Vũng Tàu, trong vòng 25 năm (1982 đến 2007) cho thấy mực nước biển trung bình 18 năm (1990 – 2007) cao hơn mực nước biển trung bình 18 năm (1982 – 1999) là 34,4 mm. Tính trung bình mỗi năm gia tăng 5mm. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong ba đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất do biến đổi khí hậu, những diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi đã và đang tác động ngày càng nặng nề lên khu vực này.
Với vị trí vùng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là 1 trong 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, 43,7% diện tích tỉnh Sóc Trăng sẽ bị ngập nước. Việc này sẽ tác động đến hơn 450.000 người, tương đương 35% tổng dân số của tỉnh Sóc Trăng (ICEM 2008). Đối với tỉnh Sóc Trăng, biến đổi khí hậu làm cho mực nước biển dâng, hạn hán, ngập lụt xảy ra với tần suất ngày càng lớn hơn. Những yếu tố đó sẽ làm gia tăng ngập úng, xâm nhập mặn, lan tràn chua phèn… và dẫn tới những hệ lụy khác.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các yếu tố tự nhiên, môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là cơ sở và căn cứ để xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp trong thời gian tới. Việc “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với lượng mưa, bốc hơi tiềm năng, lưu vực sông và tài nguyên nước mặt, nước ngầm tỉnh Sóc Trănglà đáp ứng yêu cầu thực tế trên.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
CHƯƠNG I
BIỂU HIỆN CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TỈNH
SÓC TRĂNG

I. BIỂU HIỆN BIỂN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI VIỆT NAM

Gần đây Ngân Hàng Thế Giới cũng cảnh báo rằng Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì tình trạng biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Nếu nước biển dâng cao thêm 1 mét thì một phần đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị chìm ngập dưới nước ảnh hưởng khoảng 8 triệu dân cư.
Trên thực tế Việt Nam đã có những biểu hiện của BĐKH về các yếu tố khí hậu cơ bản (nhiệt độ, lượng mưa...) cũng như các yếu tố thời tiết (bão, mưa lớn, hạn hán...). Được biết trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam đã tăng 0,7°C, mực nước biển dâng 20 cm. Trong thời gian, cùng với tình hình chung của Thế giới, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt hạn hán đã diễn ra với cường độ mạnh hơn trước.
 Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009, nhiệt độ trên tăng ít nhất 1,1 – 1,9°C, nhiều nhất 2,1 – 3,6°C, lượng mưa tăng ít nhất 1,0 – 5,2% và nhiều nhất từ 1,8 – 10,1%, mực nước biển dâng ít nhất 65cm, nhiều nhất 100cm so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999. Tác động tiềm tàng BĐKH ở Việt Nam thể hiện trong tất cả các lĩnh vực chủ yếu: tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, sức khỏe. Nhìn chung, tác động của BĐKH là nghiêm trọng nhất đối với nông nghiệp và tài nguyên nước.

II. BIỂU HIỆN CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TỈNH SÓC TRĂNG

1. Nhận định chung

Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam, đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH gây ra. Trong những năm gần đây, trên địa bàn của tỉnh đã xuất hiện các hiện tượng BĐKH bất thường như:
-   Chế độ thủy văn bị ảnh hưởng.
-   Thay đổi chế độ ngập lụt, lũ lụt bất thường không theo quy định
-   Diện tích ngập lụt mở rộng, mùa ngập lụt chuyển dịch và thay đổi.
-   Nhiệt độ không khí trung bình tăng, mùa hè dài hơn và ấm hơn.
-   Các hiện tượng chưa từng xảy ra như bão đã bắt đầu xuất hiện.
-   Lốc xoáy, mưa giông, sấm sét ngày càng nghiêm trọng.
-   Mùa mưa có xu hướng thay đổi bất thường, cả về thời gian và cường độ mưa.
-   Hiện tượng xâm nhập mặn tại các lưu vực ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn.
-   Gây xói lở bờ biển nghiêm trọng.
Thực tế tại tỉnh đã cho thấy, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, quá trình xâm nhập mặn vào lục địa diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Cuối tháng 2 năm 2009, độ mặn đo được tại cảng Trần Đề (xã Trung Bình, huyện Long Phú) là 22,9 ‰, tại Đại Ngãi (huyện Long Phú) 3 ‰, tại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) 4,6‰, tại TP Sóc Trăng là 2,3 ‰. Cao gấp từ 2 đến 10 lần so với cùng kỳ năm 2009 và sâu vào đất liền có nơi đã đến 30km.
Ven biển tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng của chế độ chảy của sông Mêkông, triều cường của Biển Đông và dòng hải lưu ven biển dọc bờ biển dài chịu ảnh hưởng mạnh bởi gió mùa, tạo ra một quá trình bồi lắng và xói lở liên tục dọc bờ biển. Tỷ lệ xói lở đo tại tỉnh Sóc Trăng lên đến 40 m/năm. Vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam thổi với tốc độ thấp. Vào mùa này, dòng sông Mêkông mang theo trầm tích đến vùng Châu thổ gây ra hiện tượng bồi lắng tại các vùng ven biển. Diện tích vùng bãi bồi và bãi cát ven biển huyện Cù Lao Dung mở rộng đến 45 m/năm. Biến đổi khí hậu sẽ làm nghiêm trọng hơn quá trình này, đặc biệt đối với hiện tượng xói lở khi tần suất và cường độ các trận bão cũng như mực nước biển tăng lên.

2. Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại tỉnh Sóc Trăng

a) Diễn biến thời tiết

*     Nhiệt độ
Tỉnh Sóc Trăng thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 – 11 với gió mùa Tây Nam và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 với gió mùa Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình của tỉnh trong giai đoạn 2000 – 2009 dao động trong khoảng 26,6 – 26,90C, và đỉnh điểm là vào các năm 2005 – 2006 (đạt 26,90C), nhiệt độ thay đổi thất thường không diễn ra theo bất kỳ quy luật nhất định và có xu hướng khắc nghiệt hơn như “nóng thì càng nóng hơn và lạnh thì càng lạnh hơn”,
*     Lượng mưa
Trong những năm qua mưa thường đến sớm hơn, kéo dài và kết thúc muộn, chứ không còn theo quy luật của mấy chục năm trước. Cụ thể trong năm 2007, 2008, mùa mưa kéo dài mãi đến tháng 12 và tháng 1 năm sau, muộn hơn mấy năm trước hơn 1 tháng. Mùa lũ cũng có độ trễ, đỉnh lũ thường xuất hiện muộn. Tình trạng mưa kéo dài, lũ về đạt đỉnh muộn và trùng vào lúc triều cường hàng tháng khiến cho vùng hạ lưu nhiều nơi bị ngập. Tuy nhiên, đến năm 2009 thì mùa mưa lại đến muộn hơn 9 bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5) khoảng 10 – 15 ngày và kết thúc sớm hơn (cuối tháng 10).
*     Bão, áp thấp nhiệt đới
Số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Sóc Trăng không nhiều. Tuy nhiên, những hiện tượng bất thường của thời tiết như sự hình thành của áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực biển Đông, một số cơn bão có cường độ rất mạnh (cấp 12, trên cấp 12) đã xảy ra; lốc xoáy cục bộ xuất hiện nhiều. Ảnh hưởng về tai biến thiên tai nặng nhất trong những năm gần đây là cơn bão số 9 năm 2006 và trong năm 2007 là cơn bão số 7 gây thiệt hại nặng nề về người và của. Riêng trong năm 2008 tuy là ảnh hưởng của hiện tượng La Nina gây mưa nhiều trên diện rộng cả nước nhưng riêng tỉnh Sóc Trăng trong năm này lại không ảnh hưởng trực tiếp nhiều.
*     Các yếu tố thời tiết cực đoan
Trong những năm qua, tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp. Các đợt nắng nóng, số ngày nắng nóng, các đợt rét, số ngày rét, lốc xoáy đã có sự thay đổi, tăng lên và tác động ngày càng lớn. Nắng nóng gay gắt trong mùa khô, mùa mưa có lượng mưa tương đối nhiều, thường xuyên xảy ra lốc xoáy, giông, sét.
*     Hạn hán
Theo số liệu thống kê tình hình hạn hán tại tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2006 – 2010 với diễn biến phức tạp hơn cả về thời gian, mức độ và có xu hướng tăng đợt hạn hán vào những năm sau kế tiếp. Cụ thể, theo nguồn Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng vào năm 2006 xuất hiện 2 đợt hạn hán (đợt 1 từ ngày 18/8 – 24/8, đợt 2 vào đầu tháng 9); năm 2007 xuất hiện 3 đợt hạn hán (đợt 1 từ ngày 5/6 – 9/6, đợt 2 từ 17/7 – 27/7, đợt 3 từ 5/9 – 10/9); năm 2008 xuất hiện 3 đợt hạn hán (đợt 1 từ ngày 2/6 – 8/6, đợt 2 từ 10/7 – 21/7, đợt 3 từ 22/8 – 31/8).

b) Tình hình xâm nhập mặn

Tại vị trí đo qua từng năm cho thấy độ mặn cao nhất tại các trạm đo tăng (năm 2005) do trong giai đoạn này nước ta chịu ảnh hưởng xu thế hiện tượng thời tiết nóng trên toàn cầu đó là hiện tượng El Nino, thời điểm nắng nóng và khô hạn kéo dài. Độ mặn cao nhất của các năm 2006, 2007, 2008 và năm 2009 có diễn biến thất thường, luôn ở mức thấp hơn TBNN và thấp hơn cùng kỳ 2005. Đến năm 2010 do mùa mưa kết thúc sớm (cuối tháng 10) năm 2009, mực nước đầu nguồn sông Hậu tại Châu Đốc xuống nhanh và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó gió Đông Bắc hoạt động khá mạnh và thủy triều vùng ven biển Đông ở mức cao nên từ đầu tháng 1/2010 đến nay mặn đã xâm nhập khá mạnh vào vùng cửa sông và đi sâu dần vào nội đồng, do ảnh hưởng của hiện tượng El-nino nên trong các tháng 2, 3, 4 và những ngày đầu tháng 5 thời tiết các nơi trong tỉnh tiếp tục khô hạn, mặn tiếp tục xâm nhập mạnh vào các sông rạch trong tỉnh và đạt mức cao nhất năm 2010 là: tại Đại Ngãi độ mặn cao nhất 11,6‰; tại Trần Đề 26,6‰; Long Phú 21,0‰; tại Thạnh Phú 16‰; và tại TP.Sóc Trăng 5,2‰; An Lạc Tây 2,8‰.  


Xem thêm tại đây... => iDiaLy.com - Tất cả bài đăng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang