Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý - Phần 7 - Khối 12

    Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý  
D - ĐỊA LÍ KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM

 

I - ĐỊA LÍ DÂN CƯ 

 

Câu 1. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Trình bày đặc điểm dân số của nước ta.

2. Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân số đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. 

Gợi ý trả lời

1. Đặc điểm dân số nước ta

a) Quy mô dân số đông và phân bố chưa hợp lí

- Năm 2007 là 85,17 triệu người, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 13 trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới, trong khi về diện tích tự nhiên chỉ đứng thứ 62.

- Quy mô dân số đông song phân bố chưa hợp lí, có sự khác biệt theo vùng. Quy mô dân số lớn nhất thuộc về 2 vùng đồng bằng (Đồng bằng sông Hồng 19,48 triệu, Đồng bằng sông Cửu Long 17,53 triệu). Chỉ riêng 2 đồng bằng này đã chiếm tới 43,5% dân số cả nước trong khi diện tích chỉ chiếm 18,5%. Vùng có quy mô dân số nhỏ nhất là Tây Nguyên chỉ có 4,93 triệu người (bằng 1/4 dân số Đồng bằng sông Hồng trong khi diện tích lớn gấp 2,6 lần).

b) Nước ta có nhiều thành phần dân tộc với những đặc điểm khác nhau

- Nước ta có 54 dân tộc, nhưng số dân của các dân tộc có sự chênh lệch lớn: đông nhất là người Kinh chiếm 86,2% dân số trong khi 53 dân tộc còn lại chỉ chiếm 13,8%.

- Các dân tộc cư trú xen kẽ nhau, phân tán trên nhiều vùng lãnh thổ, hình thành các vùng trong đó có một số  dân tộc chiếm ưu thế.

Dẫn chứng: vùng núi Tây Bắc có 31 dân tộc, nhưng người Thái và người Mường đông nhất.

- Các dân tộc thiểu số thường sống tại những địa bàn có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái (ví dụ về chính trị và an ninh quốc phòng vùng các dân tộc thiểu số sinh sống có đường biên giới đất liền và trên biển - được coi là "nơi biên viễn, đất phên dậu").

- Có sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc.

- Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, với những nét độc đáo riêng hợp thành nền văn hóa Việt Nam đa bản sắc.

- Các dân tộc dù có thời gian sinh sống ở Việt Nam khác nhau, song đều có truyền thống đoàn kết gắn bó để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

c) Dân số nước ta còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ, đang trong giai đoạn quá độ để có cơ cấu dân số già

- Dân số nước ta tăng nhanh, nhưng tốc độ tăng không đồng đều giữa các giai đoạn.

+ Trong giai đoạn 1960 - 2007, dân số nước ta tăng gấp 2,82 lần, tăng thêm 55 triệu người, bằng dân số của một nước đông dân trên thế giới hiện nay.

+ Tốc độ tăng dân số không đều giữa các giai đoạn:

+ 1931 - 1960: 1,85%. 

+ 1965 - 1975: 3,0%.

+ 1979 - 1989: 2,1%.

+ Năm 2007: 1,2%.

+ Do kết quả của công tác dân số kế hoạch hoá gia đình nên tốc độ tăng dân số đã giảm đi, song trong giai đoạn 1999 - 2007 dân số nước ta vẫn tăng thêm 7,54 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm gần 1 triệu người.

- Cơ cấu dân số trẻ, nhưng đang có nhiều thay đổi.

Biểu hiện: so với năm 1999,  tháp dân số năm 2007 có nhiều thay đổi:

+ Tỉ lệ nhóm dưới 15 tuổi có xu hướng giảm (năm 1999 là 33,5% đến năm 2007 còn 25,6%), đáy tháp thu hẹp.

+ Tỉ lệ nhóm trên 60 tuổi mặc dù có tăng nhưng vẫn dưới 10% (năm 2007 là 9,4%).

+ Tỉ lệ nhóm trong độ tuổi lao động đông và tăng cao (từ 58,4% lên 65%).

2. Ảnh hưởng của đặc điểm dân số nước ta đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường

a) Ảnh hưởng tích cực

- Quy mô dân số đông, cơ cấu dân số trẻ tạo ra nguồn lao động dồi dào, của cải làm ra nhiều, tác động tích cực đến nền kinh tế (thÞ tr­êng tiªu thô réng lín, thuËn lîi trong viÖc ph¸t triÓn c¸c ngµnh s¶n xuÊt cÇn nhiÒu lao ®éng vµ cã kh¶ n¨ng thu hót ®Çu t­ n­íc ngoµi).

 - Tỉ lệ người phụ thuộc ít đi, là cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số.

b) Ảnh hưởng tiêu cực

Dân số nước ta đông, trẻ và tăng nhanh đã tạo nên sức ép rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Đối với phát triển kinh tế:

+ Tốc độ gia tăng dân số chưa phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế. Trên thực tế để tăng 1% dân số thì mức tăng trưởng kinh tế hằng năm phải đạt từ 3 - 4% và lương thực phải tăng trên 4%. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển, dân số đông thì mức tăng dân số như hiện nay vẫn là cao.

+ Sự phát triển kinh tế chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tích lũy, tạo nên mâu thuẫn giữa cung và cầu.

+ Dân số tăng nhanh làm chậm sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ.

+ Làm cho vấn đề việc làm trở thành một thách thức lớn đối với nền kinh tế.

- Đối với sự phát triển xã hội:

+ Chất lượng cuộc sống chậm cải thiện, tỉ lệ nghèo của cả nước mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao.

+ GDP bình quân đầu người còn thấp (năm 2007 là 833 USD/ người, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á).

+ Các vấn đề phát triển y tế, văn hóa, giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.

- Đối với tài nguyên môi trường:

+ Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức có nguy cơ cạn kiệt.

+ Ô nhiêm môi trường.

+ Không gian cư trú chật hẹp.

 

Câu 2. Cho bảng số liệu sau đây:

Tỉ suất sinh, tỉ suất tử ở nước ta, giai đoạn 1960 - 2006 (%)

N¨m

TØ suÊt sinh

TØ suÊt tö

1960

46,0

12,0

1970

34,6

6,6

1979

32,2

7,2

1989

30,1

7,3

1994

25,3

6,7

1999

19,9

5,6

2006

18,6

5,0

1. Vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện tỉ suất sinh, tỉ suất tử và tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên ở nước ta giai đoạn 1960 - 2006.

2. Nhận xét về xu hướng thay đổi tỉ suất sinh, tỉ suất tử, tỉ suất tăng tự nhiên và giải thích.

Gợi ý trả lời

1. Vẽ biểu đồ 

Dạng biểu đồ đường. Khoảng cách giữa 2 đường biểu diễn tỉ suất sinh và tỉ suất tử chính là tỉ suất gia tăng tự nhiên.
Biểu đồ thể hiện tỉ suất sinh, tỉ suất tử và tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên ở nước ta


Biểu đồ thể hiện tỉ suất sinh, tỉ suất tử và tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên

ở nước ta, giai đoạn 1960 - 2006

2. NhËn xÐt 

Nhìn chung từ năm 1960 đến năm 2006 tỉ suất sinh, tỉ suất tử, tỉ suất gia tăng tự nhiên của nước ta có xu hướng giảm nhưng không đồng đều giữa các giai đoạn:

- Giai đoạn 1960 - 1979: tỉ suất sinh ở mức rất cao, tỉ suất tử có xu hướng giảm nên gia tăng dân số tự nhiên rất cao (trên dưới 3%). Đây là thời kì diễn ra bùng nổ dân số. 

Giải thích: nền kinh tế nông nghiệp cần nhiều lao động, ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu,... Tỉ suất tử giảm vì đây là thời kì hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc, đời sống nhân dân được cải thiện, mạng lưới y tế phát triển đến các xã, y tế dự phòng phát triển.  

- Giai đoạn 1979 - 1994: tỉ suất sinh đã giảm mạnh (từ 32,2‰ xuống còn 25,3‰), tỉ suất tử ổn định ở mức thấp nên gia tăng dân số giảm nhanh từ 2,5% xuống còn 1,86%.

Giải thích: do chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình được thực hiện hiệu quả.

- Giai đoạn 1994 - 2006: tỉ suất sinh tiếp tục giảm nhanh (giảm 6,7‰), tỉ suất tử vẫn ổn định ở mức thấp nên gia tăng tự nhiên giảm mạnh (1,86% xuống còn 1,4%). Tuy nhiên, so với thế giới (trung bình 1,2%) mức tăng này vẫn còn cao hơn nên cần tiếp tục hạ tỉ suất tăng dân số.

 

Câu 3. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Chứng minh dân cư nước ta phân bố không đồng đều.

2. Giải thích tại sao phải tiến hành phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng.

Gợi ý trả lời

1. Dân cư nước ta phân bố chưa hợp lí

a) Giữa đồng bằng với trung du và miền núi

- Ở vùng đồng bằng dân cư tập trung đông đúc với 75% dân số cả nước, mật độ rất cao:

+ Đồng bằng sông Hồng phần lớn có mật độ cao từ 1001 - 2000 người/km2.

+ Dải đất phù sa ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng ven biển có mật độ từ  501 - 1000 người/km2.

- Ở vùng miền núi và trung du dân cư thưa thớt, mật độ dân cư thấp hơn nhiều so với đồng bằng.

+ Tây Bắc và Tây Nguyên có mật độ chủ yếu dưới 50 người/km2 và từ 50 - 100 người/km2.

+ Vùng núi Bắc Trung Bộ có mật độ chủ yếu dưới 100 người/km2.

b) Ngay trong nội bộ từng lãnh thổ (khu vực, vùng)

- Giữa khu vực đồng bằng:

+ Đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước: phần lớn lãnh thổ có mật độ cao từ 1001 - 2000 người/km2.

+ Dải đồng bằng duyên hải miền Trung có mật độ phổ biến từ 101 - 200 người/km2 và từ 201 - 500 người/ km2.

+ Đồng bằng sông Cửu Long phần lớn có mật độ dân số từ 101 - 200 người/km2 và 201 - 500 người/km2, phía tây tỉnh Long An và phía tây Kiên Giang chỉ có mật độ từ 50 - 100 người/km2.

- Trong nội bộ từng vùng kinh tế:

+ Đồng bằng sông Hồng: vùng trung tâm, ven biển phía đông và đông nam có mật độ cao trên 2000 người/ km2Rìa phía bắc, đông bắc và phía tây nam đồng bằng, mật độ chỉ từ 201 - 500 người/km2.

+ Đồng bằng sông Cửu Long: vùng ven sông Tiền có mật độ từ 501 - 1000 người/km2, phía tây tỉnh Long An và phía tây Kiên Giang chỉ có mật độ từ 50 - 100 người/km2.

+ Bắc Trung Bộ hoặc Duyên hải Nam Trung Bộ: dân cư tập trung đông ở dải đồng bằng ven biển phía đông (mật độ trung bình từ 201 - 500 người/km2), thưa thớt ở vùng núi phía tây (mật độ  dưới 50 người/km2).

c) Giữa thành thị với nông thôn

- Căn cứ vào biểu đồ trong Atlat trang 15 có thể tính được tỉ lệ dân thành thị - nông thôn qua bảng sau:

 

Cơ cấu dân số phân theo thành thị - nông thôn (Đơn vị: %)

Năm

Thành thị

Nông thôn

1960

15,7

84,3

1976

24,7

75,3

1979

19,2

80,8

1989

20,1

79,9

1999

23,6

76,4

2000

24,2

75,8

2005

26,9

73,1

2007

27,4

72,6

- Như vậy, đa số dân cư sống ở nông thôn. Tỉ lệ dân thành thị còn thấp, song có xu hướng tăng, tỉ lệ dân nông thôn giảm.

2. Phải tiến hành phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng vì:

Nước ta phải tiến hành phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng vì hiện nay sự phân bố dân cư và lao động của nước ta chưa phù hợp với tiềm năng của mỗi vùng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên.

- Vùng đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số, trong đó riêng hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã chiếm 43%. Hai vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên chỉ chiếm 19% dân số với trên 47% diện tích tự nhiên, là nơi tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước.

- Tỉ lệ dân số thành thị tuy đã tăng dần, nhưng tỉ lệ dân số thành thị/nông thôn ở mức xấp xỉ 3/7 như hiện nay chứng tỏ Việt Nam vẫn đang phát triển ở trình độ thấp.

- Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, dân số và lao động đã có sự phân bố lại, song Nhà nước cần có giải pháp điều tiết tình trạng di dân tự do, quan tâm hơn nữa tới phân bố dân cư và lao động thông qua kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế vùng để sử dụng có hiệu quả nguồn lực và thế mạnh của từng vùng.

 

Câu 4. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày và giải thích đặc điểm phân bố dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích hơn 40 nghìn km2 chiếm 12% diện tích toàn quốc và dân số năm 2008 là 17,69 triệu người (chiếm 17,5% dân số cả nước).

1. Đặc điểm

- Mật độ dân số trung bình khá cao 201 - 500 người/km2.

- Dân cư phân bố không đều.

+ Giữa các khu vực: 

·  Đông đúc nhất ở trung tâm, vùng ven sông Tiền, sông Hậu (501 - 1000 người/km2).

·  Khu vực rìa đồng bằng như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau dân cư thưa thớt hơn (101 - 200 người/km2).

+ Giữa các tỉnh: tỉnh ở trung tâm có mật độ cao hơn các tỉnh nằm ở ngoài rìa đồng bằng (Cần Thơ: 835 người/km2, Cà Mau 234 người/km2).

+ Ngay trong một tỉnh dân cư cũng có sự phân bố không đồng đều.

Dẫn chứng: Trong tỉnh Kiên Giang, dân cư tập trung đông ở khu vực trung tâm (201 - 500 người/km2), vùng rìa phía đông mật độ dân cư giảm xuống chỉ còn khoảng từ 101 - 200 người/km2). Thưa thớt nhất ở vùng rìa phía tây - thị xã Hà Tiên mật độ trung bình từ 50 - 100 người/km2.

2. Giải thích

- Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ dân số cao do vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự cư trú:

+ Tự nhiên: địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu điều hoà.

+ Kinh tế -  xã hội: đây là vùng thâm canh lúa nước cần nhiều lao động…

- Dân cư phân bố không đều do sự phân bố dân cư phụ thuộc vào nhiều yếu tố (tự nhiên, kinh tế - xã hội).     

Khu vực trung tâm đông dân do có đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nền kinh tế phát triển, tập trung mạng lưới đô thị.

+ Khu vực rìa thưa dân vì đây là vùng đất phèn, đất mặn cần cải tạo.

 

Câu 5. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích đặc điểm phân bố dân cư vùng Bắc Trung Bộ.

Gợi ý trả lời

Vùng Bắc Trung Bộ bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Dân số năm 2008 là 10,7 triệu người chiếm 12,5% dân số cả nước.

1. Đặc điểm phân bố

- Đây là vùng có mật độ dân số trung bình là 208 người/km2 (mức trung bình cả nước là 260 người/km2), thấp hơn nhiều so với các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ (hoặc có thể lấy mức độ phổ biến dựa vào Atlat).

- Sự phân bố dân cư rất không đồng đều:

+ Trong toàn vùng: mật độ dân số dao động từ mức thấp nhất là 50 người/km2 đến mức cao nhất là trên 2000 người/km2 với 7 cấp độ khác nhau.

·  Từ trên 2000 người/km2 rất ít, chỉ tập trung ở phụ cận các thành phố lớn nhất trong vùng là Thanh Hóa, Vinh, Huế.

·  Từ 1001 - 2000 người/km2 chỉ có ở các vùng phụ cận của thành phố Thanh Hóa.

·  T 501 - 1000 người/km2 phân bố tập trung ở các đồng bằng duyên hải như Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế.

·  Từ 201 - 500 người/km2 tập trung ở ven các thành phố thị xã ven biển, dọc quốc lộ 1A: Hà Tĩnh, Đồng Hới và Đông Hà.

·  Từ 101 - 200 người /km2 thuộc vùng đồi trung du trước núi thuộc Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị…

·  Từ 50 - 100 và dưới 50 người/kmlà vùng núi hiểm trở phía tây thuộc dãy Trường Sơn Bắc.

+ Không đều giữa các khu vực, các tỉnh

·  Giữa đồng bằng, ven biển với trung du miền núi (đồng bằng có mật độ dân số cao nhất trên 200 người/km2, tiếp đến là vùng đồi trung du trước núi mật độ từ 101 - 200 người/km2, vùng đồi núi phía tây mật độ dân số thấp nhất dưới 100 người/km2).

·  Giữa thành thị - nông thôn: phần lớn dân cư tập trung ở nông thôn (mạng lưới đô thị còn mỏng, quy mô dân số ít).

·  Giữa các tỉnh: tỉnh có mật độ cao nhất là Thanh Hóa, thấp nhất là Quảng Bình (dẫn chứng dựa vào tính toán số liệu Atlat).

·  Trong một tỉnh: phía tây thưa dân, phía đông dân cư đông đúc hơn.

Kết luận: vùng đông dân (đồng bằng ven biển, dọc quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất), vùng thưa dân (đồi núi phía tây).

2. Giải thích 

- Vùng có mật độ dân số trung bình chủ yếu là do vùng có trình độ phát triển kinh tế chưa cao, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt , cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế…

-  Sự phân bố dân cư không đều do tác động tổng hợp của nhiều nhân tố: 

+ Nhân tố tự nhiên: địa hình, khí hậu, đất đai, nguồn nước, thiên tai, trong đó chủ yếu là địa hình (khu vực vùng núi cao hiểm trở dân cư thưa thớt hơn so với vùng đồng bằng ven biển).

Nhân tố kinh tế - xã hội (trình độ phát triển kinh tế, tính chất của nền sản xuất) trong đó trình độ phát triển kinh tế và tính chất của nền sản xuất là nhân tố quyết định.

·  Khu vực đông dân nhất là các thành phố, thị xã gắn với hoạt động kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển.

·  Các khu vực đồng bằng gắn với hoạt động trồng cây lúa nước, hoạt động khai thác thủy sản có mức độ tập trung dân đông hơn so với khu vực trồng hoa màu ở vùng đồi núi phía tây.

 

Câu 6. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, hãy nhận xét về đặc điểm dân cư - dân tộc của vùng núi Tây Bắc. Đặc điểm đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng?

Gợi ý trả lời

Vùng núi Tây Bắc gồm 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên với diện tích 37,3 nghìn km2(chiếm 11% diện tích cả nước), dân số là 2,66 triệu người (năm 2008) chiếm 3% dân số cả nước.

1. Đặc điểm dân cư - dân tộc

a) Dân cư

- Quy mô dân số nhỏ nhất trong 8 vùng của nước ta, với 2,66 triệu người (năm 2008) chỉ chiếm 3% dân số toàn quốc.

- Phân bố dân cư:

+ Là vùng có mật độ dân số thấp nhất nước ta, mật độ phổ biến dưới 50 người/km2.

+ Dân cư phân bố không đồng đều:

·  Theo độ cao địa hình: các vùng có địa hình thấp thường có mật độ dân số cao hơn những vùng núi cao.

Dẫn chứng: cao nguyên Sơn La, cao nguyên Mộc Châu mật độ dân số từ 50 - 100 người/km2. Vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, Pusilung, Pusamsao, Puđenđinh mật độ thấp dưới 50 người/km2.

·  Giữa các tỉnh:

Dẫn chứng: Hòa Bình có mật độ cao nhất (178 người/km2), thấp nhất là Lai Châu (37 người/km2).

·  Không đều ngay trong một tỉnh: các thành phố, thị xã có mật độ dân số cao hơn vùng sâu, vùng xa.

Dẫn chứng: Mật độ dân số của tỉnh Sơn La chia thành 3 cấp độ:

Cao nhất từ 101 - 200 người/ km2ở trung tâm thị xã Sơn La. 

Từ 50 - 100 người/km2: ở cao nguyên Sơn La, cao nguyên Mộc Châu.

Thấp nhất dưới 50 người/km2: dọc dãy Pusamsao.

b) Dân tộc

- Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người: thành phần dân tộc đa dạng gồm các nhóm: Việt - Mường, Tày - Thái, H’Mông - Dao, Môn - Khơme, Tạng - Miến… trong đó chủ yếu là nhóm Tày - Thái, thứ 2 là H’Mông - Dao. Các nhóm còn lại có số lượng ít.

- Phân bố: các dân tộc không sống riêng rẽ mà xen kẽ nhau, tuy nhiên có một số dân tộc có số lượng lớn sống tập trung ở một số tỉnh:

Người Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái sống tập trung trong các thung lũng và cánh đồng miền núi ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình.

+ Người Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường cư trú tập trung ở Hòa Bình.

+ Người H’Mông thuộc nhóm ngôn ngữ H’Mông - Dao sống ở các vùng núi cao Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

2. Ảnh hưởng của đặc điểm dân cư - dân tộc tới sự phát triển kinh tế - xã hội

Đặc điểm dân cư - dân tộc nêu trên có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cụ thể là:

- Dân số ít, phân bố thưa thớt gây khó khăn cho việc sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên và lao động của vùng. Đây là vùng giàu tài nguyên khoáng sản, thủy điện, có thế mạnh về lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, phát triển cây công nghiệp, nhưng lại thiếu lao động, đặc biệt là lao động kĩ thuật .

- Các dân tộc ít người với truyền thống văn hóa độc đáo, kinh nghiệm sản xuất phong phú có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

- Tuy nhiên, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc còn thấp gây khó khăn trong việc tiếp thu tiến bộ khoa học phát triển sản xuất, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

 

Câu 7.

1. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích đặc điểm phân bố các dân tộc của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

2. Giải thích tại sao Nhà nước lại rất chú ý đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc.

Gợi ý trả lời

1. Đặc điểm phân bố các dân tộc của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Khái quát:

+ Đây là vùng có thành phần dân tộc đa dạng nhất nước ta.

+ Các dân tộc miền núi không có địa bàn cư trú riêng rẽ mà ở xen kẽ nhau. Mỗi một dân tộc lại thường cư trú đan xen với các dân tộc khác ở những khu vực khác nhau.

- Phân tích đặc điểm

+ Dân tộc Việt (Kinh) thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, ngữ hệ dòng Nam Á, phân bố ở hầu khắp các tỉnh trong vùng, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh trung du và các đô thị thuộc tỉnh miền núi.

+ Các dân tộc ít người trong vùng phân bố ở các khu vực miền núi. 

·  Đại bộ phận khu vực miền núi Bắc Bộ là địa bàn cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (thuộc ngữ hệ Thái - Kađai) bao gồm Tày, Thái, Nùng, Sán Chay… Trong đó, phía tả ngạn sông Hồng (Đông Bắc) chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng; phía hữu ngạn (Tây Bắc) là người Thái, Mường.

·  Dọc biên giới Việt - Trung (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu) là các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng): Hà Nhì, Cống, Si La

·  Dọc biên giới Việt - Lào (Điện Biên, Sơn La) là các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơme như Khơmú, Xinh Mun, Kháng, La Ha và Mảng.

+ Nếu xét sự phân tầng cư trú theo độ cao thì ở rẻo thấp có các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu. Ở rẻo giữa có người Dao, Khơmú và rẻo cao trên cùng là người H’Mông (ngữ hệ H’Mông - Dao).

2. Nhà nước rất chú ý đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc vì:

- Phần lớn các dân tộc ít người đều sống ở các vùng trung du và miền núi. Đó là những nơi có nguồn tài nguyên giàu có, nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa phát triển, kinh tế còn lạc hậu lại thiếu nguồn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ kĩ thuật. Vì thế đời sống của nhân dân các dân tộc đặc biệt là các dân tộc vùng cao còn gặp nhiều khó khăn.

- Góp phần giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng đồng bằng với trung du và miền núi. Đây được coi là một chủ trương lớn nhằm xóa đói giảm nghèo, đồng thời cũng là cơ sở để củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em, giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới.

 

Câu 8. Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nêu rõ những thế mạnh và hạn chế của nguồn lao động ở nước ta.

Gợi ý trả lời

a) Những thế mạnh

- Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế tăng nhanh (42,5 triệu lao động năm 2005,  45,0 triệu năm 2008).

- Chất lượng nguồn lao động tăng (lao động đã qua đào tạo tăng từ 12,3% năm 1996 lên 25% năm 2005).

- Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm.

- Cơ cấu lao động đang làm việc có sự chuyển dịch cả theo khu vực kinh tế và theo thành phần kinh tế.

Dẫn chứng: 

+ Cơ cấu lao động đang làm việc theo khu vực kinh tế giảm ở khu vực I, tăng ở khu vực II và III.

+ Giảm ở khu vực trong nước, tăng ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

b) Những hạn chế

- Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn cao.

- Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế còn chuyển dịch chậm.

- Chất lượng lao động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá. 

 

Câu 9. Căn cứ vào bảng số liệu:       

Tình trạng việc làm ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và cả nước (%)

Vùng

Tỉ lệ thất nghiệp 

ở thành thị

Tỉ lệ thời gian được sử dụng ở nông thôn

2000

2007

2000

2007

Cả nước

6,42

4,64

74,16

93,9

Đồng bằng sông Hồng

7,36

5,74

79,53

91,77

Đông Nam Bộ

6,16

5,47

79,58

96,31

Hãy nhận xét và giải thích về tình trạng việc làm ở nước ta và của 2 vùng trên. Vấn đề việc làm ở nước ta hiện nay đã được giải quyết như thế nào?

Gợi ý trả lời

a) Nhận xét về tình trạng việc làm 

Việc làm là vấn đề xã hội gay gắt ở nước ta hiện nay, trong đó vấn đề nổi cộm ở thành thị là tình trạng thất nghiệp, ở nông thôn là tỉ lệ thời gian sử dụng lao động.

- Tỉ lệ thất nghiệp:

+ Cả nước: nhìn chung còn cao và đang có xu hướng giảm.

+ Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất (cao hơn mức trung bình của cả nước và của vùng Đông Nam Bộ) do dân số đông, mạng lưới đô thị dày đặc trong khi công nghiệp, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm, chuyển dịch cơ cấu chậm, di dân về thành thị. Năm 2007, tỉ lệ này đã giảm xuống 5,74% do các ngành công nghiệp và dịch vụ đã có bước phát triển.

+ Đông Nam Bộ có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình cả nước, song thấp hơn Đồng bằng sông Hồng vì tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn, nhiều khu công nghiệp, cơ cấu kinh tế tiến bộ nên đáp ứng nhu cầu việc làm tốt hơn và tỉ lệ thất nghiệp giảm nhưng vẫn còn cao hơn cả nước do nhập cư.

- Thời gian sử dụng lao động ở nông thôn:

Cả nước nhìn chung còn thấp nhưng đã có xu hướng tăng lên do nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính, thu hút nhiều lao động nhất nước ta, trong khi hoạt động kinh tế nông nghiệp chưa đa dạng, tỉ lệ hoạt động phi nông nghiệp thấp.

+ Đồng bằng sông Hồng có thời gian sử dụng lao động cao hơn mức trung bình cả nước và đang có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động phi nông nghiệp phát triển, nhưng thấp hơn Đông Nam Bộ do là vùng thâm canh cây lương thực, nông nghiệp mang tính mùa vụ.

+ Đông Nam Bộ có thời gian sử dụng ở nông thôn cao do quỹ đất lớn và là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta, kinh tế phi nông nghiệp cũng phát triển ở nông thôn.

Tình trạng việc làm thay đổi theo hướng tích cực: giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thời gian sử dụng lao động phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa.

b) Hướng giải quyết việc làm

- Giảm gia tăng dân số (để đảm bảo cân đối giữa quy mô và sự gia tăng nguồn lao động với khả năng thu hút lao động của nền kinh tế).

- Ở thành thị, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ nhỏ, có khả năng thu hút lao động nhất là thanh niên. Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo việc làm và thích ứng tốt với thị trường sức lao động.

- Ở nông thôn, đa dạng hóa kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn.

 

Câu 10. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, hãy nhận xét và giải thích đặc điểm mạng lưới đô thị của vùng Tây Nguyên.

Gợi ý trả lời

Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) nằm trên hệ thống các cao nguyên xếp tầng rộng lớn.

 

1. Đặc điểm mạng lưới đô thị

- Đặc điểm chung: mạng lưới đô thị thưa thớt, phân bố phân tán.

- Quy mô: phần lớn các đô thị đều có quy nhỏ và trung bình. Cụ thể:

+ Chỉ duy nhất Buôn Ma Thuột có quy mô dân số từ trên 20 - 50 vạn dân.

+ Có 4 đô thị từ 10 vạn đến 20 vạn dân: Kon Tum, Plây Ku, Đà Lạt, Bảo Lộc.

+ Có 3 đô thị dưới 10 vạn dân: Gia Nghĩa, Ayun Pa, An Khê.

- Về phân cấp: 

+ Có 2 đô thị loại 2 là Buôn Ma Thuột và Đà Lạt.

+ Có 3 đô thị loại 3 là Kon Tum, Plây Ku, Bảo Lộc.

+ Có 3 đô thị loại 4 là An Khê, Ayunpa, Gia Nghĩa.

- Về chức năng: phần lớn mang chức năng hành chính, chức năng công nghiệp hạn chế, chỉ có các điểm công nghiệp, chưa có trung tâm công nghiệp (dẫn chứng).

2. Giải thích

- Đây là vùng cao nguyên dân cư thưa thớt nên quy mô đô thị nhỏ.

- Nền kinh tế chậm phát triển, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhất (chiếm 53,2% GDP) nên phần lớn các đô thị mang chức năng hành chính.

- Cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, trước hết là mạng lưới giao thông vận tải, nên mạng lưới đô thị thưa thớt, phân tán.

 

Câu 11. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh mạng lưới đô thị giữa 2 vùng: Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

a) Khái quát về mỗi vùng

- Đồng bằng sông Hồng.

- Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Giống nhau

- Mạng lưới đô thị tương đối dày đặc.

- Có nhiều đô thị có quy mô trung bình và lớn.

- Đều có một số chức năng: hành chính, công nghiệp, kinh tế, chức năng khác...

c) Khác nhau

* Đồng bằng sông Hồng so với Đồng bằng sông Cửu Long:

- Về số lượng đô thị (từ cấp đặc biệt đến cấp 4) ít hơn.

- Về quy mô dân số cho mỗi đô thị: lớn hơn.

+ Có 2 đô thị trên 1 triệu dân: Hà Nội và Hải Phòng.

+ Có 1 đô thị từ trên 20 vạn đến 50 vạn dân: Nam Định.

+ Có 7 đô thị từ 10 vạn đến 20 vạn dân: Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình.

+ Có 2 đô thị dưới 10 vạn dân: Phủ Lý, Hưng Yên.

- Về phân cấp đô thị: có đầy đủ 5 cấp đô thị:

+ 1 đô thị đặc biệt: Hà Nội.

+ 1 đô thị loại 1: Hải Phòng.

+ 1 đô thị loại 2: Nam Định.

+ 7 đô thị loại 3: Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Phủ Lý, Thái Bình, Ninh Bình.

+ Còn lại là các đô thị loại 4.

- Chức năng đa dạng hơn:

+ Hà Nội là thủ đô - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn nhất cả nước.

Hải Phòng là thành phố cảng, là trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc và cả nước.

+ Các đô thị còn lại phần lớn đều là các trung tâm công nghiệp.

- Phân bố rộng khắp cả vùng với  mật độ dày đặc nhất cả nước.

* Đồng bằng sông Cửu Long so với Đồng bằng sông Hồng:

- Số lượng đô thị nhiều hơn (15 đô thị).

- Quy mô dân số cho mỗi đô thị nhỏ hơn.

+ 1 đô thị từ 50 vạn đến 1 triệu dân: Cần Thơ.

+ 2 đô thị từ trên 20 đến 50 vạn dân: Long Xuyên, Rạch Giá.

+ 9 đô thị từ 10 vạn đến 20 vạn dân: Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cà Mau, Châu Đốc.

+ Còn lại là các đô thị có số dân dưới 10 vạn.

- Phân cấp đô thị chỉ có 3 cấp:

+ 1 đô thị loại 2: Cần Thơ.

+ 10 đô thị loại 3: Tân An, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cao Lãnh, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng.

+ Còn lại là các đô thị loại 4.

- Chức năng: kém đa dạng.

+ Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng

+ Các đô thị còn lại chủ yếu là trung tâm tỉnh, các trung tâm công nghiệp chuyên ngành sản xuất lương thực thực phẩm.

Phân bố không đều, tập trung dày đặc ven sông Tiền, sông Hậu. Rìa đồng bằng dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển hơn nên mật độ đô thị cũng thưa hơn.

Câu 12. Căn cứ vào bảng số liệu:

Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá thực tế theo các vùng, giai đoạn 1999 - 2006 

(Đơn vị: nghìn đồng)

 Năm

Khu vực

1999

2002

2004

2006

CẢ NƯỚC

295

356

484

636

Phân theo thành thị, nông thôn

 

Thành thị

517

622

815

1058

Nông thôn

225

275

378

506

Phân theo vùng

 

Đồng bằng sông Hồng

282

358

498

666

Trung du và miền núi Bắc Bộ

199

237

327

442

Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

229

268

361

476

Tây Nguyên

345

244

390

522

Đông Nam Bộ

571

667

893

1146

Đồng bằng sông Cửu Long

342

371

471

628

Hãy nhận xét và giải thích mức thu nhập bình quân đầu người/tháng phân theo thành thị - nông thôn và theo vùng.

Gợi ý trả lời

- Thu nhập bình quân đầu người/tháng giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng trong cả nước có sự chênh lệch nhau rõ rệt.

+ Chênh lệch giữa thành thị và nông thôn: tính bình quân một người trong 1 tháng của cả nước năm 2006 là 636 nghìn đồng, trong khi đó khu vực thành thị là 1058 nghìn đồng, khu vực nông thôn là 506 nghìn đồng (chưa bằng 1/2 của khu vực thành thị).

+ Chênh lệch giữa các vùng:

·  Vùng có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn mức trung bình cả nước là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. 

·  Các vùng còn lại (4 vùng) có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng thấp hơn mức trung bình cả nước. Thấp nhất là vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (442 nghìn đồng/tháng, chưa bằng 1/2 vùng cao nhất Đông Nam Bộ).

- Nhìn chung so với năm 1999, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng  của tất cả các vùng năm 2006 đều tăng, nhưng tốc độ tăng khác nhau.

+ Khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị: thành thị từ 517 nghìn đồng lên 1058 nghìn đồng (tăng 104%), nông thôn tăng từ 225 nghìn đồng lên 556 nghìn đồng (tăng 147%).

+ Vùng có tốc độ tăng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (tăng 136%), thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 83%).

- Giải thích

+ Thu nhập bình quân đầu người của tất cả các vùng đều tăng do kết quả của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.

+ Sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng là do trình độ phát triển kinh tế và quy mô dân số của từng vùng.

 

Câu 13. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và những kiến thức đã học kết hợp với bảng số liệu sau:

Cơ cấu dân số theo độ tuổi của nước ta năm 1999 và năm 2007

ơn vị: %)

 

Năm

 

Tổng số

Chia ra

0 - 14 tuổi

15 - 59 tuổi

Từ 60 tuổi trở lên

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Nam

Nữ

1999

100,0

17,4

16,1

28,4

30,0

3,4

4,7

2007

100,0

13,2

12,3

31,8

33,3

3,8

5,6

1. So sánh hai tháp dân số năm 1999 và năm 2007 (trong Atlat Địa lí Việt Nam, trang 15).

2. Nhận xét và giải thích nguyên nhân thay đổi của 2 tháp dân số.

Gợi ý trả lời

1. So sánh hai tháp dân số

Đặc điểm

Năm 1999

Năm 2007

 

Hình dạng

Hình tháp, sườn dốc, đáy rộng, nhưng bắt đầu thu hẹp ở nhóm tuổi từ 0 - 4, đỉnh hơi nhọn.

Thu hẹp tương đối nhanh ở 3 thanh đáy (nhóm 0 - 4, 5 - 9 và 10 - 14). Đỉnh mở rộng hơn, nhất là bên nữ, tỉ trọng người già tăng. Nhóm 15 - 54 nở ra khá đều.

Cơ cấu dân số theo độ tuổi:

- Từ 0 - 14 tuổi

- 15 - 59 tuổi

- Từ 60 tuổi trở lên

100,0

33,5

58,4

8,1

100,0

25,5

65,1

9,4

Cơ cấu dân số theo giới tính

- Nam

- Nữ

100,0

49,2

50,8

100,0

48,8

51,2

Số dân (triệu người)

76,5

85,2

2. Nhận xét và giải thích

- Nhận xét:              

+ Hình dạng tháp thay đổi từ mở rộng đã thu hẹp dần ở đáy.

+ Cơ cấu theo tuổi thay đổi theo xu hướng già hoá: tỉ lệ trẻ em giảm nhanh (từ 33,5% xuống 25,5), giảm 8%, trung bình năm giảm 1%; tỉ trọng nhóm trên tuổi lao động cũng tăng nhưng chậm hơn (từ 8,1% lên 9,4%), tăng 1,3%; tỉ lệ nhóm tuổi lao động tăng lên khá (từ 58,4% lên 65,1%), tăng 6,7%.

Cơ cấu dân số theo giới tính tương đối cân bằng, song tỉ lệ nữ vẫn nhiều hơn nam.

+ Quy mô dân số tăng thêm 8,6 triệu người, trung bình mỗi năm tăng thêm gần 1,08 triệu người.

- Giải thích

+ Kết quả của quá trình giảm tỉ lệ sinh do thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

+ Do công tác y tế - chăm sóc sức khoẻ, mức sống ngày càng cải thiện nên mức chết ngày càng giảm, tuổi thọ trung bình của dân số tăng, tỉ lệ người già ngày càng nhiều lên.

+ Tỉ lệ nữ lớn hơn nam do tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn.

+ Số dân vẫn tiếp tục tăng lên do nước ta có quy mô dân số đông, số người trong độ tuổi sinh đẻ nhiều nên dù tỉ suất gia tăng dân số giảm đi nhưng số dân tiếp tục tăng, mỗi năm trên 1 triệu người.

 

Câu 14. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và những kiến thức đã học kết hợp với bảng số liệu sau:

Dân số thành thị và tỉ lệ dân số thành thị, giai đoạn 1960 - 2007

 

1960

1976

1979

1989

1999

2000

2005

2007

Số dân thành thị (triệu người)

4,73

10,13

10,09

12,92

18,08

18,77

22,34

23,37

Tỉ lệ dân thành thị (%)

15,7

24,7

19,2

20,1

23,6

24,2

26,9

27,4

 

1. Vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện qúa trình đô thị hoá ở nước ta.

2. Phân tích những ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.

Gợi ý trả lời

1. Vẽ biểu đồ: Biểu đồ kết hợp (cột và đường)

- Cột: thể hiện số dân thành thị;

- Đường: tỉ lệ dân thành thị;

- Có chú giải, đơn vị tính.


Biểu đồ dân số thành thị và tỉ lệ dân số thành thị của nước ta

Biểu đồ dân số thành thị và tỉ lệ dân số thành thị của nước ta,

giai đoạn 1960 - 2007

2. Ảnh hưởng của đô thị hoá

* Tích cực

- Về kinh tế:

+ Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động (dẫn chứng theo Atlat), tăng quy mô của khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

+ Thu hút đầu tư, nhất là trong xây dựng đô thị, kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp - dịch vụ ở các đô thị.

+ Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Về xã hội:

+ Tạo ra nhiều việc làm, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, nâng cao trình độ người lao động, tăng thu nhập cho người lao động.

+ Làm chậm lại (giảm) mức sinh và gia tăng tự nhiên.

- Về môi trường:

+ Mở  rộng không gian đô thị.

+ Hình thành môi trường đô thị với chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện.

* Tiêu cực

- Về kinh tế:

Sự không phù hợp giữa công nghiệp hoá với đô thị hoá, đô thị hoá nhanh hơn công nghiệp hoá, khó khăn trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, các cơ sở kinh tế.

- Về xã hội:

+ Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị cao.

+ Khó khăn trong đào tạo lao động có chất lượng.

+ Nhà ở, quản lí đô thị, trật tự xã hội, an ninh phức tạp.

+ Sự phân hoá giàu nghèo.

- Về môi trường:

+ Áp lực về môi trường đô thị: giao thông, diện tích cây xanh,...

+ Môi trường bị ô nhiễm: rác thải, tiếng ồn, nước sạch và nước thải,…

................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.

iDiaLy.com - Tài liệu , videos địa lý miễn phí
- Kênh youtube.idialy.com
- Kênh tiktok.idialy.com
- Nhóm: nhom.idialy.com - group.idialy.com - iDiaLy.HLT.vn
- Trang: trang.idialy.com - fanpage.idialy.com - DiaLy.HLT.vn
- Webiste/app: idialy.com
Lop4.idialy.com - Lop4.HLT.vn
Lop6.idialy.com - Lop6.HLT.vn
Lop7.idialy.com - Lop7.HLT.vn
Lop8.idialy.com - Lop8.HLT.vn
Lop9.idialy.com - Lop9.HLT.vn
Lop10.idialy.com - Lop10.HLT.vn
Lop11.idialy.com - Lop10.HLT.vn
Lop12.idialy.com - Lop10.HLT.vn
giaoan.idialy.com - giaoan.HLT.vn
tracnghiem.idialy.com
bieudo.idialy.com
atlat.idialy.com
tinhtoan.idialy.com
sodotuduy.idialy.com
dethi.idialy.com
Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn để không hiện quảng cáo nhé
iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Lên đầu trang