GIẢI THÍCH CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN VỀ MƯA

MƯA

Câu 1: Có thể hiểu thế nào là mưa lớn ?

Hiện tượng mưa lớn là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dải hội tụ nhiệt đới, hội tụ gió mạnh trên nhiều tầng, front lạnh, đường đứt... Đặc biệt khi có sự kết hợp giữa chúng với nhau ở cùng một thời điểm sẽ càng nguy hiểm hơn, gây nên mưa to, gió lớn, dông, mưa đá trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng.
Mưa lớn hay mưa vừa mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hay ngắt quảng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa. Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được 24h tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa trong mạng lưới khí tượng thủy văn mà phân định các cấp mưa khác nhau theo quy định của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO). Qua đó mưa lớn được chia làm 3 cấp:

- Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16 - 50 mm/24h.
- Mưa to: Lượng mưa đo được từ 51 - 100 mm/24h.
- Mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100 mm/24h.

Lượng mưa được tính từ 19 giờ ngày hôm trước đến 19 giờ ngày hôm sau. Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của mưa thì cấp mưa to 51-100 mm/24h bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

Câu 2: Dự báo mưa trong các bản tin thời tiết được phân chia thành mấy dạng ?  
Dạng mưa được định nghĩa theo các đặc tính của mây mưa, nó đặc trưng cho tầng kết khí quyển và liên quan chặt chẽ đến hệ thống thời tiết. Các loại mưa có tính chất giống nhau được xếp vào cùng một dạng và được phân chia vào hai dạng chính như sau: Dạng mưa ổn định và dạng mưa bất ổn định.

Mưa ổn định là loại mưa xảy ra trong điều kiện trạng thái khí quyển tương đối ổn định, tầng đẳng nhiệt, nghịch nhiêt thấp. Mưa ổn định thường do loại mây thấp, có độ dày mỏng, phát triển chủ yếu theo chiều nằm ngang che phủ bầu trời, ít phát triển thẳng đứng. Đặc trưng mây mưa chủ yếu dạng tầng, phổ biến là loại mưa nhỏ, mưa phùn và đôi khi kèm sương mù.

Mưa bất ổn định là loại mưa xảy ra trong điều kiện trạng thái khí quyển bất ổn định. Mưa bất ổn định thường xảy ra trong các loại mây đối lưu phát triển mạnh theo chiều thẳng đứng có độ dày lớn mà không phát triển theo chiều nằm ngang. Đặc trưng cho dạng mưa bất ổn định là dạng mưa rào thời gian không kéo dài hoặc kéo dài không liên tục, ngắt quãng. Dạng mưa bất ổn định có thể kèm theo dông, đôi khi trong khoảng thời gian đó còn có thể xảy ra mưa đá.

Câu 3: Trong các bản tin dự báo thời tiết khi nào báo mưa vài nơi ? Dự báo có nơi và vài nơi có giống nhau hay không ?

Dựa trên các đặc trưng chung về điều kiện địa lý, địa hình, tính đồng nhất tương đối về mặt khí hậu, thời tiết hoặc dựa trên địa giới hành chính, khu vực trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh và quốc phòng hoặc theo yêu cầu phục vụ chuyên ngành nào đó t mà cơ quan dự báo thời tiết hạn ngắn phân chia và quy định khu vực dự báo thời tiết. Khu vực dự báo thời tiết không nhất thiết tương đương về mặt diện tích và có thay đổi điều chỉnh lại sao cho phù hợp với thực tiển.

Trên mỗi khu vực dự báo có đặt một số trạm quan trắc khí tượng thủy văn đại diện cho khu vực đó. Ví dụ ở khu vực phía Tây Bắc Bộ có 18 trạm, phía Đông Bắc Bộ có 33 trạm…..Dựa vào số trạm quan trắc trên một khu vực dự báo để đưa ra một quy định chung: Nếu hiện tượng mưa xảy ra ở một khu vực dự báo nào đó mà có tổng số trạm quan trắc được mưa nhỏ hơn hoặc bằng 1/3 tổng số trạm quan trắc của khu vực dự báo đó thì khu vực đó gọi là có mưa vài nơi. Ví dụ khu vực phía Tây Bắc Bộ có 18 trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nếu có tối đa 6 trạm quan trắc được mưa, khi đó trong bản tin dự báo sẽ có cụm từ “có mưa vài nơi”.

Thuật ngữ “Vài nơi” và “Có nơi” giống nhau về nghĩa của thuật ngữ không gian nhưng được đặt ở vị trí khác nhau trong một câu của bản tin dự báo thời tiết nhằm tránh trùng lặp thuật ngữ để chỉ hai hiện tượng thời tiết khác nhau cùng xảy ra trong cùng khoảng thời gian dự báo nhưng với phạm vi tương đương. Ví dụ: Nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù.

Câu 4: Thế nào là mưa rải rác ? Thế nào là mưa nhiều nơi ?

Nếu hiện tượng mưa xảy ra trên một khu vực dự báo nào đó mà có tổng số trạm quan trắc được mưa lớn hơn 1/3 và nhỏ hơn hoặc bằng 2/3 tổng số trạm quan trắc được đặt tại khu vực đó thì khu vực đó gọi là có mưa rải rác.(1/3< Tổng số trạm quan trắc được mưa £ 2/3)

Ví dụ: Khu vực phía Tây Bắc Bộ có 18 trạm quan trắc, nếu có tối thiểu 7 trạm hoặc có tối đa không quá 12 trạm trên khu vực dự báo quan trắc được mưa, các trạm còn lại không quan trắc được mưa thì trong các bản tin dự báo khu vực phía Tây Bắc Bộ được cho là có mưa rải rác

Nếu hiện tượng mưa xảy ra trên một khu vực dự báo nào đó mà có tổng số trạm quan trắc được mưa lớn hơn 2/3 tổng số trạm quan trắc được đặt tại khu vực đó thì khu vực đó gọi là có mưa nhiều nơi (Tổng số trạm quan trắc được mưa ≥ 2/3)

Ví dụ: Khu vực phía Đông Bắc Bộ có 33 trạm quan trắc, nếu có tối thiểu 23 trạm trên khu vực quan trắc được mưa, các trạm còn lại có thể không quan trắc được mưa thì trong các bản tin dự báo khu vực phía Đông Bắc Bộ được cho là có mưa nhiều nơi.

Câu 5: Thế nào là mưa lớn diện rộng ?

Trên thực tế các khu vực dự báo được quy định ở nước ta chỉ có thể liền kề với một hoặc hai khu vực dự báo khác và mưa lớn mang tính chất hệ thống bao giờ cũng xảy ra trên diện tích bề mặt tương đối liên tục. Bởi vậy việc quy định mưa lớn diện rộng theo định nghĩa như sau: Mưa lớn diện rộng là quá trình mưa lớn xảy ra ở một hay nhiều khu vực dự báo liền kề với tổng số trạm quan trắc quy định sau:

+ Một khu vực dự báo được coi là có mưa lớn diện rộng khi mưa lớn xảy ra quá một nửa số trạm trong toàn bộ số trạm có quan trắc mưa thu thập được của khu vực đó.
+ Mưa lớn xảy ra ở 2 hoặc 3 khu vực dự báo liền kề nhau thì khi tổng số trạm quan trắc mưa lớn phải vượt quá 1/2 hoặc 1/3 tổng số trạm có quan trắc mưa thu thập được trong 2 hoặc 3 khu vực liền kề.

Chú ý khi mưa lớn xảy ở nhiều khu vực liền kề nhau thì các trạm quan trắc được tính cũng phải liền kề nhau trong khu có mưa đó. Việc mô tả khu vực xảy ra mưa lớn diện rộng phải căn cứ trên việc phân chia các khu vực nhỏ trong các khu vực dự báo đang được sử dụng hiện nay.

Câu 6: Thế nào là một đợt mưa lớn diện rộng ?

Một đợt mưa lớn diện rộng là một đợt mưa xảy ra tương đối liên tục trong một khoảng thời gian nhất định trong đó có ít nhất một ngày đạt tiêu chuẩn mưa lớn diện rộng.
Khi quá trình mưa lớn diện rộng xảy ra nhiều đợt trong một thời gian dài, các đợt mưa lớn diện rộng khác nhau được cách biệt bởi khoảng thời gian liên tục ít nhất là 24h với trên 1/2 tổng số trạm quan trắc hoàn toàn không có mưa.

Tổng lượng mưa cả đợt được tính theo lượng mưa đo được thực tế của từng trạm trong khoảng thời gian của cả đợt mưa kể từ thời gian bắt đầu đến thời gian kết thúc mưa. Tổng lượng mưa lớn nhất được chọn trong tổng lượng mưa thực đo của các trạm. Lượng mưa trung bình khu vực là lượng mưa trung bình của tất cả các trạm đo trong khu vực lớn hoặc khu vực nhỏ. Lượng mưa trung bình khu vực được chọn theo các khoảng lượng mưa cách nhau cữ 10 - 50 mm.

Câu 7: Trong thực tế có thể làm mưa nhân tạo được không ? Nguyên tắc để làm mưa nhân tạo ?

Trong thực tế người ta có thể làm mưa nhân tạo, bằng cách phun vào trong mây thuốc kích thích gây mưa. Phương pháp này đã thu được kết quả nhất định, nhưng nói chung còn đang trong quá trình thử nghiệm. Muốn làm mưa nhân tạo, trước tiên là phải có những hiểu biết về mây. Mây có hai loại: một là "mây lạnh" toàn bộ hoặc một phần của mây này có nhiệt độ dưới 00C, Hai là "mây ấm", toàn bộ loại mây này có nhiệt độ trên 00C. Mây lạnh có loại do toàn bộ tinh thể băng kết thành, có loại do tinh thể băng và giọt nước có nhiệt độ dưới 00C cùng nhau kết thành. Cũng có loại phía trên là những tinh thể băng và hạt nước đông lạnh, phía dưới là những giọt nước có nhiệt độ trên 00C tạo thành. Mây lạnh do toàn bộ tinh thể băng kết thành rất khó làm mưa nhân tạo. Mây lạnh mà có thể làm được mưa nhân tạo phải có những hạt nước rất lạnh bên trong. Như vậy, mây lạnh tự nhiên có thể thành mưa xuống phải có điều kiện vừa có hạt nước quá lạnh đông lại vừa có tinh thể băng.

Để làm cho hạt nước quá lạnh trong "mây lạnh" trở thành tinh thể băng người ta dùng hai cách: một là đioxit cacbon dạng rắn, chất này làm nhiệt độ trong mây giảm xuống, tạo thành những tinh thể băng. Cách thứ hai là dùng hạt nhân ngưng kết, những hạt này có thể biến một phần những hạt nước quá lạnh kết thành tinh thể, hoặc hơi nước trong khu vực có những hạt nước quá lạnh biến thành tinh thể băng, hiện nay các nước thường dùng muối iođua bạc làm nhân ngưng kết.

Mây ấm tự nhiên không thể thành mưa rơi xuống, vì trong mây có nhiều hạt nước nhỏ, nhưng thiếu những hạt nước lớn. Chỉ khi nào trong mây có những hạt nước lớn, do tốc độ rơi của hạt nước to nhỏ không bằng nhau, quán tính rơi không bằng nhau sẽ có hiện tượng những hạt nước lớn "nuốt" luôn những hạt nước nhỏ, làm mình "to ra", tạo thành những giọt nước mưa rơi xuống. Bởi vậy, muốn làm mưa nhân tạo bằng mây ấm, phải đưa vào mây chất kích thích mang tính hút ẩm, như muối ăn, nước muối.

Người ta có thể dùng máy bay, tên lửa, pháo, khí cầu để phun chất kích thích vào trong mây. Mưa nhân tạo đã có lịch sử hơn 40 năm, hiện nay chỉ có thể lợi dụng điều kiện thời tiết có lợi mới có thể thực hiện được.

Câu 8: Thế nào là mưa a xít ?

Trong thực tế để đo độ a xít trong các dung dịch lỏng người ta thường xác định bằng thang độ pH (thang logarith). Căn cứ vào độ ăn mòn của a xít người ta xác định được khi độ pH = 7 các dung dịch mang tính chất trung tính. Thông thường với ngưỡng pH = 5,6 (pH = 5,6 là mức pH của nước bão hoà khí CO2) được coi là cơ sở để xác định đó có phải là mưa a xít hay không. Điều này có nghĩa là trong bất kỳ một trận mưa nào nếu đo được độ pH < 5,6 thì được gọi là một trận mưa acid.

Cũng cần nói thêm rằng, trong giới chuyên môn đôi khi người ta dùng thuật ngữ "sự lắng đọng a xít" (Acid deposition), thay vì “mưa a xít”(acid rain). Hai thuật ngữ này nghe có vẻ giống nhau, nhưng thực tế nó khác nhau ở chỗ "sự lắng đọng a xít" là sự lắng đọng của a xít trong khí quyển xuống bề mặt Trái đất bao gồm cả trạng thái khô (các hạt bụi) hay trạng thái ướt (mưa a xít), còn “mưa a xít” chỉ thuần túy nói về sự lắng đọng các a xít trong khí quyển xuống bề mặt Trái đất ở trạng thái ướt.

Câu 9: Mưa a xít thường xảy ra ở đâu ?

Trong nước mưa bao giờ cũng có một lượng a xít nhất định (độ pH trong nước mưa không đạt đến ngưỡng mưa a xít). Nhưng ở các khu vực công nghiệp, khi có mưa, đo nồng độ pH xác định được các cơn mưa đó có nồng độ a xít cao hơn các nơi khác vì ở những khu vực này khí quyển bị ô nhiễm do hơi đốt và khói của các nhà máy thải ra.

Nước mưa kết hợp với khí cacbonic trong không khí tạo thành axit cacbonic có nồng độ rất bé. Axit yếu này có thể làm phân hủy đá vôi.

Nước mưa cũng kết hợp với khí thải của các nhà máy. Khí thải này có thể bị gió mang đi rất xa. Được hơi ẩm trong không khí hấp thụ, khí biến thành a xít sulfuric và a xít nitric. Mưa lại mang theo những chất axit này đến những vùng rất xa khu vực bị ô nhiễm đó.
Những cơn mưa a xít đẩy nhanh quá trình ăn mòn, nghĩa là làm mòn đá. Nó cũng dần dần làm ô nhiễm nhiều hồ và dòng nước, rất nguy hiểm cho các loài động vật sinh sống ở đó.

Câu 10: Các cơn mưa a xít ảnh hưởng đến hệ thủy sinh vật và thực vật như thế nào ?

Ảnh hưởng của độ pH đến hệ thủy sinh vật có thể tóm tắt như sau

pH < 6,0
Các sinh vật bậc thấp của chuỗi thức ăn bị chết (phù du), đây là nguồn thức ăn quan trọng của cá.
pH < 5,5
Cá không thể sinh sản được, cá con rất khó sống sót, cá lớn bị dị dạng do thiếu dinh dưỡng dẫn tới bị chết do ngạt.
pH < 5,0
Quần thể cá bị chết
pH < 4,0
Xuất hiện các sinh vật mới khác với các sinh vật ban đầu

Hơn nữa, do hiện tượng tích tụ sinh học, khi con người ăn các loại cá có chứa độc tố, các độc tố này sẽ tích tụ trong cơ thể con người và gây nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Ở trong các ao hồ, lưỡng thể cũng bị ảnh hưởng, chúng không thể sinh sản được trong môi trường a xít.

Một trong những tác hại nghiêm trọng nữa của mưa a xít là các tác hại đối với thực vật và đất. Khi có mưa a xít các dưỡng chất trong đất sẽ bị rửa trôi. Các hợp chất chứa nhôm trong đất sẽ phóng thích các ion nhôm và các ion này có thể hấp thụ bởi rễ cây và gây độc cho cây. Như chúng ta đã biết, không phải toàn bộ SO2 trong khí quyển được chuyển hóa thành a xít sulfuric mà một phần của nó có thể lắng đọng trở lại mặt đất dưới dạng khí SO2. Khi khí này tiếp xúc với lá cây, nó sẽ làm tắt các thể soma của lá cây, gây cản trở quá trình quang hợp.

Một thí nghiệm trên cây Vân Sam (cây lá kim) cho thấy, khi phun một hỗn hợp a xít sulfuric và a xít nitric có độ pH từ 2,5 - 4,5 lên các cây Vân Sam con sẽ làm xuất hiện và phát triển các vết tổn thương có màu nâu trên lá của nó và sau đó các lá này rụng đi, các lá mới sẽ mọc ra sau đó nhưng với một tốc độ rất chậm và quá trình quang hợp bị ảnh hưởng nghiêm

-Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn, mở link, bài viết nhanh hơn.
-youtube.iDiaLy.com
-tiktok.iDiaLy.com
-Group: idialy.HLT.vn
-Fanpage: dialy.HLT.vn
-iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Lên đầu trang