GIẢI THÍCH CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN SƯƠNG MUỐI, SƯƠNG MÙ

SƯƠNG MUỐI, SƯƠNG MÙ

Câu 1: Thế nào là sương mù ? Có bao nhiêu loại sương mù ?

Sường mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km. Nó giống như mây thấp, nhưng khác ở chỗ sương mù tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đất, còn mây thấp không tiếp súc với bề mặt đất mà cách mặt đất một khoảng cách được gọi là độ cao chân mây. Chính vì thế người ta xếp sương mù vào họ mây thấp. Căn cứ vào nguyên nhân hình thành, sương mù được chia ra các loại khác nhau như:
Sương mù bức xạ hình thành khi mặt đất lạnh đi do bức xạ vào ban đêm trong điều kiện trời quang mây, lặng gió.
Sương mù bình lưu hình thành khi có một khối không khí ẩm di chuyển ngang qua nơi có bề mặt lạnh làm cho lớp không khí sát bề mặt lạnh đi và ngưng tụ lại tạo thành sương mù.
Sương mù bốc hơi hình thành khí không khí lạnh di chuyển qua miền có mặt nước ấm hơn nhiều, khi đó hơi nước bốc lên gặp nhiệt độ lạnh trong lớp không khí bên trên nhanh chóng ngưng tụ lại.
+ Ngoài ba loại sương mù chính kể trên, trong cuộc sống hàng ngày người ta còn bắt gặp sương mù do mưa, sương mù thung lũng....
                            
Câu 2: Thế nào là mù ? Về bản chất mù có khác sương mù không ?

Mù là tập hợp của các hạt bụi, khói lơ lửng trong không khí, làm giảm tầm nhìn ngang. Mù mạnh có thể làm giảm tầm nhìn ngang xuống vài trăm mét, thậm chí hàng chục mét như trong sương mù mạnh. Mù thường do nguyên nhân địa phương như cháy rừng, môi trường ô nhiễm....

Như vậy, sương mù và mù đều là hiện tương khí tượng nguy hiểm làm giảm tầm nhìn ngang, đặc biệt đối với giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không, hàng năm sương mù đã gây ra những trở ngại và tổn thất không nhỏ. Tuy nhiên sương mù và mù lại khác nhau về bản chất, mù hình thành do tập hợp của các hạt bụi, khói...còn sương mù hình thành liên quan đến độ ẩm không khí ở lớp không khí sát bề mặt đất.

Sương mù ở nước ta thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông. Ngày nay môi trường không khí càng ngày càng ô nhiễm nên sương mù và mù xảy ra nhiều hơn và cường độ mạnh hơn.

Câu 3: Thế nào là sương muối ?

Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi không khí trên đó ẩm và lạnh. Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây, khi mà bức xạ là nguyên nhân chủ yếu của quá trình lạnh đi của không khí và các vật thể. Nên nhớ rằng nó không mặn mà chỉ trắng như muối, gần giống với lớp tuyết ở trong khoang lạnh của tủ lạnh.Xem ra "màu trắng" của nó đã được thể hiện trong tên gọi sương muối ở nhiều thứ tiếng trên thế giới, như tiếng Anh "hoar frost", trong đó "hoar" là "trắng như tóc hoa râm";tiếng Trung là "bạch sương", bạch là trắng, tiếng Pháp là "gelée blanche", "blanche" là trắng. Sương muối là hiện tượng nguy hiểm đối với nhiều loại cây trồng và vật nuôi.

Câu 4: Nguyên nhân hình thành sương muối ? Ở nơi nào trên nước ta hay hình thành sương muối ?

Ở nước ta sau khi không khí lạnh về, vùng núi Bắc Bộ thường nằm sâu trong không khí lạnh, ban đêm trời quang mây, lặng gió, không khí ẩm đã lạnh lại bị bức xạ mất nhiệt nên tiếp tục lạnh đi, nhiệt độ không khí giảm nhanh dẫn đến hình thành sương muối. Sương muối thường hình thành khi nhiệt độ không khí ≤ 40C (trong lều khí tượng ở độ cao 2m), khi ấy nhiệt độ bề mặt các vật thể hay cây cỏ ở mặt đất đã có thể xấp xỉ 00C, nhưng phải đủ ẩm mới hình thành được sương muối. Các vùng đồng bằng nước ta chỉ có sương giá (không phải sương muối), song nó cũng nguy hiểm đối với một số cây trồng nếu thời gian sương giá kéo dài.

Vào mùa thu, về đêm trời thường quang đãng, gió lặng, nhưng buổi sáng ta lại thấy những giọt nước long lanh đọng trên ngọn cỏ, lá cây. Đó là những hạt sương móc. Sương móc hình thành do sự ngưng hơi nước trên các vật ở gần sát mặt đất khi nhiệt độ các vật này giảm xuống dưới điểm sương của không khí. Trời quang, gió lặng chính là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành sương móc.

Nếu nhiệt độ mặt đất giảm xuống 00C hay thấp hơn, hơi nước sẽ ngưng kết thành thể rắn, xốp, có màu trắng như muối nên gọi là sương muối. Sương muối cũng là một loại thời tiết nguy hiểm vì nhiệt độ quá lạnh của nó làm chết cây trồng. Ở nước ta, hiện tượng sương muối thường xẩy ra trong các tháng mùa đông, nhất là vào các tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Nơi hàng năm xuất hiện sương muối nhiều nhất là các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, một số nơi trung du Bắc Bộ cũng có hiện tượng này. Thậm chí vùng núi Thanh Hóa và Tây Nghệ An (Nghệ Tĩnh) cũng có năm xuất hiện sương muối (như tháng 12 năm 1975). Các tỉnh Trung Trung Bộ trở vào đến Nam Bộ hầu như không có hiện tượng sương muối.

Câu 5: Vì sao buổi sớm mùa thu, mùa đông hay có sương mù?

Như chúng ta đã biết vào các tháng mùa thu hay mùa đông, thời gian ban đêm thường kéo dài hơn ban ngày. Vào ban ngày, ở lớp không khí sát bề mặt đã có chứa một lượng hơi nước nhất định. Nhưng khi thời gian chuyển dần vào ban đêm, nhiệt độ giảm xuống rất nhanh, biên độ nhiệt (chênh lệch giữa nhiệt độ thấp nhất và cao nhất) giữa ngày và đêm lớn, nên một phần hơi nước gần bề mặt sẽ ngưng kết lại và lớp ngưng kết này ngày càng dày khi thời gian ban đêm kéo dài. Đặc biệt khi trời quang mây, gió nhẹ, mặt đất sẽ phát xạ nhiệt vào không khí nhanh hơn, khiến nhiệt độ ở đây giảm xuống khá đột ngột. Điều đó khiến hơi nước trong không khí sát mặt đất càng dễ dàng bão hòa hơn, hình thành sương mù từ nửa đêm đến sáng sớm. Đó là nguyên nhân khiến buổi sáng mùa thu, hay mùa đông hay có sương mù.

-Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn, mở link, bài viết nhanh hơn.
-youtube.iDiaLy.com
-tiktok.iDiaLy.com
-Group: idialy.HLT.vn
-Fanpage: dialy.HLT.vn
-iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Lên đầu trang