PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TƯ DUY TRONG DẠY VÀ HỌC MÔN ĐỊA LÝ

Sử dụng Bản đồ Tư duy góp phần rèn luyện phương pháp học tập hiệu quả cho học sinh. Bởi Bản đồ Tư duy chính là công cụ tư duy, là phương pháp khai thác tối đa năng lực của não bộ, đặc biệt là năng lực sáng tạo, từ đó xóa bỏ dần lối học gạo, học vẹt. Với những hiệu quả trên, phương pháp Bản đồ Tư duy đã và sẽ góp phần quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học môn Địa lý, đem lại hiệu quả và niềm say mê đối với học sinh.

Sử dụng Bản đồ Tư duy trong phương pháp thảo luận nhóm.

Đối với phương pháp thảo luận nhóm, thay vì phát phiếu học tập và hoàn thành phiếu học tập như thông thường, giáo viên có thể yêu cầu các nhóm trình bày kết quả thảo luận nhóm với nội dung giáo viên đã giao thông qua các Bản đồ Tư duy. Hiển nhiên, mỗi Bản đồ Tư duy đó không chỉ phản ánh thái độ nghiêm túc, tích cực của cả nhóm trong việc khai thác, lĩnh hội kiến thức giống như một phiếu học tập mà còn in đậm tinh thần đoàn kết cũng như sự hợp tác ăn ý giữa các thành viên trong nhóm đồng thời vẫn thể hiện được màu sắc cá nhân của mỗi học sinh. Học sinh không chỉ được khám phá kiến thức mới mà còn được sáng tạo và khẳng định bản thân, được thuyết trình, học hỏi những cách thể hiện vấn đề theo những góc cạnh khác nhau và được bảo vệ ý tưởng, chính kiến của mình.

Sử dụng Bản đồ Tư duy trong phương pháp động não (Brainstorming).

Ở một góc độ nào đó, bản chất của phương pháp động não chính là Bản đồ Tư duy cả về nội dung và hình thức. Phương pháp động não được sử dụng khá phổ biến trong dạy học Địa lý nhằm phát huy tính sáng tạo, tập trung cao độ và rèn luyện khả năng phản ứng nhanh nhạy của người học. Giáo viên đưa ra một vấn đề có tính tình huống và yêu cầu học sinh giải quyết trong thời gian ngắn và theo hình thức “tiếp sức”. Các học sinh sẽ lần lượt “bật” ra ý tưởng càng nhanh càng tốt, cho đến khi thời gian kết thúc. Khi đó, vấn đề có tính tình huống giáo viên tung ra được thể hiện ở trung tâm của Bản đồ Tư duy thông qua một bức tranh hay hình ảnh đồ họa. Mỗi ý tưởng của học sinh là một phân nhánh cấp 1. Kết thúc cuộc chơi, ta sẽ có một Bản đồ Tư duy đồ sộ là tập hợp sức mạnh tư duy của cả tập thể, đồng thời kích thích sự tham gia, hứng thú và nhiệt tình của tất cả người học trên tinh thần tôn trọng và học hỏi.

Sử dụng Bản đồ Tư duy trong phương pháp đàm thoại - gợi mở.

Đàm thoại - gợi mở là một trong những phương pháp dạy học có hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong các giờ lên lớp. Chắt lọc và phát huy nhân tố tích cực của phương pháp đàm thoại - gợi mở, phát vấn với những câu hỏi có vấn đề sẽ kích thích được trí tò mò và ham học hỏi của học sinh. Thực chất, trong các nhà trường phổ thông hiện nay, giáo viên và học sinh thường làm việc với các sơ đồ. Đây là một hình thức của sử dụng Bản đồ Tư duy kết hợp với phương pháp đàm thoại - gợi mở. Để thực hiện có hiệu quả phương pháp này, giáo viên nêu lên nội dung chính cần tìm hiểu và ghi ở giữa bảng với kích thước lớn để hình thành Bản đồ Tư duy và thu hút sự chú ý của học sinh. Sau đó, giáo viên đưa ra các câu hỏi gợi mở nhằm hướng học sinh triển khai các nội hàm của nội dung chính.

Sử dụng Bản đồ Tư duy trong củng cố kiến thức, ôn tập

Việc sử dụng Bản đồ Tư duy để hệ thống hóa kiến thức về bản chất cũng giống như việc xây dựng sơ đồ trên, đều phát triển các nhánh theo cấu trúc của vấn đề. Tuy nhiên, ở Bản đồ Tư duy, hệ thống kênh chữ sẽ được súc tích hơn nữa, màu sắc cũng được sử dụng linh hoạt và phát huy hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Bản đồ Tư duy còn sử dụng hệ thống các hình ảnh xuyên suốt để gây ấn tượng và tăng cường khả năng ghi nhớ của học sinh. Mặc dù vậy, sơ đồ trên đã bước đầu mang dáng dấp của Bản đồ Tư duy và ở một góc độ nào đó, sơ đồ này rất thuận lợi cho việc củng cố và hệ thống hóa kiến thức.

Sử dụng Bản đồ Tư duy trong kiểm tra, đánh giá.

Việc kiểm tra bằng Bản đồ Tư duy là một hình thức kiểm tra toàn diện. Thông qua đó, giáo viên không chỉ đánh giá được kiến thức của học sinh, khả năng ghi nhớ, sự chuyên cần học tập. Hơn thế nữa, nó còn cho phép giáo viên đánh giá được năng lực tư duy khoa học, tính logic, trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ và sáng tạo của học sinh. Chính vì điều đó, sự phản hồi của học sinh thông qua Bản đồ Tư duy có giá trị hơn rất nhiều so với phương pháp kiểm tra tự luận và trắc nghiệm khách quan.
Như vậy, Bản đồ Tư duy có thể được ứng dụng rộng rãi trong dạy học Địa lý nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động của học sinh, hướng tới dạy học lấy người học làm trung tâm. Trên hết, Bản đồ Tư duy rèn luyện cho học sinh phương pháp tư duy tích cực, một nhân tố quan trọng giúp học sinh hoàn thiện phương pháp tự học nhằm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo và học tập suốt đời.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang