HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

ĐẶC ĐIỂM TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

ĐẶC ĐIỂM TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

ĐẶC ĐIỂM TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN NƯỚC TA
ĐẶC ĐIỂM TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN NƯỚC TA
Tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng về loại hình với khoảng 80 loại khoáng sản khác nhau và có tất cả hơn 3000 mỏ lớn nhỏ ở cả nước. Nhưng tất cả khoáng sản có thể được gộp làm 3 nhóm chính sau đây:

-         Nhóm khoáng sản nhiên liệu - năng lượng gồm:

+ Than đá: ta có bể than Đông Bắc Quảng Ninh là lớn nhất cả nước với trữ lượng khoảng 3,5 tỉ tấn điển hình với nhiều mỏ như Hà Tu, Hà Lầm, Đèo Nai, Cọc Sáu…ở miền Trung ta có mỏ than đá Nông Sơn (Quảng Nam) trữ lượng khoảng 10 triệu tấn.
+ Than nâu: ta có mỏ than nâu khá lớn trữ lượng hàng trăm triệu tấn là Na Dương (Lạng Sơn). Mới phát hiện dưới lòng đất ĐBSH có trữ lượng than nâu hàng trăm triệu tấn (980 triệu tấn) nhưng than nâu nằm sâu dưới lòng đất từ 300 ® 1000m.
+ Than mỡ: ta chỉ có một mỏ than mỡ duy nhất ở làng Cẩm, Phấn Mễ (Thái Nguyên).
+ Than bùn: có ở nhiều nơi nhưng nhiều nhất là ở rừng U Minh (Cà Mau).
+ Dầu mỏ và khí đốt: Nước ta đã phát hiện có 5 bể trầm tích có chứa dầu mỏ và khí đốt là:
·               Bể trầm tích phía Đông ĐBSH đã phát hiện có nhiều mỏ khí đốt nằm dọc ven biển Thái Bình trong đó nổi tiếng là mỏ khí đốt Tiền Hải.
·               Bể trầm tích phía Đông Quảng Nam - Đà Nẵng đã phát hiện có trữ lượng dầu mỏ khí đốt khá lớn nhưng chưa khai thác. Nhưng hiện nay ta đang xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất số 1 để đón trước sự khai thác dầu khí ở vùng này.
·               Bể trầm tích phía Nam Côn Đảo đã phát hiện nhiều dầu mỏ và khí đốt trữ lượng lớn nổi tiếng như Bạch Hổ, Đại Hùng, Mỏ Rồng…và đặc biệt mới tìm thấy 2 mỏ khí đốt lớn là Lan Tây, Lan Đỏ.
·               Bể trầm tích vùng trũng Cửu Long có trữ lượng dầu khí lớn nhưng rất khó khai thác vì các mỏ này nằm ở vùng nước sâu.
·               Bể trầm tích Thổ Chu - Mã Lai đã tìm thấy nhiều mỏ dầu khí có trữ lượng khá lớn như Rạng Đông, Chiến Thắng, Hữu Nghị…nhưng chưa khai thác.
+ Năng lượng thuỷ điện (than trắng): Tổng công suất thuỷ điện của nước ta từ 20 triệu ® 30 triệu kW tương đương 260 - 270 tỉ kWh trong đó nguyên hệ thống sông Hồng chiếm 11 triệu kW » 37% tổng trữ năng thuỷ điện cả nước và sông Đồng Nai chiếm 19%. Nhờ vậy trên sông ngòi nước ta đã xây dựng nhiều thuỷ điện công suất lớn như: thuỷ điện Hoà Bình, Trị An…
- Nhóm khoáng sản kim loại gồm:
+ Quặng sắt: ta có mỏ Trại Cau, Linh Nham (Thái Nguyên), Tòng Bá (Hà Giang), Bảo Hà (Lào Cai), Yên BáI (ven sông Hồng) và đặc biệt có mỏ sắt lớn nhất cả nước là Thạch Khê (Hà Tĩnh).
+ Mỏ Măngan: ta có mỏ lớn nhất cả nước ở Trùng Khánh (Cao Bằng).
+ Mỏ Crôm duy nhất cả nước ở Cổ Định (Thanh Hoá).
+ Mỏ Titan có nhiều ở ven biển Quảng Ninh và đặc biệt có nhiều ở dọc ven biển các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng ® Bình Thuận.
+ Mỏ Bôxit: có nhiều ở dọc biên giới giữa Lạng Sơn và Cao Bằng với TQ và mới phát hiện dưới lòng đất Lâm Đồng có trữ lượng bôxit khá lớn.
+ Thiếc: có nhiều ở Tĩnh Túc (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quỳ Hợp (Nghệ An).+ Mỏ Chì - Kẽm: có nhiều ở chợ Đồn, chợ Điền, tỉnh Bắc Cạn.
+ Mỏ Đồng: ta có mỏ đồng lẫn chì ở Sơn La và mỏ đồng lẫn vàng ở Lào Cai.
+ Mỏ Vàng: ta có mỏ vàng trữ lượng khá lớn ở Bồng Miêu (Quảng Nam) còn vàng sa khoáng có ở nhiều nơi.
- Nhóm khoáng sản phi kim gồm:
+ Apatit: cả nước chỉ có một mỏ ở Cam Đường (Lào Cai)
+ Cát thuỷ tinh: ta có nhiều ở Vân Hải (Hải Phòng), ven biển Quảng Bình, Nam Ô (Quảng Nam) và đặc biệt có trữ lượng cát rất lớn ở ven biển NThuận và Bthuận.
+ Đá vôi: rất phong phú ở trung du miền núi phía Bắc kéo dài qua Ninh Bình, Thanh Hoá vào tận Quảng Bình nổi tiếng với núi đá vôi Kè Bảng (Quảng Bình). ở miền Nam rất hiếm đá vôI và chỉ có trữ lượng đá vôi lớn ở khu vực Hà Tiên.
+ Đá quý (Rubi, Saphia) có nhiều ở Yên Bái và Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An).
+ Ngoài các khoáng sản nêu trên nước ta còn nhiều loại khoáng sản khác khá phong phú như đất sét, cao lanh, cát đen, cát vàng, đa ốp lát..
Tóm lại qua chứng minh trên ta thấy tài nguyên khoáng sản nước ta khá phong phú và rất đa dạng về loại hình.
* Những thuận lợi và khó khăn trong khai thác và sử dụng khoáng sản để phát triển kinh tế xã hội.
- Thuận lợi:
+ Tài nguyên khoáng sản nước ta do đa dạng về loại hình với nhiều mỏ kim loại như sắt, măngan, đồng…nhiều mỏ phi kim loại như than đá, than nâu, than mỡ, dầu mỏ…chính đó là cơ sở để tạo ra nhiều nguồn nguyên liệu đa dạng để phát triển nhiều ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến như: khai thác than, luyện kim đen, luyện kim màu…
+ Nước ta có một số loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn: than đá ở Quảng Ninh 3,5 tỉ tấn, dầu mỏ ở biển Đông 10 tỉ tấn, khí đốt từ 2500 ® 3000 tỉ m3. Đặc biệt một số loại khoáng sản là vật liệu xây dựng: đá vôi, cát thuỷ tinh… thì rất phong phú. Chính đó là những cơ sở cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ kia.
+ Ta lại có nhiều loại khoáng sản có chất lượng rất tốt như than đá Quảng Ninh tốt ngang với than Antraxit của nước Anh, hàm lượng sắt trong quặng rất cao từ 50 ® 60%. Hàm lượng P205 trong Apatit chiếm 25 ® 40%. Chính đó là các nguyên liệu rất có giá trị với phát triển công nghiệp ở trong nước và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.
+ Điều kiện khai thác nhiều mỏ khoáng sản rất thuận lợi như khai thác lộ thiên ở Quảng Ninh, cát thuỷ tinh lộ thiên ở bờ biển, Apatit lộ thiên ở Lào Cai. Cho nên việc khai thac các khoáng sản này cho phép làm giảm giá thành trong đầu tư khai thác.
+ Nhiều mỏ khoáng sản phân bố kề nhau hoặc nằm rất gần các nguồn năng lượng thuỷ điện rẻ tiền như: quặng sắt Thái Nguyên nằm rất gần than mỡ làng Cẩm (Phấn Mễ) dẫn đến rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp luyện kim đen ở Thái Nguyên; mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) lại nằm rất gần thuỷ điện Tà Sa, Nà Ngần dẫn đến rất thuận lợi để cung cấp điện cho nhà máy luyện thiếc ở Cao Bằng.
+ Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa nóng nắng quanh năm, nước sông biển không đóng băng ® ta có thể khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản quanh năm ở cả trên đất liền và dưới biển với chi phí thấp.
- Khó khăn:
+ Trữ lượng khoáng sản nhỏ: tuy nước ta có 80 loại khoáng sản khác nhau với hơn 3000 mỏ nhưng hầu hết trữ lượng các loại khoáng sản của ta đều nhỏ so với thế giới (nhỏ hơn 5% trữ lượng của khoáng sản đó ở trên toàn thế giới) cho nên việc khai thác khoáng sản ở nước ta chỉ phù hợp với quy mô nhỏ và vừa.
+ Điều kiện khai thác nhiều mỏ khoáng sản rất khó khăn điển hình khai thác dầu mỏ ở biển Đông vì các mỏ dầu khí đều nằm sâu dưới đáy biển từ 3000® 4000m cho nên phải nhờ vào kĩ thuật nước ngoàI rất tốn kém, nhiều mỏ khoáng sản lại phân bố gần biên giới: bôxit (Lạng Sơn) hoặc nằm dưới cánh đồng lúa (than nâu ở ĐBSH)…những mỏ này không những rất khó khai thác mà khi khai thác sẽ làm cạn kiệt nhiều nguồn tài nguyên khác.
+ Hàm lượng các chất khoáng sản rất phức tạp như đồng lẫn chì, vàng lẫn bạc…cho nên phải có công nghệ kĩ thuật hiện đại tiên tiến mới có thể tinh luyện thành những nguyên liệu nguyên chất có giá trị mà ta lại
chưa có.
+ Khoáng sản nước ta phân bố rất phân tán, mất cân đối giữa miền Bắc và miền Nam, giữa đất liền với biển cho nên khi phát triển công nghiệp ở miền Nam phải chi phí lớn để vận chuyển khoáng sản từ Bắc vào như vận chuyển than đá, đá vôi. Các mỏ khoáng sản trên đất liền thì đã được khai thác từ lâu và đang có xu thế cạn kiệt, còn khoáng sản dưới biển thì mới bắt đầu khai thác.
+ Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa diễn biến thất thường khắc nghiệt và nhiều thiên tai cho nên khi khai thác khoáng sản dễ làm đảo lộn hệ sinh thái gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên khác.
__________________________

PHÂN LOẠI KHOÁNG SẢN
I. Nhóm khoáng sản năng lượng gồm có dầu khí, than khoáng, urani và địa nhiệt

Về dầu khí. Việt Nam có tiềm năng dầu khí đáng kể. Tiềm năng và trữ lượng dầu khí có khả năng thu hồi của các bể trầm tích Đệ tam của Việt Nam khoảng 4,300 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng phát hiện là 1,208 tỷ tấn và trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu quy đổi. Đến ngày 2/9/2009 tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu quy đổi. Với sản lượng khai thác dầu khí hàng năm, hiện nay Việt Nam đứng hàng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Malaysia.

Than khoáng
. Việt Nam là nước có tiềm năng về than khoáng các loại. Than biến chất thấp (lignit - á bitum) ở phần lục địa trong bể than sông Hồng tính đến chiều sâu 1700m có tài nguyên trữ lượng đạt 36,960 tỷ tấn. Nếu tính đến độ sâu 3500m thì dự báo tổng tài nguyên than đạt đến 210 tỷ tấn. 
Than biến chất trung bình (bitum) đã được phát hiện ở Thái Nguyên, vùng sông Đà và vùng Nghệ Tĩnh với trữ lượng không lớn, chỉ đạt tổng tài nguyên gần 80 triệu tấn.
Than biến chất cao (anthracit) phân bố chủ yếu ở các bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, sông Đà, Nông Sơn với tổng tài nguyên đạt trên 18 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh là lớn nhất với trữ lượng đạt trên 3 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh đã được khai thác từ hơn 100 năm nay phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu.


Urani. Ở Việt Nam đã phát hiện nhiều tụ khoáng urani ở Đông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tài nguyên urani ở Việt Nam được dự báo trên 218.000 tấn U308 có thể là nguồn nguyên liệu khoáng cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Địa nhiệt. Việt Nam có nhiều nguồn nước nóng, ở phần đất liền có 264 nguồn có nhiệt độ là 300 C trở lên. Các nguồn nước nóng chủ yếu được phân bố ở Tây Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra nhờ khoan thăm dò, khai thác dầu khí chúng ta cũng phát hiện được nhiều nguồn nước nóng ở dưới sâu thuộc Bể Sông Hồng và Bể Cửu Long. Tiềm năng địa nhiệt của Việt Nam không lớn nhưng có thể coi là nguồn năng lượng bổ sung cho các nguồn năng lượng truyền thống phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước

II. Nhóm khoáng sản kim loại
Việt Nam có nhiều loại như sắt, mangan, crôm, titan, đồng, chì, kẽm, cobalt, nickel, nhôm, thiếc, vonfram, bismut, molybden, lithi, đất hiếm, vàng, bạc, platin, tantal-niobi v.v... Trong số khoáng sản kim loại kể trên có các loại tài nguyên trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như bauxit (quặng nhôm), đất hiếm, titan, wolfram, crôm v.v..

Bauxit có 2 loại chủ yếu là diaspor và gibsit.
Diaspor có nguồn gốc trầm tích phân bố ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương và Nghệ An với tài nguyên trữ lượng không lớn chỉ đạt gần 200 triệu tấn.
Gibsit có nguồn gốc phong hoá từ đá bazan, phân bố chủ yếu ở Tây Nguyên với trữ lượng đạt gần 2,1 tỷ tấn (Sở Địa chất Mỹ năm 2010 đã công bố sách hàng hoá khoáng sản thế giới và xếp bauxit Việt nam đứng hàng thứ 3 thế giới sau Guinea 7,4 tỷ tấn và Australia 6,2 tỷ tấn). Hiện bauxit đang được khai thác thử nghiệm để sản xuất alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đăk Nông.


Đất hiếm ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở Tây Bắc Bộ với tổng tài nguyên trữ lượng đạt gần 10 triệu tấn đứng thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc (36 triệu tấn) và Mỹ (13 triệu tấn). Quặng đất hiếm ở Việt Nam chưa được khai thác sử dụng.

Quặng titan (Ilmenit) ở Việt nam có 3 loại: quặng gốc trong đá xâm nhập mafic, quặng trong vỏ phong hoá và quặng sa khoáng ven biển.
Quặng titan gốc trong đá xâm nhập mafic ở Cây Châm, Phú Lương Thái Nguyên có trữ lượng 4,83 triệu tấn ilmenit và tài nguyên đạt 15 triệu tấn đang được khai thác.
Quặng ilmenit trong vỏ phong hoá và sa khoáng ở các huyện Phú Lương và Đại Từ Thái Nguyên với tài nguyên dự báo đạt 2,5 triệu tấn.
Quặng titan sa khoáng ven biển phân bố rải rác từ Móng Cái đến Vũng Tàu. Đặc biệt ở một số diện tích ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng lớn, tài nguyên dự báo đạt hàng trăm triệu tấn. Ngoài khoáng vật ilmenit, còn có các khoáng vật có giá trị kinh tế kỹ thuật là zircon và monazit. Một số mỏ ilmenit ở Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận v.v.. đã được khai thác và xuất khẩu.


Quặng Wolfram tập trung chủ yếu ở tụ khoáng Đá Liền, Đại Từ, Thái Nguyên. Công ty Tiberon Minerals đã tiến hành thăm dò xác định tài nguyên và trữ lượng đạt 110,2 triệu tấn quặng chứa 227.500 tấn WO3 , 8,5 triệu tấn CàF2, 191.800 tấn Cu, 20,8 tấn Au và 107.000 tấn Bi. Đây là vùng quặng rất đáng được quan tâm chú ý vì có tài nguyên dự báo đáng kể.

Quặng crôm sa khoáng có giá trị kinh tế kỹ thuật được tìm thấy ở Cổ Định, Nông Cống Thanh Hoá với trữ lượng 22 triệu tấn đang được khai thác. Đi kèm crôm còn có trữ lượng đáng kể của Nickel và Cobal ... cần được nghiên cứu sử dụng.

III. Nhóm khoáng chất công nghiệp

Việt Nam có nhiều loại khoáng chất công nghiệp như apatit, phosphorit, baryt, fluorit, pyrit, serpentin, than bùn, sét gốm sứ, magnesit, dolomit, felspat, kaolin, pyrophylit, quartzit, cát thuỷ tinh, disthen, silimanit, sét dẻo chịu lửa, diatomit, graphit, talc, atbest, muscovit, vermiculit, bentonit, thạch anh tinh thể. Các khoáng chất công nghiệp ở Việt Nam đã được đánh giá và nhiều mỏ đã được khai thác phục vụ cho các ngành nông, công nghiệp. Các mỏ lớn đáng chú ý là apatit, baryt và graphit.
Apatit phân bố dọc bờ phải sông Hồng, từ biên giới Việt Trung ở phía Bắc đến vùng Văn Bàn, dài trên 100 Km, rộng trung bình 1 Km, được đánh giá có tài nguyên đến độ sâu 100m, là 2,5 tỷ tấn và trữ lượng đã được thăm dò đạt 900 triệu tấn. 
Baryt phân bố chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, thường đi kèm với quặng Pb-Zn và đất hiếm. Tổng tài nguyên dự báo đạt 25 triệu tấn (trong tụ khoáng Đông Pao, Lai Châu có 4 triệu tấn). 
Graphit có ở Lào Cai, Yên Bái và Quảng Ngãi với tổng tài nguyên và trữ lượng đạt gần 20 triệu tấn. 


IV. Nhóm vật liệu xây dựng 
Việt Nam có nhiều mỏ vật liệu xây dựng: sét gạch ngói, sét xi măng, puzzolan, cát sỏi, đá vôi, đá hoa trắng, đá ốp lát, đá ong. Các mỏ vật liệu xây dựng đã và đang được khai thác phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Ngoài các loại khoáng sản kể trên, từ năm 1987 chúng ta đã phát hiện nhóm đá quý ruby, saphia, peridot, ... nhưng trữ lượng không lớn. Riêng ruby ở Yên Bái và Nghệ An có chất lượng cao được thế giới đánh giá đạt chất lượng quốc tế, tương đương với ruby nổi tiếng của Myanmar.
Điểm qua về tiềm năng khoáng sản của đất nước ta kể trên, nếu so sánh với các nước ở trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, thì thấy rằng: nước ta tuy có diện tích đất liền không lớn, nhưng có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự sinh thành và phát triển khoáng sản. Với nguồn tài nguyên khoáng sản đã biết thì có thể xếp nước ta vào hàng các nước có tiềm năng khoáng sản đáng kể.


Tuy nhiên cần phải chú ý các đặc điểm sau:

1. Việt Nam không có tiềm năng lớn về các khoáng sản năng lượng. Dầu khí chỉ đảm bảo khai thác được khoảng 30 năm nữa, do vậy cần tăng cường tìm kiếm thăm dò để tăng trữ lượng phục vụ lâu dài. Than biến chất cao (Anthracit) với trữ lượng đã được đánh giá đạt nhiều tỷ tấn cần phải khai thác sâu hàng trăm mét và hơn nữa mới bảo đảm cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Than biến chất thấp ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng tuy dự báo có tài nguyên lớn đến vài trăm tỷ tấn nhưng ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn và phức tạp cả về công nghệ, cả về an sinh xã hội và môi trường. Tiềm năng urani và địa nhiệt không đáng kể và chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng.

2. Việt Nam có nhiều khoáng sản kim loại nhưng trữ lượng không nhiều. Rất nhiều khoáng sản kim loại (vàng, bạc, đồng, chì , kẽm, thiếc v.v..) thế giới rất cần trong khi trữ lượng không có nhiều, chỉ khai thác mấy chục năm nữa sẽ cạn kiệt. thì Việt Nam cũng có ít, không đảm bảo tiêu dùng trong nước. Một số ít khoáng sản kim loại như bauxit, đất hiếm, ilmenit ta có nhiều, thế giới cũng có nhiều, song nhu cầu hàng năm không lớn, hàng trăm năm nữa mới cạn kiệt, nên chúng không là những khoáng sản "nóng", khoáng sản cạnh tranh để phát triển, lại càng không thể xem là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam.
Trữ lượng bauxit trên thế giới là 27 tỷ tấn và với sản lượng khai thác hàng năm trên 200 triệu tấn thì phải 135 năm nữa mới hết bauxit
Đất hiếm trên thế giới có trữ lượng đạt 99 triệu tấn, nhu cầu hàng năm chỉ cần 125.000 tấn thì 700 năm nữa mới cạn kiệt loại khoáng sản này
Thế giới có nhiều quặng titan với tổng tài nguyên đạt hơn 2 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đạt 730 triệu tấn. Hàng năm thế giới chỉ tiêu thụ hơn 6 triệu tấn, như vậy 128 năm nữa mới hết quặng titan.


3. Việt Nam có nhiều loại khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế của đất nước và có thể xuất khẩu. Tuy nhiên chúng không phải là khoáng sản có giá trị kinh tế cao và trên thế giới cũng có nhiều đủ dùng trong nhiều năm nữa.

4. Việt Nam chưa phát hiện được kim cương - loại khoáng sản quý có giá trị kinh tế kỹ thuật cao. Các nhà địa chất đã phát hiện ở Việt Nam có Ruby chất lượng cao, nhưng trữ lượng chưa rõ, các loại đá qúy khác cũng chưa được phát hiện nhiều. Thực tế nhóm đá quý được phát hiện ở Việt Nam chưa đóng góp gì đáng kể cho phát triển kinh tế đất nước.

Phân tích sâu về đặc điểm tiềm năng tài nguyên khoáng sản của Việt Nam trong bối cảnh chung về tài nguyên khoáng sản của khu vực và thế giới cho ta thấy rõ tuy Việt Nam là nước có nhiều loại khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết các loại không nhiều. Một số loại khoáng sản như bauxit, đất hiếm, ilmenit ta có tài nguyên trữ lượng tầm cỡ thế giới thì thế giới cũng có nhiều và không có nhu cầu tiêu thụ lớn. Điều đó có nghĩa là loại khoáng sản thế giới cần thì ta lại không có, mà loại khoáng sản ta có nhiều thì thế giới lại không cần nhiều, không có nhu cầu lớn. Đây là điều cần phải được quan tâm nghiên cứu đánh giá khách quan giữa cung và cầu để có chiến lược sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng đắn, hợp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Nếu chỉ dựa đơn giản vào một số khoáng sản có tài nguyên trữ lượng nhiều, đứng thứ hạng cao trên thế giới như bauxit, đất hiếm, ilmenit,.. mà đánh giá quá cao vai trò của chúng trong phát triển kinh tế của đất nước sẽ là một sai lầm phải trả giá . 

Để góp phần xây dựng và phát triển kinh tế thực hiện CNH, HĐH đất nước trong những năm tới cần đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá các loại khoáng sản mà thế giới và trong nước rất cần, trữ lượng của chúng đang dần cạn kiệt như đầu khí, than, vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc, v.v..

Một số loại khoáng sản thế giới và trong nước có nhiều trong khi không có nhu cầu tiêu thụ lớn như bauxit, đất hiếm, ilmenit thì lúc này chưa cần thiết đầu tư thăm dò.

Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được và có số lượng hạn chế trong lòng đất do đó cần có chiến lược quản lý bảo vệ khai thác để sử dụng hợp lý tiết kiệm và có hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

- Website/app: iDiaLy.com
- Group:idialy.HLT.vn
- Fanpage: dialy.HLT.vn

iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Atlat Việt Nam Đại học Luyện thi Ôn thi Tin tức Việt Nam
Lên đầu trang