Tại sao các tỉnh Nam Bộ đều có địa danh Châu Thành?

Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở Miền Nam, thì ít nhất một lần bạn sẽ tự hỏi “Tại sao hầu hết các tỉnh/thành Nam Bộ đều có địa danh Châu Thành?”. Quả thật, nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy hầu hết các tỉnh trải dài từ Vũng Tàu cho đến tận Cà Mau đều có thị trấn/huyện mang tên giống nhau là “Châu Thành”. Vậy nghĩa của nó là gì? Và tại sao hầu hết các tỉnh đều mang tên gọi này?
Trước tiên chúng ta hãy cùng trở lại khoảng thời gian sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ vào ngày 5-6-1867. Lúc này Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam kỳ làm 24 hạt tham biện (arrondissement), trong đó lị sở được gọi là “châu thành”, có chức năng như một “Trung tâm hành chính”.
Các hạt của Nam kỳ lúc này bao gồm:
  • Tỉnh Sài Gòn có: châu thành Sài Gòn, châu thành Chợ Lớn, châu thành Cần Giuộc (Phước Lộc), châu thành Gò Công, châu thành Bình Lập (Tân An), châu thành Tây Ninh, châu thành Trảng Bàng (Quang Hóa).
  • Tỉnh Mỹ Tho: châu thành Mỹ Tho, châu thành Chợ Gạo (Kiến Hòa), châu thành Cần Lố (Kiến Phong), châu thành Cai Lậy (Kiến Đăng).
  • Tỉnh Biên Hòa: châu thành Biên Hòa, châu thành Bà Rịa, châu thành Thủ Dầu Một (Bình An), châu thành Long Thành, châu thành Thủ Đức (Ngãi An).
  • Tỉnh Vĩnh Long: châu thành Vĩnh Long, châu thành Trà Vinh, châu thành Bến Tre
  • Tỉnh Châu Đốc: châu thành Châu Đốc, châu thành Sa Đéc, châu thành Sóc Trăng.
  • Tỉnh Hà Tiên: châu thành Hà Tiên, châu thành Rạch Giá.
Cho đến năm 1912, địa danh “Châu Thành” chính thức được sử dụng để đặt cho nhiều đơn vị hành chánh của các tỉnh Nam Kỳ. Thời đó, dưới sự cai trị của thực dân Pháp đã từng xuất hiện “Quận” Châu Thành. Về sau do những biến đổi về địa danh địa giới hành chính qua các thời kỳ, nên ngày nay không còn dùng từ “Quận” nữa mà chuyển sang “Huyện” như hiện nay.
Châu Thành
Như vậy, ta có thể thấy rõ địa danh “Châu Thành” đã xuất hiện rất lâu từ thời kỳ Pháp vào đô hộ nước ta. Nhưng tại sao lại sử dụng tên gọi “Châu Thành”, mà không dùng tên khác?
Khái niệm “châu thành” trong từ điển
Là một từ Hán-Việt, sử dụng khá phổ biến ở Nam Bộ. Nó được các từ điển ghi nhận với nhiều nghĩa khác nhau:
  • Châu thành: một khu đất rộng đã lập ra phố phường, dân cư đông đúc: Hải Phòng là nơi châu thành mới mở (Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển (1931), Mặc Lâm xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.117)
  • Châu Thành: thành thị (ville) (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển (1932), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.157)
  • Châu Thành: thành thị. Châu thành Hà Nội (Đào Văn Tập, Tự điển Việt Nam phổ thông, A-C, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951, tr.92)
  • Châu Thành: khu đất đã lập thành phố phường, có dân cư đông đúc (Thanh Nghị, Việt Nam tân tự điển, Nxb Thời Thế, Sài Gòn, 1952, tr.253)
  • Châu Thành: ville, toute la ville; ngoại châu thành: zone suburbaine (Eugène Gouin, Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, Impimerie D’Extrême-Orient, Saigon, 1957, p.250)
  • Châu Thành: thành thị, thành phố: nhà ở Cần Thơ, ngay tại châu thành (Đào Đăng Vỹ, Việt Nam bách khoa từ điển, Quyển 3, Sài Gòn,1961, tr.161)
  • Châu thành: thành thị, khu vực chính một xứ hay một tỉnh, nơi người đứng đầu xứ hay tỉnh trưởng cai trị, thường dân cư đông đúc, mua bán thịnh vượng (Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Tập 1, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr.275)[13]
  • Châu thành: khu đất đã lập thành phố phường, có dân cư đông đúc: Ở đây gió bụi châu thành, Mộng vàng một giấc tan tình phấn son (Ban Tu thư Khai Trí, Tự điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1971, tr.187)
  • Châu thành: thành phố. Châu thành Sài Gòn (Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Tập 1, A-C, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr.198)
  • Châu Thành: thành phố; thuộc phạm vi thành phố. Châu Thành Sài Gòn. Huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre (Nguyễn Văn Ái chủ biên, Sổ tay phương ngữ Nam Bộ, Nxb Cửu Long, 1987, tr.97)
  • Châu thành: thành phố. Châu thành Sài-gòn (Văn Tân chủ biên, Từ điển tiếng Việt, In lần thứ ba, Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.155)
  • Châu Thành: thành phố; thuộc phạm vi thành phố. Châu Thành Sài Gòn. Huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre (Nguyễn Văn Ái chủ biên, Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.146-147)
  • Châu Thành: là một tên chung để gọi “lị sở” hay là “thủ phủ” của tỉnh. Sau biến thành tên riêng của cả loạt “lị sở” hay là “thủ phủ” của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ (Nhiều tác giả, Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 1, A-Đ, Trung tâm Biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr.426)
  • Châu thành: thành phố (Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2004, tr.145)
  • Châu thành: 1.vùng đất bao xung quanh, ở cạnh thành phố, thị xã, là đơn vị hành chính cấp huyện. 2. Vùng phụ cận, vùng ven thuộc phạm vi thành phố, thị xã. 3. Chỉ vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn trước kia. (Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.312)
  • Châu Thành: tên gọi chung chỉ lỵ sở hay thủ phủ của tỉnh. Về sau biến thành tên riêng của một loạt “thủ phủ” của nhiều tỉnh ở Nam Kỳ (Từ điển mở tiếng Việt Wiktionary)
Tổng hợp các định nghĩa trên, chúng ta có được một số nghĩa khái quát như sau về khái niệm “châu thành”:
– Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc
– Khu vực chính một xứ hay một tỉnh
– Vùng đất bao quanh, ở cạnh thành phố, thị xã, đơn vị hành chính cấp huyện.
– Vùng Sài Gòn-Chợ Lớn
Như vậy, kết lại “châu thành” được dùng để ám chỉ các phố phường, thành thị hoặc một nơi đông đúc trước khi đi vào trung tâm tỉnh/thành phố chính. Bởi thực tế, ta để ý thấy rằng “châu thành” thường nằm gần sát với trung tâm của tỉnh hoặc thành phố nào đó.
Theo Thích Là Đi


=> Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang