KINH NGHIỆM BẢN ĐỊA TRONG CANH TÁC NÔNG NGHIỆP

Cha ông ta từ xưa đã có tổng kết kinh nghiệm để có hiệu quả cao trong sản xuất và canh tác trồng trọt, đó là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Hiện nay, đối với các khu vực, đặc biệt như vùng Bắc Trung bộ...

Cha ông ta từ xưa đã có tổng kết kinh nghiệm để có hiệu quả cao trong sản xuất và canh tác trồng trọt, đó là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Hiện nay, đối với các khu vực, đặc biệt như vùng Bắc Trung bộ, bà con nông dân phải đối mặt với những hiện tượng thuỷ tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt hơn. Những kinh nghiệm của bà con trong việc ứng phó với những hiện tượng thời tiết này đảm bảo canh tác được duy trì, ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ rất có giá trị. Một số kinh nghiệm của bà con được ghi nhận lại dưới đây sẽ giúp ích cho những bà con nông dân ở các vùng đang phải chống chịu với những hiện tượng thuỷ tai biến động bất thường trong thời gian tới.
1. Kinh nghiệm trong làm đất
  • Ngập lụt tạo nên hiện tượng bồi lắng, giảm thiểu được sâu bệnh cho mùa vụ kế tiếp – đây cần được coi là nguồn lợi cho canh tác nông nghiệp và cần được tận dụng
Ở những vùng ngoài đê hay cửa sông, sau mỗi đợt lũ lụt, ngập úng, chất lượng đất canh tác hầu như không bị ảnh hưởng gì, thậm chí là đối với những vùng đất ở ngoài đê còn được cải thiện do được bồi đắp thêm phù sa.
“Ở ngoài đê thì họ lại cũng được lợi từ lụt vì nước từ hạ nguồn sông về mang theo nhiều phù sa, cải tạo cho đất tốt, mình phải tích cực cấy trồng sau đó để tận dụng nguồn đất phù sa này” (Người dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Ngoài ra, bên cạnh việc giúp tăng độ màu mỡ phì nhiêu của đất canh tác, lũ lụt về còn mang đến một ích lợi khác đối với sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, đó là diệt được các loại sâu bọ và chuột gây hại cho mùa màng. Có thể nói, ích lợi từ phù xa về và sâu bênh, chuột bị tiêu diệt khi có mưa lũ là những cơ hội để bà con có thể tận dụng canh tác tốt trong vụ kế tiếp.
Hắn có lụt thì ruộng năm sau càng tốt, cây cối càng đẹp mà không có lụt là cây cối xấu lắm. Vì hắn lụt là hắn trữ cái lượng phù sa về, hắn bồi thêm cho đất đai thêm mầu mỡ lên; thứ hai nữa là hắn diệt được các cái loại bỏ sâu bọ, chuột thường gây hại (Người dân xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
  • Thau chua, rửa mặn đối với những vùng đất bị nhiễm mặn sau bão, ngập lụt, đắp lại những chỗ đất bị xói lở nhiều và bón thêm phân để tăng lại độ mầu cho đất ở những ruộng bị sói lở
Ở một số vùng đất nằm ngoài ngoài đê (điển hình như Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An), lũ lụt hàng năm mặc dù làm tăng độ màu mỡ cho đất do được phù sa bồi đắp, song lượng phù sa bồi đắp quá nhiều cũng lại làm ảnh hưởng rất lớn đến hiện trạng đất canh tác. Chính vì vậy, sau mỗi đợt lũ lụt, bà con thường phải bỏ rất nhiều công sức để cải tạo đất ví dụ như xúc bỏ bớt đi những chỗ phù sa bồi lẫn cát, hoặc đắp lại những chỗ ruộng bị sói lở, bón thêm phân trâu, phân bò vào những chân ruộng bị sói lở mới được đắp lại
  • Hàng năm, sau lũ lụt, để cho cái đất đai trở lại như hiện trạng ban đầu thì phải bỏ công sức làm... Đào bằng thủ công thôi, không có máy móc đâu. Chẳng hạn phù sa bồi lẫn cát thì bà con dùng xẻng xúc ra chỗ khác. Còn cái chỗ mà bị sói lở, bị bồi đắp cát thì người ta lại cải tạo bằng cách dùng phân trâu bò bón thêm và cày bừa lại kỹ” (Lãnh đạo Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
Đối với những chân ruộng ở gần các vùng cửa sông, cửa biển, sau ngập lụt, đất có hiện tượng nhiễm mặn, nhiễm phèn chua, việc làm đất cần thực hiện theo kỹ thuật canh tác tuần tự theo các bước từ cày bừa, bón vôi bột để làm giảm độ phèn trong đất, sau cùng là bón phân hữu cơ để có thể cấy trồng vụ sau. Việc bón phân vô cơ được bà con ở nhiều vùng đánh giá là không hiệu quả, chỉ lãng phí.
“...khi cái muối vào trong đất nó lấy tất cả dinh dưỡng triệt để thì là kiệt màu, mà kiệt màu thì ta lại phải bồi dưỡng nào thì phân hữu cơ, không được bón phân vô cơ này... Sau khi bị nhiễm mặn là ta phải bồi dưỡng đất, phải khử vôi này, thau chua rửa mặn này, rồi là phải bỏ thêm phân hữu cơ này, rồi là thay nước này. Có lúc cày bừa là phải thay nước. Tóm lại, để cải tạo đất canh tác bị nhiễm mặn thì phải cày bừa, thau nước, bón phân hữu cơ, bỏ vôi…” (Lão nông dân, xóm 1, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An)
Kinh nghiệm của bà con ở một số vùng về biện pháp xử lý, cải tạo đất canh tác bị nhiễm mặn lại là bơm nước ngọt vào ngâm trong ruộng đã được cày xới lên rồi sau đó lại tháo nước ra để rửa đất. Công việc này được lặp đi lặp lại như vậy mấy lần thì sẽ giảm được độ nhiễm mặn của đất. Việc bơm nước ngọt rửa mặn đòi hỏi phải dựa vào hệ thống thuỷ nông.
  • Khi đất bị nhiễm mặn, bà con lấy nước ngọt từ vùng trong đưa ra để nó rửa, nó tiêu phèn đi, khi người ta mở xả cái cống nước, thì cái nguồn nước ở trên này là toàn nước ngọt nó mới đưa lại, nó xả, nó rửa đi. Tháng 8, tháng 10, người ta mở cống cho nước ngọt trên nguồn tràn về, nó sẽ rửa hết các nước mặn, nó rửa luôn cả cái nước mặn xâm nhập, nó rửa cả cái chua phèn... Nếu có bão đi qua thì độ phèn lên cao, sau bão mình cần cải tạo độ phèn của đất bằng cách bỏ vôi bột. Một sào phải bỏ một tạ vôi cho 1 vụ, một năm tối đa chỉ làm 2 lần, làm nhiều đất lại bị vôi hoá” (Người dân thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
2.  Kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc, bón phân
  • Sử dụng mô hình “nhà kính” bằng ni-lông mái vòm cho gieo mạ để tránh mưa, rét, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây mạ, tiết kiệm và hiệu quả hơn so với dùng tro bếp
Thời kỳ bắc mạ, nếu gặp gió mùa đông bắc, theo kinh nghiệm dân gian trước đây, người ta thường sử dụng tro bếp để giữ ấm cho chân mạ, tuy nhiên biện pháp này có nhược điểm là nó rất dễ hút nước, làm khô ruộng nên khiến cây mạ có thể bị chết. Hiện nay người dân thường sử dụng tre nứa làm mái vòm và bao nilông để che phủ chống rét cho mạ để thay thế cho giải pháp sử dụng tro bếp trước kia do có độ an toàn cao hơn, không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây mạ. Gieo mạ cho vụ Hè thu có thể gặp mưa lớn thất thường gây thiệt hại, phương pháp “bắt mạ” trong các vòm che ni-lông giúp mạ có thể phát triển bình thường, không bị thiệt hại.
Họ vẫn phủ tro là tro bếp, phủ kín mít nhưng phủ tro như vậy có nghĩa là thêm một tầng để nó khô nước, nó giữ nước khi thời tiết biến đổi quá khắc nghiệt, như hôm nay mưa rét nhưng ngày mai nắng hanh tro bếp trở thành một cái chất hút nước, cây mạ nó chết ngay (Lão nông dân, xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh)


Ảnh: Vòm ni-lông – “công nghệ” mới hiệu quả cho “bắt mạ”
 

Ảnh: Vòm ni-lông giúp cây mạ sinh trưởng tốt trong hoàn cảnh thời tiết biến đổi
 
Làm vòm ni-lông cho cây mạ cũng cần có một số kỹ thuật cần được lưu ý. Kinh nghiệm của cách làm này được một số bà con chia xẻ:

Ảnh: Che vòm ni-lông cho mẹ khi có mưa, rét nhưng lại mở ra khi thời tiết tốt hơn

  • Cây lúa ví dụ như là mình bắc mạ mình bây giờ là phải che này, che bằng phủ kín đấy bằng nilon không là hắn chết ngay. Cái nứ thì phải che, phải có là vật liệu tre hoặc là nứa, tức là mình phải đo cái khoảng cách uốn vòm. Uốn vòm xong lúc đó mới phủ nilon lên là mình sẽ lấy bùn mình chét để giữ lại để cho gió khỏi bay và như thế là nếu có thời tiết tốt hơn mình phải ra để mở ra để cho nó sưởi cái ánh sáng mặt trời. Mà nếu rét hay mưa lớn mình cứ vẫn phủ nó vào như thế là 100% không bị hỏng” (Lão nông dân, xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh)
  • Sử dụng màn lưới, vòm ni-lông  để che chắn cho rau màu trong điều kiện nắng nóng, hạn hán và bảo vệ rau màu nếu có bão, lụt
Kinh nghiệm trồng rau màu của bà con ở một số nơi (điển hình như Võ Ninh, Quảng Bình) là sử dụng màn lưới để che chắn cho rau màu trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời quá cao để cây trồng không bị chết.
Rau màu mình trồng chủ yếu là cái vụ Hè Thu. Vụ Đông đây thì thỉnh thoảng thôi, chủ yếu là vụ hè nên phải che đậy. Mình mua màn, giống như màn tuyn, mình xé ra. Mình đóng hai cọc xong mình buộc rải ra. Không che thì trời nắng chết. Nhiệt độ 38-40 là hắn chết. Hắn nhiệt độ đến 35 thì không sao chứ 36 trở lên là chết hết” (Nam nông dân, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).


Ảnh: Che lưới chống nắng, mưa cho rau màu
 
 
Ảnh: Đánh luống cao để tránh bị ngập úng và che lưới cho rau màu
 
Ngoài ra, việc đánh luống rau màu cao hơn hoặc khơi thông mương máng hoặc sử dụng tre nứa và nilông để che phủ cũng là những giải pháp giúp hạn chế tác hại của úng lụt đối với cây rau màu một cách hiệu quả.
“Bác làm vườn thì cũng rút ra được kinh nghiệm, cụ thể là nếu như trời mà lụt thì đánh cái luống cao hơn, cao thêm mưa xuống khỏi ngập... Bác cũng phải dùng nhiều biện pháp khơi mương chống úng ấy, khơi mương để thoát nước. Còn nếu như mà mình sợ thời tiết mưa lâu dài thì mình lấy bạt trồng rau, bác đánh luống như vậy nếu mà thời tiết mưa lâu dài thì bác phải chặt ít cây tre làm như ri để căng nilon trên, phủ nilon kín á, trời tạnh mưa bác lại dỡ ra” (Người dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
“Với rau màu, ở đây bà con có giăng lưới để tản mưa, tránh mưa sói vào bị hỏng. Hoặc với sản xuất rau trái vụ thì cũng có cái che chắn, che tránh sâu bệnh nữa” (Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
  • Trong hoàn cảnh có ngập lụt và xâm nhập mặn, việc bón phân cho lúa hay các loại cây trồng cần được chú ý, “nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây”
Bà con nông dân, trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đã chia ra các giai đoạn quan trọng cần phải bón phân cho lúa, gồm: Thứ nhất là giai đoạn “bón lót” trước khi xuống cấy; Thứ hai là “bón thúc” sau khi cấy khoảng hăm lăm, hai mươi ngày để giúp cây lúa đẻ nhánh; Thứ ba là “bón đòng” khi cây lúa đã hình thành đòng. Đó là 3 giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa cần được chăm bón tốt và nó sẽ quyết định năng suất lúa.
Việc bón phân cho lúa như thế nào, bón phân loại gì cũng liên quan nhiều đến điều kiện thời tiết và chất lượng đất ruộng. Theo kinh nghiệm của nhiều bà con, với những ruộng có độ phì nhiêu lớn do mới được phù sa bồi đắp sao bão lụt nhưng lại có độ phèn cao thì phải giảm bón đạm mà phải tăng bón vôi để khử chua. Ở những thửa ruộng không màu mỡ, bị sói mòn do lũ thì phải bón nhiều phân chuồng, kết hợp với các loại phân đạm và kali. Nếu ruộng trũng, có độ phì cao, bón nhiều đạm thì sẽ làm cây lúa tốt lá, mềm yếu và dễ sinh các loại sâu hại như rệp, rầy nâu hoặc bệnh khô vằn… đặc biệt có thể phát sinh mạnh trong thời tiết nóng kéo dài sau bão.
“Bón phân bây giờ cũng phải biết được chất đất, chứ không phải là ở chỗ nói bón phân là bón phân... Chất đất đấy gọi là độ phì, ruộng mà ở chỗ nước nó thường xuyên ngập thì độ phèn chua nó sẽ lớn hơn. Như vậy mình phải giảm đạm, mà mình phải bón vôi, tăng vôi để khử chua là như thế. Còn ở cái ruộng bị sói mòn hơn thì mình phải tăng phân chuồng. Muốn tăng năng suất thì phải bón kết hợp phân chuồng, đạm rồi thì kali theo tỷ lệ cho phù hợp. Nếu như ta không biết, ruộng đó trũng, độ phì cao anh bón cho nhiều đạm thì nó sẽ tốt lá, dễ bệnh rệp, rầy nâu rồi khô vằn này. Do đó cái quan trọng nhất là cái yếu tố phải bón cân đối và phải biết cái chất đất để mà bón (Lão nông dân, xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Điều kiện thời tiết như nắng, mưa, gió… cũng là những yếu tố được người dân quan tâm xem xét khi quyết định có bón phân cho lúa hay không. Bởi vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tác dụng của các loại phân bón đối với sự phát triển của cây lúa. Kinh nghiệm của bà con là chỉ bón phân sau mưa, trước khi mưa hay còn có dấu hiệu mưa bão lớn thì không nên bón phân.
  • Chẳng hạn ta thấy trời mà oi bức, lẽ ra ta bắc mạ, bón phân cho lúa nhưng ta thấy oi nóng thì ta không bao giờ vãi phân, tức là bón các loại phân chuồng. Còn chẳng hạn có xuất hiện gió nồm, ta biết trời sắp nắng, ta có thể chuẩn bị bón ngay ngày thứ hai. Ví dụ như chiều nay có gió nồm, ngày mai người ta sẽ đưa phân bón cho mạ hay bón cho lúa. Nếu phán đoán có gió mùa thì không bón phân vì mình bón phân xuống ngày mai bập gió mùa là mất lượng phân bón này, hai nữa tác hại của lạnh, phân bón xuống lạnh là cây chết. Kinh nghiệm này cần được khuyến nông phổ biến và giải thích rõ cho người dân…” (Cán bộ lãnh đạo xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
“Bón thúc đạm, thúc phân lân đấy có cần phải căn cứ vào thời tiết... Mưa thì có thể chậm thời điểm bón phân lại. Kế hoạch ngày hôm nay là mình phải vãi đạm, thông báo cho toàn xã viên, nhưng mà chiều có mưa thì phải thông báo lại, sẽ báo lại là vài ngày sau hãy bón. Từ khi gieo xuống đến khi bón thúc là 20 ngày là mình phải bón thúc cho lúa để lúa đẻ nhánh phát triển. Đó là thời tiết thuận lợi, nếu không phải đợi đến 25 ngày. Khi hạn, không có nước, có thể là 20 ngày tính từ khi cấy là phải bón thúc nhưng nước đầy đủ về các chân ruộng, khoảng ngày 17-18 là có thể tiến hành vãi đạm” (Lãnh đạo HTX, thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
Tóm lại, theo kinh nghiệm nhà nông, việc bón phân cho cây trồng cần được bà con hết sức lưu ý, dựa vào việc quan sát ba yếu tố “nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây” để quyết định. Trong bối cảnh có biến đổi thời tiết, khí hậu, “nhìn trời” trở nên rất quan trọng.
3.  Kinh nghiệm điều chỉnh lịch thời vụ
Bà con đều biết điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và diễn biến tình hình thời tiết là những căn cứ quan trọng để xác định thời vụ gieo trồng. Cụ thể là: Chất đất có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng. Chẳng hạn như đất thịt thì cây trồng sẽ phát triển nhanh hơn, nhưng nếu là đất bùn thì cây phát triển chậm hơn. Cộng thêm với điều kiện thời tiết nóng hay lạnh cũng sẽ ảnh hưởng quyết định đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Nếu hiểu biết rõ về chất đất ở địa phương, có được những thông tin về thời tiết, bà con sẽ tính toán được thời vụ, thời điểm gieo trồng để tránh được sâu bệnh và tránh cả lũ lụt. Bà con nên tham khảo một số kinh nghiệm như:
“Đất đai thổ nhưỡng ở đây là dạng đất bùn phù sa, mà mùa đông tức là mùa lạnh thì đất sẽ rất lạnh. Điều kiện tự nhiên thì xã Hưng Nhân là xã nằm ngoài đê Tả Lam, tức là thường xuyên hàng năm đều bị lũ lụt, chúng tôi phải bắt đầu vụ gieo cấy trước từ 10 đến 15 ngày so với những nơi khác, có như thế thì nó mới đảm bảo đến khi lúa trỗ, nó không gặp vào hạn hoặc rét...” (Lãnh đạo HTX Nông nghiệp xã Hưng Nhân - Hưng Nguyên - Nghệ An).
  • ất ở đây mà là đất bùn nếu mùa vụ là đông xuân thì thời tiết lại rét, cái cây phát triển chậm, nếu là đất thịt thì ấm và cây phát triển nhanh hơn, cho nên với đất nhà mình là phải gieo trước. Vào vụ hè thu đất nó mát hơn thì mình lại gieo sau, còn họ đất thịt thì nó nóng hơn nên họ phải gieo trước. Đó là cái kinh nghiệm của mình để lúa nó nổ đều một lúc vì nếu mình nổ riêng một quãng thì con sâu bọ cũng mất, ngoài ra mình còn tránh được cả lũ nữa...” (Người dân thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
  • Trong canh tác lúa, lịch thời vụ được điều chỉnh sớm hơn để thu hoạch vụ mùa trước khi mưa lũ đến
Hiện nay, ở vùng Bắc Trung Bộ, mùa lũ có xu hướng đến sớm hơn những năm trước đây, ngập lụt hàng năm thường rơi vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, nên lịch thời vụ trồng lúa thường được được tính toán để đảm bảo tránh được ngập lụt. Bà con ở nhiều nơi đã chia sẻ kinh nghiệm là vụ chiêm (hay vụ Đông xuân) thường bắt đầu từ tháng 11 đến khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch thì thu hoạch. Vụ Hè thu thường được gối liền ngay sau đó. Khi lúa chiêm còn chưa thu hoạch thì đã bắc mạ để chuẩn bị cho vụ hè thu, làm sao đó phải đảm bảo vụ Hè thu được thu hoạch vào tháng 7, trước tháng 8 âm lịch để còn kịp tránh mùa mưa lũ.
  • Tháng 11, tháng 12 âm lịch bắt đầu trồng lúa vụ Đông xuân, rồi đến Hè gặt xong cái lúa đó là tháng 5. Tháng 4, tháng 5, lúa chưa chín ngoài đồng là bắt đầu mình lại bắc mạ vụ Hè thu rồi. Bắc mạ xong rồi gặt xong là cấy luôn, tiếp luôn đó. Coi như đến tháng 7, hết độ rằm tháng 7 âm lịch là coi như gặt để chạy lụt. Chứ mà có năm mô mà thiên tai đến sớm thì mình mất ăn nhưng mà đến muộn thì thí dụ như thu hoạch gọn gàng rồi, như mấy năm nay là thu hoạch gọn gàng rồi lũ mới vô thì lũ ngâm vào lại càng tốt cho ruộng đã thu hoạch” (Lão nông dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
  • Vì sống trên cái địa bàn cho nên tất cả các thời vụ sản xuất như vụ Đông Xuân thì ổn định rồi, nhưng sản xuất vụ Hè Thu là bà con phải tìm cách né tránh thời vụ, có nghĩa là đến 30 tháng 8 dương lịch thì cơ bản sản phẩm Hè Thu phải thu hoạch xong né tránh mùa lũ.... Căn cứ thổ nhưỡng, lịch thời vụ chẳng hạn, ví dụ như lúa Đông Xuân theo lịch của huyện là ra đầu tháng 12, nhưng ở đây bà con phải ra trong tháng 11, trước tháng 12 khoảng 10 ngày để thu hoạch Đông Xuân sau đó cũng trước đi 10 ngày. Khi đang thu hoạch vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu bà con đã chuẩn bị bắc mạ trên đất, cấy mạ già một tí chứ không bao giờ gieo thẳng, cây mạ chắc sinh trưởng nhanh, trước tháng 8 phải có lúa gặt” (Lãnh đạo xã, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
Có những địa phương (ví dụ như Hưng Nguyên, Nghệ An), căn cứ trên điều kiện tự nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng, và khí hậu, bà con đã áp dụng lịch thời vụ sớm hơn so với lịch thời vụ chung của toàn tỉnh để tránh thiệt hai do lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
“Điều kiện tự nhiên thì xã Hưng Nhân chúng tôi là xã nằm ngoài đê Tả Lam, tức là thường xuyên hàng năm bị lũ lụt, cho nên chúng tôi phải bắt đầu làm vụ trước từ 10 đến 15 ngày, có như thế thì nó mới đảm bảo đến khi lúa trỗ, nó không gặp vào hạn hoặc rét. Đặc biệt là vụ Hè thu, ở đây chúng tôi vẫn ra trước để chống nước mặn, đặc biệt ở đây bị gió Lào, nguồn nước để phục vụ thủy lợi thì phụ thuộc vào cái nguồn nước thủy triều mà thủy triều trong những ngày hạn như vậy là nước mặn dâng lên. Thế cho nên chúng tôi phải ra trước mùa vụ để tránh cái gió Lào xuống, như vậy khi vụ Hè thu trổ thì thứ nhất là thu hoạch được trước mùa bão, thứ hai nữa là không bị ảnh hưởng bởi cái nước mặn” (Lãnh đạo HTX nông nghiệp xã Hưng Nhân - Hưng Nguyên - Nghệ An).
Tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, thường mưa lũ về nhiều, bà con có thể không canh tác lúa để tránh bị thiệt hại. Bà con có thể chọn sang các hình thức nuôi tôm, cua, cá nhưng có các điều kiện ứng phó với mưa, ngập lụt.
Lịch thời vụ và điều chỉnh lịch thời vụ cần được chính quyền địa phương từ huyện đến xã, ban khuyến nông xã xây dựng và chỉ đạo nhân dân thực hiện dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn tình hình bão lũ của địa phương nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lụt gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, trước khi ban hành lịch thời vụ hàng năm chính quyền địa phương cũng đã tham vấn ý kiến của bà con nông dân, để đảm bảo mọi xã viên trong Hợp tác xã đều đồng tình và tuân thủ theo lịch thời vụ đã đề ra. Sản xuất cần đi đồng bộ, nếu sản xuất nhỏ lẻ, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.
  • Vụ hè thu được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu, thời gian sinh trưởng của cây ngắn hơn, thu hoạch sớm trước khi mưa lũ đến, vụ Đông không cấy trồng để tránh gặp thiệt hại
Bên cạnh canh tác lúa, bà con ở nhiều địa phương vùng Bắc Trung Bộ đang bắt đầu chuyển sang trồng rau màu thương mại (ví dụ điển hình như ở Võ Ninh, Quảng Bình). Rau màu chủ yếu được trồng vào vụ Hè thu thay cho vụ lúa Hè thu trước đây. Snag vụ Đông, tháng 8 và 9 âm lịch, bà con thường không canh tác vì ruộng bị ngập úng. Hiện nay, việc trồng rau màu thương mại đang được bà con làm và dần rút kinh nghiệm để có được những giải pháp ứng phó với thời tiết bất thường và cho kết quả năng suất cao. Các cây trồng đang được trồng nhiều là cải, rau má, ớt, mướp, cà, rồi đậu, mè…
Rau màu mình trồng chủ yếu là cái vụ Hè, phải che đậy bằng bạt ni-lông. Thời gian sinh trưởng của rau rất ngắn. Lỡ có đợt mưa to, mình có thể tạm ngừng không gieo hạt thêm. Vụ đông đây thì thỉnh thoảng thôi, ngập úng thì chịu thôi. Rau thì mình tự trồng, mình tự rút kinh nghiệm năm trước năm sau rồi mà mần. Nó khác với lúa, lúa là phải theo lịch thời vụ trong toàn xã nếu không sẽ phải chịu thiệt hại do sâu bệnh” (Người dân thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
4. Kinh nghiệm trong chọn giống cây trồng
  • Tính toán, chọn lựa các giống cây trồng vụ sau phù hợp với loại đất phù sa được bồi đắp sau bão, lũ lụt
Sau lũ lụt, nếu đất phù sa bồi quá lớn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc canh tác của bà con. Bà con nên “tính toán”, lựa chọn giốngg cây trồng phù hợp cho đất mới bồi. Đặc điểm của đất phù sa là rất rắn, dẻo và sánh khó thích hợp với cây lạc – một loại cây trồng phổ biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đất phù sa lại rất thích hợp cho cây ngô sinh trưởng và phát triển nhanh.
  • Khi có lũ lụt đấy thì đất phù sa quá lớn, chỉ có trỉa ngô thì được chứ trỉa lạc là hư (hỏng). Là bởi vì cái đất phù sa lại rất rắn, khi gieo trỉa mà gặp nhiệt độ thấp thì sẽ bị thối mầm, sau này khi lạc chuẩn bị thu hoạch thì sẽ bị lụi quả, tức là rụng quả. Lạc tự thối, hỏng... phù sa nhiều, khâu làm đất cũng khó lắm, máy cũng không đánh được nữa vì quá dẻo, sánh. Những chân ruộng nằm xa bờ sông Lam, phù sa chỉ một vài phân thôi thì người ta lại dễ mần [dễ làm]” (Lão nông dân, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
  • Đất sa bồi lớn quá, sa bồi chủ lực là ruộng, ruộng bị sa bồi lớn. Khi hắn đã bồi lên rồi thì để làm đất trồng đậu, trồng lạc cũng dở mà làm ruộng trồng lúa cũng không được vì hắn đã bồi lên cao rồi nước không đến nơi được, mà làm đất trồng lạ và đậu thì bị úng nước” (Người dân, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
  • Các giống lúa ngắn ngày được sử dụng thay cho những giống lúa dài ngày trước đây, vụ Hè thu chỉ kéo dài 90-100 ngày, vụ Đông xuân chỉ kéo dài 120-130 ngày
Trong bối cảnh có biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường, mùa lũ đến sớm, bà con nông dân ở các địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình) đều đã chuyển đổi sang trồng những giống lúa ngắn ngày. Giống lúa này có thể xem là một trong những lựa chọn tối ưu, là cứu cánh cho bà con địa phương trong vụ hè thu để tránh thiệt hại do lũ lụt gây ra.
  • Giờ bão lũ nhiều, thiệt hại nhiều, Nhà nước cũng đã tạo ra được các cái giống lúa ngắn ngày để đưa về cho bà con... Mình trồng chủ yếu vào tháng 5 thôi, lúa ngắn ngày trong chừng khoảng dài ngày nhất là 90 ngày, đến đầu tháng 8 là có thể thu hoachj được như vậy là né tránh thiên tai thường vào cuối tháng 8 và tháng 9…” (Người dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Mặc dù so với các giống lúa dài ngày thì giống lúa ngắn ngày không năng suất bằng nhưng để đảm bảo có thể thu hoạch được trước mùa mưa bão và lũ lụt, tránh tình trạng mất trắng do thiên tai. Sử dụng giống lúa ngắn ngày có thể xem như là một kinh nghiệm “sống chung với lũ”.
  • Kinh nghiệm đúc rút được rồi, mình cấy muộn là mất. Cho nên, mình phải ra lịch trước thời vụ để né tránh, mình chọn giống ngắn ngày, thà rằng năng suất kém vài chục cân trên một sào nhưng an toàn” (Cán bộ xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
  • Lúa vụ Đông xuân thì năng suất được khoảng 2,5 đến 2,7 tạ trên một sào. Vụ Hè thu đấy chỉ được tạ, tạ rưỡi thôi, mùa giáp bão lũ này. Mình phải chấp nhận dùng giống năng suất kém hơn nhưng là giống ngắn ngày nhất để khỏi bị lụt” (Người dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
            Vụ Đông Xuân, nếu căn cứ vào điều kiện thời tiết thuận lợi, bà con có thể cấy giống lúa dài ngày cho năng suất cao nhưng nếu không thuận lợi thì nên đổi sang giống lúa ngắn ngày, thu hoạch sớm để chuyển sang vụ Hè thu sớm. Hiện ở nhiều địa phương, bà con cũng đã cấy giống ngắn ngày, thay vì giống cũ có thời gian sinh trưởng lên tới 150-160 ngày thì với giống lúa mới, thời gian cho một vụ chỉ còn kéo dài 120-130 ngày.
  • Những địa phương có canh tác cây màu vụ Đông cũng lựa chọn những giống cây rau màu mới có thời gian sinh trưởng ngắn đảm bảo thu hoạch trước khi có lũ về
Cũng giống như cây lúa, các lại cây trồng vụ Đông như ngô, lạc, kê, đỗ… được người dân Nghệ An lựa chọn để canh tác cũng đều là những giống ngắn ngày để đảm bảo có thể thu hoạch trước khi có lũ lụt về.
Ở đây thì phải lựa chọn loại giống ngắn ngày nhất, có thu hoạch vừa vừa thôi. Ngô là cũng phải bắp nếp to mà trắng, lúa cũng phải giống ngắn ngày hoặc là kê, đỗ cũng ngắn ngày để mà thu hoạch được” (Người dân xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
 

Ảnh: Cây màu vụ Đồng trồng xen canh ngô, lạc
 
Với rau màu, người dân cũng phải căn cứ vào điều kiện thời tiết để lựa chọn giống cây cho phù hợp để có được hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn như mùa hè thì nên trồng rau muống hoặc chuối vì đây là những cây có thể chịu được điều kiện nắng hạn, trong khu mùa đông thì các loại rau cải, bắp cải, bầu bí… lại thích hợp hơn.
  • Như gia đình thì mình phải biết được những cái cây theo từng cái thời vụ một, ví dụ như cái mùa này mà lại trồng rau muống thì không có hiệu quả là vì răng, cây rau muống nó ưu cái nhiệt độ cao, mình lại trồng vào cái nhiệt độ thấp thì nó không có hiệu quả. Thứ hai ví dụ như đây, trong thực tế tôi trồng là trong tháng 5 tuy là nắng hạn nhưng mà cây chuối ốm một thời gian nhưng sau đó cây chuối nó phát triển rất là mạnh... Rau thì cũng thế thôi, ta phải biết được những cái cây là sản xuất vô cái mùa nào. Ví dụ như đến cái mùa đông này nếu như bắt đầu sang tháng 10 nói chung là như các rau cải, bắp cải, bầu bí đều rất hợp, nên xuống giống”(Lão nông dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Ảnh: Rau bắp cải vụ đông
 
Nếu như trong kinh nghiệm của ông cha xưa, giống cây trồng được xem là yếu tố quan trọng thứ tư trong quyết định mùa màng bội thu, thì đối với bà con ở các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều từ thuỷ tai, sử dụng giống cây trồng ngắn ngày được xem như là một biện pháp tối ưu, ảnh hưởng quyết định đến việc phòng tránh thiệt hại của thiên tai cho dù năng suất cây trồng có thể thấp hơn so với những giống cây trồng dài ngày. Kinh nghiệm một vài năm qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc sử dụng giống ngắn ngày, giúp bà con có thể phần nào yên tâm thu hoạch lúa Hè thu, giảm bớt thiệt hại bởi mưa bão và lũ lụt gây ra đối với hoạt động trồng trọt.
5. Kinh nghiệm thu hoạch và bảo quản trong điều kiện có lũ lụt, bão, hạn hán, xâm nhập mặn…
  • “Xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại từ bão, lũ lụt
Đến mùa thu hoạch, khẩu hiệu người dân vùng lũ thường xuyên sử dụng là “Xanh nhà hơn già đồng”, nghĩa là vào mùa mưa bão, lũ lụt, căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết trên đài, báo, bà con phải chấp nhận việc thu hoạch sớm ngay cả khi lúa còn non, có thể chưa chín hết cho dù việc này có thể làm giảm năng suất thu hoạch.
  • quan niệm ở đây là “xanh nhà hơn già đồng”, nếu như vụ Hè thu này mà thấy cái hiện tượng như thế thì khả năng nếu như chẳng hạn như thấy các sản phẩm ở bên ngoài bữa nay kể cả mới được khoảng 70% đến 80% thì cũng đã phải thu hoạch rồi để mà tránh mưa lũ đó. Chẳng hạn như lúa bữa nay mới chín được 70% nhưng mà người ta thấy tình hình như thế là người ta thu hoạch sớm đi” (Lãnh đạo HTX nông nghiệp Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).

Ảnh: Thu hoạch sớm lúa Hè Thu
  • Chỉ có cái mùa chính, mùa Đông Xuân thì hắn chắc chắn thôi chứ còn mùa Hè Thu này thì khi mình cảm thấy hoặc là khi nghe đài báo bão nớ là mình phải gặt trước, giả sử lúa mới chín được 70% hoặc 60% là mình phải thu hoạch trước, nếu mình không mần kịp là sẽ giảm hoặc sẽ mất. Lúa nó non hơn một tí là phải thu hoạch rồi (Người dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Ngay cả với cây lúa đã bị ngâm trong nước lũ, bà con cũng cần cố gắng thu hoạch, nếu không làm được lương thực cho người ăn thì cũng làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
  • Sử dụng quạt điện và bóng điện công suất lớn để phơi sấy thóc trong hoàn cảnh mưa, lũ lụt để tránh cho lúa bị mốc và mọc mầm
Với lúa thu hoạch trong điều kiện có mưa lụt, không thể sấy khô bằng ánh nắng mặt trời tự nhiên, bà con có thể sử dụng quạt và bóng điện công suất lớn để tạm thay thế ánh mặt trời, tránh cho lúa bị mốc và mọc mầm.
“Thu hoạch xong về mình phải tuốt, xong rồi mình rê, rê xong nếu mà mình nớ xong thì mình phải dùng quạt với dùng bóng điện để mình sấy. Dùng quạt với bóng điện để sấy cho bốc bớt hơi nước. Lấy bóng điện nhiều oát (W), như mình 1 sào thì mình dùng cái bóng khoảng 100W, dùng một hoặc hai cái quạt này xong bắt đầu mình đảo thường xuyên. Làm như thế là để tránh mốc, tránh hư lúa, để cho nó se đi, khô hơi. Mình để như thế xong đến khi nào có nắng thì bắt đầu mình phơi (Người dân xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
  • Đóng “trạn” hay làm kho trên nóc nhà hay xây nhà chòi để cất trữ lúa và các vật dụng gia đình khi có lũ lụt
Công tác bảo quản thóc lúa sau khi thu hoạch xong vụ hè thu được các hộ gia đình nông dân vùng lũ lụt hết sức quan tâm. Bên cạnh các khâu bảo quản thóc lúa bằng cách phơi khô, quạt sạch, đóng vào tra, vào thùng giống với bà con ở bao vùng miền khác trên cả nước, ở vùng thường xuyên bị lũ lụt, thóc lúa sau khi đóng vào bao, thùng sẽ được kê lên cao để tránh nước lũ gây thiệt hại. Ở công đoạn này, tình làng nghĩa xóm được thể hiện rõ qua việc nhà nào thấp có thể gửi lúa, thóc sang nhà cao hơn để bảo đảm an toàn cho lương thực của hộ gia đình.
  • Thu hoạch về, phơi khô, quạt sạch rồi kê lên cao. Thóc cho đóng vào thùng tôn rồi kê lên” (Người dân xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
  • lúc đó ló [lúa] thu hoạch xong lại bỏ lên tra, hay là bỏ xuống cái đò chở lên trên rứa. Ai yếu thấp nhà thì gửi đi lên nhà mô cao để ở” (Người dân xã Võ Ninh, Quảng Binh, Quảng Bình).
 
Ảnh: Trạn trên trần nhà để cất trữ thóc, lương thực, thực phẩm tránh bão, lụt
Đến nay nhiều hộ gia đình đã có điều kiện nên đã xây hẳn thêm một nhà chòi cao bằng bê tông kiên cố ngay bên cạnh nhà cũ để cất giữ lương  thực, thực phẩm và các đồ dùng trong nhà phòng bão, lụt.


Ảnh: Chòi cao chống bão, lụt được xây dựng để cất trữ lương thực


Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang