Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (S)

Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (S)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (S)


S

SA NHÂN : cây thuộc họ gừng, có hạt dùng làm thuốc, một đặc sản ở vùng nhiệt đới như nước ta.
SA THẠCH :  X.  Đá cát
SÁCH ĐỎ : sách ghi danh mục các động vật quý, hiếm còn sót lại (của thế giới, quốc gia...) cần được  bảo vệ
SÁCH XANH :  sách ghi danh mục các loài thực vật quý hiếm còn sót lại, cần được bảo vệ.
SẢN PHẨM TỔNG HỢP : sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp nhân tạo, tổng hợp các chất có
      trong  thành phần của sản phẩm tự nhiên, để thay thế cho các sản phẩm tự nhiên. Ví dụ : tơ sợi  
      tổng hợp, cao su tổng hợp v.v...
SÂN CHIM : nơi vắng vẻ có nhiều cây ở một khu rừng, hay một khu vườn thường có nhiều chim
      thuộc loài cò, vạc đến ngủ đêm và đẻ trứng.
SAO : thuật ngữ không chímh xác về mặt khoa học, được dùng một cách chung chung và phổ biến để 
      chỉ các thiên thể phát ra ánh sáng nhìn thấy được trên bầu trời (không kể Mặt Trăng và Mặt
      Trời). Ví dụ : sao Bắc Cực, sao Kim, sao chổi, sao băng vv....
SAO BẮC CỰC :  một trong bảy ngôi sao thuộc chòm Bắc Đẩu hay Gấu nhỏ (Tiểu Hùng). Có tên sao
      Bắc Cực, bởi vì hiện nay ngôi sao này nằm gần đúng hướng đường thẳng kéo dài của trục Trái
      Đất xuyên qua cực Bắc. Nhờ vị trí của sao Bắc Cực trên bầu trời, mà từ xưa các nhà thiên  văn và
      hàng hải đã xác định được hướng Bắc địa lí.
SAO CHỔI : thiên thể trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện trên bầu trời ban đêm, bao giờ cũng kéo
      theo một đuôi (dải ánh sáng dài), gần giống như một cái chổi. Sao chổi có hai bộ phận : đầu là
      một khối nhân sáng chói, đuôi là một đám mây hơi, xoè dần về phía sau tạo thành một dải ánh 
      sáng mờ. Đuôi sao chổi bao giờ cũng có hướng ngược chiều với hướng Mặt Trời.  Sao chổi càng
      tiến đến gần Mặt Trời thì đuôi càng dài và càng hiện rõ.  Quỹ đạo của sao chổi có hình  ellip rất
      dẹt. Mỗi năm, trên bầu trời thường xuất hiện một số sao chổi.  Những ngôi nhìn thấy được là
      những ngôi khi chuyển động trên quỹ đạo, đã đến gần Trái Đất  của chúng ta. Sao chổi thường
      xuất hiện theo chu kì. Ví dụ : sao chổi Halây có chu kì 76 năm vv...
SAO DIÊM VƯƠNG : (Pluto) hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời, cách xa Mặt Trời 39,44 đơn vị thiên văn. Sao Diêm Vương có kích thước nhỏ hơn Trái Đất. Đường kính của nó có lẽ chỉ bằng khoảng từ 0,12 đến 0, 30 lần đường kính của Trái Đất. Chu kì quay quanh Mặt Trời của nó bằng 248
       năm (năm trên Trái Đất) và chu kì quay quanh trục bằng 6,4 ngày (ngày trên Trái Đất). Trước kia, người ta cho rằng sao Diêm Vương không có vệ tinh, nhưng gần đây người ta đã phát hiện thấy nó có 1 vệ tinh.
SAO ĐỔI NGÔI : hiện tượng một vật thể rắn (một khối thiên thạch) phát sáng ban đêm thành một
      vệt dài, do sự ma sát của nó với không khí, khi di chuyển  qua các tầng khí quyển dày, trông
      giống như một ngôi sao di chuyển  chỗ, nên gọi là sao đổi ngôi hoặc sao băng.
SAO HẢI VƯƠNG : hành tinh thứ  8 trong hệ Mặt Trời, cách xa Mặt Trời 30,6 đơn vị thiên văn. Đường kính của sao Hải Vương lớn hơn đường kính Trái Đất 3,88 lần. Chu kì quay một vòng quanh Mặt Trời của nó mất 165 năm (năm trên Trái Đất), còn chu kì quay quanh trục bằng 18 giờ (giờ trên Trái Đất). Hiện nay, người ta đã phát hiện được 8 vệ tinh của sao Hải Vương.
SAO HOẢ : hành tinh thứ 4 trong hệ Mặt Trời, có khoảng cách đến Mặt Trời bằng 1,52 đơn vị thiên văn. Sao Hoả là một hành tinh nhỏ thuộc "nhóm Trái Đất". Đường kính của nó chỉ bằng 0,52 lần đường kính Trái Đất. Chu kì quay quanh  Mặt Trời của sao Hoả bằng 687 ngày (ngày trên Trái Đất). Chu kì quay quanh trục bằng 25 giờ (giờ trên Trái Đất). Sao Hoả có 2 vệ tinh.
SAO KIM : hành tinh cách xa Mặt Trời 0,72 đơn vị thiên văn. Sao Kim là  hành tinh gần Trái Đất nhất và cũng có kích thước gần tương tự như Trái Đất. Chu kì quay quanh Mặt Trời  của sao Kim bằng 225 ngày (ngày trên Trái Đất), nhưng chu kì quay quanh trục của nó lại dài tới 243 ngày (ngày trên Trái Đất). Sao Kim không có vệ tinh. Nó cũng thường xuất hiện  trên bầu trời mùa hạ vào buổi chiều và buổi sáng với các tên gọi quen thuộc là sao Hôm và sao Mai.
SAO MỘC : hành tinh thứ 5 trong hệ Mặt Trời, cách xa Mặt Trời 5,2 đơn vị thiên văn. Sao Mộc là
       hành tinh lớn nhất trong số 9 hành tinh quay quanh Mặt Trời. Đường kính của nó bằng 11,27 lần đường kính của Trái Đất. Chu kì quay quanh Mặt Trời của sao Mộc dài 12 năm (năm trên Trái Đất) còn chu kì quay quanh trục của nó chỉ có 10 giờ (giờ trên Trái Đất). Sao Mộc có 16 vệ tinh.
SAO THIÊN VƯƠNG : hành tinh thứ 7 trong hệ Mặt Trời, cách xa Mặt Trời 19,18 đơn vị thiên văn. Đường kính của sao Thiên Vương lớn hơn đường kính Trái Đất 4,10 lần. Chu kì chuyển động của nó quanh Mặt Trời bằng 84 năm (năm trên Trái Đất) còn chu kì chuyển động quanh trục bằng 16 giờ (giờ trên Trái Đất). Sao Thiên Vương có 15 vệ tinh.
SAO THỔ : hành tinh thứ 6 trong hệ Mặt Trời, cách xa Mặt Trời 9,54 đơn vị thiên văn. Đường kính của sao Thổ lớn hơn đường kính của Trái Đất 9,44 lần. Chu kì quay quanh Mặt Trời  của sao Thổ dài 29 năm (năm trên Trái Đất), còn chu kì tự quay quanh trục bằng 10 giờ (giờ trên Trái Đất). Sao Thổ có 23 vệ tinh.
SAO THUỶ : hành tinh gần Mặt Trời nhất, chỉ cách Mặt Trời có 0,39 đơn vị thiên văn. Sao Thuỷ nhỏ hơn Trái Đất, đường kính bằng 0,38 đường kính Trái Đất. Chu kì quay quanh Mặt Trời của nó bằng 88 ngày (ngày trên Trái Đất), còn chu kì quay quanh trục bằng 59 ngày (ngày trên Trái Đất). Sao Thuỷ không có vệ tinh.
SIAL : bộ phận cứng bên ngoài của vỏ Trái Đất, dày trung bình từ 10 đến 15km, hình thành chủ yếu
      do các loại đá măcma tương tự như đá granit, có thành phần chủ yếu là silicat nhôm. Tỉ trọng
      trung bình từ 2,6 đến 3.
SILICAT : khoáng vật rất phổ biến trong lớp vỏ Trái Đất và là muối axit của axit silic. Thành phần
      hoá học rất đa dạng.
SILUA : (S)  kỉ ngắn nhất của đại Cổ sinh, nằm ở giữa kỉ Oocđôvic và Đềvôn, cách đây vào khoảng
      400 triệu năm. Silua là địa danh chỉ một vùng đất ở phía tây-nam nước Anh, nơi đã tìm thấy các
      loại đá được hình thành trong kỉ này.
SIMA : bộ phận dưới của lớp vỏ Trái Đất, trong đó các loại đá có thành phần chủ yếu là silicat sắt
      và  manhê, tương tự như đá badan. Tỉ trọng trung bình : khoảng 3 hoặc hơn một chút.
SINÚC :  (Shinook)  loại gió nóng từ dãy núi đá Rôcki thổi xuống vùng preri ở Canađa và Hoa Kì
      tương tự như gió Phơn.  X. thêm (gió) Phơn.
SIÊU CƯỜNG QUỐC : quốc gia giàu, mạnh, vượt hẳn các quốc gia giàu mạnh khác. Ví dụ : Hoa
      Kì, Nhật Bản hiện nay là những siêu cường quốc về kinh tế.
SIÊU THỊ : cửa hàng lớn bán lẻ hàng hoá cho những khách hàng theo phương thức tự phục vụ
      (không cần nhiều nhân viên bán hàng). Các siêu thị ở Hoa Kì trước tiên được lập ra với mục đích
       phục vụ cho những người dân sinh sống phân tán ở nông thôn, ít có cơ hội ra thành phố. Hình
       thức này hiện nay rất phổ biến trong nhiều thành phố lớn ở các nước trên thế giới.
SINH QUYỂN : (sinh vật quyển)  một trong những lớp vỏ quan trọng của Trái Đất, nơi phân bố của
      tất cả các sinh vật từ đơn giản đến phức tạp. Phạm vi của sinh quyển bao gồm toàn bộ lớp thuỷ
      quyển, một phần lớp khí quyển (đến độ cao vài chục km) và một phần lớn thạch quyển (đến độ
      sâu vài km). Còn gọi là lớp vỏ sinh vật.
SINH THÁI HỌC :  khoa học nghiên cứu về các mối quan hệ giữa sinh vật và môi trường tự nhiên.
      Các mối quan hệ đó bao gồm một mặt là ảnh hưởng của toàn bộ hoặc từng yếu tố của môi  
      trường tự nhiên đối với sinh vật và mặt khác là sự phụ thuộc của các đặc điểm hình thái, sinh lí
      cũng như  sự biến đổi về số lượng của sinh vật vào các điều kiện của môi trường tự nhiên.
SÓNG BIỂN :  một hình thức vận động của nước biển theo chiều thẳng đứng, nhưng lại cho người
      quan sát cảm giác là nước biển chuyển động theo chiều ngang, từ ngoài khơi xô vào bờ. Hiện
      tượng này cũng giống như hiện tượng chuyển động của các bông lúa, trong ruộng lúa, khi có gió
      thổi qua. Trong chuyển động của sóng, những hạt nước biển di chuyển rất nhịp nhàng theo
      những vòng đối lưu có đường kính khoảng 30m. Vì vậy, sóng chỉ có ở lớp nước biển nông trên 
      mặt. Xuống sâu dưới 30m, nước biển gần như yên tĩnh. Nguyên nhân chủ yếu sinh ra sóng là
      gió. Gió càng mạnh, sóng càng to, mặt biển càng nhấp nhô. Những hạt nước biển chuyển động
      lên cao, khi rơi xuống va đập vào nhau, vỡ tung toé thành bọt trắng. Đó là sóng bạc đầu. Sóng
      còn  có thể sinh ra do nhiều nguyên nhân khác như : do động đất hoặc núi lửa phun ngầm ở đáy
      biển, do sự thay đổi khí áp vv...
SÓNG THẦN : (Xunami)  sóng cao dữ dội, do hiện tượng động đất hoặc núi lửa phun ngầm dưới
      đáy biển gây ra. Sóng thần có chiều cao từ 20 đến 40m, truyền theo chiều ngang với tốc độ từ
      400 đến 800 km/h. Khi vào bờ, sóng có sức tàn phá khốc liệt. Đặc biệt hay xảy ra ở các vùng bờ
      biển Thái Bình Dương.
SÔNG : dòng nước tự nhiên, chảy trong lòng do nó đào và được nuôi dưỡng nhờ lượng nước trong
      lưu vực cung cấp. Đặc điểm cơ bản của sông là lưu lượng nước, phụ thuộc vào chiều dài sông,
      diện tích lưu vực, độ dốc, chiều rộng và độ sâu lòng sông. Sông và tất cả các nhánh của nó tạo
      thành một hệ thống. Cấu trúc hệ thống sông, thung lũng, đặc điểm trắc diện dọc của lòng sông
      đều phụ thuộc vào những đặc điểm của địa hình và cấu tạo điạ chất của lưu vực. Chế dộ khí hậu
      của lưu vực có ảnh hưởng rõ rệt đến dòng chảy và chế độ chảy của sông.
           Nước nuôi dưỡng cho sông gồm có : nước mưa, nước tuyết tan, nước băng hà tan, nước trong
      các hồ và nước ngầm. Tính chất của các nguồn nuôi dưỡng nói trên cũng có ảnh hưởng lớn đến
      chế độ nước chảy và lưu lượng nước trong năm. Chế độ nước chảy và lưu lượng lại có liên quan
      đến các quá trình xâm thực, vận tải phù sa và điều chỉnh lòng của con sông.
SÔNG GIÀ : sông có nước chảy êm đềm, thung lũng sông mở rộng và hoạt động đào sâu lòng không
      đáng kể. Độ chênh giữa mực nước trong lòng sông và mực cơ sở trên phần lớn chiều dài của
      sông nhỏ.
SÔNG TRẺ : ngược lại với sông già, sông trẻ có độ dốc của lòng sông lớn, nước chảy xiết, hoạt động
      đào sâu lòng đang diễn ra mạnh mẽ.
SÔNG TRẺ HOÁ : sông chảy ở các miền địa hình đang được nâng cao (hoặc đang hạ thấp mực cơ
      sở) làm cho độ dốc của lòng sông, độ chênh giữa mực nước sông và mực cơ sở tăng lên. Dòng
      chảy có đặc điểm của những sông trẻ.
SỐNG NÚI : bộ phận cao nhất gồm các đỉnh  kề nhau trong một dãy núi, tạo thành đường phân chia
      hai sườn dốc ở hai bên dãy núi.
SỐNG NÚI ĐẠI DƯƠNG : bộ phận nối các đỉnh của dải núi ngầm lớn ở dưới đáy các đại dương.
      Các sống núi đại dương phần lớn có hình cung, hướng phân tán và bị đứt thành nhiều đoạn, xê
      dịch khỏi hướng chung. Theo thuyết kiến tạo mảng, các sống núi đại dương là khe nứt, nơi
      măcma từ dưới sâu trong lòng đất liên tục đùn lên, mở rộng đáy đại dương theo chiều ngang, đẩy
      các mảng đáy đại dương sang hai bên và tạo ra sức ép vào bờ các lục địa.
SƠ ĐỒ : hình vẽ sơ lược biểu hiện : vị trí, cấu trúc, sự phân bố hoặc các mối quan hệ giữa các sự vật
      và hiện tượng v.v... Ví dụ : sơ đồ các phân xưởng trong một xí nghiệp, sơ đồ một khu phố, sơ đồ
      vùng biển nước ta, sơ đồ các thành phần của cảnh quan vv...
SỢI NHÂN TẠO : sản phẩm hoá chất tổng hợp dùng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt,
      thay thế cho các nguyên liệu tự nhiên. Phần lớn các loại sợi nhân tạo gần đây, được chế ra từ các
      sản phẩm phụ của than đá và dầu mỏ.
SƠN NGUYÊN :  khu vực núi rộng lớn, tưong đối bằng phẳng, trong đó có các dãy núi xen lẫn với
      cao nguyên. Ví dụ : sơn nguyên Tây Tạng (Tibê), sơn nguyên Pamia v.v... Thuật ngữ này thường
      bị dùng lẫn, không phân biệt sơn nguyên với cao nguyên.
SUỐI KHOÁNG : suối có nguồn cung cấp nước là các mạch nước khoáng. X.  Nước dưới đất.
SƯ TỬ BIỂN : loài động vật có vú, chân biến thành vây dài từ 2 đến 4m, sống ở biển, có thể di
      chuyển được thuận lợi khi lên cạn. Sư tử biển trước đây có nhiều ở các vùng biển ven bờ lục địa
      hoặc ven bờ các đảo trong Thái Bình Dương. Loài thú này có bộ da quý, có giá trị kinh tế cao, vì
      vậy chúng bị săn lùng ráo riết. Hiện nay gần như tuyệt chủng.
SỰ TIẾN HOÁ : sự thay đổi liên tục của các giống, loài sinh vật trong quá trình lịch sử của Trái Đất.  
SƯỜN KHUẤT GIÓ : sườn của một ngọn núi, ngọn đồi hoặc một thung lũng ngược chiều với hướng
      gió thổi tới.
SƯỜN KHUẤT NẮNG : sườn núi, đồi hoặc thung lũng nằm ở hướng ngược lại với hướng chiếu của  
      ánh nắng mặt trời. Ở các vùng ôn đới, sườn khuất nắng là sườn quay về hướng bắc (ở bán cầu
      Bắc) hoặc quay về hướng nam ( ở bán cầu Nam). Suốt trong năm, sườn này không nhận được
      hoặc nhận được rất ít ánh nắng của Mặt Trời.
SƯỜN LỤC ĐỊA :  X.  Dốc lục địa.
SƯỜN NÚI :  bộ phận núi có độ dốc lớn, nằm ở giữa chân núi và đỉnh núi.
SƯỜN PHƠI NẮNG :  sườn núi, đồi hoặc thung lũng nằm quay về phía có tia nắng của mặt trời
      chiếu tới. Ở các vùng ôn đới, sườn phơi nắng là sườn quay về hướng nam (ở bán cầu Bắc) hoặc
      hướng bắc (ở bán cầu Nam). Sườn này, trong suốt năm lúc nào cũng nhận được ánh nắng trực
      tiếp của Mặt Trời.
SƯƠNG GIÁ : hình thức ngưng tụ của hơi nước ở các vùng có khí hậu lạnh, tạo thành các tinh thể
      băng bám trên các đường dây điện, các cành cây, bụi cây v.v...
SƯƠNG MÓC : hình thức ngưng tụ của hơi nước ở lớp không khí sát mặt đất thành các giọt nước
      đọng lại trên các lá cây, ngọn cỏ vào lúc gần sáng, khi mặt đất hoá lạnh nhiều nhất.
SƯƠNG MÙ : hình thức ngưng tụ của hơi nước trong lớp không khí đã bão hoà ở gần mặt đất,
      thành những hạt nước nhỏ li ti lơ lửng trong không trung, giống như một bức màn che màu trắng
      đục. Sương mù làm trở ngại cho tầm nhìn xa và việc đi lại của các tàu bè, xe cộ trên biển và
      trong các thành phố lớn. Sương mù thường hình thành vào các buổi sáng. Khi có nhiệt của Mặt
      Trời sưởi nóng, sương mù tan dần và trở thành hơi nước trong không khí. Về buổi chiều, đôi khi
      cũng có sương mù mỏng như màn khói, được gọi là sương khói.
SƯƠNG MUỐI : hình thức ngưng tụ của hơi nước thành những tinh thể băng trắng như những hạt
      muối, ở lớp không khí sát mặt đất (vào ban đêm hoặc lúc gần sáng  khi trời lặng gió). Khi đó
      nhiệt độ không khí đã hạ xuống dưới 00C. Sương muối thường gây nhiều thiệt hại cho cây trồng

      như làm giảm năng suất (do nhựa cây bị đông). Kết quả là cây bị chết héo.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang