Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (K)


Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (K)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (K)


K



KÉM PHÁT TRIỂN :  thuật ngữ được dùng phổ biến vào những năm 50 của thế kỉ này để chỉ tình
      trạng của một số quốc gia có nền kinh tế còn ở mức độ tiền công nghiệp, thể hiện ở trình độ thấp
      kém của nông nghiệp, sự vắng mặt của hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng và sức tiêu thụ
      của nhân dân thấp.
KÊNH ĐÀO :  công trình nhân tạo có mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải, như :
      nối liền hai đại dương (kênh đào Panama, kênh đào Xuyê...), hai lưu vực sông ( kênh đào Vônga
      - Đôn), hoặc tạo điều kiện lấy nước tưới tiêu cho nông nghiệp như : kênh đào Bắc-Hưng-Hải và 
      nhiều kênh rạch ở Nam Bộ. 
KÊNH XÁNG :  thuật ngữ  được dùng nhiều ở miền Nam nước ta để chỉ kênh đào. Ví dụ :  kênh
      xáng Xà No, kênh xáng Xẻo Rô...
KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH : thuật ngữ có thể hiểu theo hai cấp độ: theo nghĩa rộng là một chương
      trình  quốc gia với tổng hợp các biện pháp nhằm hạn chế sinh đẻ với mục đích chính là bảo đảm
      gia đình có quy mô nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia. Theo nghĩa hẹp là kế 
      hoạch của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng nhằm đảm bảo số con theo ý muốn, cải thiện sức khoẻ,
      hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình.
KẾT CẤU DÂN SỐ :  tình trạng kết hợp các bộ phận hợp thành dân số của một nước theo từng mặt,
      từng tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ : kết cấu theo giới (theo nam, nữ), theo độ tuổi, theo nghề
      nghiệp, theo trình độ văn hoá vv...
           Kết cấu dân số được phân ra : kết cấu tự nhiên hay kết cấu sinh học gồm : kết cấu theo giới,
      theo độ tuổi, theo thành phần dân tộc, quốc tịch... và kết cấu xã hội  gồm : kết cấu theo thành
      phần giai cấp, theo khu vực lao động, theo nghề nghiệp, theo trình độ văn hoá v.v...
KẾT CẤU HẠ TẦNG : toàn bộ các cơ sở vật chất, công trình phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất của
      nền kinh tế quốc dân, như : đường sá, kênh nước, sân bay, cơ sở năng lượng, kho tàng v.v...
KẾT VON SẮT : sản phẩm có dạng hạt, được tạo ra trong quá trình hình thành thổ nhưỡng, do sự kết
      tụ của chất sắt hoà tan trong dung dịch thổ nhưỡng. Trong điều kiện nhiệt độ cao, nước trong
      dung dịch thổ nhưỡng bốc hơi, chất sắt đọng lại, tạo thành các lớp đồng tâm, bao quanh các nhân 
      là các hạt đá vụn.
KHAM XIN : loại gió nóng, khô thổi ở Ai Cập, từ tháng 4 đến tháng 6, trong khoảng thời gian 50
      ngày ( Theo tiếng Aráp, Khamxin có nghĩa là 50).
KHE RÃNH :  hình thức xâm thực của các dòng nước chảy xiết trên các sườn đồi, sườn  núi dốc trơ
      trụi, không có lớp phủ thực vật.
KHÍ ÁP : sức nén của không khí lên mọi vật trên bề mặt Trái Đất. Do không khí có trọng lượng :
      1,3g/lit, nên sức nén của lớp khí quyển trên mặt đất vào khoảng 1033g/cm2 . Trên mặt nước biển,
      trong điều kiện nhiệt độ không khí là 0oC, sức nén  của không khí bằng trọng lượng của một cột
      thuỷ ngân cao 760 mm. Áp lực đó được coi là đơn vị khí áp : atmôtphe. Khí áp còn được đo bằng
      một đơn vị khác : miliba (mb). 1 atmôtphe bằng 1013mb. Trên bề mặt Trái Đất, trung bình cứ lên
      cao 10m, áp lực không khí lại  giảm đi 1mm thuỷ ngân  hay 1,3 miliba. Từ  1- 1- 1986, theo quy
      ước quốc tế , đơn vị đo khí áp miliba đã được thay bằng đơn vị hectô Paxcan . 1 miliba = 1 hPa.
KHÍ ÁP KẾ :  dụng cụ dùng để đo áp lực không khí. Có nhiều loại khí áp kế. Cổ điển nhất là khí áp
      kế thuỷ ngân gồm một ống thuỷ tinh dài 80 cm, một đầu bịt kín, trong đựng đầy thuỷ ngân và úp
      đầu hở vào một chén thuỷ ngân. Cột thuỷ ngân trong ống hạ xuống dưới 80cm để lại một khoảng
      trống trên đầu ống bịt kín. Cột thuỷ ngân lên cao hay thấp tuỳ thuộc vào tình hình khí  áp. Nếu
      cột thuỷ ngân cao 760mm thì khí  áp là trung bình. Nếu dưới 760 mm là khí áp hạ, trên 760 mm
      là khí áp  cao. Để tiện việc theo dõi, trên ống thuỷ tinh hoặc trên giá đỡ khí áp kế đã có chia vạch
      ghi sẵn số chỉ độ cao của cột thuỷ ngân. Khí áp kế thuỷ ngân tuy đơn giản, chính xác, nhưng
      cồng kềnh không tiện sử dụng, cho nên nó được thay thế bằng loại khí áp kế  hộp, có vỏ kim
      loại, gọn nhẹ, dễ di chuyển và tiện lợi cho người sử dụng.
KHÍ CACBÔNIC :  còn gọi : cacbon điôxit là một chất khí tồn tại trong khí quyển với một tỉ lệ rất
      nhỏ ( trung bình 0,03%). Công thức hoá học là CO2 .
KHÍ HẬU :  chế độ thời tiết của một địa phương trong nhiều năm . Khí hậu của một địa phương phụ
      thuộc vào vị trí ( theo vĩ độ, theo mức độ gần hoặc xa biển) vào các dòng hải lưu ( nếu ở  gần
      biển), vào địa hình (độ cao so với mực nước biển) và vào sự thay đổi thường xuyên của các khối
      khí có tính chất khác nhau. Phụ thuộc vào vĩ độ địa lí, khí hậu trên bề mặt Trái Đất thay đổi từ 
      xích đạo đến cực. Theo Alixôp thì ở cả 2 bán cầu có tất cả 7 đới khí hậu chính và  6 đới khí hậu
      chuyển tiếp. Các đới  khí hậu chính là : 1 đới khí  hậu xích đạo, 2 đới khí hậu nhiệt đới, 2 đới khí
      hậu ôn đới và 2 đới khí  hậu cực đới. Các đới khí hậu chuyển tiếp là : 2 đới khí hậu cận  xích đạo,
      2 đới khí hậu cận nhiệt và 2 đới  khí hậu cận cực. Gọi là khí hậu chuyển tiếp vì các đới này có lúc
      bị khối khí phía nam tràn lên bao phủ, có lúc lại bị khối khí phía bắc tràn tới thay thế...     
         Phụ thuộc vào mức độ gần hoặc xa biển, trong các đới khí hậu lại chia ra các kiểu : khí hậu đại 
      dương và khí hậu lục địa. Phụ thuộc vào độ cao của địa hình, khí hậu lại phân hoá ra các vành đai 
      khí hậu theo độ cao. Phụ thuộc vào ảnh hưởng của các dòng hải lưu và sự di chuyển của các khối 
      khí, khí hậu lại phân ra các kiểu : khí hậu ở bờ đông và bờ tây các lục địa, khí hậu gió mùa v.v...
         Thuật  ngữ khí hậu của phương Tây (climat) xuất xứ từ tiếng Hi Lạp " Klimatos" có nghĩa  là
      độ nghiêng (độ nghiêng của các tia sáng Mặt Trời so với mặt đất). Điều đó chứng tỏ là từ  xưa, ở
      phương Tây, người ta đã hiểu khái  niệm khí hậu căn  cứ vào nhân tố vĩ độ.
      Thuật ngữ khí hậu của ta và Trung Quốc lại xuất xứ từ hai khái niệm " tiết khí" và "vật hậu". Đó
      là những khái niệm chỉ tình trạng về thời tiết và về động thái của động, thực vật phụ thuộc vào
      thời tiết. Như vậy, ở phương Đông, người ta hiểu khái niệm khí hậu dựa vào những kết quả của
      nó biểu hiện trong thiên nhiên, trong sự thay đổi qua các mùa của thời  tiết và động thái của các
      sinh vật.
KHÍ HẬU CẬN NHIỆT ĐỚI : loại khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu nhiệt đới và khí hậu ôn đới. Đặc
      điểm của loại khí hậu này là : có sự phân biệt khá rõ các mùa trong năm. Mùa đông tương đối
      ấm, mùa hạ nóng, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất thường trên 00C. Đới khí hậu cận nhiệt
      nằm ở khoảng giữa các vĩ độ 30-400B và 30-350N. Khí hậu cận nhiệt đới lại chia ra 3 kiểu :
          1/- Khí hậu cận nhiệt đới đại dương ở bờ phía tây các lục địa, có mùa hạ khô và nóng, mùa
      đông ẩm và có mưa. Biên độ nhiệt độ trong năm khoảng 80C.
          2/-  Khí hậu cận nhiệt đới lục địa ở các vùng giữa lục địa, xa biển, có mùa hạ nóng và khô,
      mùa đông lạnh, lượng mưa nhỏ, biên độ nhiệt độ trong năm khoảng 260C.
          3/- Khí hậu cận nhiệt đới  gió mùa, có mùa hạ nóng và ẩm, mùa đông mát và khô, biên độ
      nhiệt độ trong năm từ 15 đến 200C.
KHÍ HẬU ĐẠI DƯƠNG : kiểu khí hậu của những vùng nằm ven bờ các đại dương, chịu ảnh hưởng rõ
      rệt của gió thổi từ đại dương vào, đem theo một lượng lớn hơi nước. Đặc điểm của kiểu khí hậu
      này là không có biên độ nhiệt độ lớn giữa mùa hạ và mùa đông, giữa ngày và đêm, nhưng lại có
      độ ẩm không khí lớn, độ mây phủ, sương mù và lượng mưa đáng kể. Ví dụ : khí hậu khu vực Tây
      Âu v.v...Còn gọi là khí hậu hải dương.
KHÍ HẬU ĐỊA TRUNG HẢI : kiểu khí hậu đặc trưng của khu vực phía đông vùng ven bờ Địa Trung
      Hải. Mùa hạ ở đây rất nóng và khô vì có các khu áp cao cận nhiệt đới bao phủ, mùa đông dịu và
      nhiều mưa. Nhiều vùng khác trên thế giới có kiểu khí hậu này, cũng gọi là khí hậu Địa Trung
      Hải, mặc dầu không nằm ở ven bờ Địa Trung Hải.
KHÍ HẬU HỌC : khoa học thuộc hệ thống khoa học địa lí, có nhiệm vụ nghiên cứu quá trình phát
      sinh, phát triển và phân loại các loại, các kiểu khí hậu ở các đới, các vùng khác nhau trên Trái
      Đất. Việc nghiên cứu khí hậu dựa chủ yếu vào các tài liệu thống kê khí tượng trong nhiều năm.   
        Trong khí hậu học có nhiều ngành nhỏ như : Cổ khí hậu học ( nghiên cứu khí  hậu của các thời
      kì xa xưa), khí hậu nông nghiệp ( nghiên cứu khí hậu phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp), khí
      hậu y học ( nghiên cứu khí hậu phục vụ cho mục đích y tế) v.v...
KHÍ HẬU HOANG MẠC NÓNG :  kiểu khí hậu đặc trưng cho các vùng hoang mạc nhiệt đới và cận
      nhiệt đới, quanh năm có nhiệt độ cao, nhưng không ổn định, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn
      (đặc biệt trong mùa hạ). Lượng mưa nhỏ, trung bình năm không quá 125mm. Trong nhiều tháng
      liền có thể không có mưa. Kiểu khí hậu này chiếm : 37% diện tích châu Úc, 32% diện tích châu
      Phi, 9% diện tích Nam Mĩ, 7% diện tích châu Á và 5% diện tích Bắc Mĩ.
KHÍ HẬU LỤC ĐỊA : kiểu khí hậu của những vùng nằm sâu trong lục địa, xa biển, ít chịu ảnh
      hưởng điều hoà của đại dương, hoặc tuy nằm gần đại dương nhưng lại có gió thổi thường xuyên
      từ lục địa ra biển. Kiểu khí hậu này nói chung có biên độ nhiệt giữa ngày đêm và giữa các mùa
      trong năm lớn, lượng mưa nhỏ. Ví dụ : khí hậu vùng Trung Á, vùng trung tâm Bắc Mĩ v.v..
KHÍ HẬU NHIỆT ĐỚI :  loại khí hậu nóng quanh năm, phân bố ở các vùng vĩ độ thấp, có tín phong
      chiếm ưu thế ở hai bên đường xích đạo. Đặc điểm chủ yếu là :
              -  có nhiệt độ cao và  ổn định. Biên độ nhiệt trong năm dao động từ 5 đến 100C.
              -  có lượng mưa trong năm phân bố không đều. Càng xa xích đạo, mùa mưa càng tập trung
      gần vào thời kì hạ chí ( ở bán  cầu Bắc), mùa khô càng kéo dài.
           Trong loại khí hậu nhiệt đới, kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa có sự phân biệt ra hai mùa khô và
      mưa rất rõ rệt.
KHÍ HẬU NÔNG NGHIỆP : một  ngành thuộc khoa học khí hậu, nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân
      tố khí hậu đối với sản  xuất  nông nghiệp.
KHÍ HẬU ÔN ĐỚI : loại khí hậu ở các vùng vĩ độ trung bình có gió Tây chiếm ưu thế (từ vĩ độ 400
      đến 600 ở cả hai bán cầu). Đặc điểm chủ yếu  là :
             -  có mùa hạ ấm (từ 10 đến 250C) và mùa đông lạnh, nhiều tuyết (ở một số vùng Bắc Á nhiệt
      độ xuống đến  - 400C).
             -  có lượng mưa trung bình từ  500 đến 800mm. Ở các vùng ven lục địa, có thể từ 1.000 đến
      2.000mm).
         Khí hậu ôn đới có thể phân ra :
        1/- kiểu khí hậu ôn đới đại dương, có mưa quanh  năm, mùa đông tương đối ấm, mùa hạ mát.
      Nhiệt độ trung bình năm thấp ( Ví dụ : ở Luân Đôn là  140C).
        2/- kiểu khí  hậu ôn đới lục địa có biên độ nhiệt trong năm lớn (có thể tới 400C), mùa đông lạnh,
      mùa hạ nóng, lượng mưa nhỏ ( chủ yếu về mùa hạ). Ví dụ : khí hậu của phần lớn lãnh thổ Liên
      bang Nga hoặc vùng Trung tâm Bắc Mĩ.
        3/-  kiểu khí hậu ôn đới gió mùa, có mùa đông lạnh, ít tuyết, mùa hạ ấm, ẩm, nhiều mưa. Biên
      độ nhiệt trong năm vào khoảng  300C. Ví dụ : vùng Viễn Đông Liên bang Nga, vùng Đông Bắc
      Trung Quốc v.v...
KHÍ HẬU XÍCH ĐỚI : loại khí hậu nóng ẩm, phân bố trên dải đất hẹp ở hai bên đường xích đạo
      (bao gồm lưu vực các sông Côngô, Amadôn, trong vùng quần đảo Mã Lai...). Các vùng này nằm
      trong vùng lặng gió xích đạo, có nhiệt độ trung bình năm khoảng 260C. Biên độ nhiệt  độ giữa
      các mùa không đáng kể. Lượng mưa rải đều trong năm, trung bình từ 1.500 đến  2.500mm. Phần
      lớn mưa vào các buổi chiều.
KHÍ QUYỂN :  lớp không khí bao quanh Trái Đất có thành phần là hỗn hợp một số loại khí có tỉ lệ
      cao như : nitơ (78%), ôxy (21%) và các loại khí  có tỉ lệ thấp hơn  như : hơi nước, khí cacbônic,
      hyđrô, hêli vv...Trong lớp khí quyển có một lượng lớn các hạt bụi có nguồn gốc vô cơ và hữu cơ.
      Về chiều dày của lớp khí quyển, trước đây nhiều tài liệu cho là 1000 hoặc 3.000km, nhưng gần
      đây đa số lại cho rằng : dấu vết của không khí còn thấy ở độ cao trên 60.000 km ( mặc dầu ở đây
      không khí đã rất loãng, không khác gì khoảng không giữa các hành tinh). Đáy của khí quyển là
      bề mặt tiếp xúc với các lục địa và đại dương.
           Lớp khí quyển có thể chia ra nhiều tầng : dưới thấp là tầng đối lưu, trên tầng đối lưu là tầng
      bình lưu, cao hơn nữa là các tầng : trung gian, iôn v.v...Khí quyển có tác dụng bảo vệ cho sự sống
      trên Trái Đất. Nó ngăn các tia bức xạ sóng ngắn có hại đối với các sinh vật như : các tia tử ngoại,
      tia rơn ghen  v.v...và cả sự xâm nhập của các thiên thạch có sức công phá đối với bề mặt Trái Đất.
KHÍ TƯỢNG HỌC :  khoa học nghiên cứu về trạng thái vật lí của lớp khí quyển và về các hiện
      tượng tự nhiên xảy ra trong đó như : gió, bão, mây mưa, sấm chớp v.v...,nhằm mục đích dự  báo
      sự phát triển của thời tiết. Trong khí tượng học cũng có nhiều ngành nhỏ như : khí tượng học
      nông nghiệp, khí tượng học hàng không, hàng hải v.v...
KHÍ XOÁY :  khu vực khí áp thấp hoặc cao, hình thành ở tầng khí quyển dưới thấp, có gió thổi xoáy
      vào trung tâm ( khu khí  áp thấp) hoặc từ trung tâm xoáy ra ngoài ( khu khí  áp cao). Khu khí áp
      càng thấp hoặc càng cao thì sức gió càng mạnh. Nguyên nhân của hiện tượng gió thổi xoáy là
      hiện tượng lệch hướng của gió do lực Côriôlit.
         Ở hai bán  cầu, hướng gió xoáy trong các khu khí áp thấp hoặc cao ngược chiều nhau. Ở bán
      cầu Bắc, gió thổi xoáy theo chiều nghịch với chiều quay của kim đồng hồ trong khu áp thấp và
      thuận với chiều kim đồng hồ trong khu áp cao. Ở bán cầu Nam, gió thổi xoáy theo hướng thuận
      với chiều quay của kim đồng hồ trong khu áp thấp và nghịch với chiều kim đồng hồ trong khu áp
      cao.
KHIÊN :  nền cổ được cấu tạo bằng các loại đá rắn chắc (chủ yếu là đá măcma) có tuổi trước đại Cổ
      sinh. Có thể đó là những bộ phận  còn sót lại của lớp vỏ lục địa Nguyên sinh. Trên bề mặt  Trái
      Đất, ở vùng vĩ độ cao có các khiên : Canađa, Xcanđinavi và Xibia; ở vùng vĩ độ thấp có các
      khiên : Braxin, Guyan, Mađagaxca, Phi, Ấn Độ và Ôxtrâylia.
KHOÁNG SẢN : những khoáng vật  có ích trong lớp vỏ Trái Đất được khai thác hoặc chưa được khai
      thác, có thể sử dụng được vào mục đích kinh tế  (chủ yếu trong công nghiệp). Các khoáng sản
      thường chia ra hai loại : khoáng sản kim loại (như : quặng sắt, quặng đồng...) và khoáng sản phi
      kim loại ( như than đá, apatit...).
KHOÁNG VẬT :  vật chất tự nhiên có thành phần đồng nhất. Khoáng vật thường gặp dưới dạng tinh
      thể trong thành phần của các loại đá. Ví dụ : thạch anh là khoáng vật thường gặp trong đá cát, đá
      granit dưới dạng tinh thể. Trong một số tài liệu phổ biến khoa học, thuật ngữ khoáng vật cũng
      còn được dùng (theo nghĩa mở rộng là chất khoáng) để chỉ các hợp chất lỏng và khí trong lớp vỏ
      Trái đất như : dầu mỏ, khí đốt, nước khoáng v.v...
KHOÉT MÒN :  (corrasion)  hình thức xâm thực bằng cách khoét lõm các loại đá ở từng chỗ, do tác
      dụng ma sát của các vật liệu rắn (cát, cuội, đá tảng...) được băng hà, các dòng nước chảy hoặc
      gió mang tới.  X.  thêm : Mài mòn.
KHỐI KHÍ :  bộ phận không khí trong khí quyển, bao phủ những vùng đất đai rộng lớn, chịu ảnh
      hưởng của bề mặt tiếp xúc, nên có những  tính chất khác với các bộ phận không khí khác về áp
      suất, nhiệt độ, độ ẩm và hướng di chuyển...Các khối khí này được phân ra hai loại  chính : các
      khối khí nóng ( bao phủ những vùng đất đai ở các vĩ độ thấp) và các khối khí lạnh (bao phủ
      những vùng đất đai ở các vĩ độ cao). Các khối khí nóng và lạnh lại phân ra : các khối khí đại
      dương (bao phủ các đại dương) và các khối khí lục địa ( bao phủ các vùng đất liền).  
            Theo vị trí phân bố trên bề mặt Trái đất, những khối khí lại phân ra :
         1)- khối khí xích đạo (kí hiệu là E) hình thành ở vùng xích đạo, không phân biệt rõ rệt các kiểu
      lục địa và đại dương.
         2)- khối khí nhiệt đới (kí hiệu là T) hình thành ở các vùng chí tuyến, chia ra hai kiểu : khối khí
      nhiệt đới đại dương (kí hiệu là Tm) và khối khí nhiệt đới lục địa (kí hiệu là Tc).
         3)- khối khí cực ( kí hiệu là P) hình thành ở các vùng ôn đới, cũng chia ra hai kiểu : khối khí
      cực đại dương ( kí hiệu là Pm) và khối khí cực lục địa (kí hiệu là Pc).
         4)- khối khí băng cực (kí hiệu là A) hình thành trên các vùng cực Bắc và cực Nam, cũng chia ra
      hai kiểu : khối khí băng cực đại dương (kí hiệu là Am) và khối khí băng cực lục địa (kí hiệu là Ac).
            Mặt tiếp xúc giữa các khối khí nằm ở các vĩ độ khác nhau và có các đặc tính nóng lạnh khác
      nhau tạo nên các phrông. Giữa các khối khí băng cực và cực là phrông băng cực. Giữa các khối
      khí cực và nhiệt đới là phrông cực. Giữa các khối khí nhiệt đới và xích đạo, do sự chênh lệch về
      các đặc tính của chúng không lớn lắm, nên sự hình thành các phrông không rõ rệt. Trong một
      phrông, nếu khối khí lạnh chiếm ưu thế, lấn át, đẩy lùi khối khí nóng thì đó là phrông lạnh. Nếu
      ngược lại, khối khí nóng chiếm ưu thế, đẩy lùi khối khí lạnh, thì đó là phrông nóng. Thời tiết ở
      các vùng đất có phrông đi qua thường có nhiều biến chuyển đột ngột và phức tạp, tuỳ theo sự
      giằng co và hướng di chuyển của các khối khí chiếm ưu thế.
KHỐI LIÊN HIỆP ANH : khối tập hợp các quốc gia vốn có mối quan hệ mật thiết với Vương Quốc
      Liên Hiệp Anh về các mặt  chính trị, kinh tế và văn hoá. Hiện nay, cơ cấu khối Liên Hiệp Anh
      gồm có 51 quốc gia và lãnh thổ, trong đó hầu  hết là những quốc gia vốn là thuộc địa cũ của đế
      quốc Anh, nay đã giành được độc lập dân tộc. Bên cạnh các quốc gia độc lập cũng còn 14 lãnh
      thổ, còn là thuộc địa của Anh như : Hồng Công (trả lại cho Trung Quốc vào tháng 7 năm  1997),
      quần đảo Manvinat v.v...
KHỐI NÚI :  bộ phận núi ít nhiều bị cô lập, có chiều dài và chiều rộng gần tương đương nhau. Khối
      núi có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau (như : kiến tạo, phun trào măcma v.v...)
      Ví dụ : khối núi Enbrut trong dải Capca, khối núi Tatra trong dải Cacpat v.v...
KHU ÁP CAO :  khu vực không khí trên lục địa hoặc đại dương có áp suất cao dần từ rìa vào trung
      tâm. Gió thổi từ trung tâm ra ngoài tạo thành khu khí xoáy tản. Phạm vi không gian của khu áp
      cao thường rất rộng, đường kính có thể tới 1.000km. Các khu khí áp cao được hình thành do hai
      nguyên nhân : nhiệt ( sự giảm thấp nhiệt độ về mùa đông ở các vùng trung tâm lục địa như : khu
      áp cao Xibia, khu áp cao Nam Cực v.v...) hoặc động lực ( sự gia tăng khí áp do các lớp không khí
      bị dồn nén từ trên cao xuống thấp. Ví dụ : khu áp cao cận nhiệt đới ở hai bán cầu Bắc và Nam).
      Trong các khu áp cao do động lực, không khí bị dồn nén, làm cho nhiệt độ tăng cao, không khí
      trở nên khô khan, khó đạt trạng thái bão hoà. Thời tiết ở đó thường trong sáng, có nắng to, nóng
      về mùa hạ, lạnh về mùa đông. Nếu thời gian bao phủ kéo dài thì các khu áp cao là nguyên nhân
      sinh ra hiện tượng hạn hán.
            Các khu khí áp cao còn gọi là các khu khí xoáy tản hoặc khí xoáy nghịch.
KHU ÁP THẤP :  khu vực không khí trên lục địa hoặc đại dương có áp suất thấp dần từ rìa vào trung
      tâm. Gió thổi từ ngoài vào trung tâm tạo thành một khu khí xoáy tụ. Các khu áp thấp cũng có
      phạm vi không gian tương tự như các khu áp cao. Nguyên nhân hình thành chúng cũng do nhiệt
      và động lực. Trên bề mặt Trái Đất, vào mùa hạ, ở các vùng lục địa lớn thường  có các khu áp thấp
      hình thành do sự tăng cao nhiệt độ. Ví dụ : khu áp thấp Bắc Ấn Độ. Ở vùng xích đạo cũng như
      các vùng vĩ tuyến 600, thường xuyên có các khu áp thấp do động lực. Ở đây có hiện tượng không
      khí từ cực và không khí từ chí tuyến tràn về (gió Tây), gặp  nhau, bốc lên cao. Trong quá trình
      này, không khí hoá lạnh, tạo điều kiện cho hơi nước bão  hoà. Thời tiết trong các khu áp thấp
      thường âm u, có nhiều mây, mưa hoặc tuyết rơi. Đặc biệt các khu áp thấp sâu, hình thành trên
      các phrông cực và trên đường hội tụ nhiệt đới  thường là nguyên nhân sinh ra các trận mưa lớn và
      các cơn bão ( khu áp thấp nhiệt đới có gió cấp 6-7).
            Các khu khí áp thấp còn gọi là các khu khí xoáy tụ hoặc khí xoáy thuận.
KHU BẢO TỒN : khu đất đai rộng lớn, dành cho việc lưu giữ các giống, loài thực vật và động vật 
      quý, hiếm, trong đó chúng được tự do sinh sống và phát triển.
KHU CHẾ XUẤT : cách nói ngắn, gọn của thuật ngữ khu chế biến - xuất khẩu. Khu vực đất đai 
      trong một quốc gia thường có kết cấu hạ tầng tốt, được Nhà Nước quy định cho hưởng một quy
      chế đặc biệt để khuyến khích phát triển, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Trong một số nước
      đang phát triển, việc thành lập các khu chế xuất chủ yếu nhằm các mục đích : thu hút  sự đầu tư
      vốn của các công ti tư bản nước ngoài để xây dựng các cơ sở công nghiệp, nhập  cảng kĩ thuật,
      thực hiện quá trình chuyển giao công nghệ và giải quyết công ăn, việc làm  cho nguồn lao động
      dư thừa. Việc thành lập các khu chế xuất hiện nay đã khá phổ biến ở nhiều nước đang phát triển
      thuộc các châu Á, Phi và Mĩ Latinh. 
KHU MẬU DỊCH TỰ DO :  khu vực được các quốc gia chủ nhà quy định dành cho những quy chế
      ưu tiên và thuận lợi trong việc buôn bán với nước ngoài như : miễn hoàn toàn các loại thuế
      đánh vào các hàng xuất, nhập khẩu v.v...
KHU VỰC GIỜ :  khu vực trên bề mặt Trái Đất được quy định có một giờ chung, thống nhất. Khu
      vực này được giới hạn giữa hai kinh tuyến cách nhau 150. Theo quy ước quốc tế, bề mặt Trái Đất
      được chia ra làm 24 khu vực. Khu vực gốc đánh số 0 được tính từ kinh tuyến  7030' T đến 7030'Đ. 
      X.  thêm : Giờ khu vực.
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ : tình trạng khó khăn về kinh tế xảy ra do sự cân bằng giữa sản xuất và
      tiêu thụ bị phá vỡ. Kết quả dẫn đến là hàng hoá tiêu dùng hoặc quá thiếu thốn (khủng hoảng
      thiếu) hoặc quá dư thừa (khủng hoảng thừa). Các cuộc khủng hoảng thừa thường dẫn đến tình
      trạng buôn bán ế ẩm, công nhân thất nghiệp, các cơ sở sản xuất phá sản... Trái lại, các  cuộc
      khủng hoảng thiếu lại dẫn đến tình trạng hàng hoá khan hiếm, giá cả gia tăng, tiền tệ mất giá,  
      nạn đầu cơ, tích trữ lan tràn, đời sống của công nhân, viên chức khó khăn, lạm phát...Ở các nước
      có nền kinh tế không ổn định, thường xảy ra các cuộc khủng hoảng theo chu kì.
KHỦNG LONG : loài bò sát khổng lồ sống phổ biến trong đại Trung sinh, hiện nay đã bị tuyệt
      chủng. Về nguyên nhân, trước đây có nhiều tài liệu cho rằng : đó là hậu quả của sự thay đổi khí
      hậu trong thời kì băng hà kỉ Đệ Tứ, nhưng gần đây, người ta lại cho rằng đó là hậu quả của một vụ nổ do một thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất.
KỈ ĐỆ TAM : thời kì địa chất trong đại Tân sinh, kéo dài vào khoảng 70 triệu năm và được đặc trưng
      bằng cuộc vận động tạo sơn lớn : Anpi, Himalaya, Anđet...và sự phân  hoá ra các động vật có vú.
KỈ ĐỆ TỨ :  thời kì cuối cùng trong lịch sử Trái Đất, bắt đầu cách đây khoảng 1 triệu năm và còn
      kéo dài đến ngày nay. Kỉ Đệ Tứ được đánh dấu bằng sự xuất hiện và quá trình tiến hoá của con
      người. Ở châu Âu và Bắc Mĩ, thời kì này cũng được đánh dấu bằng nhiều đợt băng hà lục địa lớn.
KĨ THUẬT : tập hợp các phương tiện, thiết bị, máy móc cũng như các biện pháp sử dụng chúng
      nhằm mục đích sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới hoặc phục vụ các nhu cầu khác của xã hội.
KIẾN TẠO HOÀ BÌNH : (peace making) thuật ngữ chỉ sự lập lại hoà bình thông qua việc giải quyết
      hoà bình các vấn đề tranh chấp quốc tế.
KIẾN TẠO MẢNG : thuyết về sự hình thành và phân bố các lục địa và đại dương trên bề mặt Trái
      Đất. Thuyết này được xây dựng dựa trên các thuyết về lục địa trôi và về sự tách giãn liên tục của
      đáy các đại dương. Theo thuyết kiến tạo mảng thì  nguyên  nhân sinh ra hiện tượng các lục địa
      trôi, chủ yếu là do sự phun trào măcma từ các sống núi dưới đáy đại dương. Ở đó các dòng
      măcma lỏng từ dưới sâu luôn luôn trào lên, làm cho mảng vỏ đáy đại dương dần dần tách ra, dồn
      ép vào các mảng lục địa, đẩy chúng di chuyển. Hiện tượng này đã xảy ra từ 180 triệu năm trước
      đây và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Ví dụ : hai bờ Đại Tây Dương hiện nay trung bình
      mỗi năm cách xa nhau thêm 3cm, còn hai bờ Thái Bình Dương thì vào khoảng từ 8 đến 10cm.
      Cũng theo thuyết này thì các lục địa trên bề mặt Trái Đất hiện  nay, xưa kia vốn từ một lục địa
      duy nhất tách ra. Quá trình phân hoá thành các mảng lục địa được phức tạp hoá thêm do những
      hoạt động đổ vỡ mới xaỷ ra cách đây từ 10 đến 20 triệu năm, hình thành nên Hồng Hải và các
      đứt gãy ở Trung Phi.
KIM CƯƠNG : khoáng vật có độ cứng lớn nhất trong các loại khoáng và kim loại. Về thành phần
      hoá học, kim cương là nguyên tố cacbon tinh khiết. Kim cương có độ sáng và màu sắc rực rỡ hơn
      hẳn các loại đá quý khác, vì vậy nó có giá trị cao trong việc chế tạo các đồ trang sức, các mũi
      khoan, mũi dao cắt kính v.v...Phần lớn kim cương được hình thành trong dung nham ở các ống
      phun của núi lửa đã tắt. Nơi có nhiều mỏ kim cương lớn nhất thế giới hiện  nay là vùng Nam Phi.
      Trọng lượng của kim cương thường được tính bằng đơn vị cara  ( 1 cara = 0,2g).
KIM LOẠI ĐEN : các kim loại có màu xẫm thường dùng trong công nghiệp gang thép ( công nghiệp
      luyện  kim đen) như : sẵt, mangan và crôm.
KIM LOẠI HIẾM : nhóm kim loại mà trong đời sống thường ngày chúng ta ít tiếp xúc và ít nói tới.   
      Có thể là do hàm lượng của chúng trong lớp vỏ Trái Đất có tỉ lệ rất thấp ( như : Bêri, Gecmani ...)
      hoặc mức độ phân tán của chúng quá cao (mặc dầu hàm lượng trong lớp vỏ Trái Đất không thấp,
      như : Rubiđi...) hoặc  kĩ thuật khai thác và tinh luyện còn gặp nhiều khó khăn, lượng sản xuất
      chưa nhiều ( Ví dụ : titan, urani..). Danh mục các kim loại hiếm luôn luôn thay đổi do trình độ
      khoa học và kĩ thuật khai thác phát triển. Ví dụ :  trước đây, nhôm được coi là kim loại hiếm. Nó
      được khai thác từ giữa thế kỉ 19 ở Pháp, nhưng vì giá thành sản xuất cao, nên trong một thời gian
      dài, nó chỉ dùng để làm các đồ trang sức. Trong một Hội nghị quốc tế, Menđêlêep đã được tặng
      một chiếc bình bằng nhôm, coi như một tặng phẩm quý giá. Ngày nay, nhôm đã trở thành một
      kim loại thông dụng, không còn hiếm như hơn một thế kỉ trước đây.
KIM LOẠI MÀU : nhóm các kim loại có nhiều màu sắc khác nhau như : đồng, chì, kẽm, niken,
      nhôm, côban v.v... Trong lớp vỏ Trái Đất, các kim loại màu thường có tỉ lệ phân tán cao.
      Hàm lượng của chúng trong quặng ít khi vượt quá 5%, vì vậy việc chế luyện các kim loại màu
      thường khó khăn và phải sử dụng một lượng nguyên liệu rất lớn.
KIM LOẠI QUÝ : nhóm kim loại có những tính chất đặc biệt như : không rỉ, có ánh kim và màu sắc
      đẹp. Con người từ xưa đã biết sử dụng chúng để làm các đồ trang sức và làm vật trung gian để
      trao đổi  hàng hoá. Ví dụ : vàng, bạc, bạch kim...
KIM NGẠCH : tổng giá trị ngoại thương ( hàng hoá xuất, nhập khẩu) đạt được trong một thời gian
      nhất định.
KINH ĐỘ ĐỊA LÍ : độ dài của cung trên một vĩ tuyến, từ một địa điểm nhất định trên bề mặt Trái
      Đất đến kinh tuyến gốc. Nếu địa điểm  nằm ở phía đông kinh tuyến gốc thì là kinh độ Đông (Đ),
      nếu ở phía tây kinh tuyến gốc thì là kinh độ Tây (T). Đơn vị tính là : độ, phút, giây. Ví dụ : kinh
      độ của đảo Cồn Cỏ, ở ngoài khơi nước ta là : 107021' Đ.
KINH TẾ CÓ KẾ HOẠCH : nền kinh tế có định hướng và do Nhà Nước kiểm soát, nhằm mục đích
      hi vọng loại trừ các cuộc khủng hoảng và phục vụ lợi ích của nhân dân lao động. Trong nền kinh
      tế này, Nhà Nước nắm trong tay một số lĩnh vực quan trọng như : tiền tệ, tài chính, thuế má, giá
      cả, vốn đầu tư  v.v...
KINH TẾ HƯỚNG NGOẠI : nền kinh tế  hướng vào việc phát triển các ngành sản xuất phục vụ cho
      xuất khẩu. Trong giai đoạn  hiện nay, phần lớn các nước đang phát triển đều có nền kinh tế 
      hướng ngoại. Đó cũng là một biểu hiện của tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài về mặt kinh tế.
KINH TẾ HƯỚNG NỘI : nền kinh tế hướng chủ yếu vào việc phát triển các ngành sản xuất phục vụ
      cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nền kinh tế này rất quan tâm đến việc nâng cao giá trị các tài
      nguyên quốc gia và mau chóng phát triển thị trường nội địa.
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG : 1)- nền kinh tế trong đó sự cân bằng về cung và cầu chỉ hoàn toàn phụ
      thuộc vào các cơ chế tự nhiên do thị trường chi phối. 
                                            2)- nền kinh tế  sản xuất hàng hoá phục vụ chủ yếu cho việc trao đổi trên
      thị trường.
KINH TẾ TỰ CHỦ : nền kinh tế không bị sự chi phối của nước ngoài, trong đó bộ máy sản xuất có
      khả năng cung cấp gần như toàn bộ các sản phẩm đáp ứng cho thị trường quốc gia,  Ví dụ : nền
      kinh tế của Ấn Độ, Trung Quốc...
KINH TẾ TỰ DO : nền kinh tế trong đó Nhà Nước để cho tư nhân nắm quyền sở hữu đất đai và các
      xí nghiệp công nghiệp. Nền kinh tế này phụ thuộc vào thị trường và chỉ quan tâm đến khâu tiêu
      thụ.
KINH TẾ TỰ CẤP, TỰ TÚC : nền kinh tế trong đó các hoạt động sản xuất chỉ nhằm thoả mãn
      những nhu cầu nội địa hoặc địa phương. Nền kinh tế này đối lập với nền kinh tế thị trường, trong
      đó người sản xuất làm ra hàng hoá với mục đích bán ra ngoài và thiên về các sản phẩm có khả
      năng thương mại hoá.
KINH TUYẾN ĐỊA LÍ : đường ngắn nhất trên bề mặt Trái Đất, nối hai cực Bắc và Nam của Trái Đất.
KINH TUYẾN GỐC : kinh tuyến được đánh số 0 (theo quy ước quốc tế) đi qua đài thiên văn Grinuýt
      ở ngoại ô thành phố Luân Đôn.
KINH TUYẾN TỪ : đường nối hai từ cực Bắc và Nam của Trái Đất, phù hợp với hướng Bắc - Nam
      của kim nam châm. Hướng của kinh tuyến từ không hoàn toàn trùng với hướng của kinh tuyến
      địa lí. Góc lệch hình thành giữa kinh tuyến từ và kinh tuyến địa lí, ở bất cứ địa điểm nào, gọi là :
      góc hay độ từ thiên.

KÍNH THIÊN VĂN : dụng cụ quang học dùng để quan sát các thiên thể trên bầu trời.

HLTcoffee.com
Lên đầu trang