Bí quyết đạt điểm 10 tuyệt đối thi THPT Quốc gia môn Địa Lý

Cùng lắng nghe những chia sẻ của bạn thủ khoa Lương Thùy Vy - thủ khoa ĐH Luật TP.HCM đạt điểm 10 tuyệt đối đó là sử dụng sơ đồ hình cây (mindmap) để xác định nội dung chính, phụ.


Tư duy đồng tâm, khái quát vấn đề
Theo tôi, mấu chốt môn Địa không phải học thuộc lòng mà là bạn phải có tư duy đồng tâm, khái quát vấn đề và ghi nhớ theo cách riêng của mình. Ví dụ, tôi thường phân loại: trong Địa lí bao gồm Địa Tự nhiên và xã hội, trong địa tự nhiên bao gồm vị trí địa lí, khí hậu,địa hình, đất, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên...; địa xã hội bao gồm lịch sử phát triển lãnh thổ, dân cư (dân số, chủng tộc...), các ngành kinh tế (nông, công nghiệp, dịch vụ...). Phần đầu SGK Địa 12, phân tích các yếu tố tự nhiên, xã hội ở VN nói chung đây là cơ sở để ta phân tích các thành phần tự nhiên, xã hội, mạnh yếu của các 7 vùng lãnh thổ khác nhau.
Tôi biết nhiều bạn thường học tủ các nội dung của 7 vùng lãnh thổ vì nghĩ là nội dung trọng tâm và làm ngơ các nội dung mang tính đại cương. Với tôi, một khi đã nắm vững những khái niệm tổng quát nhất, tôi tiếp tục đối chiếu với từng vùng, chú ý những mạnh yếu của từng vùng rồi tiến đến so sánh thuận lợi, hạn chế giữa những vùng có nhiều tương đồng hay khác biệt về mặt tự nhiên hay KT-XH.
Tóm lại, dựa trên tư duy này cộng với vốn sống tích lũy từ sách báo, các bạn có thể nắm vững một cách rõ ràng, có định hướng phần lí thuyết môn Địa. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi viết bài luận, không nhất thiết phải viết nguyên văn diễn đạt trong SGK, dựa trên cách hiểu của mình, mình có thể làm chủ ngòi bút, vận dụng uyển chuyển cũng cùng một nội dung kiến thức cho nhiều dạng đề khác nhau.
Bi quyet dat diem 10 tuyet doi thi THPT Quoc gia mon Dia
Sử dụng sơ đồ hình cây là phương pháp học mang lại kết quả cao đối với các bạn thi môn Địa
30 phút mỗi ngày vẽ biểu đồ 
Tôi chia sẻ kĩ năng vẽ biểu đồ, đề thi Địa truyền thống, dù là thi tốt nghiệp hay đại học đều dành 30% số điểm cho vẽ và phân tích biểu đồ vì thế bạn phải rèn kĩ năng này. Việc vẽ biểu đồ cơ bản không quá phức tạp vì biểu đồ chỉ bao gồm các dạng: biều đồ tròn, cột, miền, đường, biểu đồ kết hợp... Cách vẽ các dạng biểu đồ này được hướng dẫn rất cụ thể trong nhiều tài liệu khác nhau, các bạn nên tham khảo ý kiến thầy cô hay các anh chị khóa trước để tìm đọc và tự học, tự luyện: dành khoảng 30 phút mỗi ngày để vẽ một bài tập biểu đồ vì càng luyện nhiều thì tốc độ vẽ sẽ nhanh hơn, tiết kiệm nhiều thời gian cho các câu luận. 
Vận dụng kiến thức bên ngoài 
Nhiều bạn thường gặp khó khăn trong việc đạt điểm tối đa câu hỏi nhận xét, phân tích. Cá nhân tôi nghĩ  muốn làm tốt nội dung này cần xác định được rõ ràng yêu cầu của đề, tránh việc ưa gì viết nấy. Khi chỉ ra các con số cần kèm theo nhận xét nguyên nhân có con số này, vì sao một hiện tượng địa lí có xu hướng tăng, giảm, biến động... Tư liệu để giải quyết nội dung này không nằm ngoài nội dung lí thuyết trong SGK. Nắm vững được nội dung lí thuyết là cơ sở để làm tốt đánh giá nhận xét biều đồ. 
Cùng với đó, những hiểu biết về tình hình thời sự hằng ngày cũng rất quan trọng. Các bạn cứ suy nghĩ thế này, nội dung trong sách thì ai ai cũng biết, ai ai cũng có thể viết ra đươc, chính những dữ liệu bên ngoài lại thể hiện được sự hiểu biết của người viết nên bài thi đó sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều đó lại dẫn đến việc nhiều bạn tham lam, khoe kiến thức bằng việc viết thật nhiều những gì mình biết mà lãng quên các nội dung trong SGK. Điều này rất tai hại vì với tính chất kì thi quốc gia, chung đề, chung đáp án, người ra đề tất nhiên phải dựa trên kiến thức chung để soạn đáp án. Nếu bạn toàn viết những gì mình biết dù những tri thức đó là đúng bạn cũng chỉ được điểm thưởng không quá 0.5đ cho một câu hỏi 3đ. Lời khuyên: hãy viết những nội dung chính, chắc chắn đúng trước, còn thời gian thì đưa hiểu biết của bản thân vào sau. 
Học Địa từ Atlat 
Học môn Địa cũng sẽ hiệu quả hơn nếu các bạn kết hợp với Atlat. Học tới bài nào thì mở Atlat ra xem, lối học giàu hình ảnh sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho việc học các tiểu tiết như phân bố của các loại khoáng sản, nhà máy điện, sông ngòi... Lưu ý, khác với thi tốt ngiệp, thi đại học không cho phép mang Atlat, các bạn nhớ nhé! 
Luôn luôn đặt câu hỏi. Ví dụ: khi xác định sự phân bố của các nhà máy thủy điện và nhiệt điện ở VN, các bạn phải tự hỏi vì sao nhiệt điện chủ yếu phát triển ở Miền Bắc và Nam, mà không phải miền Trung… 
Môn Địa có sự liên kết chặt chẽ giữa việc học lí thuyết và thực hành. Kiến thức trong SGK thì ai cũng có thể nắm được, kì thi tuyển vì thế phân loại đánh giá học sinh dựa trên khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề của thí sinh. Hãy lưu ý  kĩ năng hay kiến thức cơ bản có vai trò quan trọng như nhau và tương hỗ cho nhau. 
Bạn nên chia thành các tiểu mục khi trả lời các câu hỏi Địa để bài thi được rõ ràng tường minh. Tuy nhiên, trong mỗi tiểu mục, bạn nên gạch đầu dòng cho từng ý một, hết một ý lại gạch đầu dòng cho ý tiếp theo; không nên viết thành một đoạn văn dài trong bài thi Địa; các bạn cũng có thể viết một câu dẫn cho câu trả lời song phải hết sức ngắn gọn, không dài dòng lôi thôi hay màu mè; còn phần kết bài thì cá nhân tôi nghĩ là không cần thiết trong trường hợp này.


Xem thêm tại: http://tin.tuyensinh247.com/bi-quyet-dat-diem-10-tuyet-doi-thi-thpt-quoc-gia-mon-dia-c32a26494.html#ixzz45Z9ZmuhT



Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang