Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (T)

Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (T)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (T)

T

TAIGA : thuật ngữ gốc tiếng Nga, chỉ loại rừng lá kim trên lục địa  Á-Âu. Ranh giới phía nam   
      vùng rừng taiga ở Trung Âu xuống đến 60o B. Càng đi về phía đông, ranh giới này càng xuống
      thấp dần. Ở Viễn Đông (Bắc Á) xuống đến vĩ độ 50o B . X. thêm : Rừng lá kim.
TÁI SẢN XUẤT : quá trình sản xuất được lặp lại thường xuyên và phục hồi không ngừng. Có hai
      loại tái sản xuất : tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng. Trong tái sản xuất giản đơn,
      quá trình sản xuất được phục hồi qua từng thời kì với quy mô không thay đổi. Trong tái sản
      xuất mở rộng, quá trình này được tái diễn với quy mô ngày càng lớn.
TÀI NGUYÊN NĂNG LƯỢNG : các nguồn tài nguyên tự nhiên, sản xuất ra năng lượng như : dầu
      mỏ, than đá, khí đốt, ánh sáng Mặt Trời, sức gió, thuỷ triều, nhiệt độ dưới sâu vv...Tuỳ theo trình
      độ khoa học kĩ thuật của con người trong từng thời đại, mà các nguồn tài nguyên năng lượng
      khác nhau được khai thác và sử dụng một cách phổ biến vào mục đích kinh tế.
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN : toàn bộ những giá trị vật chất của thiên nhiên, cần thiết cho sự tồn
      tại và hoạt động kinh tế của xã hội loài người như : khoáng sản, đất đai, động thực vật v.v...và cả
      các điều kiện tự nhiên như : khí hậu, ánh sáng, không khí, nguồn nước v.v...Danh mục các loại
      tài  nguyên thiên nhiên cũng thường xuyên được mở rộng, tuỳ thuộc vào những tiến bộ của xã
      hội, vào trình độ khoa học kĩ thuật của con người. Hiện nay, người ta phân các tài nguyên thiên
      nhiên  ra 3 loại :
         1 - Tài nguyên có thể phục hồi được là các loại tài nguyên thiên nhiên sau khi khai thác, sử
      dụng hết, có thể tái tạo lại được sau một thời gian nhất định. Ví dụ : độ phì của đất đai, số
      lượng  các loài động vật, thực vật  v.v... Tuy nhiên, sự phục hồi đó cũng có giới hạn nhất định.
      Nếu việc  khai thác,  sử dụng vượt quá mức thì không thể phục hồi lại được. Chính vì vậy mà
      trên thế giới  hiện nay đã có nhiều loài động, thực vật  hoàn toàn bị tuyệt chủng, nhiều vùng đất
      đai trở thành  hoang mạc v.v...
         2 -  Tài nguyên không phục hồi lại được : các loại tài nguyên thiên nhiên mà quá trình hình
      thành của chúng quá dài, hoặc điều kiện hình thành của chúng khó lặp lại. Ví dụ : khoáng sản
      là những tài nguyên đã được hình thành trong những khoảng thời gian dài hàng triệu năm,
      hoặc  trong những điều kiện địa hình, khí hậu v.v... hết sức đặc biệt.
         3 -  Tài nguyên vô tận : các loại tài nguyên thiên nhiên tồn tại trên bề mặt Trái Đất với một
      lượng rất lớn, không bao giờ cạn, như không khí, nước, ánh sáng Mặt Trời v.v...Tuy nói là vô
      tận, nhưng các loại tài nguyên này cũng có giới hạn  nhất định. Nếu như chất lượng của nó vì
      một lí do nào đó thay đổi (ví dụ : nước sông, nước biển bị ô nhiễm) thì giá trị sử dụng sẽ không
      còn nữa. Lúc đó tính chất vô tận cũng không còn ý nghĩa.
TAM GIÁC CHÂU :  X.   Châu thổ.
TAM GIÁC ĐẠC :  phương pháp đo đạc các khoảng cách trên bề mặt Trái Đất một cách gián tiếp,
      dựa  vào cách đo góc và cạnh của một hệ thống tam giác giữa hai điểm đầu và cuối của khoảng
      cách đó.
TANVÊCH : thuật ngữ gốc tiếng Đức, chỉ đường nối các điểm thấp nhất ở đáy một thung lũng sông.
TÁN : đĩa ánh sáng màu trắng đục đôi khi xuất hiện ở xung quanh Mặt Trăng hoặc Mặt Trời báo
      hiệu  những  ngày có thời tiết xấu. Tán xảy ra trong điều kiện có một lớp mây ti tầng dày trong
      khí  quyển. Khi ánh sáng Mặt Trăng, Mặt Trời  xuyên qua lớp mây, các hạt nước tán xạ ánh
      sáng, sẽ tạo ra các tán hoặc quầng, tuỳ theo độ dày của lớp mây.
TÂN KIẾN TẠO :  hoạt động địa chất có quy mô lớn như : vận động tạo sơn, đoạn tầng vv... xảy ra
      gần  đây nhất, trong suốt kỉ Đệ Tứ và còn kéo dài tới ngày nay. Nguyên nhân của các hoạt
      động  này có  liên quan đến  sự di chuyển và va chạm vào nhau của các mảng lục địa.
TÂN THẾ GIỚI : thuật ngữ chỉ châu Mĩ từ sau thể kỉ 16, vì châu Mĩ là thế giới mới được phát hiện,
      còn  cựu thế giới là thế giới cũ bao gồm các châu lục Âu, Á, và Phi.
TẦNG BÌNH LƯU : tầng không khí nằm sát ngay trên tầng đối lưu, bắt đầu từ độ cao khoảng 10-18   
      km đến 60 km. Thành phần không khí ở đây tương tự như trong tầng đối lưu, nhưng tỉ lệ hơi
      nước giảm đi, tỉ lệ ôdôn tăng lên (tập trung nhiều nhất ở khoảng 25 - 35km). Nhiệt độ ở đáy
      tầng bình lưu vào khoảng - 40o C, - 50oC. Lên cao hơn, nhiệt độ lại tăng. Càng lên cao, nhiệt 
      độ càng tăng. Ở đỉnh tầng, nhiệt độ dao động xung quanh 0oC . Trong tầng bình lưu, gió thổi rất
      mạnh theo hướng vĩ tuyến với tốc độ rất lớn, từ 280 đến 360km/h.
TẦNG CHỨA NƯỚC: tầng đất đá thấm nước (có các lỗ hổng giữ được nước) nằm ở trên một tầng
      đất đá không thấm nước trong cấu trúc các lớp đất đá của vỏ Trái Đất.
TẦNG ĐẤT : bộ phận của phẫu diện thổ nhưỡng có màu sắc, cấu trúc, tính chất riêng, biểu hiện
      tính phân lớp của toàn phẫu diện. Trong một phẫu diện đất, tuỳ theo đặc điểm của mỗi tầng, có
      thể phân ra các tầng chính : tầng A (tầng chứa mùn), tầng B (tầng tích tụ), tầng C (tầng đá  
      mẹ), tầng D (tầng đá gốc). Một số tầng lại có thể phân ra những tầng nhỏ hơn như : tầng A0,
          tầng A1, tầng A2 hoặc tầng B1, tầng B2 v.v...
TẦNG ĐỐI LƯU : tầng không khí thấp nhất trong khí quyển, có chiều dày từ 8 đến 18 km. Tầng
      đối lưu chứa gần 4/5 lượng không khí và hầu như toàn bộ lượng hơi nước trong khí quyển. Nhiệt  
      độ không khí trong tầng đối lưu giảm dần theo độ cao, trung bình cứ 100m lại giảm đi 0,65oC.
      Hầu hết các hiện tượng khí tượng như : mây, mưa, gió, bão v.v... đều xảy ra trong tầng này, nơi
      không  khí có sự vân chuyển đối lưu theo chiều thẳng đứng.
TẦNG IÔN : tầng cao và loãng nhất của khí quyển, nằm ở độ cao từ 80km đến 10.000km. Đặc
      điểm chủ yếu của tầng này là có sự phân li các nguyên tử và phân tử khí (ôxy, nitơ...) ra các iôn
      và điện tử tự do dưới tác động của các tia tử ngoại trong bức xạ Mặt Trời. Hiện tượng chứa các
      phần tử khí cực loãng và bị iôn hoá đã làm cho tầng iôn trở thành môi trường dẫn điện cao, có
      khả năng phát  sáng (hiện tượng cực quang)  và truyền các sóng vô tuyến điện ngắn  đi xa.
      Hiện nay, nhờ việc phóng các tên lửa, vệ tinh nhân tạo và các con tàu vũ trụ, việc nghiên cứu
      tầng iôn càng có nhiều  thuận lợi.
TẦNG ÔDÔN :  tầng tập trung đại bộ phận khí ôdôn (O3) trong khí quyển, nằm ở độ cao từ 25 đến
      35km (trong tầng bình lưu). Mật độ ô dôn ở đây so với trên mặt đất cao hơn gấp 10 lần.
      Nguyên  nhân hình thành ôdôn trong tầng này là do tác dụng phân li các phân tử ôxy (O2) để 
      hình  thành  các phân tử ôdôn (O3). Tầng ôdôn là bức màn chắn các tia bức xạ vũ trụ, bảo vệ
      cho cuộc sống của các sinh vật trên bề  mặt Trái Đất. Hiện nay, việc giảm độ dày và gây ra
      những lỗ thủng trong tầng ôdôn đang là một nguy cơ đe doạ sự sống của nhân loại.
TẦNG PHÁT SINH CỦA ĐẤT : thuật ngữ chỉ các tầng đất có đặc tính tương đối đồng nhất, được
      sắp xếp nằm song song với nhau từ mặt đất xuống đến tầng đá mẹ. Trong quá trình hình thành
      thổ nhưỡng, các tầng này đã được phân hoá về màu sắc, về cấu trúc, về thành phần và về nhiều
      đặc tính khác. Nhờ việc quan sát  những sự khác biệt trong các tầng phát sinh của thổ nhưỡng,
      mà các nhà thổ nhưỡng học có thể phát hiện và hình dung ra được toàn bộ quá trình, từ  khi
      các lớp đất mới bắt đầu hình thành. Hiện  nay, việc quan sát trực tiếp các tầng phát sinh của
      thổ  nhưỡng là phương pháp chủ yếu để nghiên cứu nguồn gốc và các đặc tính cơ bản của thổ
      nhưỡng. X.  thêm :  Tầng đất. 
TẦNG KHÍ QUYỂN TRUNG GIAN : tầng giữa của khí quyển, nằm bên trên tầng bình lưu ở độ
      cao từ 60 đến 80 - 85km. Đặc điểm của tầng này là có sự giảm dần nhiệt độ của không khí theo
      chiều cao (từ 0oC ở trên đỉnh tầng bình lưu đến  -90oC ở đỉnh tầng trung gian).
TẬP TRUNG CÔNG NGHIỆP THEO CHIỀU DỌC :  tổ chức việc kết hợp vào một xí nghiệp tất
      cả các khâu sản xuất công nghiệp nối tiếp nhau, từ khâu khai thác nguyên liệu và năng lượng
      đến khâu chế biến thành phẩm.
TẬP TRUNG CÔNG NGHIỆP THEO CHIỀU NGANG : tổ chức việc kết hợp về mặt tài chính nhiều
      xưởng hoặc nhiều xí nghiệp của một ngành công nghiệp thành một xí nghiệp.
TẬP TRUNG HOÁ SẢN XUẤT : quá trình hợp nhất một số cơ sở sản xuất nhỏ thành một xí
      nghiệp lớn, nhằm mục đích mở rộng sản xuất dựa vào sự tập trung vốn, tập trung cơ sở kĩ thuật
      và tập trung nhân lực.
TERA RÔTXA : loại đất đỏ hình thành trên lớp trầm tích sét đỏ của đá vôi phong hoá ở vùng bờ
      biển Ađriatich thuộc Địa Trung Hải. Đất Tera Rôtxa có phản ứng kiềm vì có hàm lượng canxi
      cao. Loại đất này khá phì nhiêu.
TÊ GIÁC : động vật có vú lớn, khoẻ, da dày, thân dài khoảng 4m, cao 2m, sinh sống chủ yếu ở vùng
      nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tê giác châu Á có một sừng ở trán, còn tê giác châu Phi có hai
      sừng. Sừng tê giác rất quý và có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy mà loài thú này đã bị săn lùng
      và giết  hại. Nhiều nơi đã bị tuyệt chủng.
TÊ TÊ :  động vật nhỏ có vú, không răng, thân có vảy sừng, ăn mối và kiến. Tê tê sống chủ yếu ở
      châu Á, châu Phi và châu Mĩ. Giống tê tê châu Mĩ  nhỏ hơn giống tê tê châu Á và châu Phi.
THÁC NƯỚC : hiện tượng một dòng sông hoặc một dòng suối đổ nước từ trên cao xuống, khi lòng
      sông hoặc lòng suối có một sự hạ thấp độ cao đột ngột, do kết quả  bị xâm thực không đồng
      đêù của các loại đá ở lòng sông. Thác thường thấy ở các sông và suối miền núi. Thác lớn nổi
      tiếng thế giới là Niagara (Bắc Mĩ). Thác này nằm trên sông cùng tên, chảy giữa hai hồ Êri và
      Ôntariô,  có chiều rộng hơn 1.000m và đổ xuống từ độ cao 50m.
           Thác nói chung, có ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của tàu, thuyền trên sông nhưng lại có giá
      trị  quan trọng về mặt thuỷ năng. Những nơi có thác thường là những nơi thuận tiện cho việc
      xây dựng các trạm thuỷ điện.
THẠCH ANH :  tinh thể silic có màu trắng đục hoặc vàng thường thấy trong thành phần của nhiều
      loại  đá trong lớp vỏ Trái Đất.
THẠCH MIÊN :  X.   Amiăng.
THẠCH NHŨ :  sản phẩm hình thành trong các hang động do sự nhỏ giọt của dung dịch đá vôi hoà
      tan trong axit cacbônic. Những giọt dung dịch này có màu trắng giống sữa, khi bốc hơi, để lại
      chất đá vôi rắn gọi là thạch nhũ. Trong các hang động, thạch nhũ nhỏ từng giọt từ trần xuống,
      lâu ngày tạo nên các khối đá có hình thù khác nhau. Những khối thạch nhũ hình chóp nón từ
      trần nhô ra gọi là vú đá.  Các khối thạch nhũ nhô cao trên mặt đất gọi là măng đá. Khi các vú đá
      và măng đá nối liền với nhau sẽ thành các cột đá.
THẠCH QUYỂN :  X.   Lớp vỏ đá.
THÁI DƯƠNG HỆ :  X.  Hệ Mặt Trời.
THAN BÙN : loại than có chất lượng kém, hình thành ở các vùng đầm lầy ẩm ướt do sự tích luỹ
      xác thực vật được phân giải trong điều kiện thiếu ôxy. Hàm lượng cacbon trong than bùn thường
      dưới  60%.
THAN CỐC :  X.  Cốc.
THAN ĐÁ :  đá trầm tích có nguồn gốc thực vật hoá thạch màu đen, dễ cháy và cho nhiệt độ cao.
      Các mỏ than đá lớn trên thế giới được hình thành chủ yếu trong kỉ Cacbon thuộc đại Cổ sinh.
      Lúc này thảm thực vật trên bề mặt Trái Đất rất phồn thịnh. Khi bị vùi lấp trong các đầm lầy và
      hồ, xác thực vật bị chuyển hoá thành một lớp bùn hữu cơ. Dưới tác động phân giải của vi sinh
      vật, và bị vùi  sâu, nén chặt lâu ngày trong các lớp đất sâu, lớp bùn này trở thành than đá.
          Than đá có nhiều loại, tuỳ theo hàm lượng cacbon. Than antraxit chứa từ  92 đến 98% cacbon,
      than gày từ 85 đến 90%, than mỡ từ 70 đến 85%, than nâu từ 60 đến 75%. Than đá được dùng
      phổ biến làm nhiên liệu và nguyên liệu cho ngành công nghiệp hoá chất.
THAN ĐỎ :  thuật ngữ dùng để chỉ nguồn năng lượng địa nhiệt.
THAN TRẮNG :  thuật ngữ dùng để chỉ nguồn năng lượng do các dòng nước chảy sinh ra.
THAN XANH :  thuật ngữ dùng để chỉ nguồn năng lượng do thuỷ triều sinh ra.
THAN VÀNG :  thuật ngữ dùng để chỉ nguồn năng lượng do Mặt Trời sinh ra.
THÁN KHÍ :  X.  Khí cacbônic.
THANG BÔPHO :  thang chỉ tốc độ gió gồm 12 cấp, do đô đốc hải quân Bôpho đề ra vào đầu thế kỉ
      19, đến nay vẫn được quốc tế công nhận. X.  thêm : Gió.
THANG MECCALI : thang chỉ mức thiệt hại do hiện tượng động đất gây ra, gồm có 12 bậc. Mỗi bậc được minh hoạ cụ thể bằng những thiệt hại do mắt ta nhìn thấy. Ví dụ: đồ đạc đổ vỡ, nhà cửa bị phá hoại v.v...
THANG RICHTE : thang chỉ cường độ động đất gồm 9 cấp do Saclơ Richte (Charles Richter), giáo
      sư trường Đại học Caliphonia đưa ra năm 1935.
THÀNH PHỐ :  khái niệm hiện nay có nội dung chưa thống nhất giữa các nước. Hội nghị quốc tế 
      năm  1976 ở Canađa cũng chưa đưa ra được một định nghĩa thoả đáng. Nói chung, thành phố
      là một  địa điểm quần cư, một đơn vị hành chính có hai đặc điểm quan trọng :
         1-  có một số dân nhất định
         2-  có một chức năng riêng, khác với các địa điểm quần cư khác.
           Về số dân, mỗi nước đều có những quy định riêng, không giống nhau. Ví dụ : ở Liên bang
      Nga  là trên 12.000 người, ở Cuba là 2.000 người, ở Gana là 5.000 người, còn ở Uganđa thì  chỉ
      cần có trên 100 người. Đặc biệt ở Cộng hoà Nam Phi còn có thêm một điều kiện : không dưới
      500 người,  nhưng ít nhất phải có 100 người da trắng.
          Về chức năng, hầu hết các nước nói chung, đều cho rằng : chức năng chủ yếu của thành phố
      không phải là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên các quy định về vấn đề này cũng có khác nhau.
      Ở Nga, số người sống trong thành phố bằng công nghiệp và dịch vụ phải trên 85%, ở Nhật Bản
      và Hà Lan là từ 60 đến 83% trở lên. Ở Philippin lại quy định rõ: thành phố phải có hệ thống
      đường phố, phải có từ 6 điểm buôn bán trở lên, có nhà thờ, có quảng trường, có chợ, trường học,
      bệnh viện vv...
          Hiện nay, các thành phố trên thế giới có thể phân ra 5 loại theo chức năng chủ yếu:
           1-  Thành phố trung tâm chính trị, văn hoá : đặc điểm chủ yếu là có truyền thống văn hoá,
      lịch  sử, có các cơ quan chính quyền trung ương, các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học v.v...
      Thường là thủ đô quốc gia.
           2-  Thành phố cảng, đầu mối giao thông, trung tâm thương nghiệp : đặc điểm chủ yếu là có
      các hoạt động xuất, nhập khẩu, các quan hệ giao lưu kinh tế sầm uất. Trong thành phố có
      nhiều bến cảng, sân bay, nhà ga, các cơ sở dịch vụ v.v...
           3-  Thành phố trung tâm công nghiệp :  đặc điểm chủ yếu là có nhiều cơ sở sản xuất quan
      trọng, nhiều ngành công nghiệp có tầm cỡ quốc gia.
           4-  Thành phố du lịch, trung tâm dịch vụ : đặc điểm chủ yếu là có các nguồn tài nguyên du
      lịch phong phú (phong cảnh đẹp, khí hậu tốt, nhiều di  tích lịch sử...), các bãi tắm, những nhà
      điều dưỡng v.v...
           5-  Thành phố vệ tinh : đặc điểm chủ yếu là quy mô không lớn, nhưng có hiệu quả kinh tế
      cao, thường có những ngành phục vụ hoặc bổ sung cho những ngành chuyên môn hoá của
      thành phố  chính.
          Ở nước ta, thành phố có 2 cấp :  Thành phố do Trung ương quản lí (về  mặt hành chính,
      ngang với cấp tỉnh) như : Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Các thành phố này
      đều có trên 1 triệu dân, có các cơ sở quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá. Thành phố do
      tỉnh  quản lí, tuy không lớn bằng các thành phố kể trên, nhưng có số dân hàng chục vạn người
      và  cũng là những trung tâm công thương nghiệp và văn hoá của địa phương. Ví dụ : thành
      phố  Việt Trì thuộc tỉnh  Phú Thọ, thành phố  Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng v.v...
THÀNH PHỐ KĨ THUẬT : (technopolis) cộng đồng được tổ chức một cách tối ưu để đạt được
      các mục đích : lối  sống lành mạnh, duy trì và phát triển các truyền thống văn hoá và sản xuất
      công nghệ phát triển  cao, tách khỏi các trung tâm công nghiệp, thích ứng một cách tối đa với
      những điều kiện địa phương. Từ đầu những năm  50 trên thế giới bắt đầu có những trung tâm 
      nghiên  cứu và sản xuất khoa học-kĩ thuật mới với những tên gọi khác nhau : công viên khoa
      học, vùng công nghiệp khoa học, thành phố đại học, đảo kĩ thuật v.v...
THÀNH PHỐ LIÊN HỢP : tập hợp các đô thị gồm có một thành phố chính và các thành phố nhỏ
      hơn ở xung quanh.
THÀNH PHỐ VỆ TINH :  thuật ngữ chỉ các thành phố nhỏ ở xung quanh một thành phố lớn và
      thường có các mối quan hệ chặt chẽ với thành phố này về các mặt kinh tế, văn hoá. Ví dụ : cung 
      cấp các sản  phẩm thô, sản xuất các phụ tùng, linh kiện, phục vụ cho các xí nghiệp trong thành 
      phố chính hoặc có các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân viên kĩ thuật cho các ngành sản xuất 
      trong thành phố  chính  v.v...
THÀNH THỊ :  X.  Đô thị.
THẢO NGUYÊN :  đồng cỏ ở vùng ôn đới, có khí hậu hanh khô, ít mưa, thích hợp cho việc chăn
      nuôi gia súc và trồng các cây lương thực không đòi hỏi độ ẩm cao như : lúa mì, lúa mạch vv...
THÁP TUỔI :  (tháp dân số)  biểu đồ có hình tháp, biểu hiện kết cấu dân số theo giới, theo nhóm
      tuổi  của một quốc gia, một địa phương, ở một thời điểm nhất định.
THẰN LẰN KHỔNG LỒ :  X.  Khủng long.
THÂM CANH : hình thức canh tác có hiệu quả cao dựa vào việc khai thác triệt để khả năng sản
      xuất của đất đai trên cơ sở áp dụng các biện pháp kĩ thuật mới như : sử dụng máy nông nghiệp,
      tưới tiêu, bón phân, lai tạo giống v.v...và các hình thức tổ chức lao động sản xuất hợp lí.
           Thâm canh là hình thức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện diện tích đất canh tác bị hạn
      chế, ngược lại với quảng canh là hình thức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện diện tích đất
      đai thưà thãi.
THẦN ĐẠO :  (Shinto) tôn giáo ở Nhật Bản, thực hiện việc thờ cúng tổ tiên và các sức mạnh thiên
      nhiên như : nữ thần Amatêrasu, thần Mặt Trời v.v...
THẾ GIỚI THỨ BA :  thuật ngữ được dùng vào những năm 1950 để chỉ các nước nhỏ mới thoát khỏi
      ách thống trị của các đế quốc, được coi như một thế giới riêng bên cạnh hai thế giới lớn đang
      mâu thuẫn nhau gay gắt (một là : các nước tư bản phương Tây và hai là : các nước XHCN).
THỂ TỔNG HỢP ĐỊA LÍ : thuật  ngữ đồng nghĩa với cảnh quan, được hiểu theo tinh thần không
      nằm trong hệ thống phân loại. Thể tổng hợp địa lí có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị như : đới,
      vùng, khu vực v.v...kể cả toàn bộ lớp vỏ địa lí. Tất cả các thành phần trong thể tổng hợp địa lí 
      như : địa  hình, nước, khí hậu, thổ nhưỡng, động thực vật v.v... đều phụ thuộc và tác động lẫn 
      nhau, hình  thành một hệ thống thống nhất và liên tục. Sự thay đổi của một thành phần sẽ kéo
      theo sự thay đổi cấu trúc của toàn bộ thể tổng hợp.
THỀM LỤC ĐỊA : bộ phận của rìa lục địa kéo dài dưới mặt nước đại dương, có độ dốc nhỏ và
      không sâu quá 200m. Địa hình thềm lục địa thường mang dấu vết tiếp tục của địa hình lục địa
      như các thung lũng sông, các dãy núi chìm dưới mặt nước... (Thung lũng sông Cửu Long ở nước
      ta vẫn còn tiếp tục kéo dài rất xa trên bề mặt thềm lục địa). Về mặt pháp lí, theo quy định của
      luật biển quốc tế năm 1982, thì thềm lục địa bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. 
      Thềm lục địa kéo dài ra ngoài khơi đến 200 hải lí, tính từ đường cơ sở. Nếu thềm lục địa tự
      nhiên vượt quá 200 hải lí, thì có thể mở rộng ra đến 350 hải lí hoặc không quá 100 hải lí, kể từ
      đường nối liền các điểm có độ sâu đến  2.500m.
THỊ TRƯỜNG : 1-  nơi trao đổi hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ giữa người bán và người mua.
                           2-  nơi diễn ra toàn bộ những quan hệ kinh tế  hình thành trong lĩnh vực trao đổi
      và tiêu  thụ hàng hoá. Ví dụ : nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường, tiếp cận thị trường, quy
      luật thị  trường...
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN : thị trường về vốn có tính tổ chức cao, ở đó các chứng khoán (cổ
      phiếu và các phương tiện tín dụng trung hạn và dài hạn) được mua bán thông qua những người
      làm nghề môi giới và mua bán chứng khoán.THÍCH NGHI KHÍ HẬU : làm quen với những điều kiện khí hậu mới để duy trì sự sống và phát
      triển. Hiện tượng này rất phổ biến khi con người đem các loài động, thực vật từ nơi này sang nơi
      khác  để nuôi trồng. Ví dụ : ngô và khoai tây được đem từ châu Mĩ sang các châu Á, Âu, Phi,
      cừu được  đem từ châu Âu sang Ôxtrâylia  v.v...
THIÊN ĐỈNH : điểm cao nhất trên bầu trời, nằm trên đường thẳng đứng kéo dài từ đỉnh đầu người
      quan sát lên cao.
THIÊN THẠCH : khối vật chất có kích thước to, nhỏ khác nhau, chuyển động trong không gian vũ
      trụ. Khi đi vào lớp khí quyển của Trái Đất, do hiện tượng ma sát với không khí, thiên thạch bốc
      cháy tạo thành hiện tượng sao băng hoặc sao đổi ngôi. Một số thiên thạch lớn có thể rơi được
      xuống bề mặt Trái Đất, còn các khối nhỏ thường bị bốc hơi hết trước khi xuống đến mặt đất.
      Qua nghiên  cứu các mảnh thiên thạch thu lượm được, các nhà khoa học đã chia thiên thạch ra
      hai loại : thiên  thạch đá và thiên thạch sắt.  Thành phần cấu tạo của các thiên thạch đá chủ yếu
      là các loại silicat,  còn thành phần cấu tạo của các thiên thạch sắt thì chất sắt chiếm tới 90%,
      niken khoảng 8 -9%. Còn lại là một số kim loại khác như : côban, đồng v.v... 
THIÊN VĂN HỌC : khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, cấu tạo cũng như quy luật chuyển động và
      sự phát triển của các thiên thể. Về mặt thực tiễn, dựa vào các kiến thức về thiên văn học, người
      ta có thể xác định được một cách chính xác thời gian, kinh độ, vĩ độ v.v...của các địa phương
      trên  Trái  Đất, phục vụ đắc lực cho các ngành giao thông trên biển và trên không. Thiên văn học 
      cũng có nhiệm vụ nghiên cứu các đặc tính lí học và hoá học của các thiên thể để từ đó giải thích
      được nguyên nhân hình thành và quá trình phát triển của chúng (kể cả của Trái Đất).
      Trong thời kì hiện đại, thiên văn học còn cung cấp cho con người những hiểu biết phục vụ cho
      ngành hàng không vũ trụ.
THIÊN VĂN BỨC XẠ : môn học nghiên cứu các thiên thể dựa vào những sóng bức xạ từ chúng
      phát ra.
THỔ DÂN :  người dân có nguồn gốc ở địa phương và sinh sống ở địa phương.
THỔ NGỮ :  tiếng nói riêng của địa phương.
THỔ NHƯỠNG :  lớp vật chất mỏng, tơi xốp phủ trên mặt lớp nham thạch của vỏ Trái Đất. Thổ
      nhưỡng được hình thành trực tiếp từ lớp đá mẹ, tức từ lớp đá gốc đã bị phong hoá, do các tác
      nhân lí, hoá và sinh học. Một trong những đặc tính cơ bản của thổ nhưỡng là có độ phì, tức khả 
      năng cho năng suất thực vật. Thành phần của thổ nhưỡng gồm có các vật chất vô cơ (đá, khoáng
      vật bị phân huỷ), các vật chất hữu cơ (các xác động thực vật bị phân giải, các sinh vật sống  như
      vi khuẩn, giun, dế...) , nước và các chất khí tồn tại trong các khe hổng giữa các hạt đất.
THỔ NHƯỠNG HỌC :  khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, quá trình phát triển cũng như các tính
      chất vật lí, hoá học, nông học của thổ nhưỡng.
THỔI MÒN :  hiện tượng phá hoại đá và thổ nhưỡng do tác động của gió. Hoạt động thổi mòn xảy
      ra ở tất cả các đới tự nhiên, nhưng đặc biệt mạnh mẽ ở các vùng hoang mạc.
THÔNG : cây lá kim, xanh quanh năm, sinh sống chủ yếu ở các vùng ôn đới và trên các sườn núi
      cao thuộc nhiệt đới. Thông có nhiều giống như : thông hai lá, thông ba lá...
THÔNG TIN VÔ TUYẾN :  phương pháp liên lạc truyền, nhận thông tin được thực hiện qua các
      sóng điện từ, với các phương tiện không dùng dây nối trực tiếp.
THỜI KÌ BĂNG HÀ :  thời kì có băng hà lục địa phát triển mạnh nhất, bao phủ nhiều vùng đất đai
      rộng lớn trên bề mặt Trái Đất, tương ứng với chu kì khí hậu lạnh đi của Trái Đất. Thời kì băng
      hà mới  nhất bắt đầu xảy ra cách đây khoảng 1 triệu năm và kết thúc cách đây từ 8 đến 25 nghìn
      năm, cũng gọi là thời kì băng hà kỉ Đệ Tứ. Lúc đó băng hà bao phủ gần 1/3 diện tích thế giới
      (phía bắc các lục địa Á - Âu và Bắc Mĩ). Vết tích để lại rõ rệt nhất là vô số các hồ băng hà và
      các dải đôi thạch trên đồng bằng Bắc Âu v.v...
THỜI KÌ ĐỒ ĐÁ CŨ :  thời kì đầu tiên của thời kì tiền sử, đặc trưng là việc chế tạo công cụ bằng đá
      đẽo. Thời kì này kéo dài hàng trăm nghìn năm và chuyển sang thời kì đồ đá giữa vào khoảng
     12.000  năm trước Công nguyên.
THỜI KÌ ĐỒ ĐÁ MỚI :  thời kì vào khoảng từ 8.000 đến 2.500 năm trước Công nguyên. Trong thời
      kì này, con người đã biết mài đá, biết trồng trọt, chăn nuôi và xây cất nhà sàn. Tuỳ theo từng nơi,
      sự phát triển của thời kì này sớm, muộn có khác nhau. Ví dụ : ở Lưỡng Hà, Ấn Độ bắt đầu từ
      8.000 năm trước đây, nhưng ở Trung Mĩ, chỉ mới bắt đầu cách đây 3.000 năm.
THỜI KÌ GIỮA BĂNG HÀ :  thời kì chuyển tiếp giữa hai đợt băng hà, tương ứng với thời kì Trái
      Đất có khí hậu nóng dần lên.
THỜI KÌ MỞ ĐẦU CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN :  thời kì bắt đầu từ thế kỉ 18 và phát triển mạnh vào
      thế kỉ 19. Nhờ phương thức sản xuất công nghiệp, dựa chủ yếu vào cuộc Cách mạng khoa học-
      kĩ thuật (xảy ra trước hết ở nước Anh, rồi sau đó ở các nước khác của châu Âu), nền kinh tế của
      các nước này đã phát triển mạnh mẽ và tạo ra một giai cấp tư sản giàu có, xâm nhập vào thị
      trường khắp thế giới.
THỜI KÌ TIỀN SỬ :  thời kì trước khi có sử, bao gồm thời gian từ khi loài người xuất hiện đến khi
      có được những tài liệu sử viết đầu tiên. Thời kì này kéo dài gần suốt kỉ Đệ Tứ cho đến thời đại
      kim khí, tức là vào khoảng 2.000 năm trước Công nguyên.
THU NHẬP QUỐC DÂN :  giá trị mới (thường tính bằng USD) được tạo ra trong phạm vi toàn bộ
      các ngành kinh tế của một nước. Phần giá trị này được tính bằng cách lấy giá trị tổng sản phẩm
      của nền kinh tế quốc dân trừ phần giá trị các tư liệu sản xuất bị tiêu hao trong một thời gian nhất
      định (một năm). Cách tính thu nhập quốc dân ở các nước có nền kinh tế thị trường và ở các nước 
      XHCN trước đây có khác nhau. Các nước XHCN cho rằng chỉ có các ngành  sản  xuất vật chất
      và các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp sản xuất như : kế toán, chuyên chở hàng hoá v.v... mới
      thuộc phạm trù sản xuất. Các dịch vụ khác như : chuyên chở hành khách, giáo dục, y tế... là
      thuộc phạm  trù phi sản xuất, không đóng góp vào giá trị tăng thêm. Trong khi đó,  các nước có
      nền kinh tế thị trường lại quan niệm là tất cả các ngành dịch vụ đều có thể đóng góp vào giá trị
      tăng thêm. Vì  vậy, cách tính thu nhập quốc dân của các nước XHCN thường đưa đến con số
      thấp hơn so với cách tính cuả các nước theo kinh tế thị trường. Hiện  nay, cách tính theo các
      nước có nền kinh tế thị trường được coi là phương pháp chính thức do Liên Hiệp Quốc đề xướng,
      để các nước áp dụng, nhằm so sánh mức thu nhập giữa các nước đó với nhau.
THU NHẬP BÌNH QUÂN THEO ĐẦU NGƯỜI :  giá trị (tính bằng USD) trung bình do mỗi  
      người dân trong nước làm ra được trong một năm, sau khi đã trừ đi giá trị trung bình các tư liệu
      sản xuất bị tiêu hao. Để tính thu nhập bình quân theo đầu người, người ta lấy giá trị thu nhập
      quốc dân chia cho tổng số dân trong nước.
THU PHÂN :  1-  vị trí của Trái Đất trên quỹ đạo vào ngày  23 tháng 9. Lúc đó Mặt Trời chiếu thẳng
      góc với mặt đất ở xích đạo lúc giữa trưa
                        2-  một trong 24 tiết trong âm dương lịch, nằm ở giữa tiết Lập thu và Lập đông.
THÚ ĂN KIẾN :  tên chung chỉ loài động vật có vú, không răng, chỉ bắt sâu bọ bằng lưỡi có chất
      nhầy. Ở Nam Mĩ có giống thú ăn kiến to, thân và đuôi dài tới 2,5m.
THÚ MỎ VỊT : loài động vật có vú nguyên thuỷ, thân dài 40cm, đẻ trứng, có mỏ sừng giống như
      mỏ vịt, đuôi bẹt. Sống ở châu Úc và đảo Taxmania, thích đào hang ở những nơi gần nước.
THUNG ĐÁ VÔI :  cánh đồng trũng, kín (có thể dài, rộng tới vài km), xung quanh có vách đá cao,
      thường thấy ở các vùng núi đá vôi.
THUNG LŨNG SÔNG :  địa hình trũng, sâu theo chiều dài, có hình chữ V hoặc chữ U, hình thành
      do tác động đào lòng của dòng sông. Trong thung lũng sông có các bộ phận : sườn thung lũng,
      lòng sông, bãi bồi, các bậc thềm và nền đá gốc.
THÙNG ĐO MƯA :  dụng cụ đơn giản để đo lượng mưa tại các trạm khí tượng, gồm một thùng sắt
      hình trụ, trong đựng một ống thuỷ tinh có khắc vạch số, chỉ độ cao của cột nước mưa (mm), thu
      được qua một phễu lớn đặt trên mặt thùng.
THUỘC ĐỊA : đất đai của một nước hay chính nước đó, bị một nước khác đến xâm chiếm, cai trị
      và trở thành một bộ phận phụ thuộc vào chính quốc.
THUỶ ĐIỆN :  nguồn điện năng do các dòng nước chảy sinh ra . X.  thêm : Nhà máy thuỷ điện.
THUỶ QUYỂN :  lớp nước trên Trái Đất, bao gồm tất cả các loại nước, từ nước trong các biển, đại
      dương, nước trên lục địa, nước chảy dưới mặt đất và hơi nước trong khí quyển.
THUỶ TINH KIM LOẠI :  vật liệu nhân tạo, có độ bền rất cao và tính chất cơ điện đặc biệt, lần đầu
      tiên được nhà vật lí người Bỉ  P.Đuyve chế tạo ra vào năm 1960. Về cấu trúc, vật liệu này giống
      thuỷ tinh bình thường (do kim loại chảy lỏng bị làm nguội đột ngột với tốc độ hơn 1 triệu độ
      trong một giây), nhưng vẫn mang những đặc tính thông thường của kim loại như : dẫn điện, có
      ánh kim, cản ánh sáng v.v...
THUỶ TRIỀU :  hiện tượng chuyển động thường xuyên và có chu kì của các khối nước trong các
      biển, đại dương, do ảnh hưởng của sức hút của Mặt Trăng và Mặt Trời.
          Chế dộ thuỷ triều trong một ngày, ở các địa phương khác nhau trên Trái Đất có thể là : bán
      nhật triều (lên xuống hai lần một ngày), nhật triều (lên xuống một lần một ngày) hoặc tạp triều
      (lên xuống có khi 2 lần, có khi 1 lần một ngày). Thời gian thuỷ triều lên, xuống cũng thay đổi 
      hàng ngày. Ngày hôm sau chậm hơn ngày hôm trước 50 phút. Khi triều dâng, nước biển tràn 
      vào, phủ ngập dải đất ven biển. Khi triều xuống, nước biển lại lùi ra xa. Độ chênh của mực nước
      biển lúc triều lên và triều xuống cũng lớn, nhỏ (trung bình từ 0,5 đến 3 hoặc 4m), tuỳ theo vị trí
      của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất.  Khi Mặt Trăng và Mặt Trời ở vị trí giao hội ( khi 
      Mặt Trăng và Mặt Trời  nằm ở cùng một phía - vào ngày đầu tháng) hoặc xung đối (khi Trái Đất 
      nằm ở giữa Mặt Trăng và Mặt Trời - vào ngày giữa tháng), thì thuỷ triều lên cao nhất.
      Khi  Mặt Trăng và Mặt Trời ở vị trí trực giao (nằm thành góc vuông với đường thẳng nối Mặt
      Trời và Trái Đất  - vào các ngày có trăng lưỡi  liềm), thì thuỷ triều nhỏ nhất.
THUYẾT ĐỊA TÂM HỆ :  thuyết sai lầm của nhà thiên văn và địa lí Hi Lạp cổ đại C. Ptôlêmê cho
      rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Tất cả các thiên thể khác (trong đó có Mặt Trời) đều vận
      chuyển  xung quanh Trái Đất. Thuyết này đã được coi là chân lí suốt trong thời kì Cổ đại, cho
      đến thời kì Trung cổ.
THUYẾT NHẬT TÂM HỆ : thuyết cho rằng Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ. Các thiên thể khác
      đều quay xung quanh  Mặt Trời. Thuyết Nhật tâm  hệ trái ngược với thuyết Địa tâm hệ và đã
      được nhà thiên văn học Nicôlai Côpecnic (Ba Lan)  đề ra vào thế kỉ 16. Ông đã dũng cảm chống
      lại quan điểm thống trị của nhà thờ đương thời và bảo vệ cho chân lí khoa học.
THUYẾT KIẾN TẠO MẢNG :  X.  Kiến tạo mảng.
THUYẾT TAI BIẾN : 1-  thuyết giải thích nguyên nhân của những sự thay đổi trong thiên nhiên
      hoặc trên bề mặt Trái Đất bằng những tai hoạ ngẫu nhiên.
                                    2-  thuyết của nhà thiên văn học kiêm vật lí và toán học người Anh Giêm
      Ginxơ (J.Geans) đề ra năm 1916, giải thích sự hình thành các hành tinh trong hệ Mặt Trời là do
      một tai biến xảy ra khi có sự di chuyển ngẫu nhiên của một thiên thể lạ đến gần Mặt Trời.
      Dưới sức hút của thiên thể này, một khối vật chất có hình thù như một điếu xì gà (giữa to, hai
      đầu nhỏ) đã tách ra khỏi Mặt Trời, đứt gãy thành nhiều khối nhỏ. Các khối này tiếp tục quay
      xung quanh Mặt Trời, trở thành các hành tinh.
THUYẾT TINH THẠCH : thuyết giải thích nguồn gốc của Trái Đất do nhà thiên văn học người Nga
      Ôttô Xmit (O. Schmidt) đề ra vào giưã thế kỉ 20 (1944). Theo thuyết này thì Trái Đất cũng
      như các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời đều được hình thành do sự gắn kết các khối bụi tinh
      thạch trong vũ trụ. Trong quá trình gắn kết, Trái Đất lớn dần lên, tăng nhiệt độ và chuyển động
      xung quanh Mặt Trời. Quá trình đó hiện nay vẫn đang tiếp diễn.
THỰC DÂN ĐỊA :  vùng đất đai bị người nước ngoài đến xâm chiếm để sinh sống và tổ chức việc
      khai thác nguồn nhân lực cũng như các tài nguyên thiên nhiên. Các thực dân địa bị mất chủ
      quyền cả về chính trị lẫn kinh tế. Vào đầu thế kỉ 20, diện tích các thực dân địa trên thế giới còn
      chiếm hơn một nửa diện tích Trái Đất. Đến cuối thập niên 60, do phong trào giải phóng dân tộc
      lên cao, nhân dân ở hầu hết các thực dân địa đã nổi dậy, giành lại chủ quyền dân tộc.
THỰC DÂN MỚI : hình thức xâm lược mới của các nước đế quốc, không chủ trương xâm chiếm
      đất đai để đặt nền thống trị, mà nhằm chủ yếu vào việc chi phối các hoạt động kinh tế, bắt các
      nước khác phải phụ thuộc vào mình.
THỰC VẬT CỘNG SINH : thực vật không sống phụ thuộc vào các cây khác, mà chỉ dựa vào chúng
      để cùng sống và phát triển. Ví dụ : các dây leo, các loại phong lan...
THƯỚC TỈ LỆ : hình thức biểu hiện tỉ lệ bản đồ một cách cụ thể dưới dạng một thước đo. Thước
      được vẽ với các số liệu đã tính sẵn theo tỉ lệ của bản đồ, để có thể dùng đo trực tiếp các khoảng
      cách  trên  bản đồ đó. Thước tỉ lệ thường được vẽ ở góc bản đồ. Thước tỉ lệ có hai loại :
           1- thước tỉ lệ giản đơn chỉ dùng để đo các khoảng cách ở một phạm vi nhất định của bản đồ
      (thường là phần trung tâm  bản đồ)
           2- thước tỉ lệ phức tạp là hình vẽ phối hợp nhiều thước tỉ lệ khác nhau. Mỗi thước tỉ lệ dùng
      để đo khoảng cách ở một phạm vi nhất định (ở các vĩ độ nhất định có chỉ dẫn). Ví dụ : ở phạm
      vi các vĩ độ từ 40o đến 50o hoặc từ 10o đến 20o v.v...
THƯƠNG MẠI : ngành kinh tế phụ trách việc mua, bán, trao đổi các loại sản phẩm, hàng hoá trên
      thị trường.
THƯƠNG MẠI HOÁ :  quá trình đưa một sản phẩm vào một chu trình thương mại, thay vì cho việc
     tiêu thụ nó hoặc trao đổi tại chỗ.
THƯƠNG NGHIỆP :  ngành kinh tế phụ trách việc mua, bán, trao đổi các loại sản phẩm, hàng hoá
      trên thị trường.
THƯỢNG LƯU SÔNG : đoạn sông ở phía nguồn, nơi lòng sông còn hẹp, dốc, nước chảy xiết, nhiều
      thác ghềnh và có tác động đào sâu lòng sông rất tích cực.
TỈ LỆ BẢN ĐỒ :  tương quan tỉ lệ cố định giữa những khoảng cách theo đường đo trên bản đồ và
      những khoảng cách tương ứng theo đường đo trên thực địa. Ví dụ : tỉ lệ bản đồ là : 1/100.000.
      Nếu khoảng cách đo trên bản đồ là 1 đơn vị, thì khoảng cách tương ứng trên thực địa bằng
      100.000 đơn  vị. Tuỳ theo tỉ lệ, bản đồ có thể phân ra : bản đồ có tỉ lệ rất nhỏ (từ 1/10.000.000
      trở lên); bản đồ có tỉ lệ nhỏ (từ 1/1.000.000 đến 1/10.000.000); bản đồ có tỉ lệ trung bình (các
      bản đồ nghiên cứu, du  lịch v.v...có tỉ lệ 1/100.000, 1/50.000, 1/25.000); các bản đồ có tỉ lệ lớn
      (bản đồ một thành phố, bản  đồ ruộng đất ... có tỉ lệ 1/10.000, 1/5.000 ) v.v...
TỈ LỆ DÂN SỐ HOẠT ĐỘNG : tỉ lệ phần trăm giữa số người có nghề nghiệp, hoạt động trong các
      ngành kinh tế so với tổng số dân ở tuổi lao động. Người ta thường chia dân số hoạt động ra 3
      khu vực. Khu vực 1 gồm những người lao động trong các ngành nông nghiệp, đánh cá, nghĩa là 
      những ngành kinh tế sản xuất ra thực phẩm và các nông sản thô. Khu vực 2 gồm những người 
      lao động trong các ngành công nghiệp khai thác, chế biến, sản xuất ra các sản phẩm từ nguyên 
      liệu nông sản hoặc khoáng sản. Khu vực 3 gồm những người lao động trong các ngành không 
      trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất như : thương nghiệp, giao thông vận tải, hành chính, dịch vụ
      v.v...
TỈ LỆ HỐI ĐOÁI : tỉ lệ chuyển đổi giữa các loại tiền tệ của các nước. Ví dụ : tỉ lệ hối đoái giữa
      đồng USD với đồng Yên của Nhật Bản là : 1/120, nghĩa là 1 USD đổi ra được 120 yên Nhật Bản.
TỈ SUẤT GIA TĂNG DÂN SỐ : tỉ số biểu hiện mức độ dân số tăng thêm trong một năm so với
      tổng số dân, tính theo phần trăm (%). Tỉ suất gia tăng dân số nếu dưới 1% là thấp, từ 1% đến 2%
      là trung  bình, trên 2% là cao.
          Hiện tượng gia tăng dân số có thể phân ra : gia tăng tự nhiên (do sinh đẻ), gia tăng cơ giới
      (do nhập cư từ nơi khác tới) và gia tăng thực tế (do cả hai loại gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ
      giới). Có tài liệu tính tỉ suất gia tăng dân số theo phần nghìn ( 0/00).
TỈ SUẤT GIA TĂNG DÂN SỐ CƠ GIỚI : tỉ số gia tăng dân số (tính bằng % hoặc 0/00) trên một lãnh
      thổ, một quốc gia do hiện tượng chuyển cư của những người dân ở địa phương đi nơi khác và của
      những người dân từ nơi khác tới, trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm).
           Nếu số người chuyển cư từ nơi khác tới nhiều hơn số người chuyển đi, thì tỉ suất gia tăng cơ
      giới là dương. Nếu ngược lại thì tỉ suất gia tăng cơ giới là âm.
TỈ SUẤT GIA TĂNG DÂN SỐ TỰ NHIÊN : tỉ số gia tăng dân số (tính bằng % hoặc 0/00) trên một
      lãnh thổ, một quốc gia, do sự chênh lệch giữa tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử vong thô trong một
      thời gian  nhất định (1 năm).
TỈ SUẤT PHÁT TRIỂN DÂN SỐ : tỉ số tính bằng % biểu hiện mức độ tăng hoặc giảm dân số trong
      một năm do hiện tượng tăng, giảm tự nhiên và tăng giảm cơ giới. Tỉ suất này có thể âm hoặc
      dương. Thuật ngữ này tương tự như : tỉ suất gia tăng dân số.
TỈ SUẤT SINH THÔ :  (CBK)  tỉ số tính bằng 0/00 giữa số trẻ em sinh ra trong một thời gian nhất
      định (1 năm) , so với số dân trung bình ở cùng thời gian. Tỉ suất sinh thô hàng năm nếu đạt dưới
      10 0/00 là thấp, từ  10 0/00 đến 20 0/00 là trung bình, nếu trên 20 0/00 là cao.
TỈ SUẤT TỬ VONG THÔ :  (CDR)  tỉ số tính bằng %0 giữa số người chết trong một thời gian
      nhất định (1 năm) so với số dân trung bình ở cùng thời gian. Tỉ suất tử hàng năm nếu dưới  10%0
      là thấp, từ 15 đến 25%0 là cao.
TỈ SUẤT TỬ VONG TRẺ SƠ SINH :  tỉ số tính bằng %0 giữa số trẻ em chết dưới 1 tuổi so với tổng
      số trẻ em sinh ra trong cùng một thời gian. Tỉ suất tử vong trẻ sơ sinh sở dĩ được tính dưới 1 tuổi
      là vì  thông thường, tỉ suất tử vong của trẻ em trên 1 tuổi rất thấp so với trẻ em dưới 1 tuổi.
      Ở một  mức độ nhất định, tỉ suất tử vong trẻ sơ sinh phản ánh khá rõ rệt trình độ nuôi dưỡng và
      mức sống của nhân dân một nước.
TIỀM NĂNG NĂNG LƯỢNG :  nguồn năng lượng còn tiềm tàng chưa được khai thác, sử dụng.
TIỀN CAM :  (Tiền Cambri)  thời kì địa chất xa xưa nhất, trước cả đại Cổ sinh (tương đương với
      đại Thái cổ và Nguyên cổ trong bảng niên đại địa chất). Những lớp đá hình thành trong thời kì
      này có giá trị kinh tế rất lớn, vì chúng chứa nhiều mỏ vàng, tuy nhiên những nơi đá lộ ra ngoài
      mặt đất chỉ chiếm khoảng 1/5 diện tích các lục địa hiện đại.
TIỀN CÔNG NGHIỆP :  thuật ngữ chỉ thời kì trước khi có công nghiệp. Thời kì này được đặc trưng
      bằng tình trạng thấp kém về kinh tế của các nước chưa đạt đến giai đoạn phát triển công
      nghiệp.
TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG : (tiếp thị)  hoạt động nhằm hai mục đích :  nghiên cứu, thu lượm những
      thông tin cần thiết và mới nhất về thị trường, để cung cấp cho các nhà sản xuất và tuyên truyền,
      giới thiệu với người tiêu dùng ở trong nước, cũng như ở nước ngoài những sản phẩm của các cơ
      sở sản xuất.
TIÊU CHUẨN HOÁ :  1-  đề ra các tiêu chuẩn, yêu cầu người sản xuất trong quá trình lao động phải
      thực hiện được để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng các công việc hoặc các sản phẩm.
                                     2-  đề xuất các tiêu chuẩn thống nhất về kiểu, loại , về chất lượng các sản
      phẩm để giúp cho người sản xuất có khả năng làm ra được nhiều sản phẩm giống nhau, có chất
      lượng ổn định và bảo đảm.
TIỂU ĐỊA HÌNH :  loại địa hình nhỏ, một bộ phận trong cấu trúc của một dạng địa hình. Ví dụ :
      một sườn núi trong một ngọn núi, một bậc thềm hay một bãi bồi trong một thung lũng sông vv...
TIỂU HÀNH TINH :  thiên thể nhỏ trong hệ Mặt Trời, cũng quanh xung quanh Mặt Trời như 9
      hành tinh lớn. Tiểu hành tinh gồm có hàng nghìn khối, tập hợp thành một vành đai, có quỹ đạo
      nằm giữa sao Hoả và sao Mộc.  Quá trình hình thành các thiên thể này hiện nay còn chưa rõ,
      có giả thuyết cho rằng : chúng là những mảnh vỡ vụn của một hành tinh lớn đã tồn tại trước đây
      ở giữa sao Hoả và sao Mộc trong hệ Mặt Trời.
TÍN PHONG :  loại gió thường xuyên, thổi trên mặt đất từ vùng khí áp cao chí tuyến về vùng khí
      áp thấp xích đạo, theo hướng đông bắc - tây nam ở nửa cầu Bắc và hướng đông nam - tây bắc ở
      nửa cầu Nam. Vì tính chất thường xuyên và hướng tương đối cố định của nó, nên loại gió này
      được coi là đáng tin cậy (tín phong) đối với những người đi biển. Người Anh gọi gió này là
      Mậu dịch phong (Trade wind), bởi vì trước đây, nó đã giúp đắc lực cho việc đi lại của các
      thuyền buôn nước Anh trên Đại Tây Dương, sang phương Đông và các vùng đất mới. Vào
      những thời kì hạ chí và đông chí, khi Mặt Trời chuyển động (biểu kiến) lên các vùng chí tuyến
      Bắc và Nam, tín phong của hai bán cầu lần lượt vượt qua xích đạo. Tín phong của nửa cầu Bắc
      chuyển hướng thành gió tây bắc - đông nam, còn tín phong của nửa cầu Nam lại chuyển
      hướng thành gió tây nam - đông bắc.
TOẠ ĐỘ ĐỊA LÍ : 1- các yếu tố dùng để xác định vị trí địa lí của một địa điểm trên bề mặt Trái Đất
      (dựa vào các đường kinh, vĩ tuyến).
                              2- số độ xác định vị trí của một địa điểm trên bề mặt quả địa cầu hoặc trên bản đồ 
      (dựa vào kinh, vĩ độ).
TÔMBÔLÔ :  doi đất ven biển nối liền một hòn đảo vào lục địa.
TỔ CHỨC GÌN GIỮ HOÀ BÌNH : (peace keep in organization) tổ chức được thành lập năm 1948
      trong quá trình giám sát việc ngưng chiến trong cuộc chiến tranh Arap - Ixraen lần thứ  nhất. Tổ
      chức này hoạt động để bảo vệ hoà bình bằng cách ngăn chặn, kiềm chế, hoà giải và loại bỏ
      những hoạt động thù địch giữa các quốc gia, thông qua sự can thiệp trung gian của một nhân
      tố thứ 3, được quốc tế chỉ đạo và tổ chức, trong đó có cả việc sử dụng lực lượng quân đội, cảnh
      sát và các tổ chức dân sự  của nhiều nước, nhằm tái lập và duy trì  hoà bình.
TỔ HỢP NÔNG CÔNG NGHIỆP :  tổng thể các ngành kinh tế bao gồm nông nghiệp và các ngành
      kinh tế có liên quan phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến và đưa sản phẩm đến tay người tiêu
      dùngTỔNG HỢP THỂ LÃNH THỔ TỰ NHIÊN :  vùng lãnh thổ tự nhiên, trong đó các thành phần (địa
      hình,  nước, khí hậu, thổ nhưỡng vv...) tác động lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và kết hợp với
      nhau một  cách chặt chẽ, tạo thành một thể thống nhất toàn vẹn về mặt địa lí tự nhiên.
TỔNG HỢP THỂ LÃNH THỔ SẢN XUẤT :  vùng lãnh thổ, trong đó các mối quan hệ chặt chẽ
      về sản xuất giữa các ngành (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...), giữa các khâu (cung cấp
      nguyên liệu, nhân lực, kĩ thuật, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm...) được bảo đảm một cách tích cực
      và đầy đủ, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, một thể thống nhất toàn vẹn về mặt địa lí kinh tế.
TỔNG SẢN PHẨM XÃ HỘI :  một trong những chỉ tiêu kinh tế biểu hiện toàn bộ giá trị thuộc lĩnh
      vực sản xuất vật chất và không sản xuất vật chất trong xã hội, làm ra được trong một khoảng
      thời gian  nhất định (thường 1 năm). Dưới hình thức giá trị, tổng sản phẩm xã hội bao gồm :
      giá trị của tư liệu sản xuất đã tiêu hao trong quá trình làm ra sản phẩm và giá trị mới được tạo
      ra, tức là thu nhập quốc dân.
           Cách tính tổng sản phẩm xã hội giữa các nước có nền kinh tế thị trường và các nước XHCN
      trước đây có khác nhau. Các nước XHCN khi tính tổng sản phẩm xã hội, không kể phần đóng
      góp của các ngành không sản xuất vật chất, mà chỉ tính phần đóng góp của các các ngành sản
      xuất vật chất. X.  thêm : thu nhập quốc dân.
TRÁI ĐẤT :  hành tinh có hình cầu, hơi dẹt ở hai cực. Đường bán kính trung bình là : 6.371km, chu
      vi  theo đường xích đạo bằng 40.0 76km, còn theo vòng kinh tuyến đi qua hai cực, bằng 40.009
      km. Tỉ  trọng trung bình là 5,52. Khối lượng vào khoảng 6 x 1021 tấn. Diện tích đạt 510.101.000
      km2. Trái Đất nói chung,  có trên 10 loại vận động khác nhau, nhưng hai loại chính là : vận động
      tự quay quanh trục và vận động quay quanh Mặt Trời. Trái Đất có nhiều lớp vỏ : ngoài cùng là
      lớp vỏ khí  (khí quyển), rồi đến lớp vỏ nước (thuỷ quyển), lớp vỏ sinh vật (sinh quyển) và lớp
      vỏ đá (thạch quyển), còn gọi là lớp vỏ Trái Đất. Lớp vỏ Trái Đất lại chia ra : lớp  Sial ở trên và
      lớp Sima có vật  chất nặng hơn ở dưới. Ngoài ra, còn có lớp vỏ địa lí bao gồm một phần  các lớp
      khí quyển, thạch quyển, toàn bộ thuỷ quyển và sinh quyển.
TRAO ĐỔI TỰ DO : hình thức trao đổi hàng hoá, sản phẩm giữa các nước trong điều kiện không có
      hàng rào thuế quan.
TRẮC DIỆN ĐỊA HÌNH : hình thức biểu hiện cấu trúc địa hình bằng một lát cắt lộ sườn theo hướng
      thẳng đứng. Ví dụ : trắc diện một quả đồi, trắc diện một thung lũng sông. Nếu lát cắt đi ngang
      qua thung lũng sông thì gọi là trắc diện  ngang của thung lũng sông. Nếu lát cắt dọc theo thung
      lũng sông thì gọi là trắc diện dọc của thung lũng sông.
TRẮC ĐỊA : môn học nghiên cứu về hình dáng, kích thước Trái Đất và việc đo tính các bộ phận đất
      đai trên bề mặt của nó.
TRẦM TÍCH SÔNG :  vật liệu lắng đọng trong các thung lũng sông tạo thành các bãi bồi, bậc thềm
      và các châu thổ.
TRIAT :  (T) thời kì đầu của đại Trung sinh, kéo dài vào khoảng 35 triệu năm.
TRỒNG TRỌT :  ngành quan trọng nhất trong nông nghiệp, chuyên sử dụng đất đai vào việc tạo ra
      các sản phẩm thực vật. Ngành trồng trọt gồm có những ngành nhỏ : trồng cây lương thực,
      trồng cây công nghiệp, trồng cây thực phẩm (rau, quả), trồng hoa và nếu hiểu theo nghĩa rộng,
      có cả trồng rừng.
TRỚT :  (trust) hình thức tập trung cả một lĩnh vực công nghiệp ở một hoặc nhiều quốc gia vào một
      tổ chức duy nhất.
TRỤC TRÁI ĐẤT : trục tưởng tượng xuyên qua tâm Trái Đất và hai cực Bắc-Nam. Đầu Bắc của trục
      nếu kéo dài sẽ hướng thẳng về phía ngôi sao Bắc Cực (ngôi sao có vị trí ít thay đổi trên bầu trời).
      Trái Đất vận chuyển một vòng quanh trục được quy ước là một ngày đêm. Khi Trái Đất chuyển
      động quanh Mặt Trời, trục của nó bao giờ cũng ngả về một hướng nhất định và nghiêng trên mặt
      phẳng quỹ đạo một góc bằng 66o33'.
TRUNG ĐỊA HÌNH : dạng địa hình trung bình, một bộ phận tương đối lớn trong cấu trúc của một
     kiểu địa hình. Ví dụ : một ngọn đồi trong một vùng đồi, một ngọn núi trong một dãy núi v.v...
TRUNG LƯU SÔNG : đoạn sông ở giữa các đoạn thượng lưu và hạ lưu. Ở đây, hoạt động của sông
      mang tính quá độ, chủ yếu là vận chuyển các vật liệu xâm thực ở thượng lưu về bồi đắp ở hạ
      lưu.
TRƯỢT ĐẤT :  hiện tượng di chuyển đột ngột của các lớp đất đá, theo các sườn dốc của đồi, núi.
      Vào mùa mưa, khi nước thấm xuống sâu do trọng lực, lực liên kết và lực ma sát giữa các lớp đất
     
....đá giảm đi.
TÙ TRƯỞNG QUỐC : (chiefdom) thuật ngữ phổ biến hiện nay trong giới nhân học, văn hoá Anh
      Mĩ, chỉ một hình thái tổ chức lãnh thổ còn ở trình độ tiền quốc gia.
TUẦN LỘC :  thú nhai lại, thuộc họ hươu, nai sống ở Bắc Á, Bắc Âu, trên đảo Grơnlen và ở Bắc
      Canađa. Tuần lộc có thân cao 1,5m, bộ sừng trên đầu có nhiều nhánh, dẹt, tạo điều kiện cho nó
      đào, bới tuyết để tìm thức ăn (chủ yếu là rêu, địa y...). Tuần lộc được nuôi để kéo xe trượt tuyết,
      lấy thịt, sữa, da và sừng. 
TUNĐRA : (đài nguyên, đồng rêu) kiểu cảnh quan có lớp phủ thực vật nghèo nàn, nằm ở phía bắc
      các đại lục Âu-Á và Bắc Mĩ. Tunđra có khí hậu lạnh, mùa đông kéo dài đến 8 tháng. Mùa hạ
      gắn, ngày dài. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất không quá 100C. Lượng mưa từ 200 đến
      400mm. Ngành chăn nuôi tuần lộc ở đây rất phát triển.  X. thêm : Đồng rêu.
TUNGXTEN :  thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Thuỵ Điển, nghĩa là : "đá nặng", chỉ một kim loại
      màu xám đen (tên hoá học là Vonphram (W), có tỉ trọng 19,2, nóng chảy ở nhiệt độ 34100C. Do
      đặc tính này, nên tungxten  được dùng để chế tạo các vật liệu chịu nhiệt cao như dây tóc các
      bóng đèn điện v.v...
TUỐC BIN :  động cơ phát điện có hình dáng một bánh xe lớn, chuyển động chủ yếu nhờ sức nước
      chảy hoặc sức nén của hơi nước.
TUỔI THỌ TRUNG BÌNH : một chỉ tiêu đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân một quốc
      gia. Đó là số năm trung bình mà người dân nước đó có thể sống được (căn cứ vào toàn bộ các
      điều kiện kinh tế-xã hội). Tuổi thọ trung bình là một số ước lượng, không phải là một số cộng
      bình quân. Cách tính rất phức tạp. Trong một số tài liệu, người ta dùng thuật ngữ chính xác hơn
      là : triển vọng sống hoặc sinh vọng.
TUYẾT : hình thức hơi nước đông lạnh trong điều kiện nhiệt độ dưới 0oC, tạo thành các tinh thể
      băng dính kết lại với nhau thành những khối nhỏ, xốp trắng. Khi rơi xuống thành các trận mưa
      tuyết.
TUYẾT VĨNH CỬU : (tuyết vĩnh viễn)tuyết tồn tại hết năm này sang năm khác ở trên các sườn
       hoặc đỉnh núi cao, có nhiệt độ không khí bao giờ cũng thấp dưới 00C. Tuyết vĩnh cửu là nguồn
      cung cấp dòng chảy cho các băng hà núi.
TỪ CỰC : cực từ của Trái Đất, địa điểm trên bề mặt Trái Đất, nơi kim nam châm có độ từ khuynh
      bằng 900. Trên Trái Đất có hai từ cực : Bắc và Nam. Các từ cực không trùng với các cực địa lí, vì
      vậy các kinh tuyến từ cũng không trùng với các kinh tuyến địa lí. Hướng Bắc - Nam của kim
      nam châm để trên mặt đất bao giờ cũng trùng với hướng Bắc - Nam của kinh tuyến từ, và tạo
      với hướng Bắc - Nam địa lí một góc từ thiên.Kinh tuyến từ không phải là những đường thẳng
      như kinh tuyến địa lí, mà là những đường ngoằn ngoèo nối hai từ cực Bắc và Nam (cũng có nơi
      hướng của kinh tuyến từ phù hợp với hướng của kinh tuyến địa lí. Ở những nơi đó, độ từ thiên
      bằng 0). Hai từ cực cũng không cố định tại chỗ. Chúng luôn luôn thay đổi vị trí, làm cho hướng
      của các kinh tuyến từ cũng như độ từ thiên giữa chúng với các kinh tuyến địa lí thay đổi theo.
      Đặc biệt là mỗi khi xayra bão từ, thì các từ cực lại có sự thay đổi vị trí. Hiện nay,từ cực Bắc nằm
      trên đảo Grơnlen, có toạ độ 78,50B và 690T, còn từ cực Nam thì nằm trên Nam Cực, có toạ độ
      78,50N và 1100Đ. 
TỪ KHUYNH : góc nghiêng hình thành giữa kim nam châm với mặt phẳng nằm ngang (song song
      với mặt đất), khi kim được chuyển động tự do trên một mặt phẳng vuông góc với mặt đất
      (trường hợp tốt nhất là kim được treo ở điểm trọng tâm với một sợi chỉ mảnh).
TỪ THIÊN : góc lệch hình thành giữa hướng Bắc - Nam của kim nam châm với hướng Bắc - Nam
      địa lí. Đó cũng là góc lệch trên mặt phẳng nằm ngang (song song với mặt đất) giữa kinh tuyến
      từ và kinh tuyến địa lí (do các từ cực không trùng với các cực địa lí). Độ từ thiên được tính bằng
      đô, phút, giây. Nếu kinh tuyến từ lệch về phía đông so với kinh tuyến địa lí thì có độ từ thiên
      đông. Nếu kinh tuyến từ lệch về phía tây thì có độ từ thiên tây.Độ từ thiên có ý nghĩa lớn trong
      việc xác định phương hướng đối với các ngành giao thông vận tải đường biển và đường không.
      Vì vậy hà i, bản đồ địa từ phục vụ cho các  ngành này hàng năm đều phải cập nhật.
TỰ ĐỘNG HOÁ SẢN XUẤT : kĩ thuật làm cho một số công đoạn hoặc toàn bộ một quá trình sản
      xuất công nghiệp được vận hành một cách tự động không cần đến công sức của công nhân.
TỰ TRỊ : chế độ của một quốc gia hoặc một khu vực hành chính có quyền được tự mình giải quyết
      những vấn đề nội trị trong một phạm vi nhất định. Nói chung, tự trị là một chế độ không có
      đầy đủ quyền hạn như một quốc gia có chủ quyền. Trong những quốc gia có nhiều dân tộc, chế
      độ tự trị thường được áp dụng cho những khu vực sinh sống tập trung của một dân tộc có số
      người khá đông và có khả năng quản lí, giải quyết mọi công việc trong phạm vi lãnh thổ của
      mình để phát triển kinh tế, xã hội và nền văn hoá dân tộc.
TƯỚI TIÊU : biện pháp nhân tạo làm cho đất canh tác luôn luôn có được độ ẩm hợp lí, phục vụ cho
      sản xuất nông nghiệp. Nếu đất quá khô, việc tưới nước là cần thiết. Nếu đất quá ẩm, việc tiêu
      nước lại trở nên cần thiết. Việc tưới tiêu trên những diện tích canh tác lớn, đòi hỏi phải có một
      hệ thống trạm bơm, các cửa cống, cửa đập và các kênh đào, mương máng dẫn nước. Trong việc
      sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, tưới tiêu là một trong những biện pháp

      quan trọng hàng đầu.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang