Những thách thức đối với Liên minh châu Âu trong giai đoạn hiện nay

Liên minh châu Âu

Những thách thức đối với Liên minh châu Âu trong giai đoạn hiện nay


Tác giả: Dương Thanh Bình.

Năm 2000 là một năm đáng nhớ đối với người dân châu Âu bởi vì năm nay người dân châu Âu sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên minh châu Âu. Lịch sử hình thành Liên minh châu Âu bắt nguồn từ Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc đó là R. Schuman, ngày 9/5/1950 (1) , nêu sáng kiến thành lập Cộng đồng Than- Thép chung giữa Pháp và Đức và mở ngỏ cho các nước châu Âu khác. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hợp tác giữa các nước châu Âu sau rất nhiều lần xung đột trong lịch sử. Sau 50 năm tồn tại và phát triển cho thấy Liên minh châu Âu quả là một hình mẫu về liên kết khu vực thành công nhất.

Khi mới thành lập, Liên minh châu Âu chỉ có 6 nước: Pháp, Đức, Italia, và các nước Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembua), đến nay Liên minh đã có tới 15 quốc gia với tổng số dân lên đến 374 triệu người, và dự kiến trong tương lai số thành viên của EU có thể là 28 – 30 nước. Không gian của châu Âu dường như không còn giới hạn, giờ đây người dân châu Âu có thể tự do đi lại không cần visa (2), và nếu như mọi chuyện đều như dự kiến thì vào năm 2002 (3) , người dân châu Âu sẽ được sử dụng tiền giấy và tiền xu euro. Hiện nay, EU đã trở thành một trong ba trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế thế giới với GDP tương đương 5544,11 tỷ euro (trong khi Mỹ là 7317,55 và Nhật Bản là 3512,43 tỷ euro).

Về kinh tế, Liên minh châu Âu đã thiết lập được thị trường chung từ năm 1993, trao đổi giữa các nước trong Liên minh trở nên thuận tiện vì các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ. Trong những năm qua, vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A’ làm cho nền kinh tế nhiều nước bị rung chuyển, tốc độ tăng trưởng GDP của EU vẫn tiếp tục được duy trì với mức độ tương đối cao (xem bảng 1). Cho đến nay, giá trị thương mại của Liên minh châu Âu chiếm tới 20% giá trị thương mại của thế giới và GDP của EU chiếm tới 20% GDP của toàn thế giới (4).

Về tiền tệ, với những bước khởi đầu của Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu cuối những năm 80 (trong bản báo cáo của Delors năm 1989), Liên minh châu Âu đã thực hiện đầy đủ lịch trình của Liên minh kinh tế và tiền tệ dự kiến ban đầu gồm 3 giai đoạn và giai đoạn cuối cùng là việc ra đời đồng euro. Do các tiêu chí để gia nhập Liên minh kinh tế và tiền tệ hết sức khắt khe và cụ thể, cho đến nay chỉ có 11 quốc gia tham gia vào Liên minh kinh tế và tiền tệ này (Hy Lạp vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí mà Liên minh đề ra, còn 3 nước Anh, Đan Mạch và Thuỵ Điển vẫn chưa sẵn sàng gia nhập Liên minh này). Việc đồng euro ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch tài chính giữa các nước thành viên và điều quan trọng hơn là nó đã phần nào phá bỏ được vị trí độc tôn trong giao dịch tiền tệ quốc tế của đồng USD.

Bên cạnh những thành tựu nói trên, phải thấy rằng hiện nay Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Về mặt xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của EU vẫn thuộc loại cao (xem bảng 2). Cao nhất là Tây Ban Nha – 14,9%, thấp nhất là Luxembua – 2,2% và số người thất nghiệp của EU đã lên tới con số 15 triệu người vào thời điểm hiện nay (5).

Bên cạnh đó, đồng tiền chung euro cũng đã phải chịu không ít sóng gió. Việc đồng euro liên tục bị mất giá trong mấy tháng qua đã làm nhiều nhà kinh tế châu Âu lo ngại. Nếu như vào thời điểm ra đời đồng euro (1/1999), các nhà lãnh đạo EU còn băn khoăn lo ngại về “đồng euro mạnh” (1 USD = 0,84 euro) sẽ làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Âu, nhất là tình hình xuất khẩu của tổ chức này, thì giờ đây họ lại phải đối mặt với tình trạng ngược lại “đồng euro yếu – trong những tháng qua đồng euro liên tục bị mất giá trị so với đồng đôla (tính đến giữa tháng 9/2000 đồng euro đã mất tới 27% giá trị (6). Tình trạng trên trước mắt sẽ khuyến khích được tình hình xuất khẩu của EU, nhưng về lâu dài, nếu Ngân hàng trung ương châu Âu không có những chính sách tiền tệ thích hợp để chấm dứt tình trạng này thì sức sản xuất của các doanh nghiệp ở châu Âu sẽ bị giảm và các chính phủ sẽ phải dừng các cải tổ cơ cấu ở mỗi nước (7).

Mới đây, ngày 18/10, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Đan Mạch để xem người dân Đan Mạch đã sẵn sàng gia nhập khu vực đồng euro chưa, thực sự nằm ngoài mong muốn của các nhà lãnh đạo EU với kết quả 53,1% người không ủng hộ so với 46,9% người ủng hộ. Mặc dù đây chỉ là ý kiến của người dân Đan Mạch chứ không phải của cả châu Âu, nhưng kết quả này phần nào đã làm cho ý chí của người dân châu Âu ít nhiều bị lung lay và điều này cũng cho thấy người dân châu Âu vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào đồng euro.

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài việc phải đối mặt với một số khó khăn về kinh tế – xã hội như đã nói ở trên, hiện nay Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn sau đây: vấn đề mở rộng Liên minh, cải cách các thể chế của Liên minh và vấn đề xây dựng một chính sách an ninh và phòng thủ chung.

1. Vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu:

Trước hết, cần phải khẳng định rằng vấn đề mở rộng Liên minh về phía Đông vẫn là một mục tiêu lâu dài của EU. Trong tương lai EU vẫn phải chú trọng tới việc mở rộng sang phía Đông và phía Nam vì những lợi ích sau đây:

– Tăng sự ổn định cho châu lục và có thể sẽ ngăn chặn được những cuộc xung đột như ở Nam Tư cũ.

– Tăng cường trao đổi trong thị trường nội khối, lượng người tiêu thụ sẽ tăng từ 374 lên đến 480 triệu người.

– Việc mở rộng sẽ làm tăng vị thế của châu Âu trên trường quốc tế nhất là trong những đàm phán về thương mại.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay đang đặt cho Liên minh rất nhiều vấn đề. Từ 6 nước thành viên ban đầu, Liên minh châu Âu hiện nay có tới 15 nước thành viên (8). Nhưng kết nạp thêm các thành viên khác là một vấn đề nan giải và thực sự là một thách thức đối với EU hiện nay. Hiện đang có 13 quốc gia đệ đơn xin gia nhập EU, đó là : Hungari, Ba Lan, Cộng hoà Séc, Bungari, đảo Síp, Estonia, Lettonia, Lituania, Malta, Roumania, Slovakia, Slovenia và Thổ Nhĩ Kỳ (9). Những lý do khiến EU chần chừ là:

Thứ nhất, đó là sự chênh lệch về mức sống giữa mặt bằng chung của EU với mức sống của các nước ứng cử viên. Hiện nay, nền kinh tế EU đang khởi sắc, mức sống của công dân trong Liên minh nhìn chung khá cao, trong khi nền kinh tế của các nước ứng cử viên vẫn còn thấp. Đơn cử như GDP theo đầu người của Slovenia chỉ bằng 59% bình quân GDP của EU, tại Ba Lan con số này chỉ tương đương với 31%, ở Hungari là 37% và với Cộng hoà Séc là 55%.Trình độ phát triển của các nước này vẫn còn chưa tương xứng với mặt bằng chung của EU hiện nay, chính vì vậy rất có thể các nước này sẽ là “lực ỳ” cản trở sự phát triển của châu Âu. Như vậy EU sẽ gặp phải khó khăn khi kết nạp thêm các nước này, vì nếu xét theo logic thì Liên minh châu Âu sẽ bị giảm sức mạnh của mình. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, nếu kết nạp thêm 5 nước đầu tiên xin gia nhập thì GDP bình quân theo đầu người của EU sẽ giảm từ 17.260 Euro xuống còn 15.740 Euro.

Thứ hai, là vấn đề kinh phí. Để kết nạp các nước thành viên mới thì EU cần phải có một khoản tài chính không phải là nhỏ để giúp các nước này về mặt kỹ thuật và cơ cấu. Nhưng trong dự toán tài chính giai đoạn 2000-2006 của Lịch trình 2000 thông qua 3/1999, không cho phép xem xét một kế hoạch mở rộng trước những năm cuối của giai đoạn này và rất có thể phải đến năm 2003 EU mới có thể xem xét việc kết nạp thêm thành viên mới (10).

Thứ ba, kết nạp quá nhiều các quốc gia có nền văn hoá và chế độ chính trị khác nhau thì liệu có ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách chung của châu Âu? Việc kết nạp thêm Thổ Nhĩ Kỳ- một đất nước đa phần là dân đạo Hồi, EU có phải đương đầu với vấn đề tôn giáo?

2. Vấn đề cải tổ Liên minh châu Âu:

Các thể chế và cách thức làm việc của Liên minh châu Âu hiện nay tỏ ra không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Cơ cấu tổ chức của Liên minh 6 nước không còn thích hợp với một Liên minh gồm 15 nước như hiện nay và có thể sẽ gồm 28 nước trong tương lai. Hiện nay Uỷ ban châu Âu đang bị chỉ trích rất nhiều về cách làm việc, về quản lý kém và là thể chế không còn ảnh hưởng. Chính vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử của thể chế này, dưới áp lực của nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu của ông Jacques Santer đã phải từ chức tập thể. Uy tín của ông Prodi hiện nay cũng đang bị giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy, những cải cách về thể chế của EU là tất yếu và theo các hướng sau :

Cải cách quy mô Uỷ ban châu Âu: Hiện nay Uỷ ban gồm 20 thành viên (5 nước lớn- mỗi nước 2 thành viên, 10 nước nhỏ- mỗi nước 1 thành viên). Dự án cải cách chủ trương sẽ giảm số uỷ viên. Các nước lớn trong EU đều muốn giữ số uỷ viên của mình trong khi các nước nhỏ cũng đòi sự bình đẳng. Sau này, khi EU mở rộng với 28 hoặc 30 nước, đây sẽ là một khó khăn thực sự khi đưa ra các quyết nghị của Uỷ ban.

Mở rộng lĩnh vực bỏ phiếu bằng hình thức đa số áp đảo. Hình thức bỏ phiếu đồng thuận trên thực tế là rất bất cập. Nếu chỉ vì vài nước không bỏ phiếu tán thành thì các quyết định sẽ không được thực hiện. Trong tương lai, EU đang xem xét việc cải cách chế độ bỏ phiếu bằng việc tăng dần các lĩnh vực bỏ phiếu đa số áp đảo, điều này có nghĩa là trong tương lai, một nước thành viên của EU sẽ phải áp dụng một chính sách chung ngay cả khi họ bỏ phiếu chống trong khi các nước khác bỏ phiếu thuận; xem xét lại chế độ tỷ lệ các phiếu cho các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh. Vấn đề cải tổ bộ máy của EU có thể sẽ được giải quyết khi Hội đồng châu Âu họp ở Nice vào tháng 12/2000. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này trên thực tế đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực lớn của các nước thành viên EU.

3. Vấn đề xây dựng cơ chế an ninh chung:

Vấn đề này không phải là mới đối với EU. Trong lịch sử tồn tại của mình, EU đã không ít lần thể hiện mong muốn có một cơ chế an ninh chung cho cả khu vực. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thế giới chia làm hai phe nên châu Âu muốn thực hiện mong muốn này để có một sự đảm bảo về an ninh cho châu lục. Tuy nhiên, mong muốn này đã bị mờ nhạt trước những ý đồ và sự đối đầu Xô- Mỹ, và ý tưởng đó của EU đã liên tiếp thất bại: trong kế hoạch xây dựng một Cộng đồng phòng thủ châu Âu năm 1954 cho đến Kế hoạch Fouchet năm 1961.

Đầu những năm 90, những tưởng mong muốn này cũng sẽ mất đi cùng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sự phức tạp của quan hệ quốc tế giai đoạn hậu chiến tranh lạnh như tình hình Nam Tư cũ, sự kiện Kosovo đã làm cho EU ý thức được nguy cơ mất ổn định của các cuộc xung đột , ảnh hưởng đến sự phát triển của lục địa già này. Trong những sự kiện trên, EU luôn hành động trong khuôn khổ NATO – một tổ chức mà ai cũng biết là do Mỹ chi phối. Chính vì vậy, châu Âu không thể có tiếng nói của chính mình, không thể hành động theo cách nghĩ của riêng mình mà phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Do đó, hơn bao giờ hết EU muốn có Bản sắc chung về an ninh, muốn chủ động trong các hoạt động quân sự để duy trì ổn định khu vực và độc lập trong hành động và suy nghĩ bằng cách tách ra khỏi NATO và thành lập một lực lượng quân sự của riêng mình. Mong muốn xây dựng một chính sách an ninh và phòng thủ chung của châu Âu dựa trên 3 lợi ích sau đây:

*Thứ nhất, là để tăng cường khả năng giải quyết xung đột và duy trì sự ổn định trong khu vực.

*Thứ hai, EU muốn có lực lượng phòng thủ riêng của mình nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ NATO.

*Thứ ba, khi sức mạnh kinh tế của EU đã tương đối lớn, một hình ảnh châu Âu độc lập về quốc phòng và an ninh sẽ làm tăng cường vị thế của EU trên trường quốc tế.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu này của EU ngày càng lớn, và đã trở thành một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ từ 1/7 đến 31/12/2000 của Pháp trong cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu. Y’ chí này bộc lộ rõ qua các cuộc tiếp xúc kể cả song phương lẫn đa phương và nhất là trong các cuộc họp thượng đỉnh:

*Tháng 7/1998, 6 Bộ trưởng Quốc phòng châu Âu (Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Anh và Thuỵ Điển) đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục lại nền công nghiệp quân sự của châu Âu và tháo gỡ những trở ngại trong những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Bộ trưởng Quốc phòng;

*Tháng 9/1998, các nước như Pháp, Đức, Italia và Anh đã kí Hiệp ước thành lập Tổ chức hợp tác chung về mặt vũ khí (OCCAR) – tổ chức này có nhiệm vụ tiến hành các chương trình vũ khí được các nước thành viên giao phó. Hiệp ước này đang được nghị viện các nước xem xét và phê chuẩn;

*Tháng 12/1998, Hội nghị thượng đỉnh Pháp – Anh diễn ra ở Saint-Malo đã bước đầu dự thảo cho Tuyên bố chung, nhấn mạnh châu Âu cần phải có khả năng hành động độc lập với lực lượng quân đội và những phương tiện cần thiết để có thể tham gia giải quyết khủng hoảng;

*Tháng 5/1999, Hội nghị thượng đỉnh Pháp – Đức diễn ra ở Toulouse, hai nước đã khẳng định mong muốn trang bị cho EU những phương tiện độc lập cần thiết để quyết định và hành động khi gặp khủng hoảng;

*Tháng 6/1999, Hội đồng châu Âu họp ở Cologne đã khẳng định mong muốn của các nước châu Âu thúc đẩy việc xây dựng một chính sách quốc phòng chung.

Trong hai ngày 10 – 11/12/1999, khi Hội đồng châu Âu họp ở Helsinki, EU đã tuyên bố đến năm 2003 sẽ thành lập lực lượng quân sự riêng của châu lục, ước tính bao gồm từ 50.000 đến 60.000 người (11).

Lực lượng phản ứng nhanh của EU trong tương lai sẽ hành động một cách độc lập: với quân đội riêng (quân số do các nước thành viên đóng góp, phương tiện riêng (máy bay và tàu chiến…) và cả một người chỉ huy riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện được mục tiêu thì EU còn có rất nhiều việc phải làm để lực lượng này có vai trò quyết định trong việc giải quyết xung đột trong khu vực: EU phải giải quyết vấn đề có quá nhiều lực lượng quân đội cùng tồn tại: liệu quy chế nhà nước trung lập của A’o, Thuỵ Sĩ có còn không khi EU có chính sách phòng thủ và an ninh chung; mâu thuẫn của các nước lớn trong EU vì mặc dù quyết tâm thực hiện của các nước giống nhau, nhưng mục tiêu của các nước không như nhau. Rất có thể từ những mục tiêu này, sẽ nảy sinh ra những mâu thuẫn nhất định. Và một khó khăn khác khá quyết định đó là hiện nay chi phí cho quốc phòng của EU đang bị giảm sút. Từ năm 1992 đến nay, chi phí cho quốc phòng của EU đã giảm 22%, riêng năm 1999 là 7%. Tình hình này ở mỗi nước là khác nhau: ngân sách dành cho quốc phòng của Anh và Pháp lần lượt là 2,7 và 2,8% GDP, trong khi trung bình con số này ở các nước châu Âu khác dao động từ 1-1,5% GDP, ngân sách dành cho quốc phòng của Đức hiện nay chiếm 1,5% thay vì 3,4% GDP cách đây 10 năm. Từ năm 1992 đến năm 1996, ngân sách quốc phòng của EU đã giảm 43%. Nếu so sánh một cách đơn giản giữa châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực này, thì chi phí cho quốc phòng của Mỹ lớn hơn nhiều. Trong năm 1997, chi phí dành cho quốc phòng của 5 nước có tiềm lực quân sự lớn ở châu Âu chỉ chiếm 1,8% GDP, trong khi con số này của Mỹ là 3,38% GDP. Liên quan đến những thiết bị quốc phòng, Châu Âu chi cho lĩnh vực này chỉ bằng một nửa so với Mỹ: năm 1999, Mỹ chi 48,5 tỷ USD, 54 tỷ USD trong năm 2000 và dự tính sẽ chi 61 tỷ USD vào năm 2001. Trong 5 năm tới, con số này dự tính sẽ là 70,9 tỷ USD (12). Như vậy chúng ta có thể thấy rõ mâu thuẫn giữa mục tiêu và thực tế của EU. Để xây dựng được lực lượng phản ứng nhanh của mình, EU sẽ phải làm thế nào trong khi tình trạng ngân sách dành cho quốc phòng liên tục bị cắt giảm. Trước mắt, để giải quyết được vấn đề này, có lẽ EU sẽ phải dựa vào việc hợp tác giữa các tổ hợp quân sự của các nước và dựa vào sự đóng góp những phương tiện sẵn có của các nước. Nhưng về lâu dài, tình hình ngân sách dành cho quốc phòng cần phải được cải thiện.

Thay lời kết:

Những thành công trong suốt 50 năm tồn tại và phát triển cho thấy EU là một điển hình về liên kết khu vực. Trong tương lai, EU không chỉ bằng lòng với sức mạnh kinh tế của mình mà còn muốn tăng cương vai trò chính trị để trở thành một cực trong thế giới đa cực như EU mong muốn. Để đạt được điều này, chắc chắn EU sẽ phải từng bước khắc phục và giải quyết những khó khăn và thách thức: vấn đề tương quan giữa “sức mạnh châu Âu” với “không gian châu Âu”, vấn đề cải cách thể chế và đặc biệt là vấn đề xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu, từng bước tiến tới xây dựng chính sách an ninh và phòng thủ chung. Trong nhiệm kỳ “gai góc” này, Pháp trong cương vị Chủ tịch EU sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức và, với uy tín và tiếng nói của mình Pháp sẽ giải quyết được những vấn đề trên ở mức độ nào? Trên đây là những thách thức lớn đối với bước phát triển và mục tiêu tiếp theo của châu Âu. EU cần phải dần dần gạt bỏ được những khó khăn đó để tự khẳng định chính mình và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế./.

Tài liệu trích dẫn:

1. Chính vì thế, ngày 9/5 đã trở thành ngày châu Âu.

2. Hiệp ước Shengen cho phép người dân của một nước thành viên đi lại tự do trong lãnh thổ của 13 quốc gia thành viên khác ký kết Hiệp ước này (trừ Anh và Ailen).

3. Thời điểm hoàn thành việc chuyển đổi đồng tiền chung và cho phát hành tiền giấy và tiền xu euro.

4. Họp báo của BT/NG Pháp, ông Hubert Vedrine taih khóa họp thứ 55 của Đại hội đồng LHQ ngày 13/9/2000.

5. Báo L’humanite’ ngày 9/5/2000.

6. Báo Le Monde Diplomatique, 10/2000, p. 1.

7. Báo Le Monde Diplomatique, 10/2000.

8. Báo Le Monde Diplomatique, 10/2000.

9. Báo Le Monde Diplomatique, 10/2000.

10. “De’fense Nationale”, 5/2000, p. 75.

11..”De’fense Nationale”, 6/2000, p. 34-36.

12. “De’fense Nationale”, 7/2000, p. 173./.

Link nguồn: https://dav.edu.vn/so-36-nhung-thach-thuc-doi-voi-lien-minh-chau-au-trong-giai-doan-hien-nay/



Tài liệu Địa Lý miễn phí.
idialy.HLT.vn - dialy.HLT.vn - lop10.idialy.com - lop11.idialy.com -lop12.idialy.com
Lên đầu trang