Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (L)

Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (L)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (L)


L

LẠC ĐÀ : động vật lớn thuộc loài nhai lại, có khả năng chịu nóng, chịu khát giỏi. Lạc đà được chăn
       nuôi để lấy lông, da, thịt, sữa và làm phương tiện vận tải, đi lại trong sa mạc. Lạc đà có hai
       giống : giống hai bướu có lông dày sống trong các hoang mạc ở châu Á và giống một bướu có lông thưa, ngắn, sống trong các hoang mạc ở châu Phi.
LÃI SUẤT : số tiền lãi tính bằng phần trăm của tiền vốn bỏ ra cho vay hoặc đầu tư kinh doanh trong
       một thời gian nhất định (tháng, năm vv...). Ví dụ : lãi suất hàng năm 4%, nghĩa là cứ 100 đơn vị vốn bỏ ra thì mỗi năm được lãi 4 đơn vị.
LAMA : gia súc lớn thuộc họ lạc đà, thân dài khoảng 2,5m, sinh sống ở các miền núi Nam Mĩ. Được 
       sử dụng làm phương tiện vận tải đồ đạc, cho thịt, lông và có thể sống được 20 năm.
LẠM PHÁT : tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế, biểu hiện ở chỗ : số lượng tiền phát hành, lưu thông trong xã hội quá lớn, không phù hợp với giá trị tổng số của cải làm ra. Hậu quả là đồng tiền mất giá, sức mua của người dân lao động ăn lương giảm sút.
LANÔT : (Llanos) thuật ngữ chỉ những đồng bằng có lớp phủ thực vật xavan ở Vênêxuêla (Nam Mĩ).
LÃNH HẢI : vùng biển nằm sát ngay bên ngoài vùng nội thuỷ, có giá trị bảo đảm cho những nguồn  lợi về tài nguyên sinh vật biển và cho sự an ninh, quốc phòng của phần lãnh thổ trong đất liền của nước ven biển. Trước kia, chiều rộng của lãnh hải thường được quy định là 3 hải lí, phù hợp với tầm bắn xa của đại bác, trên các hạm thuyền lúc bấy giờ. Hiện nay, theo quy định của  Luật Biển 1982, thì chiều rộng của lãnh hải được ấn định là : không vượt quá 12 hải lí, tính từ  đường cơ sở. Về mặt pháp lí, lãnh hải tuy là vùng biển thuộc chủ quyền của nước ven biển, nhưng vẫn phải bảo đảm quyền được đi qua không gây hại của tàu thuyền  của các nước khác.
LATÊRIT : (đất đá ong) loại đất cứng màu đỏ gạch, giàu chất sắt, có cấu trúc dạng tổ ong, thường 
       gặp ở các vùng đồi không có lớp phủ thực vật ở các miền nhiệt đới và cận nhiệt đới. Quá trình       hình thành đất latêrit phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là địa hình và khí  hậu. Latêrit có hai dạng : tổ ong và các khối kết von gắn kết. Ở nước ta, latêrit thường phát triển  trên các vùng đất cao thuộc trung du, trong dải phù sa cổ.
LÁT CẮT ĐỊA HÌNH : hình vẽ một khu vực đất đai, biểu hiện được đầy đủ hình dáng và độ cao của  các loại địa hình dọc theo một đường (tuyến) cắt nhất định.
LỊCH HỒI GIÁO : Lịch tính theo vòng quay của Mặt Trăng. Một năm lịch có 12 tháng. Các tháng lẻ như : 1,3,5...có  30  ngày. Các tháng chẵn có 29 ngày. Người Hồi Giáo tính Âm lịch bắt đầu từ thời điểm mà Thánh Môhamet rời Mecca về Mêđina.  Ngày đó, theo dương lịch là ngày thứ 6  16/7/năm 622 sau CN.
LỊCH PHÁP : phương pháp làm lịch căn cứ vào sự vận động của Trái Đất trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trời (dương lịch), hoặc sự vận động của Mặt Trăng trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất (âm lịch), hoặc phối hợp cả hai sự vận động của Trái Đất và Mặt Trăng (âm dương lịch).
          Dương lịch được tính mỗi năm chẵn 365 ngày. Vì Trái Đất vận chuyển một vòng quanh  Mặt Trời mất khoảng 365 ngày 1/4 nên cứ 4 năm dương lịch lại có một năm  nhuận có 366  ngày.
          Âm lịch được tính mỗi năm 354 hoặc 355 ngày, mỗi tháng chẵn 29 hoặc 30 ngày, vì Mặt  Trăng vận chuyển một vòng quanh Trái Đất phải mất khoảng 29 ngày 1/2.
          Âm dương lịch được tính theo cả sự vận chuyển của Trái Đất quanh Mặt Trời và sự vận  chuyển của Mặt Trăng quanh Trái Đất. Một năm dương lịch có 365 ngày, bằng 12 tháng 11  ngày âm lịch, vì vậy trung bình cứ khoảng 3 năm âm dương lịch lại có một năm nhuận có 13 tháng âm lịch ( thêm 1 tháng). Hiện nay, ta vẫn dùng cả hai loại lịch : dương lịch và âm dương lịch.
LIÊN BANG :  chế độ của một quốc gia hình thành do sự tự nguyện tập hợp của nhiều quốc gia nhỏ  có những mối quan hệ gắn bó với nhau về nhiều mặt, nhằm mục đích thực hiện những quyền  lợi chung. Về mặt đối nội, mỗi quốc gia đều có những quyền hạn nhất định, do hiến pháp của Liên bang quy định, nhưng về đối ngoại thì chỉ Liên bang mới có đầy đủ các quyền  hạn của một  quốc gia độc lập, tự chủ.
LIÊN HIỆP ANH :  X.  Khối Liên hiệp Anh.
LIÊN HIỆP HOÁ :  (liên hợp hoá)  hình thức hợp nhất sản xuất, dựa trên cơ sở sáp nhập các xí
       nghiệp sản xuất ra các sản phẩm khác nhau, nhưng có liên quan với nhau, thành một xí nghiệp  liên hiệp có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất để khép kín quy trình sản xuất, làm ra những sản  phẩm nhất định. Trong quá trình sản xuất, sản phẩm của xí nghiệp này có thể là nguyên liệu, vật liệu phụ hoặc bán thành phẩm của những xí nghiệp khác. Ví dụ : trong xí  nghiệp gang thép có các xí nghiệp : khai thác than, khai thác quặng sắt, xí nghiệp điện, nước, xí nghiệp hoá chất, xí nghiệp luyện gang, xí nghiệp cán thép, xí nghiệp vận tải vv...Tất cả các  xí nghiệp này chịu sự lãnh đạo của một ban giám đốc chung. Sản xuất của từng xí nghiệp phải nằm trong dây chuyền  sản xuất ra sản phẩm cuối cùng là gang, thép cung cấp cho thị trường.
LIÊN MINH CHÂU ÂU : hình thức tổ chức chung của 15 nước châu Âu hiện nay, gồm Pháp, CHLB Đức, Italia, Bỉ , HàLan, Lucxembua, Anh, Ailen, Đan Mạch, Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Phần Lan và Thuỵ Điển . Năm 1991, Hội nghị Maaxtrich ở Hà Lan đã thông qua việc phát triển Cộng đồng châu Âu (EEC ) thành Liên Minh châu Âu (EU), bao gồm sự thống nhất giữa các nước nói trên, không những chỉ về mặt kinh tế, tiền tệ, mà cả về mặt chính trị, ngoại giao và quốc phòng.
            Khối Liên Minh châu Âu được chính thức thành lập và hoạt động từ 1993, sau khi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn hiệp ước Maaxtrich. Số nước thành viên lúc đầu là 12 (nước cũ thuộc khối Cộng đồng châu Âu). Đến 1995, có thêm 3 thành viên mới là : Áo, Phần Lan và Thụy Điển, nâng tổng số nước lên 15 nước.
LIMÔNG : loại đất thịt được cấu tạo từ những phần tử khoáng mịn có độ phì cao, hình thành do tác động của gió hoặc của nước.
LIMÔNIT : quặng sắt màu nâu vàng hoặc nâu xẫm có nguồn gốc trầm tích. Thành phần chủ yếu là ôxyt sắt ngậm nước (Fe2O3nH2O) được hình thành qua quá trình lắng đọng trong các hồ, đầm v.v...
LINH DƯƠNG : giống dê rừng, có sừng dài và cong về phía sau, sinh sống ở châu Phi và châu Á.
LÕI TRÁI ĐẤT : (nhân Trái Đất)  bộ phận trung tâm, nằm sâu nhất ở trong lòng Trái Đất, có đường bán kính khoảng 3.400km. Thành phần của nó, theo dự đoán, có lẽ gồm các loại silicat  và kim  loại nặng, nóng chảy, có tỉ trọng lớn gần 12.
LÒNG CHẢO ĐẠI DƯƠNG :  bộ phận rộng lớn ở đáy đại dương có địa hình tương đối bằng phẳng và  có các lớp trầm tích bao phủ. Độ sâu trung bình từ 2.500 đến 3.000m trở lên.
LỖ HỔNG ĐEN :  thuật ngữ dùng trong Thiên văn học để chỉ một ngôi sao có trọng lượng, sức
      hút  lớn đến mức ánh  sáng cũng bị hút vào trong lõi của nó, không thoát ra được. Chính    
      vì vậy nên  ngôi sao không nhìn thấy được. Các nhà thiên văn học đặt tên cho nó là : lỗ hổng đen.
LỚP VỎ ĐÁ :  lớp vỏ cứng ở ngoài cùng Trái Đất, được cấu tạo do các loại đá khác nhau. Còn gọi là  Thạch quyển.
LỚP VỎ KHÍ :  X. Khí quyển.
LỚP VỎ SINH VẬT :  X.  Sinh quyển
LỚT :  (Loess)  X.  Hoàng thổ
LUÂN CANH :  chế độ canh tác dựa trên sự luân chuyển các cây trồng hàng năm hoặc theo mùa, vụ, trên một khoảnh đất cố định. Chế độ luân canh trước đây rất được thịnh hành ở các nước  châu Âu khi kĩ thuật nông nghiệp còn lạc hậu. Năng suất canh tác dựa chủ yếu vào độ phì tự  nhiên  của đất. Thông thường người ta chia đất ra 3 khu vực. Ví dụ : trong năm  đầu ở khu vực 1 trồng lúa mì, ở khu vực 2 trồng lúa mạch, ở khu vực 3 cho đất nghỉ để cỏ mọc tự nhiên. Sang  năm thứ  2, người ta chuyển lúa mì sang trồng ở khu vực 2, lúa mạch sang khu vực 3, còn khu vực 1 cho đất nghỉ. Sang năm thứ 3, người ta lại chuyển lúa mì sang khu vực 3, lúa mạch sang khu vực 1, còn khu vực 2 cho đất nghỉ. Như vậy là một chu kì luân canh kéo dài 3 năm. Sau đó quy trình trên lại tái diễn. Cách trồng trọt như vậy không cần nhiều phân bón, mà chỉ trông cậy vào sự  khôi phục độ phì tự nhiên của đất. Kĩ thuật thô sơ này đã đem lại năng suất  khá cao ở châu Âu  vào các thế kỉ 18,19.    
:  tình trạng nước dâng cao trong lòng các sông, suối sau những trận mưa to.
LÚA TRỜI : lúa mọc hoang ở vùng ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long trước đây, trong các  tỉnh Đồng  Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An. Hiện nay, giống lúa này sắp tuyệt  chủng.  Lúa trời có thân cứng như cây sậy, thường chín không đều vào khoảng tháng 11 âm  lịch. Hạt  lúa khi chín rất dễ rụng. Muốn thu hoạch, người  ta phải dựng phên chắn ở hai bên  xuồng rồi  dùng sào đập vào bông lúa cho hạt rụng vào trong lòng thuyền.
LUẬN CHỨNG KINH TẾ  KĨ THUẬT :  thuật  ngữ dùng để  chỉ việc nhận  xét, giải trình tính khả  
      thi của một đề án, chủ  yếu về mặt kinh tế và kĩ thuật, nhằm mục đích giải đáp được câu hỏi
      chính  là : dự án đề ra liệu có hiệu quả không và có nên thực hiện không ?
LỤC ĐỊA :  X.  Đại lục.
LỤC ĐỊA TRÔI : thuyết của nhà khoa học người Đức A.Vêghêne (1880-1930). Năm 1912, dựa vào việc nghiên cứu địa chất và cổ sinh trên bản đồ thế giới, Vêghêne đã nhận thấy có sự khớp nhau giữa các dạng bờ biển của Nam Mĩ với Tây Phi, của lục địa Ôxtrâylia với Ấn Độ và Đông Phi dọc theo v. Arap...Từ đó, ông đã nảy ra ý nghĩ về hiện tượng trôi giạt của các lục địa và cho rằng : suốt trong đại Cổ sinh, các lục địa trên thế giới vẫn còn dính liền với nhau thành một lục địa duy nhất gọi là Pangêa. Chúng chỉ mới bắt đầu tách ra từ đại Trung sinh, cách đây từ khoảng 200 triệu đến 70 triệu năm. Năm 1915 ông đã cho xuất bản cuốn sách trình bày về học thuyết "Lục địa trôi giạt" của ông. Cuốn sách được một số nhà khoa học trên thế giới hoan nghênh, nhưng cũng có không ít người phản bác. Vấn đề chính nêu ra là câu hỏi "Nguyên nhân nào đã làm cho các lục địa trôi ?". Để tìm thêm chứng cớ cho thuyết mới, năm 1930, Vêghêne đã dẫn đầu một đoàn đi thám hiểm ở đảo Grơnlen, và  ông đã mất tại đây.
LỤT : hiện tượng nước trong lòng sông tràn ra khỏi bờ, làm ngập một diện tích đất đai, đồng
      ruộng,  làng mạc rộng lớn trong những thời kì nước to hoặc lũ.
LUYỆN KIM ĐEN : ngành công nghiệp sản xuất ra gang, thép. Luyện kim đen phải tiến hành qua 3 giai đoạn liên tiếp : nấu chảy gang trong lò cao, luyện thép và cán thép.
LUYỆN KIM MÀU :  ngành công nghiệp sản xuất ra các kim loại có màu như : đồng, kẽm, chì,
      nhôm vv...và các kim loại hiếm, kim loại quý như : vônphram, môlipđen, vàng, bạc...Phần
      lớn  các  quặng kim loại màu đều có hàm lượng kim loại rất thấp. Ví dụ : đồng chỉ có khoảng 1%.  Vì vậy  trước khi luyện, khâu làm giàu quặng rất cần thiết. Trong các quặng kim loại màu, ngoài kim  loại chính, thường có một số kim loại phụ đi kèm, vì vậy để hợp lí hoá sản xuất, trong quá trình  luyện kim màu, người ta thường cố gắng tận thu tất cả các thành phần có ích khác. Ví dụ : trong  quá trình luyện crôm, người ta cố gắng tận thu cả niken và côban. Trong quá trình luyện thiếc,  người ta tận thu cả titan và vônphram vv... 
LƯỚI KINH VĨ TUYẾN :  hệ thống các đường kinh tuyến và vĩ tuyến kẻ ngang dọc trên bản đồ
      và trên quả cầu dùng để xác định vị trí các địa điểm trên Trái Đất. Trên bản đồ, tuỳ theo các phương pháp chiếu đồ khác nhau, các lưới kinh, vĩ tuyến đều thể hiện khác nhau (các kinh tuyến và vĩ tuyến có thể là những đường thẳng hoặc đường cong...)
LƯỠI BĂNG HÀ :  bộ phận ở đầu băng hà có hình cong, lồi giống như hình một cái lưỡi. Trong
      quá  trình chuyển dịch chậm chạp từ cao xuống thấp, theo triền dốc của các thung lũng núi, lưỡi  băng hà là bộ phận đi đầu. Do hiện tượng ma sát với đáy và hai sườn thung lũng, nên  tốc độ  chuyển động ở hai bên lưỡi băng hà bao giờ cũng nhỏ hơn tốc độ ở giữa, làm cho băng hà có  hình cong lồi ra phía trước.
LƯỢNG CHẢY CỦA SÔNG :  X.  Lưu lượng.
LƯỢNG MƯA : lượng nước trong khí quyển rơi xuống mặt đất ở một địa điểm, trong một thời
       gian  nhất định (ngày, tháng, năm...). Tuy nói là lượng mưa, nhưng người ta không tính lượng mưa  bằng đơn vị khối lượng, mà tính bằng độ cao (mm) của cột nước mưa thu được trong một ống thuỷ tinh đặt trong thùng đo mưa. Độ cao này tương đương với độ cao của cột nước mưa đọng lại trên mặt đất bằng phẳng, nếu như nó không bị tiêu hao hoặc bị thấm  xuống sâu vv...
LƯỢNG MƯA TRUNG BÌNH : giá trị trung bình ( tính bằng mm) của lượng nước mưa rơi ở một địa điểm trong một thời gian nhất định (ngày, tháng, năm). Ví dụ : lượng mưa trung bình năm  ở  Việt Nam là 1.800mm.
LƯU LƯỢNG :  lượng nước chảy trong lòng một con sông qua một bến hoặc địa điểm nhất định,
       trong một đơn vị thời gian (thường tính bằng m3/s). Khi nói lưu lượng của một con sông mà không nói rõ ở địa điểm nào thì đó là lưu lượng ở cửa sông.

LƯU VỰC SÔNG : diện tích đất đai cung cấp toàn bộ các loại nước cho một con sông, bao gồm tất  cả các loại nước chảy ở trên mặt và ở dưới đất. Kích thước của lưu vực sông có ảnh hưởng rõ rệt  đến quy mô dòng sông và lượng dòng chảy của nó. Nếu sông nhỏ thì diện tích lưu vực chỉ rộng  từ 1.000 đến 2.000km2. Nếu sông trung bình thì diện tích lưu vực rộng từ 2.000 đến  5.000km2. Còn nếu sông lớn thì diện tích lưu vực phải từ  5.000km2 trở lên.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang