Chuyên đề: BIỂN ĐÔNG VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM

BIỂN ĐÔNG VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM
1. Khái quát về Biển Đông
1.1. Vị trí, giới hạn của Biển Đông

Với diện tích hơn 3447 nghìn km2, Biển Đông là một biển lớn, đứng thứ ba trong các biển của thế giới. Chiều dài của Biển Đông là khoảng 1900 hải lí (từ vĩ độ 3oN đến vĩ độ 26oB), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 600 hải lí (từ kinh độ 100oĐ đến kinh độ 121oĐ).
Từ ranh giới phía bắc nằm giữa bờ biển Phúc Kiến (Trung Quốc) và điểm cực Bắc đảo Đài Loan, bờ Biển Đông chạy men theo lục địa châu Á xuống bờ biển Việt Nam, tiếp xúc với bờ biển Campuchia, Thái Lan, sang bờ đông bán đảo Mã lai, qua Xingapo, sang bờ phía bắc đảo Xumatra, tới đường ranh giới phía nam ở khoảng vĩ tuyến 3oN, giữa các đảo Banca và Bêlitung (Inđônêxia), kéo sang đảo Calimantan, rồi vòng lên bờ biển phía tây của quần đảo Philippin và trở về đường ranh giới phía Bắc. Như vậy, có 9 quốc gia nằm ven bờ Biển Đông: Việt Nam, Trung Quốc, Philipin, Malaixia, Brunây, Xingapo, Inđônêxia, Thái Lan, Campuchia.
Biển Đông là một biển nửa kín vì các đường thông ra đại dương đều có các đảo và quần đảo bao bọc. Từ Biển Đông muốn ra đại dương hay sang các biển xung quanh, người ta phải đi qua các eo biển: Phía Bắc, qua eo biển Đài Loan để sang biển Hoa Đông và qua eo biển Basi để ra Thái Bình Dương. Phía Đông, qua eo biển Balabac để sang các biển Xulu và Xêlêbet. Phía Nam, qua các eo biển Carimanta và Gaxpa sang biển Giava. Phía tây, qua eo biển Malắcca để sang biển Anđaman rồi thông ra Ấn Độ Dương.
1.2. Một số đặc điểm tự nhiên của Biển Đông
Biển Đông có địa hình phức tạp. Độ sâu trung bình là 1140m, nơi sâu nhất đạt 5559m. Nhìn chung, Biển Đông sâu ở phía đông giáp Philippin và ở vùng trung tâm, nông ở phía tây và phía nam giáp Việt Nam, Malaixia… Vùng có độ sâu trên 2000m chiếm khoảng 1/4 diện tích. Thềm lục địa của Biển Đông khá bằng phẳng. Vùng thềm lục địa có độ sâu dưới 200m chiếm hơn 1/2 diện tích; trong đó, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, eo biển Đài Loan chỉ có độ sâu dưới 100m.
Khí hậu Biển Đông mang tính chất nhiệt đới gió mùa, chịu sự chi phối của 2 hệ thống khí áp: áp cao Xibia vào mùa đông và áp thấp Ấn Độ- Mianma vào mùa hạ. Tuy nhiên, khí hậu có sự khác biệt giữa khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Ở phía Bắc, vào mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) có gió mùa Đông Bắc thống lĩnh, tốc độ gió trung bình 4- 6m/giây, mạnh nhất là 20- 24m/s; vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10), gió thịnh hành là gió mùa Nam hoặc Đông Nam, cũng có khi là Tây Nam, tốc độ gió trung bình 3- 5m/s, mạnh nhất là 20- 22m/s. Ở phía Nam, vào mùa đông không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, khi này gió thịnh hành là gió Mậu dịch Đông Bắc, tốc độ gió trung bình 5- 7m/s, mạnh nhất là 18- 20m/s; vào mùa hạ, gió thịnh hành là gió mùa Tây Nam, tốc độ trung bình 4- 6m/s, mạnh nhất là 20- 22m/s.
Nhìn chung, Biển Đông là một biển vùng nhiệt đới, có nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình của nước tầng mặt trên toàn Biển Đông là khoảng 27- 28oC. Tuy nhiên, nhiệt độ có sự thay đổi theo vĩ độ và theo mùa. Xu thế chung của nhiệt độ nước Biển Đông là tăng dần từ bắc xuống nam. Vào mùa đông, ở phần phía bắc nhiệt độ trung bình là 22- 24oC, ở phần phía nam nhiệt độ trung bình là 25- 27oC. Vào mùa hạ, nhiệt độ tầng mặt của Biển Đông tương đối đồng đều, trung bình khoảng 29- 30oC.
 Mỗi năm trung bình có 9- 10 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 4- 5 cơn hình thành tại chỗ, số còn lại là từ vùng Tây Thái Bình Dương đổ bộ vào. Mùa bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông thường từ tháng 5 đến hết tháng 10. Trong các tháng đầu mùa, bão hoạt động ở các vĩ độ thấp, sau đó tiến dần lên các vĩ độ cao hơn, vào các tháng 8- 9 bão có thể hoạt động ở các vĩ độ tương đối cao (20- 22oB), từ tháng 10 vị trí bão lại có xu hướng lùi dần về các vĩ độ thấp. Thời gian tồn tại trung bình của các cơn bão là vào khoảng 4- 5 ngày, khi dài nhất lên tới 11 ngày và khi ngắn nhất chỉ 2 ngày là tan. Những cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông có đường đi đặc biệt phức tạp và chuyển hướng nhiều lần hơn so với những cơn bão từ Tây Thái Bình Dương đi vào.
Độ muối của nước Biển Đông chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như: chế độ gió mùa, sự trao đổi nước giữa Biển Đông với Thái Bình Dương và với các biển lân cận, nước của các con sông đổ ra… Vì vậy, độ muối của nước Biển Đông thay đổi theo mùa và theo điều kiện địa phương ven. Nhìn chung, độ muối ven bờ thấp hơn ngoài khơi khoảng 2‰. Ở ngoài khơi, vào mùa đông, phần phía bắc có độ muối 33,5- 34,5‰, phần phía Nam có độ muối 32,5- 33‰; vào mùa hạ, phần phía Bắc có độ muối 33- 33,5‰, phần phía nam có độ muối 32- 32,5‰.
Hoàn lưu nước trên Biển Đông chịu ảnh hưởng lớn của gió mùa và của địa hình bờ biển. Trong mùa đông, gió mùa Đông Bắc tạo nên một hải lưu chảy theo hướng Đông Bắc- Tây Nam dọc bờ biển Việt Nam, đó là dòng nước lạnh, tốc độ trung bình khoảng 60- 70m/s. Ngoài khơi có dòng nghịch lưu hướng Tây Nam- Đông Bắc, rõ nhất ở phía Nam thuộc vùng biển Malaixia- Inđônêxia và ở phía Bắc thuộc vùng biển Philippin. Tất cả tạo thành hải lưu vòng tròn mùa đông chảy ngược chiều kim đồng hồ. Mùa hạ, gió mùa Tây Nam tạo nên hải lưu chảy theo hướng Tây Nam- Đông Bắc, chảy sát bờ biển Trung Bộ Việt Nam, càng lên vĩ độ cao càng lệch sang hướng đông, tốc độ trung bình khoảng 30m/s. Ngoài khơi có dòng nghịch lưu chảy theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, rõ nhất là ở bộ phận phía Nam Biển Đông. Tất cả tạo thành hải lưu vòng tròn mùa hạ, chảy thuận chiều kim đồng hồ.
1.3. Vị trí địa chiến lược và tiềm năng kinh tế của Biển Đông
- Tầm quan trọng về địa chiến lược của Biển Đông
Biển Đông có tuyến đường giao thông huyết mạch, nối các nền kinh tế trên bờ Thái Bình Dương với các nền kinh tế trên bờ Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Đây là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới nếu tính theo tổng lượng hàng hóa thương mại chuyển qua hàng năm.
Mỗi ngày có khoảng 150- 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30000 tấn trở lên. Ven Biển Đông có trên 530 cảng biển, trong đó có 2 cảng vào loại lớn và hiện đại bậc nhất thế giới là cảng Xingapo và cảng Hồng Công.
Nhiều nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo, Trung Quốc…) có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào giao thông trên Biển Đông. Có tới 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua tuyến đường này. Khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc, 55% lượng hàng hóa xuất khẩu của các nước ASEAN là qua Biển Đông. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó đi qua Biển Đông. Lượng dầu mỏ và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.
Quanh Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước (eo biển Malắcca, eo biển Xunđa, eo biển Lômbôc…). Eo biển Malắcca nằm giữa đảo Xumatra (Inđônêxia) và bán đảo Mã Lai, nối Biển Đông với Ấn Độ Dương, dài hơn 800 km, rộng gần 38 km (nơi hẹp nhất chỉ 1,2 km). Dưới góc độ giá trị kinh tế và chiến lược, tầm quan trọng của eo biển Malắcca sánh ngang với kênh đào Xuyê hoặc kênh đào Panama. Eo Malắcca tạo nên hành lang hàng hải chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối 3 nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ, Inđônêxia và Trung Quốc. Vì vậy, đây được coi là điểm điều tiết giao thông đường biển quan trọng nhất châu Á. Nơi đây, mỗi năm có hàng chục nghìn tàu thuyền qua lại, bao gồm tàu chở dầu, tàu chở công ten nơ, tàu đánh cá. Khoảng 400 tuyến đường biển và 700 cảng biển trên thế giới phải nhờ eo Malắcca để quan hệ với cảng Xingapo. Theo số liệu năm 2006- 2007 của Bộ Năng lượng Hoa Kì, gần 1/3 số dầu mỏ của thế giới được vận chuyển bằng tàu thuyền qua eo biển này, biến nó trở thành 1 trong 2 tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới (sau tuyến đường biển qua eo Hooc mut).
- Tiềm năng kinh tế của Biển Đông
Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là các tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch…
Xung quanh Biển Đông có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản quan trọng của thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia, Philippin. Cả khu vực, đánh bắt khoảng 7- 8% tổng sản lượng đánh bắt cá của toàn thế giới.
Biển Đông được coi là 1 trong 5 bồn trũng chứa nhiều dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunây- Xaba, Xaraoăc, Malay, Patani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa khẩu Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, trong đó Inđônêxia là thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Hoa Kì, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỉ thùng, với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Còn theo đánh giá của Trung Quốc thì trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỉ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỉ thùng. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng.
2. Vùng biển Việt Nam
2.1. Các vùng biển và thềm lục địa
Không gian sinh sống của con người trên Trái đất chủ yếu gồm 3 bộ phận: đất, biển, trời.
Lãnh thổ quốc gia trên đất liền bao gồm mặt đất (kể cả hồ, ao, sông, suối…), vùng trời phía trên và lòng đất bên dưới, nằm trong phạm vi đường biên giới quốc gia được xác định qua thực tế quản lí hoặc các điều ước quốc tế. Đường biên giới quốc gia trên đất liền được coi là ổn định, bền vững và bất khả xâm phạm; mặc dù, trên thực tế vẫn có sự tranh chấp và biến động ở đường biên giới giữa nhiều quốc gia trên thế giới.
Giới hạn và độ cao của vùng trời thuộc lãnh thổ quốc gia cũng như độ sâu của lòng đất bên dưới tuy không được xác định chính xác là bao nhiêu kilômét, nhưng với khả năng kĩ thuật của nhân loại hiện nay thì mỗi quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện chủ quyền của mình trong những phạm vi nhất định tới giới hạn tối đa là lớp khí quyển nằm dưới quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh và tới độ sâu cho phép thuộc bề dày của vỏ Trái Đất nằm bên dưới lãnh thổ của mình.
Vùng biển của quốc gia ven biển được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được các nước kí kết vào năm 1982 (gọi là Công ước 1982), phê chuẩn vào ngày 16-11-1994 và từ đó bắt đầu có hiệu lực pháp luật quốc tế. Việt Nam phê chuẩn Công ước 1982 vào năm 1994. Theo Công ước về Luật Biển năm 1982 thì một quốc gia ven biển sẽ có 5 vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Nội thủy
- Là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở và giáp với bờ biển. Đường cơ sở là do quốc gia ven biển vạch ra. Theo Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đường cơ sở của Việt Nam là đường gãy khúc nối liền 11 điểm, từ điểm A1 (Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị).
Điểm
Vị trí địa lí
Vĩ độ (Bắc)
Kinh độ (Đông)
0
Nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Campuchia


A1
Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang
9o15’0
103o27’0
A2
Tại Hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau
8o22’8
104o52’4
A3
Tại Hòn Tài Lớn, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
8o37’8
106o37’5
A4
Tại Hòn Bông Lang, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
8o38’9
106o40’3
A5
Tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
8o39’7
106o42’1
A6
Tại Hòn Hải, Phú Quý, tỉnh Bình Thuận
8o58’0
109o05’0
A7
Tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa
12o39’0
109o28’0
A8
Tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên
12o53’8
109o27’2
A9
Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định
13o54’0
109o21’0
A10
Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
15o23’1
109o09’0
A11
Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
17o10’0
107o20’6
- Vùng nội thủy được xem như bộ phận lãnh thổ trên đất liền, có chế độ pháp lí của đất liền, nghĩa là được đặt dưới chủ quyển toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra vùng nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó. Nước ven biển có quyền không cho phép tàu thuyền nước ngoài vào vùng nội thủy của mình.
Trong vùng nội thủy, quốc gia ven biển sẽ thực hiện đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp giống như trên đất liền. Mọi luật lệ do quốc gia ven biển ban hành đều được áp dụng cho vùng nội thủy mà không có một ngoại lệ nào.



 Hình 1.2. Các vùng biển quốc gia của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982

Lãnh hải
- Là lãnh thổ biển, nằm ở phía ngoài nội thủy. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển. Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 quy định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lí tính từ đường cơ sở. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng tuyên bố: “Lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lí, tính từ đường cơ sở”.
- Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ trong vùng lãnh hải, song không tuyệt đối như nội thủy. Tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải của nước ven biển.
Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải tức là không được tiến hành bất kì hoạt động nào dưới đây:
+ Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
+ Luyện tập hoặc diễn tập với bất kì kiểu loại vũ khí nào.
+ Thu thập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển.
+ Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay.
+ Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự.
+ Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển.
+ Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước.
+ Đánh bắt hải sản.
+ Nghiên cứu hay đo đạc.
+ Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển.
+ Mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua.
Nước ven biển không được ngăn cản hay phân biệt đối xử trong việc đi qua không gây hại của tàu thuyền bất cứ nước nào, nhưng xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền quốc gia đối với lãnh hải và để bảo vệ an toàn cho tàu thuyền qua lại, nước ven biển có thể quy định cho các tàu thuyền nước ngoài đi theo những tuyến phân luồng giao thông riêng. Nước ven biển có quyền ban hành các luật lệ để kiểm soát và giám sát việc đi lại đó, cũng như truy tố, xét xử những người có hành động phạm pháp để bảo vệ quyền lợi của nước mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vùng tiếp giáp lãnh hải
- Là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Công ước quốc tế về Luật Biển nêu rõ: “Vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”, nghĩa là chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải không vượt quá 12 hải lí tính từ đường ranh giới ngoài của lãnh hải. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài của lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng là 12 hải lí, hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam”.
- Vì vùng tiếp giáp lãnh hải nằm ngoài vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nên quốc gia ven biển chỉ được thực hiện thẩm quyền hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định đối với các tàu thuyền nước ngoài. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền tiến hành các hoạt động kiểm soát, nhằm:
+ Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình.
+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.
Vùng đặc quyền kinh tế
- Là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và hợp với lãnh hải thành một vùng biển, có chiều rộng không vượt quá 200 hải lí tình từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lí kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam”. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định.
- Vùng đặc quyền kinh tế có chế độ pháp lí riêng do Công ước về Luật Biển 1982 quy định về các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như quyền tự do của các quốc gia khác. Cụ thể là:
+ Đối với các quốc gia ven biển:
·        Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.
Đối với các tài nguyên không sinh vật, quốc gia ven biển tự khai thác hoặc cho phép quốc gia khác khai thác cho mình nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Đối với các tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển tự định ra tổng khối lượng có thể đánh bắt được, tự đánh giá khả năng thực tế của mình trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật biển và ấn định số dư, từ đó cho phép các quốc gia khác khai thác số dư này trên cơ sở của các điều ước hoặc các thỏa thuận liên quan.
·        Quốc gia ven biển có quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Quốc gia ven biển có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các quy định luật pháp của mình.
·        Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn và quản lí nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị khai thác quá mức.
+ Đối với các quốc gia khác:
·        Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không.
·        Được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, khi đặt phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển.
·                Được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế.
Khi thực hiện những quyền tự do này, các nước ngoài phải tôn trọng những luật lệ của nước ven biển và luật pháp quốc tế nói chung.
Thềm lục địa
- Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên  phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là 200 hải lí, khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lí tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa với một khoảng cách không vượt quá 350 hải lí tình từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lí. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố: “Thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lí thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lí kể từ đường cơ sở”.
- Chế độ pháp lí của thềm lục địa:
+ Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Những quyền chủ quyền trên là đặc quyền của quốc gia ven biển, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa của mình hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai khác được quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển.
+ Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thoả thuận với quốc gia ven biển về đường đi của ống dẫn hoặc cáp.
+ Khi quốc gia ven biển tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lí kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải thì phải có một khoản đóng góp theo quy định của Công ước.
+ Quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lí của vùng nước phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận.
+ Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa vào bất kì mục đích gì.
2.2.  Đảo và quần đảo trong vùng biển Việt Nam
Theo Công ước về Luật Biển năm 1982 thì đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Quần đảo là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lí, kinh tế và chính trị hay được coi như thế về mặt lịch sử.
Có những đảo và quần đảo nằm gần bờ của nước ven biển, nhưng cũng có những đảo và quần đảo nằm ngoài biển khơi, cách xa bờ (ví dụ: các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Về mặt pháp lí, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của một quốc gia giống như đất liền. Trong trường hợp đảo hay quần đảo nằm gần bờ, luật quốc tế cho phép kéo đường cơ sở đi qua các đảo ngoài cùng để vạch đường cơ sở thẳng cho nước ven biển, từ đó định ra bề rộng của lãnh hải. Vì vậy, nhờ các đảo gần bờ mà vùng nước nội thủy ở phía trong đường cơ sở được nới rộng và lãnh hãi cũng được mở rộng ra ngoài biển. Trường hợp đảo và quần đảo ở ngoài khơi xa đất liền thì người ta áp dụng chế độ pháp lí đảo theo Công ước Luật biển quy định. Theo đó, mỗi đảo đều có vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng của mình như đối với quốc gia lục địa ven biển. Nếu các đảo của quần đảo ngoài khơi ở gần nhau (không xa hơn một khoảng cách gấp đôi lãnh hải, tức là 24 hải lí) thì các đảo ấy, coi như hợp thành một thể thống nhất trên thực tế vì lãnh hải của các đảo ấy gắn liền với nhau và một quần đảo như vậy cũng có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của nó. Tuy nhiên, những đảo tồn tại dưới dạng tảng đất, đá hoang, không có người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải mà không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trên vùng biển nước ta có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ. Các đảo này hoặc nằm rải rác một mình như đảo Bạch Long Vĩ, đảo Lý Sơn... hoặc họp thành nhóm như quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Thổ Chu... Nhiều đảo trên vùng biển nước ta có diện tích và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho dân cư sinh sống và phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên giao lưu kinh tế, văn hóa với đất liền và với các đảo khác. Về mặt hành chính, nhiều vùng đảo được tổ chức thành các huyện đảo. Đến năm 2006, nước ta có các huyện đảo: huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng), huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Sau đây là một số quần đảo và đảo trên vùng biển nước ta:
- Quần đảo Hoàng Sa

Hình 1.3. Quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo nằm trong khoảng vĩ độ 15o45’ - 17o15’B, kinh độ 111o-113oĐ, án ngữ ngang cửa Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hơn 120 hải lí, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lí. Gồm trên 30 hòn đảo, bãi đá ngầm, cồn san hô, bãi cát nằm rải trên một vùng biển rộng từ tây sang đông khoảng 100 hải lí, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lí, chiếm một diện tích khoảng 15.000km2.
Các đảo của quần đảo Hoàng Sa chia thành 2 nhóm:
+ Nhóm phía Đông có tên là nhóm An Vĩnh gồm 8 hòn đảo nhỏ và một số mỏm đá san hô mới nhô lên khỏi mặt nước. Trong đó, lớn nhất là đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn, diện tích mỗi đảo khoảng 1,5km2; trên đảo có nhiều cây cối, xung quanh có những bãi san hô và bãi cát ngầm. Các đảo nhỏ khác có diện tích từ 0,4km2 trở xuống, một số đảo có bờ cát trắng hoặc bãi san hô viền quanh.
+ Nhóm đảo phía Tây gồm 15 đảo nhỏ nằm sát liền nhau, cong như hình lưỡi liềm nên có tên là nhóm đảo Lưỡi Liềm. Đảo lớn nhất là đảo Hoàng Sa, diện tích gần 1km2; các đảo khác có diện tích từ 0,5km2 trở xuống. Trên đảo Hoàng Sa cây cối xanh tươi, có chỗ cây lớn mọc thành rừng, phần nhiều là dừa và phi lao. Ở phía Đông đảo Hoàng Sa có một cầu tàu bằng đá và bê tông dài khoảng 180m, do một công ti Nhật Bản được nhà cầm quyền Pháp trước đây cho phép khai thác phân chim xây dựng, nay vẫn còn nguyên dấu tích. Cũng trên đảo này có một trạm khí tượng được xây dựng và hoạt động từ năm 1938 đến năm 1947, được đăng kí vào mạng lưới của Tổ chức Khí tượng thế giới, mang số hiệu khu vực của Việt Nam.
Tổng diện tích phần nổi của các đảo trong quần đảo Hoàng Sa là khoảng 10km2. Ngoài các đảo còn có những cồn san hô, vành đai san hô bao bọc một vùng nước tạo thành đầm nước giữa biển khơi. Có cồn dài tới 30km, rộng 10km, như cồn Cát Vàng.
Quần đảo Hoàng Sa có khí hậu nóng quanh năm, nhiệt độ trung bình tháng 1 là 23oC, tháng 7 là 28oC. Một năm chia làm 2 mùa: mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6, mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 12. Lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 1170mm. Từ tháng 6 đến tháng 8 thường có bão đi qua.
Thảm thực vật của quần đảo Hoàng Sa rất đa dạng. Có đảo cây cối um tùm, nhưng có đảo chỉ có cây nhỏ, cây bụi và cỏ dại. Thực vật phần lớn thuộc các loài có nguồn gốc ở duyên hải miền Trung do nhiều triều Vua trước đây của nước ta đã ra lệnh đem các loài cây ra trồng để thuyền bè qua lại dễ nhận biết, tránh bỏ tai nạn.
Trên các đảo có nguồn phốt phát vôi do phân chim tích tụ lâu ngày bị phân hóa, đây là nguồn phân bón có giá trị lớn. Hải sản ở Hoàng Sa có tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, rau câu... Cát ở đây chứa tới 40% can xi, do những vụn san hô vỡ ra mà thành. Vùng biển Hoàng Sa cũng có triển vọng lớn về dầu khí.
- Quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa ở về phía Đông Nam nước ta, trong khoảng vĩ độ 6o50 - 12o00B, kinh độ 111o30 - 117o20’Đ, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 250 hải lí, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) trên 600 hải lí và cách đảo Đài Loan khoảng 960 hải lí.
Quần đảo gồm hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, nằm rải trên một vùng biển rộng, từ Tây sang Đông khoảng gần 350 hải lí, từ Bắc xuống Nam khoảng hơn 360 hải lí, chiếm một diện tích biển khoảng 160.000 - 180.000km2.
Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa, độ cao trung bình trên mặt nước từ 3 đến 5m. Đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (rộng khoảng 0,6km2), tiếp đến là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta, Sinh Tồn... Ngoài ra còn có các bãi đá ngầm. Các đảo ở đây cũng có vành san hô ngầm, rộng hàng trăm mét, che chở cho đảo khỏi bị sóng đánh tràn lên. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo, đá, cồn, bãi ở quần đảo Trường Sa khoảng 10km2, tương đương quần đảo Hoàng Sa, nhưng quần đảo Trường Sa trải ra trên một vùng biển rộng gấp hơn 10 lần quần đảo Hoàng Sa.

 
Hình 1.4. Thị trấn Trường Sa nhìn từ phía biển
Đảo Song Tử Tây nằm cách bờ biển nước ta khoảng 450km, tấm bia chủ quyền của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đặt ở gần trung tâm của đảo. Trên đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây có đài khí tượng theo dõi và thông báo các số liệu về thời tiết của vùng biển này cho mạng lưới quan trắc khí tượng thế giới. Trên các đảo Song Tử Tây, An Bang, Đá Tây có đèn biển của Tổng Công ti bảo đảm Hàng hải Việt Nam.
Khí hậu, thời tiết của vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn so với các vùng ven bờ: mùa hạ mát hơn và mùa đông ấm hơn. Một năm có thể chia làm 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Lượng mưa trung bình lớn, hơn 2500mm/năm. Hằng năm ở quần đảo Trường Sa có tới 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Hiện tượng dông rất phổ biến, có thể nói quanh năm, tháng nào cũng có dông. Bão lớn cũng thường đi qua, tập trung vào các tháng mùa mưa.
Một số đảo trong quần đảo có nước ngầm như ở các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Song Tử Đông.
Chất đất trên các đảo là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim và mùn cây, có bề dày từ 5 đến 10cm. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như cây phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo, cỏ dại.
Nguồn lợi hải sản của quần đảo Trường Sa rất phong phú, với nhiều loại cá tập trung với mật độ cao; đặc biệt có vích là loài động vật quý hiếm và cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao.
Ngoài phốt phát vôi, đá san hô... thì theo các chuyên gia, khu vực quần đảo Trường Sa cũng có dầu khí với trữ lượng khá lớn.
 
Hình 1.5. Trồng rau xanh ở Trường Sa
- Quần đảo Vân Hải
Là nhóm đảo ở phía đông vịnh Hạ Long, cách thành phố Hạ Long gần 50km. Lớn nhất là đảo Trà Bản, dài 30km. Phía nam đảo là vịnh Vân Đồn rộng gần 100km2, nơi có thương cảng Vân Đồn xưa kia nổi tiếng là phồn thịnh và sầm uất.
- Đảo Cát Bà
Nằm ở phía đông thành phố Hải Phòng, diện tích khoảng 277km2, gồm 1 đảo lớn và 366 đảo đá lớn nhỏ rải rác vây quanh. Trên đảo Cát Bà có vườn quốc gia cùng tên.
- Quần đảo Cô Tô
Nằm ở khoảng vĩ độ 21o00B và kinh độ 107o45Đ, thuộc tỉnh Quảng Ninh, gồm 29 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 2 đảo lớn nhất là Cô Tô và Thanh Lam. Đảo Cô Tô nổi tiếng về nghề nuôi trai lấy ngọc.
- Đảo Bạch Long Vĩ
Nằm khoảng vĩ độ 20o07’B và kinh độ 107o45’Đ, cách thành phố Hải Phòng 70 hải lí được coi là tiền đồn ngoài cùng phía Đông Bắc của Tổ quốc. Đảo rộng khoảng 2,5km2, giàu sản vật biển: cá, tôm và đặc biệt là bào ngư.
- Đảo Cồn Cỏ
Thuộc tỉnh Quảng Trị, có vĩ độ 17o10’ và kinh độ 107o21’Đ, cách đất liền hơn 20 hải lí. Diện tích gần 4km2. Là một trong những đảo có đa dạng sinh học bậc nhất ở nước ta.
- Đảo Lý Sơn
Còn có tên là Cù Lao Ré, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đảo dài trên 8km, rộng khoảng 2,5km. Dân cư đông đúc, làm nghề đánh bắt hải sản, trồng tỏi...
 

Hình 1.6. Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

- Quần đảo Phú Quý
Ở ngoài khơi bờ biển Bình Thuận. Gồm gần 10 hòn đảo lớn nhỏ và một số bãi cạn nằm rải rác trong vùng biển kéo dài khoảng kinh độ 108o20’-109o20’Đ và vĩ độ 9o50’ - 10o45’B. Lớn nhất là đảo Phú Quý (còn gọi là Cù Lao Thu), dài 6,5km, rộng khoảng 3,5km. Đảo Hòn Hải trong quần đảo được chọn là một điểm để xác định đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
- Quần đảo Côn Sơn
Nằm cách Vũng Tàu 98 hải lí và cửa sông Hậu 45 hải lí. Gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích tổng cộng khoảng 70km2. Đảo lớn nhất là Côn Đảo, tiếp đến là Hòn Bảy Cạnh, Hòn Bà... Đây là quần đảo khá trù phú, đất đai màu mỡ, nhiều hải sản.
- Hòn Khoai
Nằm cách mũi Cà Mau khoảng 7 hải lí. Diện tích gần 5km2. Là một thắng cảnh của tỉnh Cà Mau.
- Đảo Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất nước ta, nằm ở vùng biển Tây Nam đất nước, thuộc tỉnh Kiên Giang. Diện tích gần 568km2, chiều dài nhất khoảng 50km, chiều rộng nhất gần 30km. Quanh đảo Phú Quốc còn có hàng chục đảo nhỏ, tổng diện tích các đảo này chỉ bằng 2/3 diện tích đảo chính. Đảo Phú Quốc có ý nghĩa về nhiều mặt: vị trí chiến lược, kinh tế (đánh cá, trồng hồ tiêu, du lịch,...).
- Quần đảo Nam Du
Thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm khoảng vĩ độ 9o40’B, kinh độ 104o2’Đ, cách bờ biển hơn 27 hải lí. Gồm 21 đảo đá lớn nhỏ, diện tích tổng cộng khoảng 11km2, quây quần trong một vùng biển rộng 60km2. Đảo lớn nhất là Nam Du, dài gần 6km, nơi rộng nhất khoảng 1,5km.
- Quần đảo Thổ Chu
Thuộc tỉnh Cà Mau, nằm cách mũi Cà mau khoảng 85 hải lí về phía Tây Bắc. Gồm 9 đảo lớn nhỏ, rải rác trên một vùng biển rộng khoảng 50km2. Đảo lớn nhất là Thổ Chu. Hòn Nhạn là đảo nằm xa bờ nhất của quần đảo, được chọn làm điểm chuẩn A1 để vạch đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
3. Một số vấn đề cơ bản của Chiến lược biển, đảo Việt Nam đến năm 2020
Thế kỉ 21 được thế giới xem là thế kỉ của đại dương. Bước vào thế kỉ 21, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang hướng mạnh ra biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình. Khai thác biển để phát triển kinh tế là cách làm đầy hứa hẹn, mang tình chiến lược và được đánh giá là có vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
3.1. Các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển, đảo Việt Nam đến năm 2020
- Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giầu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
- Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Ba là, khai thác mọi người lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
3.2. Mục tiêu của chiến lược biển, đảo Việt Nam đến năm 2020
- Mục tiêu tổng quát:
Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020 kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.
+ Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển để có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
+ Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển
+ Xây dựng cơ quan quản lí tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.
3.3.  Những định hướng của chiến lược biển, đảo Việt Nam đến năm 2020
- Về kinh tế - xã hội
+ Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ; xây dựng tuyến đường ven biển, trong đó có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển.
+ Hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế để ra biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
+ Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
+ Trước mắt, sẽ đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng cảng biển, phát triển công nghiệp đóng tàu, phát triển những ngành dịch vụ mũi nhọn như vận tải biển, các khu kinh tế ven biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai.
- Về quốc phòng, an ninh đối ngoại:
+ Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc.
+ Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lí, kinh tế, quốc phòng trong quản lí vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc gắn với thế trận an ninh nhân dân.
+ Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển.
+ Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, phát triển kinh tế kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
- Về phát triển khoa học - công nghệ biển:
+ Xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
+ Đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ, phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo thiên tai và khai thác tài nguyên biển; nhanh chóng nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên biển, đáp ứng được yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.
- Về xây dựng kết cấu hạ tầng biển
+ Phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng các cảng nước sâu ở cả 3 miền của đất nước, tạo những cửa mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới.
+ Tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật, sớm khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kĩ thuật - công nghệ các cảng; tăng nhanh năng lực bốc xếp hàng hóa, giảm thiểu tối đa chi phí, bảo đảm có sức cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.
+ Sớm hoàn chỉnh khai thác có hiệu quả hệ thống sân bay ven biển, xây dựng tuyến đường ven biển và đường cao tốc Bắc - Nam trên biển...
4. Định hướng phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam
4.1.  Thực trạng kinh tế biển, đảo Việt nam
- Trong những năm qua, đất nước chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển Việt Nam đã và đang đóng góp phần không nhỏ vào nền kinh tế chung của đất nước. Một số ngành kinh tế biển đã đạt được những thành tựu to lớn: Khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản nước lợ là lĩnh vực kinh tế đặc trưng của biển đã đóng góp khoảng 4,5 tỉ USD trong tổng giá trị thủy sản xuất khẩu năm 2008, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động đánh cá trực tiếp và nuôi trồng thủy sản, cùng 50 vạn lao động dịch vụ liên quan. Mức khai thác dầu khí năm 2008 là 14,9 triệu tấn dầu và 7,5 tỉ mét khối khí, kim ngạch xuất khẩu dầu đạt 10,4 tỉ USD, là ngành đóng góp lớn nhất vào GDP kinh tế biển hiện nay.
Kinh tế trên một số đảo đã có bước phát triển nhờ chính sách di dân và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo.
- Tuy nhiên, quy mô phát triển kinh tế biển nước ta như hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Các chỉ tiêu hàng hóa thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa có đường bộ cao tốc chạy dọc theo bờ biển, nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Các thành phố, thị trấn, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển mới đang trong thời kì xây dựng. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực cho kinh tế biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn còn nhỏ bé, trang thiết bị thô sơ... Việc sử dụng biển và hải đảo chưa thật hiệu quả, thiếu bền vững. Trình độ khai thác biển của nước ta đang ở tình trạng lạc hậu bậc nhất trong khu vực.
4.2.  Một số định hướng về phát triển kinh tế biển, đảo
Định hướng chung về phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong những năm tới là:
- Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, có cơ cấu kinh tế hiện đại, thực sự làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển với tốc độ nhanh. Tạo sự kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo với các khu vực nội địa để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
- Mở cửa, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong, kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập.
- Coi phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là động lực để hỗ trợ, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển và vùng ven biển là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sống của vùng biển, ven biển và các hải đảo.
4.3. Giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo ở Việt Nam
Kinh tế biển Việt Nam hiện đã có bước chuyển biến đáng kể. Ngoài các ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam là hội nhập quốc tế.
Mục tiêu thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển; làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Để xây dựng một nền khoa học kinh tế biển hiện đại, một quốc gia mạnh về biển với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cần phải triển khai hàng loạt các giải pháp nghiên cứu về biển, cả chiến lược, chính sách lẫn khoa học - công nghệ, bao gồm:
Thứ nhất, phát triển mạnh giao thông vận tải biển để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển. Hệ thống cảng của nước ta gồm cảng biển và cảng sông với khoảng trên 90 cảng lớn nhỏ và được phân bố tương đối đều dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam. Hệ thống cảng biển Việt Nam được chía thành 6 nhóm: 1) Nhóm cảng biển phía bắc; 2) Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ; 3) Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ; 4) Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ; 5) Nhóm cảng vùng Đông Nam Bộ; và 6) Nhóm cảng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với hệ thống cảng, kho bãi, biển Việt Nam thông với hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Những điều kiện thuận lợi này là cơ sở quan trọng để phát triển giao thông vận tải biển. Vận chuyển hàng hoá bằng đường biển đã tăng 6 lần trong giai đoạn (1995-2006).
Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, huấn luyện thuyền viên. Việt Nam ước tính thiếu hụt khoảng 800 thuyền viên vào năm 2010. Nếu tính cả sĩ quan tham gia vào thị trường xuất khẩu thì sự thiếu hụt lên tới 1000 người. Để giảm thiểu sự thiếu hụt này, nhà nước cần xây dựng Trung tâm đào tạo huấn luyện thuyền viên dựa trên nguồn kinh phí tài trợ của nhà nước và của tư nhân, đồng thời hợp tác với nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cần phát triển dịch vụ hàng hải và hiện đại cơ sở vật chất kỹ thuật cho khâu quản lý điều hành nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và dịch vụ hàng hải. Phát triển thương mại biển, đảo và vùng ven biển có trọng điểm để sớm hình thành một số trung tâm thương mại mạnh tại một số khu vực biển. Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hải sản cao, ổn định và bền vững, cải thiện cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng mặt hàng chế tạo, sản phẩm chế biến.
Thứ ba, tập trung phát triển du lịch đảo và du lịch ven biển. Du lịch và giải trí biển là một lĩnh vực hoạt động kinh tế biển. Các hoạt động kinh tế biển đã đóng góp giải quyết đáng kể về thu nhập cũng như giảm thất nghiệp, xoá đói nghèo, bảo đảm an ninh quốc gia vùng biển. Du lịch biển có tiềm năng kinh doanh lớn. Vùng biển và ven biển tập trung tới ¾ khu du lịch tổng hợp và hơn ½ khu du lịch chuyên đề nhưng ngành du lịch biển vẫn chưa có những sản phẩm dịch vụ đặc sắc, có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế, chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt qui mô và trình độ quốc tế. Những năm gần đây, du lịch, nghỉ dưỡng cũng như giải trí biển đã được mở rộng đáng kể. Việt Nam có nhiều trung tâm du lịch biển quan trọng, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trển tuyến du lịch quốc tế Đông Nam Á. Doanh thu du lịch biển tăng 5 lần giai đoạn (2000 – 2006), Mục tiêu năm 2010 thu hút hoảng 4-5 triệu lượt khách quốc tế, 20 - 30 triệu lượt khách trong nước đến du lịch biển.
Thứ tư, tăng cường khai thác năng lượng, khoáng sản, thuỷ sản biển. Đẩy mạnh sản xuất muối biển trên cơ sở thâm canh, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất các đồng muối hiện có.
Mặc dù ngành khai thác dầu thô và khí thiên nhiên trên biển Việt Nam mới được bắt đầu từ năm 1986, nhưng hiện đang đứng ở vị trí thứ 4 ở Đông Nam Á và thứ 44 trong Cộng đồng các quốc gia khai thác dầu mỏ trên thế giới. Ngành dầu khí là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong nhũng ngành khai thác biển, đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khẩu thu được nhiều ngoại tệ nhất. Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp ven biển, trước hết là dầu mỏ, khí đốt, than, quặng kim loại, chuẩn bị điều kiện khai thác khoáng sản ở biển sâu sau năm 2010. Bên cạnh khai thác khoáng sản biển, thì thủy sản cũng đóng vai trò quan trọng vì thuỷ sản là nguồn tài nguyên tài tạo, phát triển dựa trên nền tảng của các hệ sinh thái. Kinh tế thuỷ sản bảo đảm và cải thiện kế sinh nhai cho dân cư sống ở vùng nông thôn ven biển và hải đảo. Tiếp tục phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản để đến năm 2010 đạt tổng sản lượng 4 triệu tấn. Mở rộng thêm diện tích những nơi thuận lợi nhất cho nghề muối, đưa diện tích các đồng muối lên 30- 35 nghìn ha vào năm 2010.
Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng biển trên cơ sở đầu tư nâng cấp các cụm cảng, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu. Nâng công suất cụm cảng phía Bắc lên 60 - 70 triệu tấn, miền Trung 40 - 50 triệu tấn/năm, miền Nam 90 - 100 triệu tấn vào năm 2010. Nâng cấp và chuẩn bị điều kiện xây mới một số sân bay ven biển. Khẩn trương xây dựng các cảng biển nước sâu, qui mô lớn có thể tiếp nhận các tàu biển trọng tải lớn từ 50.000 – 100.000 DWT. Ngành hàng hải Việt Nam cần 4-5 tỉ USD từ nay đến năm 2015 để đầu tư phát triển cảng biển. Năm 2008, cảng biển Nam Ninh (cảng đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế ở phía bắc) chính thức được đưa vào khai thác đã đánh dấu sự phát triển mới của ngành vận tải biển Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tóm lại, mục tiêu của Cộng đồng quốc tế nói chung và của từng quốc gia ven biển nói riêng là phát triển bền vững như Chương trình nghị sự 21 của Liên hợp quốc đã đưa ra. Phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện chưa được coi là bền vững. Vì vậy, để phá triển một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững và có khả năng hội nhập quốc tê cần có một phương pháp quản lý biển tổng hợp, đảm bảo được an ninh sinh thái và an ninh xã hội ở vùng biển đảo và ven biển. Thêm nữa là phải thay đổi cách tư duy về quản lý và khai thác tài nguyên biển, phải chinh phục biển và chế ngự biển khơi, có như vậy, mục tiêu “trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020” của Chính phủ Việt Nam mới có khả năng thành hiện thực.



=> iDiaLy.com - Tất cả bài đăng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé....
 Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang