KINH NGHIỆM BẢN ĐỊA TRONG ĐÁNH BẮT NUÔI TRỒNG THỦY HẢI SẢN

Nhiễm mặn tăng, rươi xuất hiện nhiều – bà con nên coi đây là nguồn lợi thuỷ sản dễ khai thác của các địa phương vùng hạ lưu sông, có môi trường nước lợ..
1. Nhiễm mặn tăng, rươi xuất hiện nhiều – bà con nên coi đây là nguồn lợi thuỷ sản dễ khai thác của các địa phương vùng hạ lưu sông, có môi trường nước lợ

Ảnh: Con rươi, còn được gọi là “con rồng đất”
Về bản chất, con rươi còn được gọi là rồng đất trong dân gian, sống trong môi trường nước lợ. Những địa phương ven biển, dọc hạ lưu cửa sông có điệu kiện tự nhiên thuận lợi cho sự xuất hiện của con rươi từ bao đời nay. Quan sát điển hình như ở Hưng Nhân, Nghệ An; Yên Hồ, Hà Tĩnh Gần đây, do hiểu được giá trị dinh dưỡng của con rươi nên giá trị kinh tế của con rươi trên thị trường cũng cao hơn. Giá mỗi kg rươi đã lên tới khoảng 350.000 đến 400.000 đồng. Bà con ở những địa phương này đã quan tâm khai thác nguồn lợi thủy sản này.
  • Con rươi chỉ xuất hiện ở vùng nước lợ thôi chứ cũng không phải nước mặn. Địa bàn tôi ở đây như ở xóm đây cơ bản là có rươi, chứ cũng không phải là năm nào ngập mặn thì có rươi đâu. Con rươi xuất hiện từ lâu lắm rồi, từ đời nào đến giờ rồi. Chứ mà những năm gần đây thì thấy cái hiệu quả kinh tế nó cao thì bà con quan tâm khai thác” (Lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp Hưng Nhân - Hưng Nguyên - Nghệ An).
  • Từ đời cha ông đến giờ cái ruộng nhà mình đã có rươi rồi. Hồi đó là rươi đang rẻ lắm. Từ cái ngày mà rươi đắt đến giờ, khoán mà chia ruộng từng nhà một đó thì ruộng của nhà ai là nhà ấy cắm cái lưới xung quanh rồi lại quây tròn lại đó thì của nhà đó xúc chứ không được xúc của nhà khác (Người dân xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).
Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng và lấn sâu vào các vùng cửa sông, “cơ hội” con rươi xuất hiện nhiều hơn ở những địa phương này. Người dân các địa phương đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên này. Trước tiên là việc xác định thời điểm xuất hiện của con rươi để đảm bảo có bắt, hớt được nhiều rươi nhất có thể. Ví dụ ở Nghệ An, bà con đã xác định được con rươi xuất hiện từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm và theo chu kỳ lên xuống của con nước (thủy triều) trong tháng.
“Bình thường hắn nằm ở dưới đất đấy, nhưng khai thác được thường là từ mồng 5 tháng 5 âm lịch hắn bắt đầu xuất hiện, tháng 8 âm lịch trở đi là có nhiều rươi. Nhưng con rươi thường xuất hiện nhiều vào đêm những ngày quanh ngày rằm và đêm những ngày cuối tháng hay đầu tháng sau như ngày 30 hàng tháng và ngày mồng 1, mồng 2 của tháng mới. Đến tháng 11 âm lịch là hắn ra nổi, tức là rươi xuất hiện nhiều cả vào ban ngày (Người cao tuổi, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
  • Thời điểm rươi xuất hiện nhiều là vào mùa tháng 9, tháng 10, tháng 11. Ba tháng thôi, sau tháng 11 là hết... Rươi về nhiều là vào thời điểm con nước lớn, thuỷ triều lên” (Người dân, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
Tại Hà Tĩnh, con rươi xuất hiện ít hơn so với ở Nghệ An, thời điểm thu hoạch rươi nhiều trong năm được người dân đúc kết là vào khoảng ngày giỗ Lê Lai, Lê Lợi, tức khoảng 21-22 tháng 8 âm lịch hàng năm và điều kiện để con rươi xuất nhiện nhiều thường là sau khi trời có mưa.
Cứ khoảng ngày 21, 22 là ngày giỗ Lê Lai, Lê Lợi, ngày đó là ở cái vùng này có rươi nhiều lắm. Có thể coi là vụ thu hoạch của nhân dân ...chỉ có mấy ngày thôi mà rươi lên nhiều lắm luôn, có tổ như vậy là được 5 đến 7 triệu tiền rươi ... Trời mưa là có rươi, trời không mưa là không có rươi. Năm nay tháng 9 có mưa mấy mô nên rươi có xuất hiện nhưng không nhiều, sang tháng 10, tháng 11 mới mưa đấy chứ. Vào tầm đó mà không mưa thì rươi ít lắm” (Cán bộ lãnh đạo xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Việc nắm bắt được chính xác thời điểm xuất hiện của con rươi sẽ giúp người dân địa phương chủ động được việc “đón” mùa thu hoạch rươi. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, cụ thể là hiện tượng mưa bão, lũ lụt ở địa phương, vì nếu có lũ lụt, nước lớn quá thì người dân cũng không thể thu hoạch được con rươi và sẽ bị mất nguồn lợi thủy sản này. Nếu chỉ là mưa bão mức độ vừa phải, rươi xuất hiện nhiều và dễ thu hoạch, do đó cần phải chuẩn bị các nguồn lực, trang thiết bị để có thể thu lợi tối đa.
  • Rươi thì cũng có nhưng năm nay không nhiều... Lụt to là con rươi theo con nước trôi sạch. Năm mô lụt đến muộn thì “đón” được rươi rất tốt, nếu lụt sớm thì rươi trôi hết, bà con không thể bắt được” (Người dân, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
Bà con ở một số vùng đã có cả kinh nghiệm để giúp tăng năng suất và sản lượng rươi thu hoạch. Đó là các chủ ruộng có rươi thường phải bón nhiều phân chuồng vào trong ruộng của mình để có thể tăng trọng lượng rươi thu hoạch được, con rươi nhìn cũng béo và đẹp hơn.
“Theo kinh nghiệm của dân gian, ở các chân ruộng mà vốn hay xuất hiện con rươi, muốn tăng thêm nguồn rươi để thu hoạch, bà con bón thêm nhiều phân chuồng vào ruộng. Với cái cơ sở là số lượng thì vẫn như thế thôi nhưng mà cái con rươi nó sẽ lớn hơn, to hơn thì như vậy là trọng lượng nó sẽ cao hơn” (Lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
“Nếu bón thêm nhiều phân chuồng vào ruộng mà có con rươi hay xuất hiện thì con rươi càng béo mà lúa nhà mình lại càng tốt”(Hộ dân xóm 1, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
Thêm vào đó, tại các chân ruộng có rươi, bà con ở các địa phương cũng lưu ý việc không được phun bất kỳ một loại thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ nào mà chỉ được bón mỗi phân chuồng. Đây là một cách để bảo vệ nguồn rươi – một nguồn lợi thuỷ sản của người dân địa phương.
“Không được phun các loại thuốc trừ sâu hay diệt cỏ vào các ruộng có rươi hay xuất hiện, nếu phun là con rươi sẽ chết hết. Chỉ được bón mỗi phân chuồng thôi không dám phun thuốc hay hoá chất gì cả” (Hộ gia đình xóm 5, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An)
 Mặc dù bà con cũng ý thức được rằng với tình hình thời tiết, sâu bệnh xuất hiện nhiều biến động như hiện nay, việc không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ sẽ làm giảm năng suất của cây lúa trồng trên những chân ruộng này, song do giá trị kinh tế mang lại của con rươi lớn hơn nhiều so với thu hoạch từ cây lúa nên đây vẫn được xem là biện pháp rất tốt được các chủ ruộng lúa có rươi áp dụng.
“Thì đúng là nếu có sâu bệnh, năng suất cây lúa cũng thấp hơn một tý nhưng giá trị của lúa không thể so sáng bằng giá trị con rươi được. Một kg rươi bây giờ giá bán gần bằng một tạ lúa. Một kg rươi bây giờ giá 350.000 đồng đến 400.000 ngàn đồng, mà một tạ lúa có 550.000 đồng đến 600.000 đồng. Để lấy rươi vẫn hơn. Lúa có giảm sút đi khoảng 1 sào khoảng vài ba chục cân thì cũng không giảm thu nhập là bao so với thu nhập từ con rươi” (Hộ gia đình xóm 1, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An)
Kỹ thuật đánh bắt rươi cũng khá đặc biệt, không giống như việc đánh bắt những loại thủy hải sản khác. Thường việc bắt rươi được thực hiện rất dễ, không đòi hỏi nhiều dụng cụ đánh bắt cầu kỳ, chỉ cần be bờ ruộng và để nước chảy vào một chỗ trũng, rồi sử dụng “cái đụt” để hứng như một số vùng bà con vẫn làm hoặc giăng lưới để khi thuỷ triều lên, rươi nổi lên thì bà con mang rổ, rá ra vớt.
Rươi cũng rất dễ bắt, cơ bản là nhân dân tự be bờ ruộng nhà mình, xong rồi người ta chừa một cái chỗ cho nước chảy đó, rồi người ta dùng một “cái đụt”, giống “cái đó” ngoài Bắc, hứng vào đó thì như vậy rươi chui lên là sẽ chảy vào cái đụt,  rồi người ta đổ ra thôi (Lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
“Bây giờ ở đây người ta giăng lưới trên ruộng, để khi nước triều dâng, con rươi từ dưới đất chui lên nhưng không trôi đi nơi khác được. Khi rươi “nổi lên” nhiều, người ta mang rổ rá ra vớt” (Người dân xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).


Ảnh: Bà con giăng lưới trên ruộng “chờ” thu hoạch rươi

2. Bà con điều chỉnh lại “lịch thời vụ” để nuôi cá, nuôi tôm hiệu quả, chọn giống cá tôm to, khoẻ để có thể chống chịu với bão, lũ
Ở nhiều địa phương ven biển của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, bà con vẫn dành một diện tích nhất định để tiến hành nuôi thả cá, hoặc làm đầm nuôi tôm. Song do điều kiện địa phương hàng năm đều phải chịu cảnh ngập lụt và chịu ảnh hưởng của mưa bão, với kinh nghiệm và truyền thống sống chung với lũ, bà con thường chỉ nuôi cá trong 2 vụ là vụ Xuân và vụ Hè Thu. Vụ Xuân là vụ chắc chắn sẽ có điều kiện thời tiết thuận lợi và thường thu hoạch tốt. Vụ hè thu thì khả năng thu hoạch bấp bênh hơn. Nếu mưa lũ đến sớm, bà con có thể bị thiệt hại. Vụ Đông hiện nay đã không được sử dụng để nuôi thả cá.
Toàn xã hiện có 5 ha nuôi trồng thủy sản. Bà con chủ yếu nuôi cá, như cá trắm, cá chép, cá trôi. Những năm gần đây bà con chỉ nuôi nhiều vào vụ Xuân, vụ Hè Thu thì đầu tư ít thôi vì sợ mưa lũ về sớm có thể bị thiệt hại nhiều. Vụ thứ ba là vụ Đông hiện nay bà con thường không nuôi nữa vì hoàn cảnh lũ lụt ở đây nhiều… (Lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An)


Ảnh: Nuôi trồng thuỷ hải sản trên vùng có mặt nước
 
Cũng do mưa lũ thất thường, ở nhiều địa phương, bà con được khuyến nghị phải lựa các giống cá lớn và thường phải thả sớm để đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão. Cán bộ chính quyền địa phương nên phổ biến những thông tin mới tới bà con và chỉ đạo để các hộ gia đình có thể thực hiện phương thức này đồng loạt, đưa nuôi trồng thuỷ sản trở thành hoạt động quy mô và hiệu quả.
“…bà con ở đây được hướng dẫn thả giống là phải thả giống cá lớn để rồi còn kịp thu hoạch, trách mùa mưa bão. Lỡ có bão, lụt, mình giăng lưới quây thì cá cũng ít bị trôi. Hợp tác xã ở đây chỉ đạo nhiều hộ dân cùng làm như vậy... (Lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An).
Tại xã Võ Ninh, có một kinh nghiệm được ghi nhận là do thường xuyên chịu tác động của thiên tai, mưa bão, ngập lụt nên chính quyền địa phương cũng đã áp dụng kinh nghiệm về thời gian nuôi và giống vật nuôi trong xây dựng lịch thời vụ nuôi thả thủy hải sản, đảm bảo nuôi cá, tôm đúng thời vụ để có thể thu hoạch sớm tránh lũ. Chẳng hạn như con tôm phải đảm bảo thời gian nuôi từ 3 đến 4 tháng và phải thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 để tránh lũ.
Nói chung nuôi trồng tôm cá và cấy trồng lúa hay hoa màu thì xã cũng xây dựng lịch thời vụ đúng như vậy, ví như qua tháng 2, 3 cũng xây dựng lịch cho bà con tháo hồ để nuôi trồng thủy sản... Bây giờ nuôi tôm nhưng phải tháng 7, tháng 8 phải thu hoạch, nếu thời tiết thuận lợi, con tôm phát triển tốt, tháng 8 là thu để tránh lũ là tốt nhất. Căn cứ vào thời gian sinh trưởng và phát triển của tôm, bà con có thể tính lịch bắt đầu vụ nuôi trồng tính ngược lại từ thời gian thu hoạch. Tôm thường nuôi từ 3 – 4 tháng, có nuôi nữa nó cũng không lớn nữa. Còn cá, nuôi cá trắm, rô phi thì tránh lũ tốt, bà con bán vào tết có giá cao… (Cán bộ phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
3. Nuôi trồng xen canh để tăng hiệu quả nuôi trồng và tăng thu nhập
Hiện nay, tại nhiều hộ gia đình, bà con tự phân chia lịch nuôi trồng xen canh cho những loại giống thuỷ hải sản thích hợp vào các vụ trong năm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, đồng thời cũng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Chẳng hạn như lịch nuôi tôm sú thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, còn từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, bà con không nuôi gì để tránh mùa mưa bão. Từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán là nuôi xen canh cua bể và tôm đất. Đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà các hộ gia đình đã đúc rút được trong quá trình sản xuất và thích ứng với thuỷ tai do biến đổi khí hậu xảy ra ở địa phương. Các hộ gia đình và chính quyền các địa phương nên áp dụng và nhân rộng mô hình kinh nghiệm này.
Ảnh: Nuôi tôm sú
Ảnh: Con tôm sú
4. Chuyển đổi chân ruộng từ trồng lúa sang nuôi thuỷ hải sản nước lợ nếu ngập mặn gia tăng
Một số địa phương ở ven biển của tỉnh Quảng Bình, có điều kiện tương tự như xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản được triển khai trên quy mô lớn và đa dạng để có thể tận dụng tối đa mọi nguồn lợi trong điều kiện có những biến đổi khí hậu và thiên tai. Tại những chân ruộng sâu, không ngập mặn, bà con cấy trồng một vụ, còn một vụ thì thả cá nước ngọt. Đối với những chân ruộng bị ngập mặn gia tăng, không thể trồng lúa, bà con biến thành các đầm nuôi tôm nước lợ.
Ảnh: Chân ruộng một vụ trồng lúa, một vụ nuôi cá tại Võ Ninh – Quảng Bình

Ảnh: Chân ruộng ngập mặn được chuyển thành đầm nuôi tôm tại Võ Ninh – Quảng Bình

5. Chuẩn bị thức ăn dự trữ và phòng bệnh cho tôm, cá khi mưa bão đến
Những ngày mưa lũ, các hộ gia đình nuôi cá lồng phải chuẩn bị trước thức ăn dự trữ cho cá. Thường, bà con dùng cám gạo và thân cây chuối sứ băm thái nhỏ làm thức ăn cho cá. Vỏ thân cây chuối và cám gạo thường nhẹ và nổi trong nước, lụt có lên cao, thức ăn cũng không sợ bị trôi mất.
“…nuôi cá lồng bè, khi có mưa và lụt, mình chỉ cần chuẩn bị sẵn thức ăn đầy đủ cho cá là ổn, cứ sắt thân chuối sứ ra đổ vào bè cho đầy để cá ăn, đến hết lụt, mức nước xuống thì kéo lên. Hoặc lấy cám gạo cho vào nước sôi quấy lên vào đổ vào bè cho cá ăn” (Người cao tuổi, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
Dùng thân cây chuối sứ làm thức ăn cho cá ăn trong mùa lụt bão theo kinh nghiệm của bà con ở các địa phương không chỉ giúp cho cá to, béo mà còn giúp làm sạch ruột và để cá ăn cho khỏi đau bụng.
Thân cây chuối sứ làm thức ăn cho cá là rất tốt chứ người lại không ăn cái món đó được. Cái cây chuối nớ để cá ăn cho khỏi đau bụng mà con cá lại to, béo vì nó có cả tác dụng làm sạch ruột cá (Người cao tuổi, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
 
Trong hoàn cảnh lũ lụt, thủy hải sản nuôi trồng, chẳng hạn như tôm, cua thường rất dễ bị dịch bệnh. Kinh nghiệm của bà con là sử dụng vôi bột và máy quạt không khí để khử trùng cho hồ nuôi bị nhiễm bẩn và các loại loại thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho các loài thủy sản nuôi trồng. Nguồn nước được bảo vệ, tránh nhiễm bẩn sẽ giúp tránh các nguồn bệnh cho cá, tôm, cua. Các loại thuỷ hải sản nuôi trồng được tăng sức đề kháng nhờ hấp thu các loại thuốc, khoáng được thả thêm vào hồ sẽ có khả năng miễn dịch bệnh cao hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng vôi bột và máy quạt không khí để xử lý nguồn nước ở hồ nuôi trong điều kiện trời mưa ở các hồ nuôi tôm và để phòng bệnh dịch cho tôm như thế nào cho đúng cách và đạt hiệu quả cao lại đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn. Cụ thể là, việc tạt vôi bột và sử dụng máy quạt không khí phải được thực hiện giữa lúc trời đang mưa hoặc sau lúc mưa còn nếu làm trước lúc mưa lại mang lại thiệt hại cho con tôm nuôi.
Ảnh: Quạt nước để cung cấp thêm không khí cho đầm tôm
 
Theo như kinh nghiệm bà con những hộ gia đình nuôi tôm lâu năm, hiện tượng nhiễm mặn quá mức ở các hồ nuôi sẽ khiến cho con tôm chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch và hiệu quả nuôi trồng. Hiện tượng này được người nuôi nhận biết thông qua các thiết bị đo độ mặn. Giải pháp đối với việc xử lý nước hồ nuôi nhiễm mặn, ngoài việc trông chờ vào nguồn nước trời (trời mưa), người dân ở đây cũng đã chủ động khoan giếng ngầm để lấy nước ngọt bơm thêm vào các hồ nuôi tôm. Có hộ gia đình không có điều kiện bơm thêm nước vào hồ thì đã dùng đường ngọt đổ xuống hồ để trung hoà, làm giảm độ mặn của nước hồ tôm.
Ảnh: Các loại thiết bị đo độ mặn của nước

6. Đóng cọc và chằng phao cho các bè cá trong mùa mưa lũ

Ảnh: Nuôi cá lồng bè ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình
Ở những vùng cửa sông, cửa biển, phương pháp nuôi cá lồng bè sẽ rất hiệu quả vừa cho cá được phát triển trong môi trường tự nhiên nước động, vừa tận dụng được thức ăn tự nhiên cho cá. Tuy nhiên, để ứng phó với bão, lũ và lụt nước dân, bà con thường đầu tư đóng các cọc bê tông, cọc sắt hoặc đóng các cọc tre chắc chắn cho khu vực bè cá của mình. Các bè cá được chằng, neo chắc chắn vào những cọc này, không sợ lũ về cuốn trôi. Dưới đáy bè, bà con gắn thêm các thùng phi nhỏ với mục đích đây là những chiếc phao đảm bảo giữ bè ở mực nước nhất định khi nước lụt dâng cao.
  • Khi mà lụt về hung, mình phải cắm nhiều cọc xung quanh lồng, rồi phải kéo dây trên xuống sát xuống đến đáy sông để cho cá nằm xuống dưới cho hắn yên ổn rồi trên ni thì là nước cứ chảy, rồi là nước cứ dâng lên thì mặc kệ, đấy chứ còn cá hắn nằm dưới lồng là cho xuống sát mặt đất, để dưới đáy sông Mình làm vậy bão sóng hắn khỏi lật, khỏi lộn lồng bè; với hai nữa là nước hắn chảy ở trên bị xoáy, ở dưới sâu, cá không bị sợ, không bị ảnh hưởng gì (Người cao tuổi, xóm 1, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).
 
7. Làm đê bao, giăng lưới etilen cho các hồ/ đầm nuôi tôm
Đối với những hộ nuôi tôm, cua - thủy hải sản nước lợ, trên diện tích đồng nhiễm mặn được quy hoạch, cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, bà con cũng đã làm các mặt đê bao các hồ tôm và sử dụng lưới xăng ti len để chắn, bằng cách đóng cọc, rào lưới cao hơn một mét từ mặt đê bao để hạn chế việc tôm bị thất thoát trong mùa mưa lũ.
Các hồ nuôi tôm phải làm đê bao, sau đó giăng lưới xăng ti len đấy, đóng cọc vào, rào lưới cao hơn một mét từ trên cái mặt đê bao của hồ vì hồ nuôi tôm là hắn phải có đê bao rồi nếu không chỉ cần lụt là tôm trôi đi hết” (Hộ gia đình, xóm 2, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình)

Ảnh: Đầm tôm với đê bao và lưới giăng phòng bão, lụt

Hiện nay, ở một số địa phương, nhiều hộ gia đình đã đầu tư lớn, xây hẳn tường bao quanh dạng đặc biệt và chăng lưới chắc chắn để nuôi cá giống hoặc nuôi cá, tôm với quy mô lớn như mô hình trang trại trong hoàn cảnh thường xuyên có bão, lũ, lụt.

Ảnh: Tường bao quanh hồ nuôi cá giống của một hộ gia đình
ở Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình

Ảnh: Đầm tôm với đê bao và lưới giăng phòng bão, lụt


Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang