Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (V)

Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (V)
Sổ tay Thuật ngữ Địa Lý (V)


V

VẬN ĐỘNG CỦA TRÁI ĐẤT :   X.   Chuyển động của Trái Đất .
VẬN ĐỘNG KIẾN TẠO :  thuật ngữ chỉ các vận động nói chung, do nội lực sinh ra, làm cho lớp
      vỏ Trái Đất có những biến động lớn, gây nên những sự thay đổi địa hình như : tạo ra các nếp
      uốn, các đứt gãy ( đoạn tầng) v.v...
VẬN ĐỘNG NÂNG LÊN VÀ HẠ XUỐNG CỦA VỎ TRÁI ĐẤT : vận động chậm và lâu dài của vỏ Trái Đất theo chiều thẳng đứng, làm cho bộ phận này của lục địa được nâng cao, mở rộng diện tích, trong khi có bộ phận khác lại bị hạ thấp và thu hẹp diện tích. Vận động này xảy ra rất chậm và tương đối đồng đều trên một diện tích rộng lớn, làm cho bề mặt các lục địa không có sự thay đổi rõ rệt trong một thời gian ngắn về cấu trúc, kiến tạo, mà chỉ sinh ra các hiện tượng biển tiến và biển thoái.
           Nguyên nhân sinh ra các vận động nâng lên và hạ xuống của vỏ Trái Đất, hiện nay chưa được  giải thích một cách chắc chắn. Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ sở để cho rằng : đó là kết quả của một quá trình sắp xếp lâu dài các vật liệu có tỉ trọng khác nhau trong lòng Trái Đất. Quá trình này hiện nay đang tiếp diễn và đã tạo ra các luồng vật chất nhẹ đi lên, làm cho các bộ phận lục địa này được nâng cao, trong khi đó các luồng vật chất nặng chìm xuống, lại làm cho các bộ phận lục địa khác lạị hạ thấp.
          Trong những phạm vi nhỏ hơn, vận động này còn được sinh ra trên bề mặt các lục địa, ở
       những nơi trước đây có lớp băng dày bao phủ, nay vì băng tan, bề mặt lục địa có sự thay đổi, được nâng lên ở nơi này, lún xuống ở nơi khác. Ví dụ : hiện tượng lục địa nâng lên ở khu vực Bắc Âu hiện nay, được giải thích là do khu vực này được thoát khỏi sự đè nặng của lớp băng hà kỉ Đệ Tứ ....
VẬN ĐỘNG TẠO SƠN : vận động mãnh liệt của vỏ Trái Đất trong những thời kì địa chất tương đối dài đã hình thành nên các dãy núi uốn nếp lớn trên bề mặt Trái Đất. Trong lịch sử địa chất, thường nhắc đến các vận động tạo sơn sau :  vận động Hurôni (trong thời kì Tiền Cam), vận động Calêđôni và Hecxini (trong đại Cổ sinh), vận động Kimmêri (trong đại Trung sinh) và vận động Anpi (trong đại Tân sinh).
VẬN TẢI ĐƯỜNG ỐNG : loại phương tiện vận tải các chất lỏng và khí như : dầu mỏ, khí đốt, kể cả hỗn  hợp than lỏng, bằng các ống dẫn từ  nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hoặc ra các bến cảng để xuất  khẩu.
VẬN TỐC VŨ TRỤ : vận tốc làm cho các con tàu vũ trụ và vệ tinh nhân tạo có thể rời bề mặt Trái
      Đất để đi vào vũ trụ. Có thể phân biệt: vận tốc vũ trụ cấp 1 là vận tốc đạt : 7,9 km/s, làm  cho
      các vật phóng lên trở thành vệ tinh nhân tạo của Trái  Đất và vận tốc vũ trụ cấp 2 là vận tốc đạt :
     11,2 km/s, tức vận tốc có thể thắng được sức hút của Trái Đất, để trở thành hành tinh nhân tạo
      của Mặt Trời.
VẬT HẬU HỌC : khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của những sự thay đổi thời tiết, khí hậu trong
      phạm vi thời gian và không gian, đối với đời sống và những hoạt động của giới sinh vật.
           Phương pháp nghiên cứu của khoa học này chủ yếu là quan sát động thái của các loài thực
      vật và động vật trong suốt các thời kì trong năm, cũng như ở các địa phương khác nhau, từ khi hiện  tượng bắt đầu phát sinh cho đến khi kết thúc. Ví dụ : thời gian bắt đầu và kết thúc các thời kì : nẩy mầm, ra hoa, kết trái vv...của các giống, loài thực vật ở các địa phương khác nhau hoặc thời gian bắt đầu và kết thúc các thời kì : ngủ đông, di cư, sinh nở...của các giống, loài động vật ( chim chóc, sâu bọ...) ở các địa phương khác nhau v.v...
VẬT LIỆU TỔ HỢP :  (composit)  vật liệu được tạo ra bằng cách kết hợp các thành phần cấu tạo
      khác nhau, có nhiều tính năng để có được một sản phẩm có tính chất mong muốn.
VỆ TINH :  thiên thể quay xung quanh một hành tinh. Ví dụ : Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất.
      Trong hệ Mặt Trời, số vệ tinh mà người ta biết được đến nay là : vào khoảng 66. Ngoài  2 hành tinh không có vệ tinh là Sao Thuỷ và Sao Kim, các hành tinh khác đều có từ 1 ( Trái Đất) đến  23 ( Sao Thổ) vệ tinh.
VỆ TINH NHÂN TẠO :  Ngoài các vệ tinh chính thức, hiện nay người ta còn phóng lên vũ trụ những vệ tinh nhân tạo với nhiều mục đich khác nhau như : nghiên cứu khoa học, thông tin liên lạc, quân  sự v.v...Để phóng các vệ tinh nhân tạo, người ta phải dùng những tên lửa cực mạnh, có ít nhất  3 tầng. Tầng đầu dùng để đẩy vệ tinh lên khỏi giới hạn của khí quyển, tầng hai đưa vệ tinh đến gần  quỹ đạo lựa chọn, tầng ba dùng để điều chỉnh đúng tốc độ cũng như hướng chuyển động của vệ tinh. Vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất được Liên Xô (cũ) phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.
VI ĐỊA HÌNH :  loại địa hình rất nhỏ,nhiều khi chỉ là một yếu tố của địa hình, ví dụ như : một bờ
      ruộng, một  mô đất, một hố trũng nhỏ vv...
VI KHÍ HẬU :  khí hậu riêng biệt, đặc trưng cho những khu vực có diện tích rất nhỏ. Ví dụ : vi khí
      hậu trong một căn phòng, một bụi cây vv...
VĨ ĐỘ ĐỊA LÍ : số đo tính bằng độ, phút, giây (dọc theo các đường kinh tuyến ) từ các địa điểm trên bề mặt Trái Đất đến đường xích đạo . Ví dụ : vĩ độ địa lí của đảo Cồn Cỏ trong Biển Đông nước ta là  17o 10' vĩ Bắc. Số đo này thực chất là số đo của cung chắn góc ở tâm Trái Đất, mà hai cạnh của góc này là : đường thẳng từ tâm Trái Đất đi qua địa điểm đo và đường thẳng nằm trong mặt  phẳng xích đạo của Trái đất.
VĨ TUYẾN : vòng tròn tưởng tượng trên bề mặt Trái Đất, song song với đường xích đạo. Càng xa
      xích đạo, các vĩ tuyến càng nhỏ dần. Vĩ tuyến nhỏ nhất là một điểm (vĩ tuyến 900), trùng với cực địa lí. Các vĩ  tuyến trên nửa cầu Bắc là các vĩ tuyến Bắc, các vĩ tuyến trên nửa cầu Nam là các vĩ tuyến Nam.  Xích đạo là vĩ tuyến lớn nhất trên Trái Đất, được coi là vĩ tuyến gốc hay vĩ tuyến 0o. Hai cực là những vĩ tuyến nhỏ nhất hay vĩ tuyến 90o Bắc và 90o Nam. Nhờ có hệ thống vĩ tuyến vẽ trên quả địa cầu và trên bản đồ, người ta có thể xác định được vĩ độ của bất cứ điểm nào trên bề mặt Trái Đất.
VIỆN TRỢ : hình thức chuyển giao của cải, tiền vốn, kĩ thuật v.v...bằng cách cho không hoặc có ưu
      tiên hơn so với thị trường, giữa các nước có trình độ không đồng đều, có thu nhập khác nhau,
      nhằm mục đích giúp nhau cùng phát triển. Viện trợ có hai hình thức : viện trợ song phương là
      viện trợ thực hiện giữa Nhà nước và Nhà nước của hai quốc gia và viện trợ đa phương là viện
      trợ thực hiện bởi các tổ chức quốc tế, bằng quỹ do các nước thành viên đóng góp.
VIKING :  những người gốc Bắc Âu làm nghề buôn bán và cướp biển rất nổi tiếng ở Tây Âu trong
      các thế kỉ từ 9 đến 12. Xem thêm : Noocmăng.
VỊNH :  bộ phận của biển, đại dương (hoặc hồ lớn) lõm sâu vào đất liền. Chỗ vịnh thông với biển, hoặc đại dương là cửa vịnh. Thông thường, vịnh có cửa hẹp, nhưng cũng có những vịnh có cửa mở rộng như : vịnh Thái Lan, vịnh Ghinê v.v...Vịnh nhỏ gọi là vũng.
VỎ TRÁI ĐẤT : lớp vỏ cứng ngoài cùng của Trái Đất, có độ dày từ 15 đến 70km, tối đa đến 100km. Chỗ dày nhất là ở những nơi có núi cao trên bề mặt Trái Đất. Chỗ mỏng nhất là ở đáy biển. Lớp vỏ Trái  Đất có hai lớp : bên ngoài là lớp granit, gồm các loại đá nhẹ (tương tự như đá granit), còn bên trong là lớp badan, gồm các loại đá có tỉ trọng lớn hơn (tương tự như đá badan).
VOI TAI TO : giống voi sống ở châu Phi có hai tai to hơn tai giống voi sống ở châu Á.
VÒI RỒNG :  cột nước bị hút lên cao do xoáy lốc trong khí quyển.
VÒNG CỰC : (cực quyền)  vòng vĩ tuyến  song song với xích đạo ở vĩ độ  66o 33' , nơi giới hạn của
      vùng cực có ngày hoặc đêm dài 24 giờ liền vào ngày hạ chí ( 22/6) và đông chí (22/12) . Trên
      Trái Đất có vòng cực Bắc ở bán cầu Bắc và vòng cực Nam ở bán cầu Nam. Vòng cực cũng là
      giới hạn lí thuyết của hai đới nhiệt : ôn đới và hàn đới.
VÒNG ĐAI LỬA THÁI BÌNH DƯƠNG :  khu vực phân bố núi lửa theo hình một vòng đai quanh bờ Thái Bình Dương, bao gồm hàng nghìn núi lửa đã tắt hoặc còn đang hoạt động. Vòng đai này kéo dài dọc theo bờ tây châu Mĩ ( từ đảo Đất Lửa đến bán đảo Alaxca), sau đó tiếp tục trên các quần đảo Alêut, Nhật Bản, Philippin, Xơnđa và Niu Ailen. Theo thuyết kiến tạo mảng thì vòng đai núi lửa này là hệ quả của sự tiếp xúc các mảng lục địa. Các khu vực này không chỉ có nhiều núi lửa, mà còn là nơi hình thành các dãy núi uốn nếp và thường xuyên xảy ra các trận động đất lớn.
VÒNG TUẦN HOÀN CỦA NƯỚC :  (vòng quay của nước)  vòng vận chuyển của nước từ thể lỏng ở trên  mặt các hồ, ao, sông, biển...thành hơi nước.  Hơi nước bốc lên cao, đọng lại thành mây. Mây bay vào đất liền, gặp lạnh, rơi xuống thành mưa. Nước mưa chảy trên mặt đất, rồi lại trở về các hồ, ao, sông, biển tạo thành một vòng tròn khép kín. Vòng tuần hoàn của nước là một vòng quay bất tận, Nhờ sự vận chuyển liên tục của nước, mà có sự  điều hoà nhiệt, ẩm giữa đại dương và lục địa, giữa các vùng ẩm ướt với các vùng khô hạn, làm cho sự sống trên bề mặt Trái Đất phát triển được thuận lợi.
VÔNPHRAM :  X.   Tungxten.
VỐN ĐẦU TƯ :  tiền bạc hoặc tài sản ban đầu bỏ ra để xây dựng các cơ sở sản xuất hoặc tổ chức
      kinh  doanh.
VŨ LƯỢNG KẾ :  X.   Thùng đo mưa .
VÙNG BIỂN ĐẶC QUYỀN VỀ KINH TẾ : vùng biển  của một quốc gia ven biển, được quy định có chiều rộng không vượt quá 200 hải lí, tính từ đường cơ sở. Vùng này có quy chế pháp lí riêng, trong đó các quyền của quốc gia ven biển được dung hoà với các quyền tự do về biển cả. Ví dụ: về thăm dò, nghiên cứu, khai thác tài nguyên thì  chỉ riêng nước ven biển có chủ quyền, nhưng ngược lại, nước ven biển cũng phải tôn trọng các quyền tự do hàng hải và tự do đặt dây cáp, đặt ống dẫn dầu ngầm của các nước khác. Tất nhiên khi thực hiện những quyền tự do này trong
       vùng đặc quyền về kinh tế của nước ven biển, các nước ngoài phải tôn trọng những luật lệ của nước chủ nhà và luật pháp quốc tế nói chung.
VÙNG CHẾ BIẾN XUẤT KHẨU : (Export Processing zones) vùng công nghiệp được hưởng những quyền lợi ưu đãi như : giảm miễn thuế hoặc không có hàng rào thuế quan v.v...Đây cũng là một  hình thức mở cửa của các nước đang phát triển, nhằm thu hút vốn đầu tư, nhập khẩu khoa học, kĩ  thuật, công nghệ và giải quyết vấn đề dư thừa nhân lực.
VÙNG ĐẤT CAO : bộ phận trên đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao tuyệt đối từ  200 đến  500m. Trong địa mạo học, loại địa hình này ở ôn đới được gọi là : bình nguyên cao.
VÙNG LẶNG GIÓ :  các vùng có vị trí nằm trên đường xích đạo và hai chí tuyến Bắc, Nam. Ở đây khí  áp hoặc thấp (xích đạo) hoặc cao (chí tuyến), nên về nguyên tắc, không khí chuyển  động chủ yếu theo chiều thẳng đứng, không có gió thổi trên mặt đất theo chiều nằm ngang. Các vùng này biểu hiện tương đối rõ tính chất  "lặng gió" trên mặt các biển và đại dương. Vì vậy, khi còn đi lại bằng thuyền buồm, các thuỷ thủ rất sợ phải đi qua những vùng lặng gió.
VÙNG NGOẠI Ô :  vùng đất ở xung quanh các thành phố, thường không thuộc phạm vi quản lí
      hành chính của thành phố, nhưng lại có quan hệ rất chặt chẽ với thành phố về nhiều mặt như
      cung cấp thực phẩm, nhân lực tạp dịch vv...
VÙNG TRŨNG :  X.   Bồn địa.
VÙNG TRƯỚC NÚI : vùng đất bồi tích ở chân núi, có sườn khá dốc, được hình thành do sản phẩm phong hoá, đưa từ trên cao xuống, thành các nón phóng vật.
VŨNG : vịnh nhỏ, ít chịu ảnh hưởng của gió bão và sóng lớn, thuận tiện cho việc trú đậu của tàu
      bè và xây dựng các bến cảng. Ví dụ : vũng Bái Tử Long, vũng Rô  vv...
VỰC THẲM ĐẠI DƯƠNG :  khe nứt hẹp ở đáy đại dương, sâu từ  6.000 m đến trên 11.000 m. Các
      vực thẳm đại dương thường nằm song song với các dãy núi hoặc quần đảo ở ven bờ lục địa. Ví
      dụ : vực thẳm Chilê-Pêru  song song với dãy Anđet, các vực thẳm Nhật Bản, Philippin, Marian
      v.v...song song với các quần  đảo cùng tên. Trên thế giới hiện nay có khoảng trên 10 vực thẳm
      sâu hơn 9.000m. Nhiều nhất là trong Thái Bình Dương. Vực Marian sâu nhất, đạt tới 11.034m.
      Theo thuyết kiến tạo mảng thì  vực thẳm được hình thành ở chỗ tiếp giáp hai mảng lục địa, khi
      một mảng bị mảng kia cuốn  hút  xuống dưới.
VƯỢN :  sinh vật thuộc họ khỉ, giỏi leo trèo trên cây, nhờ các chi trước rất phát triển. Lông vượn

      có màu sắc từ nâu vàng đến đen. Loài  sống ở vùng Ấn Độ-Mã Lai có thân cao tới 1m.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang