Nguyên nhân sâu xa khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp

Tại phiên thảo luận về tình hình hình kinh tế-xã hội, trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu phân tích nguyên nhân năng suất lao động của Việt Nam thấp. VOV.VN xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Theo Thông cáo báo chí ngày 09/05/2014 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, NSLĐ của Malaysia gấp 5 lần NSLĐ của Việt Nam còn NSLĐ của Thái Lan gấp 2,5 lần NSLĐ của Việt Nam.

Do không được thông tin đầy đủ về cách tính NSLĐ của ILO, nên từ các số liệu trên trên, một số ý kiến phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhận định rằng trình độ nghề nghiệp của người lao động Việt Nam thấp là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm NSLĐ và thực tiễn Việt Nam vì NSLĐ là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối chứ không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp của người lao động.

ILO tính năng suất lao động theo công thức sau:

NSLĐ       =          GDP/Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế

=          Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người làm việc

=          GDP/Dân số x Tỷ lệ người làm việc trong tổng dân số

Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số giữa các nước là xấp xỉ như nhau thì so sánh NSLĐ giữa các nước cũng tương đương như so sánh Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người của các nước. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có Tổng sản phẩm nội địa theo đầu người dưới 1.000 USD/năm thì quốc gia đó được xếp là nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo vào năm 2008. Khi đó, GDP/người của Singapore là 39.700 USD, gấp hơn 34 lần Việt Nam; của Nhật Bản là 37.800 USD, gấp 33 lần Việt Nam; của Hàn Quốc là 20.500 USD, gấp 18 lần Việt Nam; của Malaysia là 8.400 USD, gấp 7 lần Việt Nam và của Thái Lan là 4.100 USD, gấp 3,6 lần Việt Nam. Tức là câu hỏi: “Vì sao NSLĐ của Việt Nam thấp?” hoàn toàn tương tự như câu hỏi: “Vì sao Việt Nam nghèo?”.

I.    Có thể thấy nước ta còn nghèo so với các nước khác là do nhiều nguyên nhân sau:

1.      Xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là rất khác nhau về trình độ phát triển như hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thiết bị, công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ KHCN, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Việt Nam bị tàn phá nặng nề qua 30 năm chiến tranh (1945-1975), mới bắt tay vào công cuộc xây dựng lại và phát triển đất nước từ năm 1975, trong khi đó các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh trong 30 năm trước đó. Do đó, tại thời điểm năm 1975 khoảng cách về thu nhập theo đầu người hay NSLĐ giữa các nước và Việt Nam là rất lớn. Năm 1975, theo số liệu của Liên hợp quốc, GDP theo đầu người của nước ta mới chỉ đạt 79 USD, trong khi đó Malaysia là 819 USD (gấp 10 lần VN), Thái Lan là 366 USD (gấp 4,6 lần VN), Singapore là 2.558 USD (gấp 32 lần VN), Hàn Quốc là 624 USD (gấp 8 lần VN), còn Nhật Bản là 4.629 USD (gấp 58 lần VN). Tuy nhiên đến năm 2013, khoảng cách về thu nhập theo đầu người hay NSLĐ giữa các nước trên và Việt Nam đã thu hẹp đáng kể: Malaysia chỉ còn gấp 5,5 lần Việt Nam (năm 1975 gấp 10 lần), Thái Lan gấp 3 lần (năm 1975 gấp 4,6 lần), Singapore gấp 29 lần (năm 1975 gấp 32 lần), và Nhật Bản gấp 20 lần (năm 1975 gấp 58 lần). Với xuất phát điểm thấp như vậy, việc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về thu nhập và NSLĐ của Việt Nam với các nước như đã nêu trên là thành tựu đáng ghi nhận của nước ta.

2.      Khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp:

Để sản xuất không chỉ cần lao động mà phải có thiết bị công nghệ. Xu hướng phát triển của nhân loại là: từ sản xuất thủ công (chi phí công cụ sản xuất thấp) chuyển sang sản xuất cơ khí hóa (chi phí thiết bị công nghệ cao hơn nhiều) và tiến lên sản xuất tự động hóa (chi phí cho thiết bị máy móc còn tăng cao hơn nữa, sử dụng ít lao động hơn nữa). Như vậy, quá trình tăng NSLĐ của loài người luôn đi đôi với điều kiện tăng mức trang bị thiết bị, công nghệ cho người lao động. Như vậy phải có vốn đầu tư, tăng vốn đầu tư để cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa sản xuất. Một nước nghèo thì khả năng tự tiết kiệm để đầu tư là hạn chế, vì vậy phải có một quá trình tích lũy vốn và đầu tư hàng chục năm mới thực hiện được cơ khí hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa nền kinh tế.

Từ 2000 đến 2013, mặc dù khoảng cách về vốn đầu tư toàn xã hội/người lao động của các nước so với Việt Nam đã được thu hẹp đáng kể nhưng mức độ chênh lệch vẫn còn lớn: Nhật Bản từ gấp Việt Nam 76 lần năm 2000 giảm xuống còn 20 lần vào năm 2013; Singapore từ gấp 66 lần giảm xuống còn 22 lần; Hàn Quốc từ gấp hơn 34 lần giảm còn 21 lần; Malaysia từ gấp gần 11 lần giảm còn 6,5 lần; Thái Lan từ gấp 3,5 lần giảm còn gần 3 lần.

Khả năng tự tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất hàng hóa, do đó giá trị gia tăng tạo ra chưa cao. Lấy ví dụ trong ngành dệt may. Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi sản xuất ngành dệt may là: khâu sản xuất sợi - 40 triệu đồng/người/năm; khâu dệt - 30 triệu đồng/người/năm, khâu may - 5,5 triệu đồng/người/năm. Do đó, muốn tạo ra thu nhập cao hơn thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào các khâu kéo sợi và dệt vải nhưng phải xem xét suất đầu tư.

Suất đầu tư/người lao động vào các dự án kéo sợi và dệt vải lớn hơn rất nhiều so với đầu tư vào dự án may mặc.
Cụ thể:

-         Suất đầu tư/người lao động của 1 dự án sợi qui mô 21.000 cọc sợi, 4.000 tấn sợi năm là 66.900 USD/người, gấp 29 lần suất đầu tư 2.300 USD/người của 1 dự án May công suất 9,5 triệu sơ mi/năm;

-         Suất đầu tư/người lao động của 1 dự án dệt từ sợi nhuộm công suất 10 triệu mét vải/năm là 68.000 USD/người, gấp hơn 29 lần suất đầu tư 2.300 USD/người của 1 dự án May công suất 9,5 triệu sơ mi/năm;

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt - may nói riêng cần có thời gian tích lũy vốn hàng chục năm để có thể tham gia ngày càng đầy đủ hơn vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

3.      Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu:

Theo kết quả tổng điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn 2000-2011, mặc dù có xu hướng giảm dần nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp vẫn chiếm bình quân gần 60% tổng số doanh nghiệp tham gia điều tra. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm gần 29%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cao chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2%.

Tình trạng khoảng 88% doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp và trung bình thấp là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng NSLĐ và thu nhập đầu người của Việt Nam còn thấp. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư để bổ sung và hiện đại hóa thiết bị công nghệ ở hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

4.      Nền kinh tế nước ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn còn thấp:

Mặc dù cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay đang từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhưng lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp khoảng 18% GDP nhưng chiếm đến 47% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ lao động nông nghiệp thấp hơn nhiều: Thái Lan - 39%, Trung Quốc - 34%, Malaysia – 11%, Hàn Quốc – 6,5%, còn Singapore chỉ có khoảng 1% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam mặc dù tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp: năm 2000 – 16%, năm 2005 – 26,2%, năm 2010 – 40%, năm 2013 ước đạt 49%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Singapore năm 2013 là 61,5%, Hàn Quốc là 62%.

5.      Khoa học chậm phát triển, đầu tư cho khoa học – công nghệ (KHCN) còn thấp:

Từ năm 2001 đến năm 2011 tỷ lệ đầu tư cho KHCN/GDP của nước ta nhìn chung xoay quanh mức 0,5% và trong 11 năm tỷ lệ đầu tư này chỉ tăng từ 0,48% lên 0,51%. Trong khi đó, một số nước trong khu vực gia tăng đầu tư mạnh cho KHCN: Malaysia tăng từ 0,47% lên 1,07% GDP, Trung Quốc tăng từ 0,95% lên 1,84% GDP, Hàn Quốc tăng từ 2,47% lên 4,04% GDP, Thái Lan tăng từ 0,26% lên 0,37% GDP và đang hướng đến mục tiêu đạt 1% GDP vào năm 2016.

Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định: nâng tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Riêng chi của Nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Ngoài 5 yếu tố chính nói trên, còn nhiều yếu tố khác liên quan đến câu hỏi: Vì sao một quốc gia lại nghèo, NSLĐ thấp, như:

-         Sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu;

-         Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là bán nguyên liệu và xuất khẩu thô, chưa có các sản phẩm cuối cùng có thương hiệu quốc tế;

-         Tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu các DNNN còn chậm;

-         Chính sách kinh tế vĩ mô còn bất hợp lý;

-         Chưa khai thác đầy đủ các cơ hội của thị trường thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

II. Lao động Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại, đạt năng suất cao không?

Trong lĩnh vực công nghiệp: tại các nhà máy do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như Intel, Samsung, Toyota,... lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất kỹ thuật không thua kém lao động ở các nước khác, trong khi chi phí lao động chỉ bằng 1/10 hoặc 1/20 ở các nước công nghiệp. Năm 2013, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã xuất khẩu khoảng 130 triệu chiếc điện thoại di động và các thiết bị khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,9 tỷ USD đóng góp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện đang sử dụng 45 nghìn lao động, trong đó chỉ có khoảng 70 người Hàn Quốc. Công ty Samsung đã quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu phát triển của mình tại Singapore và thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam với khoảng 3.000 người nghiên cứu vì các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Samsung và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: người nông dân nước ta cần cù, sáng tạo, làm chủ qui trình sản xuất mới và áp dụng nhiều giống tốt, nhờ đó nền nông nghiệp nước ta tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc vào loại cao nhất thế giới là: gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 1990 mới là 1,1 tỷ USD, đến năm 2013 là 19,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và không ổn định, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra từ hàng chục năm, song người nông dân cá thể không thể chi phối được thị trường đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Hai thị trường này thiếu tính cạnh tranh, có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào và hạ giá đầu ra. Đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người nông dân cho dù năng suất sinh học của các cây con đã liên tục tăng trong hơn 20 năm qua với 12 sản phẩm có năng suất sinh học vào loại cao nhất thế giới.

III. Cần làm gì để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam và thu nhập cho người dân?

Một cách tổng quát, năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng NSLĐ của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp; Công nghiệp -xây dựng và Dịch vụ.

Theo tính toán của chúng tôi, năm 2014 NSLĐ khu vực công nghiệp của nước ta gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn NSLĐ khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và NSLĐ của người nông dân.

Trong nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao hiệu quả, NSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi xin nhấn mạnh 1 nhóm giải pháp như sau:

Phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp từ: “Hộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào, đầu ra không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân – Xuất khẩu đem lại lợi ích chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu” sang mô hình mới là “Hộ nông dân liên kết trong các tổ chức hợp tác sản xuất – Tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh cao – Xuất khẩu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của người nông dân”.

Tóm lại: Một nước Việt Nam còn nghèo với thu nhập đầu người thấp, NSLĐ thấp (thu nhập do 1 lao động tạo ra thấp) là vấn đề đã đặt ra với nước ta từ năm 1975. Sau gần 40 năm, NSLĐ đã tăng đáng kể, nước ta đã thoát ngèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể bằng lòng với mức thu nhập đầu người (GDP/người dân) ở mức hơn 2.000 USD năm 2014 hay dự báo 3.500 - 4.000 USD vào năm 2020. Đường lối phát triển đất nước của Đảng, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm và các Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm, trong đó xem giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, cùng với sự cần cù, sáng tạo của mỗi người lao động Việt Nam, mỗi doanh nghiệp Việt Nam, mỗi người nông dân Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Tôi xin đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp, khi bàn về việc làm sao để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả cao hơn, hãy hỏi 5 câu hỏi: người lao động được đào tạo ở đâu, khoa học công nghệ ở đâu, vốn từ đâu, đất ở đâu và thị trường ở đâu; chứ không phải dừng lại ở 2 câu hỏi: vốn từ đâu và đất ở đâu. Thay đổi mô hình tư duy và mô hình phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng NSLĐ, tăng thu nhập cho mỗi người lao động và đất nước Việt Nam của chúng ta!/.

IV. Nguyên nhân làm cho người lao động có thu nhập thấp:
Ở nước ta, nông thôn vẫn được xem là vùng trũng các vấn đề kinh tế, văn hóa xã hội, là khu vực cần sự quan tâm, đầu tư. Mặc dù đã có nhiều chính sách tập trung phát triển khu vực này nhưng thực tế theo nghiên cứu, đây vẫn là khu vực có thu nhập thấp, mức sống còn khoảng cách so với các vùng.

1. Năng suất thấp

Theo kết quả của khảo sát ”Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam”  do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa công bố vào đầu tháng 8, mức thu nhập GDP bình quân đầu người ở nông thôn Việt Nam chỉ hơn Campuchia, nằm ở nhóm thấp nhất khu vực. Đói nghèo vẫn là vấn đề cần giải quyết. Mặc dù khu vực nông thôn Việt Nam có sự giảm mạnh về đói nghèo, nhưng không đúng với tất cả, trong đó nhiều hộ còn bị nghèo hơn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, điều kiện sống được cải thiện nhưng giá trị gia tăng trong nông nghiệp trên mỗi lao động ở Viêt Nam vẫn dậm chân tại chỗ suốt thập kỷ qua, không tăng lên cùng quá trình tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, dân số nông thôn Việt Nam chiếm 2/3 tổng dân số, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 46% tổng số lao động chung, trong khi đó GDP do nông nghiệp tạo ra chỉ đạt khoảng 20%. Điều này cho thấy năng suất lao động nông nghiệp rất thấp. Nếu so với khu vực, năng suất lao động trong nông nghiệp nước ta lại càng thấp hơn.

Nhìn nhận về thực trạng này, tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho biết: “GDP thấp là do năng suất, trình độ... Làm ăn không hiệu quả, giá trị gia tăng nhỏ, năng suất lao động thấp là những nguyên nhân làm cho GDP thấp. Tăng trưởng của mình cũng không tốt  vì những năm gần đây chủ yếu lấy tiềm năng. Bức tranh thực trạng nông thôn thì sáng sủa, có tiến bộ, nhưng so với các nước, với mục tiêu, thực tế yêu cầu thì chưa đạt”.

2. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động thấp, tụt hậu về nông nghiệp như hiện nay là do đất đai manh mún, quy mô sản xuất nông nghiệp quá nhỏ. Theo số liệu thống kê, nước ta có gần 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ có diện tích dưới 1 ha.

Cụ thể như trường hợp nông dân Nguyễn Văn Nông, ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sống cùng vợ chồng người con trai. Ông cho biết, chi phí đầu tư cho ruộng lúa mỗi vụ lên đến 7 triệu đồng. Vì vậy, dù sử dụng công nhà, lợi nhuận từ ruộng lúa 5000 m vuông của ông cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/vụ.

Khu vực của ông mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa, tiền thu về từ ruộng lúa cả năm chỉ đạt chưa đến 4 triệu đồng. Từ đó cho thấy, phần lớn hộ nông dân nước ta, những đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản, có tiềm lực kinh tế thấp, sản xuất đơn lẻ, chưa thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường.

Về hiệu quả ruộng lúa và đời sống của người dân nông thôn, ông Nguyễn Văn Nông chia sẻ: “Công nhà, tỉa dặm tui không mướn thì mới có lời. Đây là tình trạng chung của nông dân. Vùng này làm nhỏ lẻ, tối đa một người 8 công hoặc 1 ha, còn lại là 1 công rưỡi, 2 công, 5 công. Ít nên làm sao thu nhập nhiều”.

Mặt khác, mức độ cơ giới hóa còn kém, đặc biệt là ở các khâu cần giải phóng sức lao động con người. Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu khác, trên 97% số lao động nông nghiệp không được đào tạo về nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới chưa theo kịp đà phát triển, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp do chủ yếu làm ra sản phẩm thô. Ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật thấp, lao động thô sơ trong khi đất đai manh mún, tiềm lực kinh tế kém… là  những nguyên nhân làm cho năng suất lao động nông nghiệp nước ta thấp hơn so với các nước.

3. Chậm hội nhập

Ngoài ra, với tình hình kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại, sự liên kết, truyền dẫn của sản xuất nông nghiệp với thị trường cũng đóng một vai trò quan trọng quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, nông dân vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức kỹ năng cần thiết, ngân hàng lại không mặn mà, doanh nghiệp thì ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ít đồng hành cùng với nông dân để làm gia tăng giá trị cho nông sản. Nếu không cải thiện sự liên kết truyền dẫn này thu nhập của người nông dân cũng như hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp sẽ không thể phát huy hết tiềm năng.

Thực tế những vấn đề trên đã được đưa ra phân tích nhiều lần, đã có nhiều chính sách tác động nhằm cải thiên tình hình nhưng thiệu quả chưa như mong đợi. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn đã được nhìn nhận nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua.

"Thực ra, kinh tế nông thôn ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, không chỉ riêng các chính sách về nông nghiệp. Chính sách đất đai, chính sách về công nghiệp hóa, chính sách di dân, thuế…sẽ ảnh hưởng đến người nông dân. Những gì xã hội có thì nông thôn đều có và chịu ảnh hưởng”, ông Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định.

Nông dân là chủ thể của ngành sản xuất nông nghiệp, của khu vực nông thôn. Vì vậy muốn phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cần thiết phải nâng cao vị trí vai trò của người nông dân. Làm thế nào để tăng năng suất lao động, tay nghề, cũng như nhận thức nhạy bén về thị trường để người nông dân có được vai trò vị thế, có thể đứng ra thương lượng, ký kết hợp đồng, liên kết, bình đẳng thương thảo với doanh nghiệp… Bài toán này vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

- Xem thêm tại đây: Máy rang cafe giá rẻ - Máy xay cafe giá rẻ - Cà phê nguyên chất sạch 100% - Cafe làm đẹp - Túi thơm cafe - Cafe cho người ăn CHAY.
Sưu tầm bởi www.HLT.vn
Lên đầu trang