Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (P)

Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (P)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (P)


P

PALÊÔGEN : (Pg)  thời kì đầu cuả kỉ Đệ Tam, gồm có hai thời kì nhỏ : Êôxen và Ôligôxen.
PAMPA :  đồng cỏ ở Nam Mĩ, hình thành trong điều kiện khí hậu ôn đới nóng, có mưa nhiều về mùa hạ. Ví dụ : pampa ở Achentina...
PAMPÊRÔ :  gió mạnh và lạnh, có hướng nam hoặc tây-nam, thổi opử vùng pampa, trên lãnh thổ các nước Achentina và Urugoay. Gió đem theo mưa và giông, làm cho nhiệt độ hạ xuống đột  ngột.
PECMI : (P)  kỉ cuối cùng của đại Cổ sinh, tiếp ngay sau kỉ Cacbon. Thời gian kéo dài khoảng 25 triệu năm.
PHÁ : vũng nước mặn ở bờ biển, được hình thành do có doi cát chắn ở phía ngoài và các cửa sông trong đất liền chảy ra. Phá thường có các cửa thông với biển. Ví dụ : phá Tam giang ở Thừa Thiên có cửa Thuận An thông ra biển...
PHẢN LƯU : dòng nước ( biển) chảy ngược chiều với một dòng khác. Ví dụ : phản lưu xích đạo là dòng biển chảy theo hướng Tây - Đông, ngược chiều với dòng biển xích đạo, chảy theo hướng Đông - Tây.
PHẢN TÍN PHONG : (nghịch tín phong) loại gió ở trên cao, thổi ngược chiều với tín phong. Tín phong và phản tín phong tạo thành một vòng hoàn lưu không khí, chuyển động theo chiều thẳng đứng. Tín phong là kết quả của sự chuyển động của khối không khí sát mặt đất, từ  vùng chí tuyến về xích đạo, còn phản tín phong thì di chuyển ở trên cao, từ xích đạo về chí tuyến, để bổ sung cho khối không khí ở chí tuyến đã chuyển đi.
PHÁT KIẾN ĐỊA LÍ : sự phát hiện những vùng đất đai mới trên bề mặt Trái đất. Trong lịch sử, thời kì từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII là thời kì có các cuộc phát kiến địa lí lớn của nhân loại. Con người đã tìm ra các châu lục mới, khám phá, đi sâu vào các lục địa và tìm ra các đường biển cũng như các đường bộ đi từ châu lục này sang châu lục khác.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG : thuật ngữ do LHQ đưa ra để chỉ hình
      thức phát triển kinh tế-xã  hội có tính đến yếu tố môi trường. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội rõ ràng là phải hướng vào việc khai thác môi trường và tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả, nhưng đồng thời vẫn phải tránh được sự huỷ hoại khả năng tái tạo bền vững của môi trường. Nói một cách khác, cần phải bảo đảm sự cân bằng giữa sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
PHAY :   X.   Đoạn tầng.
PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG QUỐC TẾ :  sự phân hoá trong quá trình sán xuất chuyên môn hoá
      giữa các nước. Mỗi nước đều có những mặt hàng sản xuất theo thế mạnh của mình để trao đổi với  các nước khác. Tình hình đó diễn ra một cách tự phát, nhưng vẫn được coi như một quá trình có sự phân công về mặt lao động sản - xuất.
PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG THEO LÃNH THỔ :  sự phân hoá trong quá trình sản xuất chuyên
      môn  hoá giữa các vùng trong một nước. Mỗi vùng đều có những mặt hàng sản xuất theo thế mạnh của mình để trao đổi với các vùng khác.
PHÂN HỮU CƠ : phân chứa những chất dinh dưỡng ở dạng những hợp chất hữu cơ.
PHÂN KHOÁNG : phân bón chứa những nguyên tố đại lượng và vi lượng vô cơ.
PHÂN LOẠI KHÍ HẬU :  cách sắp xếp, phân chia hệ thống khí hậu trên Trái Đất thành những loại, những kiểu khác nhau. Có nhiều cách phân loại tuỳ thuộc vào quan điểm của các nhà khí  hậu học. Tương đối đơn giản và thông dụng trong các tài liệu giáo khoa hiện nay là cách phân loại  của nhà khí hậu học Nga B.P. Alixôp. Theo cách phân loại này, thì khí hậu trên thế giới có thể chia ra 4 loại chính ( khí hậu xích đới, khí hậu nhiệt đới, khí hậu ôn đới và khí hậu cực đới ) và 3 loại phụ ( khí hậu cận xích đạo, khí hậu cận nhiệt đới và khí hậu cận cực đới). Trong mỗi loại lại có thể phân chia thêm một số kiểu như : khí hậu lục địa, khí hậu ở bờ tây các lục địa và
      khí hậu ở bờ đông các lục địa.
PHÂN LƯU : dòng chảy chia bớt lượng nước cho một dòng sông.
PHÂN THUỶ :  X.   Đường chia nước.
PHÂN VI LƯỢNG : phân chứa một lượng nhỏ các chất hoạt hoá các quá trình sinh hoá cần thiết  cho  sự  sinh trưởng của thực vật.
PHÂN VI SINH : phân có chứa các vi  sinh vật có ích, nhằm làm tăng độ phì nhiêu cho đất và tăng năng suất cây trồng. Loại phân vi sinh phổ biến hiện nay là loại chứa các vi khuẩn cộng sinh cố định đạm ở các nốt sần trên rễ các cây họ đậu. Việc bón các loại phân vi sinh có tác dụng tương tự như bón phân đạm, nhưng với số lượng ít hơn nhiều và nhất là không làm ô nhiễm  môi trường.
PHÂN VÔ CƠ : còn gọi là phân khoáng, vì thành phần các chất dinh dưỡng của nó chủ yếu là các chất vô cơ.
PHẪU DIỆN ĐẤT :  mặt cắt theo chiều thẳng đứng, biểu hiện được toàn bộ cấu trúc các tầng đất  trong một loại thổ nhưỡng. Độ sâu của phẫu diện đất phải đạt tối thiểu khoảng 1,2m. Dựa vào phẫu diện đất, người ta có thể phát hiện ra được các đặc điểm cũng như nguồn gốc phát  sinh và quá trình phát triển của các loại thổ nhưỡng.
PHERALIT :  loại đất màu đỏ hoặc vàng đỏ, hình thành ở các miền nhiệt đới ẩm như nước ta, có thành phần chủ yếu là các khoáng vật thứ sinh, chứa nhiều ôxyt sắt và nhôm, trong đó tỉ lệ ôxyt sắt cao hơn tỉ lệ ôxyt nhôm.
PHENXPAT :  khoáng vật có phạm vi phân bố rất rộng trong lớp vỏ Trái Đất. Thành phần chủ yếu là muối của axit silic với canxi, kali...Phenxpat không hoà tan trong nước, nhưng khi lộ ra  ngoài mặt đất, chịu tác động của không khí và nước cũng bị phân giải, sau một thời gian, thành đất sét trắng.
PHI ĐỊA ĐỚI :  không phụ thuộc vào tính chất phân bố theo đới. Ví dụ : núi và sông là những yếu tố phi địa đới của cảnh quan, bởi vì chúng có mặt ở tất cả các đới, không phụ thuộc vào riêng một đới nào. Tuy vậy, ảnh hưởng của đới vẫn để lại dấu vết trên các yếu tố phi địa đới này.
PHIO :  thuật ngữ có gốc từ tiếng Na Uy chỉ nhánh biển hẹp, hai bên có vách đá dốc, ăn sâu vào đất liền, có khi tới 200km. Phio được hình thành trong những vùng trước đây vốn có băng hà bao phủ. Đó là những thung lũng băng hà cổ đã bị nước biển tiến vào phủ ngập. Hiện nay, Phio còn có nhiều ở bờ tây bán đảo Scanđinavi, ở đảo Grơnlen, và ở Pêru.
PHONG HOÁ :  quá trình phân huỷ và làm biến đổi các loại đá do tác động của các nhân tố ngoại lực. Có thể phân ra 3 loại phong hoá chủ yếu :
           1)- Phong hoá lí học  ( phong  hoá cơ giới, cơ học) là sự phá huỷ đá ra thành các khối vụn có kích thước to, nhỏ khác nhau. Thành phần  hoá học của đá và các khoáng vật không thay đổi. Các nhân tố chủ yếu của loại phong hoá  này là ; sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, tác  động ma sát hoặc va đập của gió, của sóng, của  nước chảy v.v...
           2)- Phong hoá hoá học  là sự phá huỷ, làm biến đổi đá và các khoáng vật của nó do tác động của không khí và các loại dung dịch ( ôxy hoá, hoà tan do axit cacbônic v.v...). Trong loại phong hoá này, đá và các khoáng vật của nó bị biến đổi chủ yếu về mặt thành phần hoá học. Ví dụ : phenxpat bị phong hoá thành sét cao lanh (kaolin).
          3)- Phong hoá sinh học  là sự phá huỷ đá và các khoáng vật của nó dưới tác động của các sinh vật như : các vi khuẩn, nấm, mốc, rêu, rễ cây v.v...Các sinh vật này len lỏi vào các kẽ đá, tiết ra dung dịch, làm  cho đá vừa bị phá huỷ về mặt cơ giới, vừa bị phá huỷ về mặt hoá học. Sự phân biệt ra ba loại phong hoá nói trên, thực ra chỉ có ý nghĩa về mặt lí thuyết. Trong thực tế, quá trình phong hoá thường diễn ra đồng thời về cả 3 mặt : lí học, hoá học và sinh học. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp, sẽ có một mặt trội hơn  hai mặt khác.
PHONG KẾ : ( phong tốc kế)  X.   Máy đo gió.
PHÓNG LƯU : (jet stream)  dòng không khí chuyển động rất nhanh, theo hướng tây-đông, quan  sát được ở những lớp không khí trên cao ( từ 10.000 đến 15.000m) trong các vùng cận nhiệt  đới của hai bán cầu. Tốc độ gió đạt tới 500km/h.
PHÓNG XẠ :  đặc tính của một số chất hoá học có khả năng tự phân huỷ trong những khoảng thời gian khác nhau, để biến thành các chất khác như : rađi, thôri, urani v.v...Trong quá trình tự phân huỷ, sẽ có một nguồn năng lượng nhiệt rất cao được giải phóng. Hiện nay, thời gian tự phân huỷ của các chất phóng xạ cũng còn được nghiên cứu để tính tuổi địa chất của các lớp đất đá, các loại hoá thạch. Ví dụ : chất phóng xạ đồng vị của cacbon  C14.
PHÔTPHORIT : loại đá trầm tích, thường có màu xám xẫm, giàu hợp chất muối của axit phôtphoric. Các hợp chất này phần lớn có dạng hạt. Những nơi có nhiều mỏ phôtphorit trên  thế giới là vùng Bắc Phi, bán đảo Phloriđa ở Hoa Kì v.v...
PHƠN :  thuật ngữ gốc tiếng Đức, chỉ loại gió nóng khô, thổi từ sườn nam núi Anpơ sang các thung lũng núi ở sườn bắc, trên đất Đức và Thuỵ Sĩ.  X.  thêm :   Gió Phơn.
PHRÔNG : diện tiếp xúc giữa các khối khí có đặc tính khác nhau về nhiệt độ, mật độ và độ ẩm.  X. Khối khí.
PHÙ SA :  hạt vật chất nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở và được các dòng sông mang theo dòng nước. Phù sa là vật liệu tạo nên các dạng địa hình bồi tích ở vùng hạ lưu  sông.
PHỤ LƯU :  nhánh sông phụ đổ nước vào sông chính. Ví dụ : sông Lô, sông Đà là các phụ lưu của sông Hồng.
PHỤ PHẨM :  sản phẩm phụ thu được trong quá trình sản xuất một sản phẩm khác, được coi là  sản phẩm chính.
PHƯƠNG PHÁP CHIẾU ĐỒ :  phương pháp biểu hiện mạng lưới kinh vĩ tuyến trên bề mặt Trái Đất  lên mặt phẳng của giấy để vẽ bản đồ, bằng cách chiếu hình. Có nhiều phương pháp chiếu đồ  khác nhau. Nếu căn cứ vào đặc tính sai số của việc chiếu hình, có thể phân ra : phương pháp  chiếu đồ đồng góc, phương pháp chiếu đồ đồng diện tích, phương pháp chiếu đồ đồng khoảng cách. Nếu căn cứ vào đặc điểm của bề mặt hình chiếu, có thể phân ra : phương pháp chiếu đồ phương vị ( bề mặt quả  cầu trực tiếp chiếu lên mặt phẳng), phương pháp chiếu đồ hình trụ ( bề mặt quả cầu  chiếu lên bề mặt một hình trụ, sau đó trải ra thành mặt phẳng) và phương pháp chiếu đồ hình nón ( bề mặt quả cầu chiếu lên mặt một hình nón, sau đó trải ra thành mặt phẳng). Nếu căn cứ vào đặc điểm vị trí đặt quả cầu khi chiếu hình, có thể phân ra : phương pháp chiếu đồ theo cực, phương pháp chiếu đồ theo xích đạo và phương pháp chiếu đồ nghiêng.
PHƯƠNG PHÁP ĐỊA CHẤN :  phương pháp thăm dò địa vật lí dựa trên đặc tính và tốc độ của các sóng âm phản  xạ từ những bề mặt tiếp xúc khác nhau của các lớp đất đá ở dưới sâu, khi tạo ra  những chấn động ( do một chất nổ gây ra) ở trên mặt đất. Với phương pháp địa chấn, người ta có thể đoán  định được cấu tạo cũng như thành phần của các lớp đất đá ở dưới sâu, trong lòng Trái Đất. Hiện nay, phương pháp địa chấn cũng được dùng khá phổ biến trong công tác thăm dò địa chất và các mỏ khoáng sản.
PHƯƠNG PHÁP LỊCH SỬ :  một trong những phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học địa lí. Các nhà địa lí học dùng phương pháp lịch sử để nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng địa lí tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội đã xảy ra trong quá khứ, từ đó giải  thích được và hiểu sâu hơn những sự kiện và hiện tượng địa lí đang xảy ra hiện nay và hướng phát triển của chúng trong tương lai.
PHƯƠNG PHÁP TAYLO :  cách thức tổ chức hợp lí hoá sản xuất do kĩ sư Taylo đề xuất, nhằm tăng năng suất lao động bằng cách thực hiện việc chuyên môn hoá và định lượng thời gian cần thiết cho những thao tác trong một dây chuyền sản xuất.
PICHMÊ :  các bộ tộc người có thân thể lùn thấp, da màu nâu xẫm, chiều cao trung bình từ  1,4 đến  1,5m. Người Nêgrilô ở vùng châu Phi xích đạo và người Nêgritô ở vùng Đông Nam Á (Xumatra, Malaixia, Irian v.v..)  cũng thuộc chủng tộc này.
PIRIT :  quặng sắt có thành phần chủ yếu là sunphua sắt ( FeS2).
PIRÔXEN :  khoáng vật có nhiều trong thành phần các loại đá phún xuất. Thành phần chủ yếu gồm : silicat sắt, manhê, canxi và đôi khi có cả nhôm.
PLANTÔN :  ( sinh vật nổi, sinh vật phù du)  sinh vật không có cơ quan tự di chuyển, trôi nổi trên mặt nước hoặc trong các lớp nước. Plantôn là nguồn thức ăn chính của các loài cá, tôm ...
PNB :  (produit national brut)  tổng giá trị của cải do tất cả các cơ sở sản xuất của một nước ( trong lãnh thổ quốc gia và ở nước ngoài) làm thêm ra được, ngoài giá trị các tài sản đã có. PNB cũng  còn gọi là thu nhập quốc dân.
PÔLINÊDIÊNG :  dân cư sinh sống trên các đảo thuộc quần đảo Pôlinêdi trong Thái Bình Dương.
PÔTDÔN : loại đất chua, nghèo chất dinh dưỡng, do chịu tác động rửa trôi mạnh trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Loại đất này  trên mặt có một tầng rửa trôi (A2), màu xám tro, nên có tên  pôtdôn . Đất pôtdôn phát triển chủ yếu ở các vùng ôn đới lạnh, dưới rừng cây lá kim.
PÔTDÔN HOÁ :  quá trình đất bị rửa trôi các chất dinh dưỡng, làm xuất hiện tầng đất cát màu xám tro, chua, nghèo mùn (tầng pôtdôn) không thích hợp đối với sản xuất nông nghiệp.
PRERI :  vùng đồng cỏ ôn đới rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ, kéo dài từ Canađa xuống Hoa Kì. Vùng này có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa mì và chăn nuôi gia súc.
PUMA :  thú ăn thịt, có hình dạng giống sư tử cái, không có bờm, sống ở châu Mĩ.
PUNA :  bình nguyên bán  hoang mạc trong vùng núi Anđet ở Nam Mĩ. Ví dụ : puna Atacama.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang