Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (M)

Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (M)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (M)


M


MADUT :  loại dầu đen và sánh dùng làm chất đốt. Madut là loại dầu còn lại sau khi chưng cất
      dầu mỏ thô ở nhiệt độ 3500C.
MAKÊTINH :  một trong những chế độ quản lí xí nghiệp, đòi hỏi những người sản xuất phải tính toán sao cho sản phẩm làm ra, tiêu thụ được tối đa trên thị trường. Còn gọi là phương pháp tiếp cận thị trường hay tiếp thị.
MAKI :  kiểu rừng cây bụi rậm rạp mọc xen lẫn với nhiều cây thân gỗ to nhỏ, xanh tươi quanh  năm. Các maki điển hình thường gặp ở vùng Địa Trung Hải, hình thành trên các vùng đất xấu thuộc các khối núi cổ. Theo nghĩa bóng, maki còn chỉ những nơi ẩn náu của những kẻ phạm tội, những người sống không lương thiện.
MAMÚT :  loài voi cổ sinh sống ở kỉ Đệ Tứ, xác còn tìm thấy trong các lớp băng dày ở Xibia.
      Mamut có thân cao tới 3,5 m, lông dày. Đôi ngà to và cong quặt về phía trán.
MANHÊTIT : quặng sắt có chất lượng cao. Còn gọi là quặng từ thiết hay quặng sắt từ. Thành phần  chủ yếu là ôxyt sắt ba (Fe3O4). Mỏ manhêtit ở Kiruna ( Thuỵ Điển) là mỏ tốt nổi tiếng trên  thế  giới.
MÃ LAI :  1)- dân tộc sinh sống trên bán đảo Malăcca và quần đảo Xơnđa.
                  2)- ngôn ngữ phổ biến của các dân tộc ở vùng Đông Nam Á ( trên bán đảo Malăcca và vùng ven bờ các đảo thuộc Inđônêxia.
MACGALIT :  loại đất đen nhiệt đới phát triển trong điều kiện khí hậu ẩm và khô hạn mạnh xen kẽ nhau. Lượng mùn trong đất có từ 0,8 đến 2%, thấm sâu theo các kẽ nứt trong toàn phẫu diện. Loại đất macgalit điển hình thấy rõ nhất ở Inđônêxia.
MẠCH NÚI :  tập hợp núi, cao thấp khác nhau, hoặc nối liền với nhau, hoặc đứt đoạn, nhưng kéo dài thành một vệt, một dải. Đồng nghĩa với dải núi.
MẠCH QUẶNG :  vệt quặng hoặc lớp quặng mỏng, kéo dài liên tục, nằm xen vào giữa mặt tiếp
      giáp của hai lớp đá.
MÀI MÒN :  hiện tượng xâm thực cơ giới các loại đá bằng vật liệu rắn (cuội, cát, đá tảng...) do các dòng nước chảy, băng hà, gió thực hiện dưới tác dụng của trọng lực. Hoạt động mài mòn  làm  cho bề mặt lớp đá tiếp xúc nhẵn nhụi, nhưng cũng có trường hợp, tạo thành những máng  những vệt trũng sâu hoặc những hố lõm. Hình thức này gọi là khoét mòn.
MANGAN :  khoáng sản kim loại màu xám, dùng trong công nghiệp luyện kim đen để luyện các loại thép đặc biệt.
MANTUÝT :  ( T.R.Malthus )  mục sư người Anh, đồng thời là giáo sư Sử học và Kinh tế - Chính trị học ( 1766 - 1834), người  đã đề ra thuyết " nhân mãn", cũng gọi là thuyết Mantuýt. Thuyết  này cho rằng : sự gia tăng dân số bao giờ cũng phát triển theo cấp số nhân, còn sự gia tăng lương thực, thực phẩm thì lại theo cấp số cộng. Do đó hiện tượng phát triển dân số quá nhanh, bao giờ cũng dẫn đến tình trạng rối loạn trật tự trong đời sống xã hội. Ông đề nghị cần phải loại bỏ số người thừa đó ra khỏi xã hội. Thuyết Mantuýt đã được bọn thực  dân sử dụng để bào chữa cho chính sách bóc lột, đàn áp  tàn bạo của các đế quốc đối với các thuộc địa lúc bấy giờ. Sau này, khi Mantuýt chết rồi, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của sức sản xuất trên toàn thế giới trong thế kỉ 19, đời sống nói chung của loài người được nâng cao, nên thuyết nhân mãn cũng dần dần bị lãng quên. Đến đầu thế kỉ 20, sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đã đưa nhân dân lao động thế giới đến bờ vực đói khổ, thuyết Mantuýt lại được phục hồi và khoác một nhãn hiệu mới : thuyết Tân Mantuýt. Thuyết này được diễn đạt khi thì che đậy, mềm mỏng, khi thì trắng trợn, hung bạo, nhằm  đổ lỗi cho sự gia tăng dân số đã gây ra tình trạng nghèo đói lạc hậu của các nước thuộc địa, làm lu mờ tội lỗi của chủ nghĩa thực dân. Mantuýt khi đề ra chủ nghĩa nhân mãn đã có nhận xét khá chính  xác  về tình trạng gia tăng dân số và sản xuất lương thực, thực phẩm trên thế giới lúc bấy giờ, nhưng sai lầm cơ bản của ông là cách giải quyết vấn đề. Ông cho rằng : để lập lại sự cân  bằng giữa vấn đề dân  số và lương thực, thực phẩm thì  cách hợp lí  nhất là phải loại ra khỏi xã hội số người dư thừa, vì vậy chiến tranh, bệnh tật... không phải là những thảm hoạ của thế giới, mà chỉ là những biện pháp duy trì  sự  cân bằng trong xã hội.
MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG :  toàn bộ hệ thống đường giao thông các loại  (đường bộ, đường thuỷ, đường không) được phân bố xen kẽ nhau, hỗ trợ cho nhau trên một lãnh thổ.
MẠNG LƯỚI THUỶ VĂN : toàn bộ hệ thống các dòng chảy, các thuỷ vực (hồ, ao...) có quan hệ với nhau và được phân bố rải rác khắp trên diện tích một lãnh thổ.
MAO DẪN :  ( trong thổ nhưỡng) phương thức di chuyển từ từ của nước trong các lớp đất từ dưới  sâu lên trên mặt theo các ống dẫn nhỏ gọi là ống mao dẫn hay mao quản (các khe hổng giữa các hạt đất mịn).
MAORI :  tên một tộc người bản địa sinh sống trên quần đảo Niu Dilen.
MAYA :  dân tộc đã sinh sống trên bán đảo Yucatan thuộc Trung Mĩ và trên lãnh thổ các nước Hônđurat, Goatêmala từ  mấy nghìn năm trước CN. Nền văn minh của người Maya phát triển rực rỡ nhất trong khoảng từ thế kỉ 8 đến thế kỉ  13 . Các di tích còn  lại gồm nhiều công trình xây dựng tiêu biểu là các kim tự tháp cụt, các lâu đài nhiều tầng bằng các khối đá xếp chồng lên nhau. Các công trình này được trang trí bằng nhiều hình hình  học, các mặt nạ cách điệu, các bức điêu hoạ rắn lông chim và chữ tượng hình.
MÁY ĐO ĐỘ CAO :   X.  Antimet
MÁY ĐO GIÓ : ( phong kế)  dụng cụ đo tốc độ gió. Loại phổ biến hơn cả là máy đo gió gáo, gồm  có 4 nửa cầu rỗng ( giống như những chiếc gáo múc nước ) gắn trên  một trục. Khi có gió thổi , các gáo chuyển động làm quay một bộ phận đếm số vòng. Tốc độ gió càng lớn , gáo càng quay nhanh, thì số vòng ghi được càng nhiều. Dựa vào số ghi ở bộ phận đếm số,  người ta có thể biết được gió mạnh hay yếu.
MÁY HỒI ÂM :  máy đo độ sâu của đáy biển và đại dương dựa trên nguyên tắc tính thời gian
      truyền qua môi trường nước biển ( một lần truyền âm từ mặt nước xuống đáy biển và một lần truyền  hồi  âm  từ đáy biển trở về mặt nước ).
         Nếu biết được tốc độ của âm thanh truyền trong nước biển và thời gian từ lúc phát âm
      đến lúc nhận được hồi âm thì có thể tính ra khoảng cách mà  âm thanh đã truyền qua. Khoảng cách đó là độ sâu của đáy biển hoặc đại dương.   
MÁY KINH VĨ : dụng cụ để ngắm và đo các góc theo mặt phẳng nằm ngang hoặc mặt phẳng đứng, dùng trong quá trình đo vẽ địa  hình và nghiên cứu thiên văn.
MÁY THU, PHÓNG BẢN ĐỒ : dụng cụ đơn giản để vẽ lại các bản đồ đã có, theo những tỉ lệ to, nhỏ (thu, phóng ) tuỳ ý. Máy hoạt động dựa trên nguyên tắc biến đổi các góc của hai hình tam giác đồng dạng .  
MĂCMA : tên  chung chỉ các loại đá đặc quánh, nóng chảy nằm ở dưới sâu, trong lớp vỏ Trái Đất ,  nơi có nhiệt độ trên 1.0000 C .
MẶT TRĂNG :  thiên thể quay quanh Trái Đất và cách xa Trái Đất trung bình 384.000 km. Bán
       kính của Mặt Trăng bằng 1.738 km. Trọng lực của nó so với Trái Đất nhỏ hơn 6 lần. Mặt Trăng không tự phát ra ánh sáng, mà được Mặt Trời chiếu sáng. Từ Trái Đất  nhìn lên, Mặt Trăng có lúc tròn, lúc khuyết, chính là vì người quan  sát  trên Trái Đất đã nhìn thấy Mặt Trăng ở các vị thế  khác nhau khi nó chuyển động quanh Trái Đất. Khi Mặt Trăng quay toàn bộ nửa được chiếu sáng về phía Trái Đất, thì lúc đó là thời kì trăng tròn ( giữa tháng). Nếu toàn bộ nửa nằm trong bóng tối quay về phía Trái Đất , thì  lúc đó là thời kì không trăng ( đầu tháng ) . Ở vị trí trung gian, nếu Mặt Trăng quay về phía Trái Đất  chỉ một bộ phận được chiếu sáng và một bộ phận ở trong tối, thì đó là thời kì trăng khuyết  (thượng tuần và hạ tuần ). Mặt Trăng quay một vòng trọn vẹn xung quanh Trái Đất hết  27 ngày 1/3. Tuy nhiên, trong thời  gian  Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, Trái Đất vẫn di  chuyển trên quỹ đạo quanh Mặt Trời, vì vậy để trở lại vị thế xuất phát, Mặt Trăng phải di chuyển  hơn  2 ngày ( * ) nữa (Ví  dụ : vị thế xuất phát là ngày rằm  (trăng tròn ) thì khi Mặt Trăng có lại vị thế trăng tròn phải  mất tất cả  29 ngày 1/2 ). Chính vì vậy nên 1 tháng âm  lịch phải có  29 hoặc 30 ngày.
          Có một điều đáng lưu ý là thời gian và hướng quay  của Mặt Trăng quanh Trái Đất hoàn toàn trùng hợp với thời gian và hướng tự quay của nó quanh trục, vì vậy người quan sát trên Trái Đất bao giờ cũng chỉ  nhìn thấy một phía của Mặt Trăng, mà không bao giờ nhìn thấy phía bên kia. Một ngày trên Mặt Trăng như vậy là bằng một tháng trên Trái Đất. Trên Mặt Trăng cũng không có khí quyển , vì vậy thế giới trên Mặt Trăng là một thế giới không có âm thanh, không có các hiện tượng khí tượng như : mây, mưa, sấm, chớp v.v.. Biên  độ nhiệt giữa ngày và đêm  của Mặt Trăng rất lớn  (tới 2900 C ). Quá trình phong hoá các loại đá ở đây chỉ xẩy ra do sự thay đổi của nhiệt độ .
MẶT TRỜI : thiên thể lớn nằm ở trung tâm hệ Mặt Trời. Đường bán kính của nó lớn gấp 109 lần  đường kính Trái Đất. Khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời bằng 149,5 triệu km. Mặt Trời có thể coi như một khối hơi cháy khổng lồ. Càng đi sâu vào trung tâm, nhiệt  độ và áp suất càng tăng. Bộ phận bên ngoài Mặt Trời phát ra ánh sáng, có nhiệt độ cao gần 6.0000C là lớp quang cầu. Bên ngoài lớp quang cầu là lớp sắc cầu. Ánh sáng của Mặt Trời đi đến Trái Đất phải mất 8 phút 18 giây.
           Trên Mặt Trời thường xuất hiện những lưỡi lửa dài và nhiều vết đen có nguồn gốc chưa rõ. Hoạt động của chúng thường được tăng cường theo chu kì khoảng 11 năm. Vào những thời kì đó, trên Trái Đất thường xảy ra các hiện tượng bất thường như : cực quang, bão từ hoặc những sự thay đổi lớn về thời tiết, khí hậu, thuỷ văn v.v...
MẬT ĐỘ DÂN SỐ : số dân cư trung bình sinh sống trên một đơn vị diện tích lãnh thổ (km2). Ví dụ : mật độ dân số châu Âu năm 2.000 là : 832 ng/km2.
MẬT ĐỘ SÔNG NGÒI : tương quan tỉ lệ giữa chiều dài tổng cộng của tất cả các sông ngòi (tính
      bằng km) chảy trên một đơn vị diện tích lãnh thổ ( tính bằng km2). Ví dụ : chiều dài tổng cộng của các sông ngòi chảy trên  một lãnh thổ rộng 120 km2 là 180 km. Mật độ sông ngòi trên lãnh thổ đó bằng :  180 / 120 = 1,5km/km2.
MÂY :  hình thức ngưng tụ hơi nước trong khí quyển ở trên cao dưới dạng các hạt nước nhỏ li ti hoặc các hạt băng lơ lửng thành từng đám, mà mắt thường có thể nhìn thấy được. Tuỳ theo hình dáng và độ cao xuất hiện, mây được phân ra 4 loại chính : mây ti, (Ci), mây tích (Cu), mây tầng (St) và mây vũ (Ni). Mây ti là loại mây mỏng, màu trắng, trong suốt trông giống như những dải khăn voan, hình thành do các hạt băng nhỏ ở độ cao từ 10 đến 12km. Mây ti là dấu hiệu của những ngày có thời tiết nắng, đẹp. Mây tích là loại mây có hình thù giống như những khối bông xốp trắng, lơ lửng ở độ cao khoảng dưới 10km trong lớp khí quyển.  Mây tích là dấu hiệu của những ngày nắng nóng nực, có hiện tượng bốc hơi nước mạnh. Mây tầng là loại mây thấp, màu xám, lơ lửng ở độ cao dưới 2.000m, có hình thù giống như một bức màn  giăng liên tục trên bầu trời vào những ngày thời tiết xấu, có thể có mưa phùn. Mây vũ là loại mây thấp, có màu xám sẫm do sự tích tụ các hạt nước có kích thước lớn. Đây là loại mây báo hiệu loại thời tiết  có mưa rào. Theo sự phân loại gần đây thì mây vũ không phải  là một loại  mây riêng mà thường phối hợp  với các loại mây tầng và mây tích thành các loại mây vũ tầng và vũ tích.
MÂY TẦNG TÍCH :  (Strato-cumulus)  mây có hình thù như một thảm vẩy tê tê hoặc một bức màn che gợn sóng hình thành ở độ cao khoảng  2.000m.
MÂY TI TẦNG :  (Ciro-Stratus)  loại mây ti trong suốt, che kín bầu trời như một bức màn voan
      mỏng.
MÂY TRUNG TÍCH : (Alto- cumulus)  mây tích hình thành ở độ cao trung bình, thường không quá 4.000m.
MÂY TÍCH VŨ :  (Cumulo-Nimbus)  loại mây tích có hình dạng các khối lớn màu xám đen, báo
      hiệu những cơn mưa lớn sắp tới.
MÊGAOÁT :  (MW) đơn vị công suất bằng 1 triệu W hay 1.000 kW.
MÊLANÊDIÊNG : thuật ngữ chỉ dân cư  sinh sống trên các đảo rải rác trong quần đảo Mêlanêdi  ở phía nam Thái Bình Dương.
MÊRINÔT :  giống cừu gốc ở Tây Ban Nha, có bộ lông rất dày, là nguyên liệu có giá trị cao trong công nghiệp chế biến len.
MÊTRÔ :  phương tiện giao thông ngầm dưới mặt đất, được thiết lập ở các đô thị lớn trong các
      nước phát triển, nhằm giải quyết tốt vấn đề đi lại của nhân dân giữa các khu vực nội thị và giảm bớt tình trạng tắc nghẽn xe cộ trên mặt đất.
MICA :  khoáng vật có trong thành phần của nhiều loại đá măcma và biến chất như : granit,
      mica phiến  nham v.v...Thành phần hoá học gồm : silicat  nhôm và kali. Có hai loại : mica trắng (muxcôvit và mica đen (biôtit).
MÔĐUYN  DÒNG CHẢY : tương quan giữa lượng nước chảy trung bình của một con sông hoặc của nhiều sông ( tính bằng lít hoặc m3) với một đơn vị thời gian ( tính bằng giây) trên một đơn  vị diện tích lưu vực hoặc lãnh thổ ( tính bằng km2). Ví dụ : môđuyn dòng chảy ở Nông Sơn  trên lưu vực sông Thu Bồn là :  79,8  lít/s/km2 ; môđuyn dòng chảy ở Thuận Hải bằng 3-5  lít/s/km2.
          Để tính được môđuyn dòng chảy ở lưu vực một con sông hoặc ở một lãnh thổ, người ta chia lưu lượng của con sông hoặc tổng lưu lượng của các con sông chính chảy trên  lưu vực hoặc lãnh thổ đó cho diện tích của nó. Kết quả được biểu hiện bằng lít/s/km2 hoặc m3/s/km2.  Đặc điểm của môđuyn dòng chảy thường được sử dụng để nghiên cứu tình hình thuỷ văn  hoặc xây dựng bản đồ dòng chảy của lãnh thổ.
MÔI TRƯỜNG :  thuật ngữ  chỉ toàn bộ các hệ thống tự nhiên và hệ thống do con  người tạo ra ở xung quanh  mình, trong đó con người sinh sống và bằng sức lao động của mình đã khai thác tài  nguyên  thiên nhiên hoặc nhân tạo cho phép thoả mãn những nhu cầu của mình (định  nghĩa của UNESCO- 1981). Môi trường lại phân ra  nhiều loại : môi trường tự nhiên, môi trường sống, môi  trường xã hội, môi trường địa lí vv...
MÔNGÔLÔIT :  đại chủng tộc có màu da vàng (hoặc nâu vàng), tóc đen, mắt đen (hoặc nâu), mũi thấp (hoặc trung bình), sống chủ yếu ở châu Á và châu Mĩ. Hiện nay chủng tộc Môngôlôit có mặt ở tất cả các châu lục.
MÙA : khoảng thời gian trong năm, có những đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu. Ở ôn đới, sự phân hoá ra 4 mùa trong năm khá rõ rệt. Mùa xuân bắt đầu từ ngày 21/3 đến 22/6, mùa hạ từ
       22/6 đến 23/9, mùa thu từ 23/9 đến 22/12 và mùa đông từ 22/12 đến 21/3. Theo âm dương lịch, (được dùng phổ biến ở nước ta và Trung Quốc), thì  sự phân chia các mùa có khác so với cách chia trên. Mùa Xuân bắt đầu từ tiết Lập xuân  (4/2 dương lịch)  đến tiết  Lập hạ (5/5 DL ), mùa Hạ từ tiết Lập hạ đến tiết Lập thu (7/8 DL ), mùa Thu từ tiết Lập thu đến tiết Lập đông (7/11 DL) và mùa Đông, từ tiết Lập đông đến tiết Lập xuân. Ở vùng  nhiệt đới gió mùa như nước ta, sự
       phân hoá ra các mùa cũng có sự khác biệt. Ở miền Bắc nước ta có hai mùa tương đối dài và rõ
       rệt là mùa hạ nóng và và mùa đông lạnh. Hai mùa xuân và thu tương đối ngắn và không thể hiện rõ. miền Nam nước ta, chủ yếu lại chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, các mùa Xuân và Thu chỉ là các thời kì chuyển tiếp.
MÚI  GIỜ :  X.  Khu vực giờ .
MŨI ĐẤT :  bộ phận đất liền nhô ra biển, có thể là đoạn  cuối của một khối núi  hoặc một dải đất kéo dài ra phía biển.
MÙN : hợp chất hữu cơ có màu đen được hình thành trong quá trình phân giải xác các động, thực vật dưới tác động của vi sinh vật. Chất mùn có ảnh hưởng rất lớn đến độ phì của thổ nhưỡng. Lượng mùn càng cao, đất càng tốt. Trong phẫu diện thổ nhưỡng, tầng trên cùng là tầng chứa mùn được kí hiệu là A1. Loại đất giàu chất mùn nhất là đất  Checnôdiom ở các vùng thảo nguyên ôn đới khô.
MUỐI MỎ :  khoáng vật trầm tích có thành phần chủ yếu là các muối clorua và sunphat natri. Loại tinh khiết có màu trắng, trong và dễ tan trong nước. Muối mỏ nằm thành từng lớp, đôi khi có độ dày hàng trăm mét, được hình thành trong điều kiện các vũng biển, phá, hồ cổ bị khô hoá. Do thành phần của các loại muối mỏ có khác nhau, nên  có nhiều loại muối mỏ có giá trị công nghiệp cao.
MƯA :  hình thức nước rơi chủ yếu của khí quyển từ các đám mây vũ tầng và vũ tích xuống mặt đất. Các hạt nước mưa thường có đường kính từ  0,5 đến 7mm.
MƯA AXIT :  hiện tượng mưa xảy ra trong điều kiện không khí bị ô nhiễm do có chứa một tỉ lệ cao ôxyt lưu huỳnh (SO2). Ở các thành phố công nghiệp lớn, trong khói của các lò cao và khí thải của các loại động cơ ô tô, xe máy v.v...thường có chứa một lượng lớn khí  SO2.  Khi gặp nước mưa, ôxyt lưu huỳnh hoá hợp với nước thành axit sunphuaric, vì vậy gọi là mưa axit.
MƯA ĐÁ :  hình thức nước rơi ở thể rắn, chủ yếu gồm các hạt nước đá có đường kính từ 5 đến 5,5 mm hoặc lớn hơn nữa. Mưa đá thường xảy ra trong điều kiện thời tiết nóng, oi bức về mùa  hạ, khi các luồng khí đối lưu từ mặt đất bốc lên rất mạnh, khiến cho các hạt nước mưa bị đẩy bật lên cao nhiều lần, trở thành các hạt băng. Các hạt băng lớn dần qua mỗi lần bị đẩy bật lên  cao, cuối cùng rơi xuống đất thành các hạt mưa đá. Mưa đá thường xảy ra trong một thời gian  ngắn, trên một phạm vi lãnh thổ nhỏ, hẹp, nhưng tác hại phá hoại mùa màng của nó đối với  nông nghiệp lại rất lớn.
MƯA ĐỊA HÌNH :  hình thức mưa sinh ra do ảnh hưởng của địa hình miền núi. Các luồng khí ẩm, trên đường di chuyển, khi gặp các sườn núi chắn ngang, bắt buộc phải bốc lên cao, hoá lạnh, làm cho một lượng lớn hơi nước ngưng tụ lại thành mưa.
MƯA ĐỐI LƯU :  hình thức mưa xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng có cường độ lớn. Còn gọi là mưa rào. Nguyên nhân  sinh ra mưa chủ yếu là hiện tượng đối lưu của không khí. Trong các ngày nắng, nóng, các dòng không khí bốc lên cao, hoá lạnh, làm cho một lượng lớn hơi nước ngưng tụ, sinh ra mưa. Mưa đối lưu thường xảy ra trong các buổi chiều mùa hạ, kèm theo sấm, chớp.
MƯA PHÙN :  hình thức mưa có hạt nhỏ và kéo dài trong nhiều ngày, thường thấy vào các mùa đông và xuân ở miền Bắc nước ta.
MƯA RÀO :  mưa đột xuất, ngắn và thường có kèm theo sấm chớp. X. Mưa đối lưu.
MỨC SỐNG :  khái niệm có ý nghĩa rất tương đối, chỉ mức thoả mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người (hoặc mức thu nhập tương ứng với sự đảm bảo những nhu cầu đó). Theo quan niệm khá phổ biến trên thế giới hiện nay, thì mức sống được biểu hiện ở một số chỉ tiêu sau : 1) - mức tiêu thụ năng lượng theo đầu người,
                2) - mức ăn tính theo số lượng calo trung bình hàng ngày cho mỗi người và 
                3) - trình độ được giáo dục, được chăm sóc về mặt  sức khoẻ.
MỰC CƠ SỞ :  mực nước thấp nhất trong lòng của một con sông, mà nó nhằm đạt tới trong suốt quá trình xâm thực theo chiều sâu. Đối với các con sông chảy ra biển, thì mực cơ sở là mực nước biển, đối với các con sông chảy vào hồ, thì mực cơ sở là mực nước trong hồ. Thời gian một con sông đào lòng đến mực cơ sở dài hay ngắn là tuỳ thuộc vào các điều kiện như : sông lớn hay nhỏ, đá ở đáy sông cứng hay mềm v.v...

MỰC NƯỚC BIỂN :  mực chuẩn được dùng để tính độ cao của địa hình, căn cứ vào mực nước trung bình ở biển trong trường hợp không có sóng, thuỷ triều và các nhiễu động khác.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang