BÍ QUYẾT ĐẠT ĐIỂM 10 MÔN ĐỊA LÝ

Địa lý là môn học không khó, nhưng trong nhiều kỳ thi tuyển sinh ĐH rất hiếm có thí sinh (TS) đạt điểm tối đa, mức điểm trung bình thường thấp hơn các môn còn lại và không ít bài bị điểm liệt. Làm thế nào để đạt được điểm cao trong kỳ thi sắp tới? Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh - Trưởng bộ môn Địa lý du lịch khoa Địa lý trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ với TS một số kinh nghiệm trước và trong khi thi.

Học như thế nào?
Cần phải nắm chắc một cách hệ thống những kiến thức địa lý đã được học trong sách giáo khoa, có thể nêu ra 4 mảng chính sau: Phần nền tảng và quan trọng nhất là những vấn đề liên quan đến nguồn lực phát triển của quốc gia, các địa phương về mặt tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Thứ hai là các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong từng phần phải nắm rõ được hiện trạng phát triển, nguyên nhân, hậu quả có thể có của vấn đề, và đặc biệt là đưa ra được giải pháp của vấn đề. Thứ ba là những vấn đề kinh tế - xã hội trong từng vùng. Thứ tư là một phần không nên bỏ qua: vấn đề VN trong mối quan hệ với các nước trong khu vực.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh
Sau khi nắm vững kiến thức, TS nên làm quen với các dạng đề thi khác nhau như: dạng trình bày, phân tích và chứng minh, dạng lý giải, dạng so sánh. Yêu cầu chung là phải nắm vững kiến thức, riêng với dạng phân tích chứng minh, lý giải và so sánh còn đòi hỏi khả năng chắt lọc, vận dụng kiến thức phù hợp, khả năng tổng hợp kiến thức cao chứ không đơn thuần là thuộc bài.
Trong các bài tập thực hành của đề thi kỹ năng thực hành thường là 1 trong 3 dạng chính sau:
- Nhận xét và phân tích số liệu thống kê, cần chú ý: Cần nắm được nguyên tắc phân tích số liệu, như: Số liệu có nội dung gì, các nội dung được cụ thể hóa ở chỉ tiêu thống kê cụ thể như thế nào. Về thời gian của số liệu thống kê (một thời điểm hay một chuỗi thời điểm), các đơn vị tính của chỉ tiêu, mối quan hệ có thể có giữa các chỉ tiêu đó... đều đáng chú ý. Khi phân tích, phải làm rõ được sự thay đổi của các giá trị, các chỉ tiêu theo thời gian, phải chỉ ra được khoảng tăng hoặc giảm mang tính chu kỳ (tốc độ gia tăng), thấy được những thời điểm với những giá trị đặc biệt (sự tăng, giảm đột biến). Cần vận dụng những lý thuyết đã học được để lý giải sự thay đổi của các chỉ tiêu đó, mối quan hệ có thể có để nhận xét những chỉ tiêu có liên quan. Đôi khi trong quá trình phân tích, bên cạnh phân tích định tính (những nhận xét) thì cần kèm theo những phân tích định lượng (những số liệu minh họa).

- Vẽ và nhận xét biểu đồ thì lưu ý: Với biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị), trục hoành thể hiện yếu tố thời gian phải đúng tỷ lệ. Biểu đồ hình cột thì tùy theo yêu cầu đề bài mà vẽ cột đơn, cột song song hoặc cột chồng, số liệu tuyệt đối hoặc tương đối. Biểu đồ hình tròn (hoặc hình vuông) dùng thể hiện cơ cấu nên số liệu được sử dụng có đơn vị tính là %. Lưu ý, nếu có nhiều hình tròn thì bán kính mỗi hình tròn phải khác nhau để thể hiện được những quy mô khác nhau của chỉ tiêu. Nếu biểu đồ hình tròn dùng để thể hiện cơ cấu tại những thời điểm nhất định, thì dạng miền để diễn đạt sự thay đổi cơ cấu theo thời gian của một hoặc nhiều chỉ tiêu thống kê. Cũng có khi kết hợp các dạng biểu đồ với nhau khi vẽ (ví dụ kết hợp biểu đồ cột và biểu đồ đường), khi đó phải đảm bảo đúng tỷ lệ về mặt thời gian của trục hoành, và các đơn vị tính trên trục tung phải phù hợp.

- Lược đồ: Nguyên tắc khi vẽ lược đồ VN là phải đảm bảo độ chính xác tương đối về hình dạng, thể hiện được các hệ thống sông chính, các điểm dân cư, khu vực hành chính cơ bản. Với yêu cầu điền nội dung địa lý phù hợp trên lược đồ, phải tùy theo nội dung mà lựa chọn phương pháp thể hiện tương ứng, đảm bảo độ chính xác tương đối theo không gian phân bố các hiện tượng địa lý.

Cách làm bài ra sao?
Bước vào phòng thi môn Địa lý, TS nên chú ý những dụng cụ cần thiết được mang vào phòng thi môn Địa lý đúng theo quy định như trong quy chế tuyển sinh.

- Nhận dạng đề thi: Đề thi thường có từ 3 - 4 câu, trong đó phần lý thuyết thường chiếm từ 65% - 70% tổng số điểm. Cần nhận dạng được đề thi, ví như dạng trình bày hay chứng minh, biểu đồ tròn hay biểu đồ miền, số liệu đã được xử lý hay số liệu thô...
- Lập dàn ý: Để không bị sót ý, viết lặp lại, lan man, lạc đề, vừa có thể theo dõi được bài làm, kịp thời bổ sung ý cho bài viết... thì lập dàn ý cho các câu hỏi trước khi viết là việc làm hết sức cần thiết. Ngay sau khi nhận dạng đề, TS nên tập trung vạch ra các ý tương đối chi tiết theo dạng dàn ý mở. Nên lưu ý, dàn ý là những ý tiêu đề, trọng tâm chứ không phải bài viết hoàn chỉnh vì không đủ thời gian.

- Phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: TS nên phân bố thời gian đều và phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài, và tiêu chí nên căn cứ vào tỷ trọng từng câu hỏi, tức là số điểm của câu hỏi. Nên dành khoảng thời gian từ 15
- 20 phút để phác thảo dàn ý, từ 10 - 15 phút cho việc kiểm tra đọc lại bài.
- Ngoài ra, trong khi làm bài thì chú ý phần dễ làm trước, khó làm sau nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, logic trong bài làm, và nên làm ở tất cả các câu chứ không nên tập trung vào một câu nào đó. Với những số liệu thống kê dùng để minh họa cho bài làm được lấy từ sách giáo khoa, hoặc những số liệu đã được cập nhật từ bên ngoài, TS cần nói rõ nguồn gốc và thời điểm của chúng. Khi vẽ biểu đồ, chú ý ghi tên biểu đồ, bảng chú giải và đặc biệt phải có sự tương thích giữa ký hiệu trong bảng chú giải với những ký hiệu đã dùng trong biểu đồ. Bài thi địa lý có thể trình bày ở dạng bài gồm: mở bài, thân bài và kết luận, hoặc dùng trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nhưng cần diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc và dễ hiểu.

Lời khuyên đầu tiên của thầy Đỗ Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), dành cho các em học sinh (HS) khi bắt đầu vào việc ôn tập môn Địa lý?
- Tôi muốn bắt đầu từ cấu trúc của một đề thi. Cấu trúc của đề thi môn Địa lý đã từ nhiều năm nay không có gì thay đổi. Đề thi bao giờ cũng gồm có 2 phần. Phần thứ nhất là phần bắt buộc và thường có 2 câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất thường là bài tập thực hành, vẽ hoặc xây dựng biểu đồ, sau đó kết hợp nhận xét và phân tích một biểu đồ địa lý kinh tế. Câu thứ hai, đề bài cho một bản số liệu. Từ bản số liệu ấy HS phân tích để rút ra nhận định. Phần này được 5 điểm. Trong đó câu bài tập thực hành thường có cơ cấu từ 3 - 3,5 điểm. Còn câu phân tích số liệu thống kê thường có cơ cấu từ 1,5 - 2 điểm.
Phần thứ hai là phần tự chọn (HS chọn 1 trong 2 đề để làm bài). Trong đó, có một đề sẽ có một câu lý thuyết (yêu cầu HS sử dụng nội dung của kiến thức sách giáo khoa để làm bài). Một đề khác sẽ có một câu hỏi dựa vào Atlat địa lý Việt Nam (đây là tài liệu được phép mang vào phòng thi, HS có thể sử dụng nó để làm bài - PV). Giữa 2 câu này tôi khuyên là HS nên sử dụng quyển Atlat.
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm, HS không cần phải nhớ hết số liệu (vì trong Atlat đã có đầy đủ các biểu đồ, các số liệu). Việc tiếp thu quyển Atlat của HS là khá dễ dàng. Từ nội dung Atlat có thể làm thành một bài lý thuyết cho yêu cầu câu hỏi đã đặt ra. Tuy nhiên HS cũng phải lưu ý. Các đề thi thường yêu cầu HS vừa dựa vào kiến thức trong quyển Atlat, vừa dựa vào kiến thức trong SGK. Nếu chỉ học ôn quyển Atlat thì không đủ.
* Những năm có thi môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy đều trực tiếp tham gia công tác chấm thi. Thầy nhận thấy các em hay gặp những sai lầm nào trong làm bài?
- Nói là sai lầm thì không đúng mà là những điểm khó khiến các em lúng túng. Đó là phân tích số liệu thống kê và giải thích, nhận xét các biểu đồ. Khi làm phần bài tập, bài tập vẽ biểu đồ hình tròn, hình cột, vẽ các đường biểu diễn... thì các em hay mắc lỗi là chưa biết nhận xét, giải thích cũng chưa thật hoàn toàn đúng (dù vẽ được, vẽ đúng).
Giáo viên nên lưu ý để hướng dẫn HS biết cách làm một bài thi Địa lý, đặc biệt là hướng dẫn HS cách khai thác triệt để nội dung có trong quyển atlat để làm bài.
* Địa lý là môn học nằm trong khối thi C (khoa học xã hội). Như vậy có phải đây là một môn học thuộc lòng?
- Địa lý là môn nằm giữa ranh giới các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sẽ không đúng nếu nói nó là môn học thuộc lòng. Để học tốt môn Địa lý, yêu cầu các em phải hiểu.
Khi làm bài thi môn Địa lý, yêu cầu các em phải có tư duy địa lý. Trong địa lý có những mối quan hệ giữa tự nhiên, giữa xã hội và giữa kinh tế. Các mối quan hệ ấy ràng buộc với nhau. Ví dụ, để phân tích sự phát triển kinh tế một ngành một vùng thì nó liên quan đến những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội như yếu tố dân cư, nguồn lao động, thị trường, cơ sở vật chất hoặc đường lối chính sách...
Đề ra yêu cầu giải thích tại sao nước ta về nông nghiệp (đặc biệt là sản xuất lúa) phát triển rất nhanh. Các yếu tố như đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng diện tích, đưa giống lúa mới có năng suất cao... tuy cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Từ đó mới có những chính sách thích hợp như khuyến nông, khoán 10 hoặc Luật Đất đai mới. Vì thế người nông dân làm chủ được tư liệu sản xuất và người ta sẵn sàng bỏ vốn, bỏ sức lao động và đầu tư khoa học kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm. Chính đường lối chính sách ấy mới là nhân tố quyết định thành tựu của mình, từ một nước phải nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu lương thực.
Khi phân tích, HS phải phân tích tổng hòa của các yếu tố. Khi học, các em tránh học thuộc lòng mà học trong mối liên hệ tổng thể giữa các hiện tượng địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế xã hội thì làm bài mới có kết quả cao.
Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng đã nói rõ, HS không cần thiết phải ghi nhớ tất cả số liệu. Điều quan trọng, HS phải biết phân tích số liệu. Số liệu ấy nói lên điều gì? Những biến động của các dãy số liệu phản ánh điều gì? Tại sao lại có diễn biến như thế?
Trong đề thi từ trước đến nay ít khi yêu cầu HS nhớ số liệu... Hơn nữa, HS được mang quyển atlat vào phòng thi, trong quyển atlat đó có hệ thống số liệu của rất nhiều ngành kinh tế, HS không nhất thiết phải học thuộc lòng.
* Nhưng vẫn có những nội dung buộc HS phải nhớ, dù có thể không phải là nhớ từng câu, từng từ?
- Đúng thế. Vậy thì để dễ nhớ, các em phải nắm được cấu trúc bài học. Một dạng bài nào đó thường có cấu trúc giống nhau. Ví dụ về sự phát triển của một ngành kinh tế.
Đầu tiên là về những điều kiện những nguồn lực để phát triển vùng đó. Khi đã gọi là nguồn lực thì nó phải đầy đủ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, về các nguồn lực kinh tế xã hội. Sau đó là hiện trạng phát triển của ngành ấy. Trong hiện trạng thì có thành tựu, có khó khăn, có hướng để khắc phục.


Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang