HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý - Phần 6 - Khối 12

Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý - Phần 6 - Khối 12

    Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý 

C - ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN VIỆT NAM

Câu 41-58

 

Câu 41. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích đặc điểm đất (thổ nhưỡng) nước ta.

Gợi ý trả lời

Đất ở nước ta rất đa dạng, thể hiện rõ tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Sự đa dạng của đất là kết quả tác động tổng hợp lâu dài giữa đá mẹ, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật và sự tác động của con người. Nước ta có nhiều loại đất khác nhau, cụ thể là:

a) Nhóm đất feralit

- Feralit nâu đỏ trên đá badan khoảng 2 triệu ha, tập trung ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngoài ra còn có rải rác ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Đất này được hình thành trên cơ sở phong hóa đá badan có tầng dày, khá phì nhiêu.

- Đất feralit đỏ nâu trên đá vôi phân bố tập trung ở các vùng đồi núi đá vôi, cao nguyên đá vôi ở miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Đất này được hình thành trên cơ sở phong hóa đá vôi, giàu mùn, đạm, tơi xốp.

- Đất feralit trên các loại đá khác chiếm diện tích lớn nhất và phân bố rộng rãi ở miền núi và các đồi núi sót ở miền đồng bằng.

b) Nhóm đất phù sa

- Đất xám bạc màu trên đá axit tập trung ở Tây Nguyên và rải rác ở ven biển miền Trung. Đất rất nghèo mùn, thành phần cơ giới nhẹ, cát pha đến cát thô.

- Đất xám bạc màu trên phù sa cổ tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ. Ngoài ra còn có ở rìa đồng bằng sông Hồng, duyên hải Nam Trung Bộ.

- Đất phù sa phân bố chủ yếu ở các vùng đồng bằng. Tùy theo lưu vực sông mà thành phần cơ giới, đặc tính lí hóa, độ phì của đất khác nhau.

Đất phù sa đồng bằng sông Hồng có thành phần cơ giới chủ yếu là từ cát pha đến thịt trung bình. Do có hệ thống đê nên phần lớn diện tích đồng bằng là đất không được bồi đắp hằng năm, lại được sử dụng với cường độ cao nên nhiều nơi đất đã bị bạc màu. Đất ngoài đê được bồi đắp hằng năm là đất cát pha màu mỡ.

+ Đất phù sa sông Cửu Long tập trung nhiều ở ven sông Tiền, sông Hậu, có thành phần cơ giới nặng hơn từ đất thịt đến sét. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi phù sa mùa lũ.

+ Đất phù sa của các đồng bằng duyên hải miền Trung được hình thành do tác động tổng hợp sông - biển nên đất có thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, đất chua, nghèo mùn và nghèo dinh dưỡng.

- Đất phèn, đất mặn có nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và các vùng cửa sông ven biển của các con sông ở Bắc Bộ và duyên hải miền Trung. Đất phèn có đặc tính chua, đất mặn có loại mặn ít, loại mặn nhiều.

- Đất cát ven biển phân bố dọc bờ biển nhiều nhất là ở Trung Bộ, đất nghèo mùn và N, P, K.

c) Nhóm đất khác

- Ở miền đồi núi:

Nhóm đất xám vùng bán khô hạn và nhóm đất đen. Đất đen phát triển trên đá badan và đá vôi thường gặp ở thung lũng đá vôi, ở nơi chân đồi tụ nước mạch chứa nhiều cácbonat. Đất đen là loại đất tốt nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng.

+ Trên đai cao khí hậu á nhiệt đới và ôn đới là nhóm đất feralit có mùn và đất mùn thô trên núi cao (đất mùn alit núi cao). Hai nhóm đất này chiếm gần 3,3 triệu ha (khoảng 10% tổng diện tích).

Ngoài ra ở nước ta còn nửa triệu ha đất xói mòn trơ sỏi đá. Loại đất này là bằng chứng về hậu quả của hoạt động khai thác sử dụng đất không hợp lí của con người.

- Ở đồng bằng trong quá trình trồng lúa nước, con người đã biến đổi nhiều vùng đất phù sa thành loại đất đặc biệt - đất lúa nước. Đất lúa nước có một số đặc điểm chung là nặng, bí, bị glây.

 

Câu 42. Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, giải thích nguyên nhân của sự phân hóa đất (thổ nhưỡng) ở nước ta.

Gợi ý trả lời

Sự phân hoá đất ở Việt Nam có nguyên nhân từ các nhân tố và điều kiện hình thành đất cùng với vai trò tác động của con người.

a) Đá mẹ

- Đá mẹ cung cấp vật chất vô cơ cho đất và quyết định cấu trúc, tính chất lí học, hóa học của đất.

- Thành phần đá mẹ ở nước ta phong phú có thể chia thành 3 nhóm chính: nhóm đá mẹ axit, nhóm đá bazơ, nhóm bồi tích phù sa. Từ mỗi nhóm đá mẹ hình thành nên các nhóm đất có tính chất lí hóa khác nhau.

+ Đất feralit từ đá axit có thành phần cơ giới nhẹ, thoáng khí và thấm nước tốt, nhưng giữ nước và chất dinh dưỡng kém, chua.

+ Đất feralit từ đá bazơ có thành phần cơ giới nặng, kém thấm nước và khí, nhưng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng tốt.

+ Đất được hình thành từ bồi tụ phù sa, có đặc điểm chung là vụn bở, chứa nhiều khoáng nguyên sinh như thạch anh, mica, canxit.

b) Địa hình

- Ảnh hưởng của địa hình đến thổ nhưỡng chủ yếu thông qua tác động phân phối lại các nguyên tố địa hóa trong lớp vỏ phong hóa và điều kiện nhiệt ẩm theo các yếu tố địa hình (đỉnh, sườn, chân) và nhất là độ cao địa hình.

- Địa hình nước ta chủ yếu là đồi núi thấp, độ cao dưới 500m chiếm khoảng 70%, từ 500 - 1000m chiếm khoảng 15%, trên 200m chỉ chiếm 1%. Do vậy, sự phân hóa đất theo độ cao khác nhau.

+ Ở vùng đồi núi thấp, quá trình feralit diễn ra mạnh, đất feralit chiếm diện tích lớn (khoảng 65% diện tích đất tự nhiên).

+ Từ độ cao 500 - 600m đến 1600 - 1700m, nhiệt độ giảm, lượng mưa tăng, quá trình feralit yếu đi, quá trình tích lũy mùn tăng lên, có đất mùn vàng đỏ trên núi (còn gọi là đất mùn feralit).

+ Trên 1600 - 1700m, quanh năm thường mây mù, lạnh ẩm, quá trình feralit bị chấm dứt hoàn toàn, có đất mùn thô trên núi cao (đất mùn alit trên núi cao).

c) Khí hậu

- Đây là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình hình thành đất ở Việt Nam vì chính khí hậu quyết định chiều hướng và cường độ diễn biến của quá trình hình thành lớp vỏ phong hóa và thổ nhưỡng.

Khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành đất thông qua chế độ nhiệt ẩm. Do nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa phân hóa đa dạng nên thổ nhưỡng nước ta cũng có sự phân hóa đa dạng theo quy luật địa đới và phi địa đới.

- Ngoài ra khí hậu còn ảnh hưởng gián tiếp đến đất thông qua giới sinh vật.

d) Sinh vật

- Quá trình hình thành đất ở Việt Nam diễn ra với cường độ mạnh chính là do sự phong phú của thảm thực vật. 

- Cùng với sự đa dạng của kiểu rừng là sự đa dạng của các loại đất ở Việt Nam.

Ví dụ: Dưới rừng kín thường xanh có tầng đất dày, ẩm, mùn khá nhiều. Dưới rừng thưa có tầng đất mỏng, khô ít mùn.

e) Thủy văn

Thủy văn ảnh hưởng đến thổ nhưỡng chủ yếu thông qua tác động của nước chảy, nước ngầm và nước đọng.

- Nước chảy đã xói mòn mạnh mẽ đất đai nếu không có lớp phủ thực vật bảo vệ.

- Dòng nước khi ngấm xuống sâu rửa trôi các chất trong đất làm cho đất về lâu dài sẽ bị bạc màu.

- Nước đọng quyết định quá trình glây và quá trình lầy thụt.

- Đối với đất phù sa:

+ Nước của các dòng sông lớn, lòng đào sâu xuống tới lớp đá gốc thường chứa nhiều bazơ do đó đất phì nhiêu (ví dụ sông Hồng).

+ Đối với các sông suối nhỏ, lòng sông nằm hẹp trong phạm vi lớp vỏ phong hóa feralit chua nghèo, đất thường chua và kém phì nhiêu.

+ Tại vùng duyên hải, ảnh hưởng của nước biển và nước ngầm mặn đã tạo nên đất phèn, đất mặn.

f) Vai trò của con người

 Việt Nam, đất đai đã được con người khai thác từ lâu đời cho nên ảnh hưởng của con người đến đất cũng rất lớn.

Tích cực: cải tạo, mở mang diện tích đất nông nghiệp (cải tạo đất phèn, đất mặn lấn biển, bón phân cải tạo đất bạc màu…). Quá trình hình thành đất lúa nước là sự thể hiện rõ nhất tác động của con người trong việc cải biến đất đai ở Việt Nam.

- Tiêu cực: phá rừng, đốt nương làm rẫy khiến cho đất đai bị xói mòn, rửa trôi, diện tích đất trống đồi núi trọc gia tăng.

 

Câu 43. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nêu và giải thích sự phân bố các thảm thực vật ở nước ta.

Gợi ý trả lời

Do đặc điểm về địa hình, khí hậu, thuỷ văn, đất cùng với những tác động của con người nên các thảm thực vật ở nước ta khá đa dạng. Các thảm thực vật chính ở nước ta bao gồm:

- Rừng kín thường xanh

+ Chiếm diện tích lớn, phân bố tập trung ở phía tây Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang và rải rác ở một số khu vực khác.

+ Giải thích: đây là thảm thực vật nguyên sinh đặc trưng ở nước ta. Trước đây, kiểu rừng này che phủ hầu hết miền đồi núi nhưng do bị chặt phá nên hiện chỉ còn ở một số nơi có điều kiện bảo tồn.

- Rừng thưa

+ Phân bố tập trung ở Tây Nguyên, phía nam của Duyên hải Nam Trung Bộ.

+ Giải thích: đây là những khu vực có lượng mưa khá thấp, mùa khô kéo dài.

- Rừng tre nứa

Phân bố rải rác ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.

- Rừng ngập mặn

+ Phân bố tập trung ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và rải rác ở Đồng bằng sông Hồng.

+ Giải thích: đây là các khu vực có diện tích đất mặn đáng kể, khí hậu nhiệt đới, thích hợp với sự phát triển của các loại cây ngập mặn như đước, sú, vẹt… 

- Rừng trên núi đá vôi

+ Phân bố rải rác ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, phía tây Quảng Bình.

+ Giải thích: đó là những vùng có diện tích núi đá vôi lớn ở nước ta.

- Rừng ôn đới núi cao

+ Chỉ xuất hiện ở vùng núi Hoàng Liên Sơn (diện tích nhỏ).

+ Giải thích: rừng ôn đới núi cao chỉ xuất hiện từ độ cao 2600m trở lên, vì thế chỉ ở dãy Hoàng Liên Sơn mới xuất hiện kiểu thảm thực vật này.

- Rừng trồng

+ Phân bố rải rác ở hầu khắp các vùng, những vùng có diện tích đáng kể là phía nam hồ Thác Bà, phía bắc Buôn Ma Thuột…

+ Giải thích: do chủ trương phủ xanh đất trống, đồi trọc, hầu hết các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi đều tiến hành trồng rừng nhằm tăng độ che phủ của rừng.

- Trảng cỏ, cây bụi

+ Chiếm diện tích lớn ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, ngoài ra còn xuất hiện ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên…

+ Giải thích: đây là kiểu thảm thực vật hình thành chủ yếu trên phần diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá quá mức (không thể phục hồi như cũ) . Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi có diện tích rừng bị chặt phá lớn nhất nên rất phát triển thảm thực vật này.

- Thảm thực vật nông nghiệp

+ Phân bố rộng khắp cả nước nhưng tập trung nhất là ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

+ Giải thích: các vùng trên là những khu vực có địa hình bằng phẳng, dân cư tập trung đông, sản xuất nông nghiệp rất phát triển.

 

Câu 44. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, hãy:

1. Nêu sự phân bố của một số loài động vật tự nhiên của nước ta.

2. Giải thích tại sao giới động vật tự nhiên nước ta phong phú đa dạng nhưng đang bị giảm sút nghiêm trọng.

 

Gợi ý trả lời

1. Sự phân bố các loài động vật tự nhiên ở nước ta

 

 

Tên loài động vật

Phân bố

Khỉ

Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long, VQG Chư Mom Ray, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng,...

Vượn

VQG Vũ Quang, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Kon Ka Kinh.

Voọc

VQG Ba Bể, VQG Cát Bà, VQG Cúc Phương, VQG Bến En, VQG Bạch Mã.

Hươu

VQG Bến En, VQG Chư Mom Ray, phía Tây Bắc.

Nai

Vùng núi Tây Bắc, VQG Chư Mom Ray, VQG Bidoup - Núi Bà.

Sơn dương

VQG Hoàng Liên, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Voi

Phía tây Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, VQG Yok Đôn.

Tê giác

VQG Cát Tiên.

Bò tót

VQG Yok Đôn, VQG Bidoup - Núi Bà.

Hổ

Phía tây Quảng Nam.

Gấu

Quảng Bình, Kon Tum.

Lợn rừng

Rải rác ở các vùng núi: Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên,…

Sao la

VQG Vũ Quang, VQG Pù Mát, phía tây Quảng Nam.

Mang lớn

Nghệ An, Đắk Lắk.

Sếu đầu đỏ

Tràm Chim.

Gà lôi

Vùng Bắc Trung Bộ.

Yến

Khánh Hòa, quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Cù lao Chàm.

Cá sấu

VQG Cát Tiên.

Bò biển

VQG Côn Đảo.

Rùa, đồi mồi

Vùng ven biển Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, vịnh Thái Lan, VQG Côn Đảo,...

2. Giải thích

Giới động vật tự nhiên nước ta phong phú đa dạng là do vị trí nước ta nằm trên đường di lưu và di cư  của nhiều loài động vật thuộc 3 khu hệ động vật: Hoa Nam (Trung Quốc), Ấn Độ - Mianma và Malaixia. 

- Giới động vật hoang dã bị giảm sút nghiêm trọng do:

+ Rừng bị tàn phá làm mất nơi cư trú của động vật.

+ Săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã.

+ Ô nhiễm môi trường và sự biến đổi bất thường của khí hậu.

+ Chính sách phát triển chưa phù hợp (chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường và công tác bảo tồn).

Câu 45. Chứng minh rằng giới sinh vật nước ta có sự phân hóa đa dạng và giải thích tại sao có sự phân hóa đó.

Gợi ý trả lời

1. Giới sinh vật nước ta phân hoá đa dạng

a) Phân hóa theo Bắc - Nam 

- Phía bắc dãy Bạch Mã :

+ Tiêu biểu là rừng nhiệt đới ẩm gió mùa, mùa đông cây thường rụng lá và mùa hạ cây xanh tốt.

+ Sinh vật nhiệt đới chiếm ưu thế nhưng cũng có những loài cận nhiệt như dẻ, re, pơmu, động vật có chồn, gấu lông dày.

- Phía nam dãy Bạch Mã:

+ Tiêu biểu là rừng cận xích đạo gió mùa với thành phần thực vật, động vật phần lớn thuộc vùng xích đạo và nhiệt đới từ phương nam lên.

+ Trong rừng xuất hiện các cây chịu hạn và rụng lá vào mùa khô như các cây họ Dầu, động vật là các loài thú nhiệt đới như hổ, báo, voi, cá sấu,...

b) Phân hóa theo độ cao

- Từ độ cao dưới 600 - 700m ở miền Bắc và 900 - 1000m ở miền Nam:

+ Chiếm ưu thế là kiểu hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa. Ở những vùng núi thấp mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, mùa khô không rõ rệt, hình thành hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh - một kiểu hệ sinh thái giàu có nhất, đa dạng sinh học cao nhất hiện còn được bảo tồn ở một số vườn quốc gia như Cúc Phương - Ninh Bình, Vũ Quang - Hà Tĩnh.

+ Ngoài ra còn có hệ sinh thái rừng phát triển trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt:

·     Hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh phát triển trên đá vôi.

·     Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh ngập mặn trên đất mặn, đất phèn ven biển.

·     Hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi trên đất cát và đất thoái hóa vùng khô hạn.

 - Ở độ cao từ 600 - 700m đến 1600 - 1700m: đai rừng cận nhiệt đới gió mùa trên núi với thành phần chủ yếu là các loài cây thuộc họ dẻ, re, hồ đào và rừng á nhiệt đới lá kim như thông, sa mu, pơ mu.

T trên 1600 - 1700 m đến 2600m là phạm vi phân bố của rừng á nhiệt đới mưa mù trên đất alit với các cây ôn đới như đỗ quyên, thiết sam, lãnh sam. Trong rừng xuất hiện các loài chim thú á nhiệt đới phương bắc như gấu, sóc, cầy, cáo có bộ lông dày.

-  Trên 2600m: do tầng đất mỏng nên ở đây chủ yếu là quần hệ thực vật núi cao, rừng kém phát triển, cành lá cong queo.

2. Giải thích nguyên nhân của sự phân hóa

Giới sinh vật nước ta phong phú, phân hóa đa dạng do tác động của nhiều nhân

tố nhưng quan trọng nhất là khí hậu. Do khí hậu nước ta có sự phân hóa phức tạp theo vĩ độ và độ cao nên thảm thực vật cũng có sự thay đổi theo vĩ độ và độ cao địa hình.

- Sự phân hóa theo vĩ độ: Do khí hậu có sự phân hóa thành 2 miền khí hậu phía Bắc và miền khí hậu phía Nam mà ranh giới là dãy Bạch Mã nên đã hình thành hai hệ sinh thái rừng khác nhau: rừng nhiệt đới gió mùa (phía Bắc) và rừng cận xích đạo (ở phía Nam).

- Địa hình 3/4 là đồi núi mà ở miền núi càng lên cao nhiệt độ và áp suất không khí càng giảm còn độ ẩm không khí lại tăng đến một độ cao nào đó rồi mới giảm. Chính sự khác nhau về nhiệt và ẩm này đã dẫn đến sự phân hóa của sinh vật và đất theo độ cao. 

 

Câu 46. Chứng minh rằng thiên nhiên nước ta có sự phân hóa theo vĩ độ (theo Bắc - Nam). Phân tích nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa đó.

Gợi ý trả lời

1. Chứng minh sự phân hóa theo vĩ độ

a) Phần lãnh thổ phía Bắc (từ dãy Bạch Mã trở ra): thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa có một mùa đông lạnh.

- Đặc điểm khí hậu:

+ Kiểu khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh.

+ Chế độ nhiệt: 

·  Nhiệt độ trung bình năm 22 - 240C.

·  Số tháng lạnh dưới 200C là 3 tháng (đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc), tuy nhiên càng vào Nam gió mùa Đông Bắc suy yếu dần, số tháng lạnh giảm chỉ còn 1 - 2 tháng, tới Huế chỉ còn thời tiết se lạnh.

·  Biên độ nhiệt trung bình năm lớn hơn 100C.

·  Sự phân mùa: trong năm có 2 mùa là mùa hạ và mùa đông.

- Đặc điểm cảnh quan:

+ Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng nhiệt đới gió mùa. Mùa đông do khí hậu lạnh, mưa ít nên nhiều loài cây bị rụng lá. Mùa hạ trời nắng nóng, mưa nhiều, cây cối xanh tốt. 

+ Thành phần loài sinh vật: các loài nhiệt đới chiếm ưu thế, ngoài ra còn có các loài cây cận nhiệt đới, cây ôn đới và các loài thú có lông dày. Mùa đông ở đồng bằng trồng được nhiều loại rau, quả cận nhiệt và ôn đới.

b) Phần lãnh thổ phía Nam (từ dãy Bạch Mã trở vào): thiên nhiên cận xích đạo gió mùa.

- Đặc điểm khí hậu:

+ Kiểu khí hậu: cận xích đạo gió mùa nóng quanh năm.

+ Chế độ nhiệt: 

·       Nhiệt độ trung bình năm trên 250C.

·       Không có tháng nào nhiệt độ dưới 200C, biểu hiện rõ từ Quy Nhơn trở vào.

·       Biên độ nhiệt trung bình năm nhỏ từ 3 - 40C.

·       Sự phân mùa: trong năm có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô (không có mùa đông).

- Đặc điểm cảnh quan:

+ Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng cận xích đạo gió mùa.

+ Thành phần loài sinh vật: Các loài thực vật và động vật thuộc vùng xích đạo và nhiệt đới từ phương nam (Mã Lai - Inđônêxia) đi lên hoặc từ phía tây (Ấn Độ - Mianma) di cư sang. Trong rừng xuất hiện nhiều loài cây chịu hạn, rụng lá vào mùa khô. Động vật tiêu biểu là các loài thú lớn vùng nhiệt đới và xích đạo (voi, hổ, báo…). Vùng đầm lầy có trăn, rắn, cá sấu.

2. Nguyên nhân

- Lãnh thổ nước ta kéo dài trên 15 vĩ độ. Phía bắc gần chí tuyến Bắc, phía nam cách Xích đạo không xa nên cả nước tuy cùng trong vùng nhiệt đới nhưng thiên nhiên có sự khác nhau từ Bắc vào Nam đặc biệt là khí hậu.

- Nước ta nằm trong khu vực chịu tác động mạnh mẽ của gió mùa nhất là gió mùa Đông Bắc. Chính sự giảm sút ảnh hưởng của khối không khí lạnh khi di chuyển xuống phía nam đã làm sâu sắc hơn sự khác biệt của thiên nhiên theo vĩ độ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự phân hóa của thiên nhiên theo chiều Bắc - Nam là do sự thay đổi của khí hậu (cụ thể là khác nhau về nền nhiệt và biên độ nhiệt).

 

Câu 47. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích sự phân hóa thiên nhiên theo Đông - Tây.

Gợi ý trả lời

1. Nhận xét

Sự phân hóa thiên nhiên theo Đông - Tây biểu hiện rõ nhất là sự phân hóa đại địa hình thành 3 dải rõ rệt: vùng biển và thềm lục địa, vùng đồng bằng ven biển và vùng đồi núi.

a) Vùng biển và thềm lục địa

Vùng biển lớn gần gấp 3 lần diện tích đất liền và có hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ.

- Thềm lục địa phía bắc và phía nam đáy nông, mở rộng có nhiều đảo ven bờ.

- Thềm lục địa vùng Nam Trung Bộ thu hẹp, tiếp giáp với vùng biển nước sâu.

b) Vùng đồng bằng ven biển

- Ở nơi đồi núi lùi xa vào đất liền thì đồng bằng mở rộng với các bãi triều thấp bằng phẳng, thềm lục địa rộng, nông như ở các đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ.

- Nơi có đồi núi lan sát ra biển thì đồng bằng hẹp ngang và bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ, đường bờ biển khúc khuỷu với thềm lục địa thu hẹp, tiếp giáp vùng biển nước sâu như dải đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ.

- Các dạng địa hình bồi tụ, mài mòn xen kẽ các cồn cát, đầm phá khá phổ biến là hệ quả tác động kết hợp chặt chẽ giữa biển và vùng đồi núi phía tây ở dải đồng bằng ven biển này.

c) Vùng đồi núi

Sự phân hóa thiên nhiên theo Đông - Tây ở vùng đồi núi rất phức tạp.

- Vùng núi Tây Bắc có mùa đông ngắn, khí hậu phân hóa theo độ cao, ở vùng núi thấp phía nam có cảnh quan thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa còn vùng núi cao, cảnh quan thiên nhiên ôn đới.

- Vùng cánh cung Đông Bắc có mùa đông đến sớm, thiên nhiên mang sắc thái cận nhiệt đới gió mùa.

- Vùng Trường Sơn Bắc thiên nhiên phân hóa giữa sườn tây và sườn đông.

- Vùng Trường Sơn Nam có sự khác biệt giữa duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong khi duyên hải Nam Trung Bộ có mùa mưa vào thu - đông thì vùng núi Tây Nguyên lại là mùa khô, nhiều nơi khô hạn gay gắt. Vào mùa mưa Tây Nguyên thì bên sườn đông lại chịu tác động của gió Tây khô nóng.

2. Giải thích

Nguyên nhân của sự phân hóa Đông - Tây là do ảnh hưởng của gió mùa cùng với đặc điểm địa hình (hướng chắn của các dãy núi, địa hình thấp dần theo hướng tây bắc - đông nam).

- Dãy Hoàng Liên Sơn là rào chắn về địa hình tạo ra sự khác biệt về tự nhiên giữa Tây Bắc và Đông Bắc Bộ.

- Dãy Trường Sơn tạo ra sự khác biệt về tự nhiên giữa Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn (đặc biệt giữa Đông Trường Sơn ở Trung và Nam Trung Bộ với Tây Nguyên).

Như vậy, sự phân hóa Đông - Tây của khí hậu nước ta phản ánh sự ảnh hưởng của biển ngày càng giảm khi càng vào sâu trong đất liền (trừ ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận).

 

Câu 48. Giải thích sự khác nhau về khí hậu và thiên nhiên giữa vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc, giữa Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

Gợi ý trả lời

1. Có sự khác nhau về khí hậu và thiên nhiên vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc vì:

- Vùng núi Đông Bắc: hướng vòng cung của các dãy núi hút mạnh và đón nhận trực tiếp khối khí lạnh (gió mùa Đông Bắc) từ phương bắc tràn xuống làm cho mùa đông đến sớm và là vùng có mùa đông lạnh rõ rệt nhất toàn quốc (nếu so sánh 2 địa điểm có cùng độ cao và vĩ độ thì địa điểm ở vùng Đông Bắc có nhiệt độ thấp hơn vùng Tây Bắc từ 2 - 30C. Cảnh quan cận nhiệt đới gió mùa.

- Vùng núi Tây Bắc do bức chắn địa hình hướng tây bắc - đông nam (dãy Hoàng Liên Sơn) nên ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc. Mùa đông khô, ít có mưa phùn. Vào mùa hạ, gió mùa đông nam bị các khối núi - cao nguyên nằm ở phía nam (như cao nguyên Mộc Châu) ngăn cản. Luồng gió này chỉ luồn qua các thung lũng vào vùng Tây Bắc nên mùa khô ở đây thường đến muộn và kết thúc sớm. Phần phía nam của vùng (thung lũng sông Mã, Yên Châu…) còn chịu ảnh hưởng của gió phơn khô nóng. Ở đây có cảnh quan rừng nhiệt đới khô.

Vùng Tây Bắc có khí hậu lạnh chủ yếu do độ cao. Phần phía bắc và phía đông của vùng tập trung nhiều khối núi cao trên 2000m nhiều đỉnh núi vượt 3000m, xuất hiện đai rừng ôn đới núi cao.

2. Sự khác nhau về khí hậu và thiên nhiên giữa Đông và Tây Trường Sơn

- Đông Trường Sơn (Duyên hải miền Trung): mùa mưa vào thu - đông (từ tháng 8 đến tháng 1) do đón nhận trực tiếp các luồng gió thổi theo hướng đông bắc, Tín phong Bắc bán cầu, bão, áp thấp từ Biển Đông, dải hội tụ nhiệt đới. Mùa hạ chịu hiệu ứng phơn nên khô nóng. Mùa đông phần phía bắc chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc yếu.

Tây Trường Sơn (Tây Nguyên): mùa mưa vào mùa hạ - thu do gió mùa Tây Nam mang lại. Vào mùa hạ (tháng 5 - 6) gió mùa mùa hạ từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Bengan mang mưa cho Nam Bộ và Tây Nguyên, đồng thời gây hiệu ứng phơn đem lại gió Tây khô nóng cho Đông Trường Sơn. Mùa khô ở Tây Nguyên hết sức khắc nghiệt, hình thành rừng thưa nhiệt đới khô rụng lá (gọi là rừng khộp).

 

Câu 49. Hãy trình bày những biểu hiện của quy luật phân hoá theo đai cao ở nước ta.

Gợi ý trả lời

Lãnh thổ Việt Nam hơn 3/4 diện tích là đồi núi nên có điều kiện dễ dàng để nhận ra quy luật phân hóa theo đai cao của thiên nhiên nước ta. Biểu hiện có 3 đai cao. Đó là đai nhiệt đới gió mùa, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi và đai ôn đới gió mùa trên núi.

a) Đai nhiệt đới gió mùa

- Độ cao: ở miền Bắc trung bình dưới 600 - 700m, ở miền Nam lên đến độ cao 900 - 1000m.

- Đặc điểm khí hậu: khí hậu nhiệt đới, nền nhiệt cao. Mùa hạ nóng, nhiệt độ trung bình tháng trên 250C, độ ẩm thay đổi tùy nơi, từ khô hạn đến ẩm ướt.

- Các loại đất chính: Có 2 nhóm đất là nhóm đất phù sa chiếm gần 24% diện tích và nhóm đất feralit vùng đồi núi thấp chiếm hơn 60% diện tích đất tự nhiên cả nước.

- Các hệ sinh thái chính:

+ Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh hình thành ở những vùng núi thấp mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, mùa khô không rõ. Rừng có cấu trúc nhiều tầng. Động vật đa dạng, phong phú.

+ Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa : rừng thường xanh, rừng nhiệt đới gió mùa nửa rụng lá, rừng thưa nhiệt đới khô và các hệ sinh thái rừng phát triển trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt (rừng thường xanh trên đá vôi, rừng ngập mặn, rừng tràm, xa van,...).

- Ý nghĩa kinh tế:

+ Nơi sinh sống chủ yếu của dân cư.

+ Thích hợp để phát triển tập đoàn cây nhiệt đới, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp vì dễ canh tác, đất tương đối màu mỡ.

+ Có nhiều tài nguyên cho phát triển công nghiệp. Thương mại dịch vụ phát triển.

b) Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi

- Độ cao: ở miền Bắc có độ cao từ 600 - 700m đến 2600m, ở miền Nam có độ cao từ 900 - 1000 m đến độ cao 2600m.

- Đặc điểm khí hậu: mát mẻ, không có tháng nào nhiệt độ trên 250C, mưa nhiều hơn, độ ẩm tăng.

- Các loại đất chính :

+ Đất feralit có mùn ở độ cao từ 600 - 700m đến 1600 - 1700m, đất chua, tầng mỏng do phong hoá yếu.

+ Đất mùn ở độ cao trên 1600 - 1700m, quá trình feralit ngừng trệ.

- Các hệ sinh thái chính:

+ Từ 600 - 700m đến 1600 - 1700m các hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới lá rộng và lá kim phát triển. Trong rừng xuất hiện nhiều chim thú quý cận nhiệt đới phương bắc.

+ Trên 1600 - 1700m, rừng sinh trưởng kém, đơn giản về thành phần loài. Trong rừng có các loài chim di cư thuộc khu hệ Himalaya.

- Ý nghĩa kinh tế: góp phần đa dạng hóa cây trồng, phát triển một số cây công nghiệp, cây ăn quả có nguồn gốc cận nhiệt: chè, đào,…

c) Đai ôn đới gió mùa trên núi

- Độ cao: từ 2600m trở lên (chỉ có ở Hoàng Liên Sơn).

- Đặc điểm khí hậu: có tính chất như ôn đới, quanh năm nhiệt độ dưới 150C, mùa đông xuống dưới 50C.

- Đất: mùn thô.

- Hệ sinh thái chính: thực vật ôn đới (đỗ quyên, lãnh sam, thiết sam).

- Ý nghĩa kinh tế: phát triển du lịch, trồng cây thuốc,…

 

Câu 50. Trình bày đặc điểm chính của các miền tự nhiên: miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ; miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Gợi ý trả lời

 

Nội

dung

Miền Bắc và

Đông Bắc Bắc Bộ

Miền Tây Bắc

và Bắc Trung Bộ

Miền Nam Trung Bộ

và Nam Bộ

Phạm vi lãnh thổ

Dọc theo hữu ngạn sông Hồng và rìa phía tây, tây nam của đồng bằng Bắc Bộ.

Hữu ngạn sông Hồng đến dãy Bạch Mã.

Từ dãy Bạch Mã trở vào Nam.

 

Địa chất

Quan hệ với Hoa Nam về cấu trúc địa hình - kiến tạo. Tân kiến tạo nâng yếu nên chủ yếu là đồi núi thấp.

Quan hệ với Vân Nam Trung Quốc về cấu trúc địa hình. Tân kiến tạo nâng mạnh.

 

Khối núi cổ, bề mặt bóc mòn với các sơn nguyên và cao nguyên badan.

 

 

Địa hình, khoáng sản

- Hướng vòng cung (4 cánh cung)

- Đồi núi thấp. Độ cao trung bình khoảng 600m

- Nhiều đá vôi.

- Đồng bằng Bắc Bộ mở rộng. Bờ biển phẳng, nhiều vịnh, đảo, quần đảo.

- Giàu khoáng sản: than, sắt, thiếc, đồng.

- Địa hình núi trung bình và cao chiếm ưu thế, dốc mạnh.

- Hướng tây bắc - đông nam, nhiều bề mặt sơn, cao nguyên, đồng bằng giữa núi.

- Đồng bằng thu nhỏ, chuyển tiếp từ đồng bằng châu thổ sang đồng bằng ven biển.

- Khoáng sản có đất hiếm, thiếc, sắt, crôm, titan

- Địa khối Kon Tum, sơn nguyên cổ, cao nguyên cực Nam Trung Bộ. Sườn Đông dốc mạnh, sườn Tây thoải gồm các cao nguyên badan.

- Đồng bằng ven biển thu hẹp, đồng bằng Nam Bộ thấp phẳng, mở rộng.

- Dầu khí có trữ lượng lớn. Tây Nguyên giàu bôxit.

 

 

 

Khí hậu và thuỷ văn

- Gió mùa Đông Bắc xâm nhập mạnh - Mùa đông 3 tháng, so cùng độ cao t0tb< t0tbở Tây Bắc từ 2- 30C. Mùa hạ nóng, mưa nhiều, mùa đông lạnh, ít mưa. Khí hậu, thời tiết có nhiều biến động, có bão.

- Mạng lưới sông ngòi dày. Hướng sông tây bắc - đông nam và hướng vòng cung. Độ dốc sông thay đổi đột ngột từ vùng núi xuống đồng bằng.

- Gió mùa Đông Bắc giảm sút về phía tây và phía nam - Gió mùa Đông Bắc suy yếu và biến tính. Số tháng lạnh dưới 2 tháng ở vùng thấp.

- Bắc Trung Bộ có gió phơn tây nam, bão mạnh, mùa mưa lùi vào thu đông (tháng VIII - XII, I). Lũ tiểu mãn tháng VI.

- Sông ngòi hướng tây bắc - đông nam, ở Trung Bộ hướng tây - đông. Sông có độ dốc lớn, nhiều tiềm năng thuỷ điện.

- Khí hậu cận xích đạo gió mùa (tổng t0>93000C,  ttb> 200C).

- Có hai mùa mưa, khô rõ rệt. Mùa mưa ở Nam Bộ, Tây Nguyên: V-X, XI, ở đồng bằng ven biển IX - XII, lũ có 2 cực đại: tháng IX và tháng VI.

- 3 hệ thống sông: sông ven biển hướng tây - đông ngắn, dốc (trừ sông Ba), hệ thống sông Mê Công và sông Đồng Nai.

 

Thổ nhưỡng, sinh vật

- Đai nhiệt đới chân núi hạ thấp <600m.

- Trong thành phần rừng có các loại cây á nhiệt (dẻ, re) và động vật Hoa Nam.

- Có đủ hệ thống đai cao: đai nhiệt đới lên tới 700- 800m, đai rừng á nhiệt đới mưa mù trên đất mùn alit, đai ôn đới > 2600m. Nhiều thành phần loài của 3 luồng di cư.

 Đới rừng gió mùa á xích đạo.

- Đai nhiệt đới chân núi lên đến 1000m. Thực vật nhiệt đới, xích đạo chiếm ưu thế (luồng di cư Inđônêxia, Malaixia, họ Dầu).  Nhiều rừng, nhiều thú lớn. Rừng ngập mặn ven biển.

 

Hạn chế

- Mùa đông lạnh. Đồi núi trọc.

- Tính bất ổn định của thời tiết, sự bất thường của dòng chảy.

- Địa hình hiểm trở, bị chia cắt, đồng bằng hẹp, ít màu mỡ.

- Bão, lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra.

- Thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, ngập lụt vào mùa mưa.

- Xói mòn rửa trôi ở vùng đồi núi, nhiễm mặn nhiễm phèn ở đồng bằng,…

 

Câu 51. Căn cứ vào kiến thức đã học, hãy giải thích:

1. Tại sao miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ lại có một mùa đông lạnh đến sớm và kết thúc muộn.

2. Tại sao miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có mùa đông đỡ lạnh và ngắn.

Gợi ý trả lời

1. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có mùa đông lạnh đến sớm và kết thúc muộn vì đây là vùng đầu tiên của nước ta đón nhận khối khí lạnh từ phương bắc tràn tới. Do ảnh hưởng của địa hình với các dãy núi có hình cánh cung mở ra đón gió mùa Đông Bắc nên những đợt gió mùa đầu tiên và những đợt gió mùa cuối cùng đều ảnh hưởng đến vùng này.

2. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có mùa đông đỡ lạnh và ngắn do ảnh hưởng của dãy Hoàng Liên Sơn - một dãy núi cao và đồ sộ nhất nước ta có hướng tây bắc - đông nam nên khi gió mùa Đông Bắc đến vùng này khi vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn thì đã bị suy yếu. Những đợt gió mùa đầu tiên và cuối cùng với cường độ yếu đều không ảnh hưởng tới vùng này nên mùa đông đỡ lạnh và ngắn.

 

Câu 52. Thiên nhiên miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc phát triển kinh tế?

Gợi ý trả lời

1. Thuận lợi

- Các cao nguyên badan rộng lớn thuận lợi trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc.

- Đồng bằng châu thổ lớn (đồng bằng sông Cửu Long) là điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp được tiến hành quanh năm, thâm canh, tăng vụ, phát triển rừng.

- Rừng cung cấp thực phẩm và nguyên liệu.

Vùng biển rộng, có ngư trường với trữ lượng thủy sản lớn, thềm lục địa có dầu khí, có bãi biển đẹp và nhiều đảo, thuận lợi phát triển nhiều ngành kinh tế biển như giao thông, du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, khai thác dầu khí.

2. Khó khăn

- Xói mòn, rửa trôi đất ở vùng đồi núi.

Ngập lụt trên diện rộng ở đồng bằng Nam Bộ và hạ lưu các sông lớn vào mùa mưa.

- Thiếu nước vào mùa khô.

 

Câu 53. Cho b¶ng sè liÖu sau ®©y:

Biến đổi diện tích và độ che phủ rừng ở nước ta, giai đoạn 1943 - 2007

Năm

Tổng diện tích rừng

(triệu ha)

Trong đó

Tỉ lệ che phủ rừng (%)

Rừng tự nhiên

Rừng trồng

1943

14,3

14,3

0

43,8

1976

11,1

11,0

0,1

33,8

1983

7,2

6,8

0,4

22,0

1990

9,2

8,4

0,8

27,8

2000

10,9

9,4

1,5

33,1

2005

12,4

9,5

2,9

37,7

2007

12,7

10,2

2,5

38,4

1. VÏ biÓu ®å kÕt hîp thÓ hiÖn sù biÕn ®æi diÖn tÝch rõng vµ ®é che phñ rõng ë n­íc ta, giai ®o¹n 1943 - 2007.

2. NhËn xÐt sù thay ®æi diÖn tÝch rõng vµ ®é che phñ rõng n­íc ta, giai ®o¹n 1943 - 2007.

3. Nªu ph­¬ng h­íng b¶o vÖ tµi nguyªn rõng ë n­íc ta.

 

Gîi ý tr¶ lêi

1. VÏ biÓu ®å: Biểu đồ kết hợp (cột và đường):

- Cột: tổng diện tích;

- Đường: độ che phủ;

- Có chú giải, đơn vị tính. 

Biểu đồ tình hình biến động diện tích và độ che phủ rừng ở nước ta

 

Biểu đồ tình hình biến động diện tích và độ che phủ rừng ở nước ta, 

giai đoạn 1943 - 2007

2. Nhận xét

- Tổng diện tích rừng của nước ta có nhiều biến đổi, do sự biến đổi của diện tích rừng tự nhiên và diện tích rừng trồng.

- Sự biến đổi của tổng diện tích rừng làm cho độ che phủ rừng của nước ta cũng biến đổi.

- Năm 1943 rừng của nước ta hoàn toàn là rừng tự nhiên, chưa có diện tích rừng trồng.

- Từ 1943 đến 1983, nước ta mất đi 7,1 triệu ha rừng, trung bình mỗi năm nước ta mất đi 0,18 triệu ha rừng. Trong giai đoạn này, diện tích rừng trồng tăng không đáng kể. Như vậy, diện tích rừng trồng của nước ta không bù lại được so với diện tích rừng tự nhiên bị mất nên độ che phủ rừng cũng giảm 21,8%.

- Từ 1983 đến 2005, diện tích rừng tự nhiên có sự phục hồi, nên diện tích tự nhiên đã tăng được 2,7 triệu ha, diện tích rừng trồng cũng tăng lên 2,5 triệu ha. Vì vậy, tổng diện tích rừng của nước ta đã tăng lên 5,2 triệu ha, làm cho độ che phủ rừng của nước ta cũng tăng 15,7%.

- Từ 2005 đến 2007, diện tích rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng 0,7 triệu ha nhưng rừng trồng lại giảm 0,4 triệu ha. Vì vậy độ che phủ rừng tăng nhẹ 1,3%.

- Sự biến đổi diện tích rừng tự nhiên và diện tích rừng trồng chứng tỏ chất lượng rừng của nước ta giảm vì diện tích rừng tự nhiên phục hồi chủ yếu là rừng tái sinh và rừng trồng.

3. Phương hướng bảo vệ tài nguyên rừng 

- Khai thác đi đôi tu bổ, bảo vệ và trồng thêm rừng mới;

- Cấm khai thác bừa bãi;

- Phòng chống cháy rừng;

- Xây dựng hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên…

- Bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng;

- Ban hành luật bảo vệ rừng.

 

Câu 54. Căn cứ bảng số liệu và kiến thức đã học, hãy phân tích hiện trạng sử dụng tài nguyên đất ở nước ta. Nêu các biện pháp chống xói mòn đất ở miền núi và chống ô nhiễm đất ở vùng đồng bằng.

Hiện trạng sử dụng đất của nước ta, năm 2007

Loại đất sử dụng

Diện tích (nghìn ha)

Cơ cấu (%)

Tổng số

33.121,2

100,0

1.  Đất nông nghiệp

24.696,0

74,5

- Đất sản xuất nông nghiệp

9.436,2

28,5

- Đất lâm nghiệp

14.514,2

43,8

- Đất nuôi trồng thủy sản

715,1

2,1

- Đất khác

30,5

0,09

2. Đất phi nông nghiệp

3.309,1

9,9

- Đất ở

611,9

1,8

- Đất chuyên dùng

1.433,5

4,3

- Đất phi nông nghiệp khác

1.263,7

3,8

3. Đất chưa sử dụng

5.116,0

15,4

Gợi ý trả lời

1. Hiện trạng sử dụng đất 

Diện tích đất tự nhiên nước ta là 33121,2 nghìn ha (đứng thứ 62 thế giới). Dân số năm 2007 là 85,17 triệu người đứng thứ 13 trong tổng số 200 quốc gia trên thế giới. Chính vì thế bình quân đất tự nhiên theo đầu người rất thấp chỉ đạt 0,4 ha/người (đứng thứ 128/ 200 quốc gia).

- Hiện nay phần lớn đất đai đã được sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Năm 2007,

diện tích đất nông nghiệp là 24,7 triệu ha chiếm 74,5% diện tích đất tự nhiên. Căn cứ vào mục đích sử dụng đất nông nghiệp chia thành nhiều loại:

+ Đất sản xuất nông nghiệp, diện tích khoảng 9,4 triệu ha bao gồm:

·  Đất trồng cây lương thực, thực phẩm và cây hằng năm khác phân bố tập trung ở các đồng bằng (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, dải đồng bằng duyên hải miền Trung).

·  Đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ, các cao nguyên badan ở Tây Nguyên và rải rác ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

+ Đất lâm nghiệp có rừng chiếm 43,8% mặc dù đã đạt 14,5 triệu ha, độ che phủ rừng đã đạt gần 43,8% nhưng con số này vẫn là quá ít trong điều kiện của một nước chủ yếu là đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Loại đất này tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản chiếm tỉ lệ nhỏ (2,1%), có xu hướng tăng trong những năm gần đây, tập trung nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Đất phi nông nghiệp ở nước ta bao gồm đất thổ cư, đất chuyên dùng và các loại đất khác đang có xu hướng tăng lên, năm 2007 đạt 3,3 triệu ha (chiếm gần 10% diện tích đất tự nhiên).

- Đất chưa sử dụng của nước ta còn 5,1 triệu ha (chiếm 15,4% diện tích đất tự nhiên) chủ yếu là đất đồi núi. Vì vậy, việc cải tạo đất chưa sử dụng thành đất được sử dụng trong kinh tế là nhiệm vụ khó khăn và rất tốn kém.

Tài nguyên đất ở nước ta là có hạn. Trong những năm qua, các chỉ tiêu bình quân đất theo đầu người liên tục giảm xuống do tốc độ phát triển dân số cao cùng với các nhu cầu về đất đai (xây dựng giao thông, nhà ở…) liên tục tăng lên.

- Hai vùng có tỉ lệ sử dụng đất cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (77,2% đất tự nhiên) và Đồng bằng sông Cửu Long (80,2%).

 nhiều nơi đất bị thoái hoá nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do mất rừng, chế độ canh tác chưa hợp lí, đất bị nhiễm phèn, nhiễm  mặn. Vì vậy cần phải có biện pháp tích cực để bảo vệ tài nguyên đất.

2. Biện pháp bảo vệ tài nguyên đất

* Đối với vùng đồi núi, để chống xói mòn cần:

- Làm ruộng bậc thang hoặc trồng cây thành hàng theo bình độ để chia dốc thành các dốc ngắn hơn hoặc các khoảnh bằng phẳng nối tiếp nhau.

- Giữ rừng đầu nguồn. Trồng rừng và tăng tính đa dạng của thảm thực vật tại chỗ để hạn chế tốc độ dòng chảy, tăng độ che phủ và góp phần bổ sung chất mùn cho đất đẩy nhanh tiến trình tự phục hồi của đất song song với việc chống xói mòn, rửa trôi của tự nhiên.

* Đối với các đồng bằng để chống ô nhiễm đất cần:

- Xử lí chất thải và cấm đổ các chất thải bừa bãi ra môi trường xung quanh.

- Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

- Tăng cường sử dụng đất theo hướng sinh thái học: chọn lọc cây trồng và vật nuôi phù hợp với loại đất thông qua sử dụng đất một cách khoa học để cải tạo đất. Ví dụ: vừa khai hoang lấn biển xong đất còn mặn ban đầu có thể trồng cói vài năm; khi đất giảm mặn có thể chuyển sang trồng các giống lúa mới.

 

Câu 55. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày đặc điểm tài nguyên khoáng sản nước ta. Tại sao phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản?

Gợi ý trả lời

1. Đặc điểm  tài nguyên khoáng sản nước ta

a) Về cơ cấu: có đủ loại khoáng sản (nhiên liệu, kim loại, phi kim loại…).

- Khoáng sản nhiên liệu: 

+ Than: than gầy (Quảng Ninh), than mỡ (Thái Nguyên), than nâu (Lạng Sơn), than bùn (U Minh).

+ Dầu khí: thềm lục địa trong Biển Đông (bể trầm tích Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu - Mã Lai).

- Khoáng sản kim loại:

+ Kim loại đen: sắt (Thạch Khê - Hà Tĩnh, Yên Bái, Thái Nguyên), mangan (Cao Bằng), crôm (Cổ Định - Thanh Hóa).

+ Kim loại màu: bôxit (Lâm Đồng, Cao Bằng, Lạng Sơn), thiếc (Quỳ Hợp - Nghệ An, Tĩnh Túc - Cao Bằng, Sơn Dương - Tuyên Quang), đồng (Lào Cai, Yên Bái), chì, kẽm…

- Khoáng sản phi kim loại: apatit (Cam Đường - Lào Cai), đá vôi (ở miền Bắc), đất sét có ở nhiều nơi, cát thuỷ tinh ở ven biển…

b) Về quy mô: không đồng đều về trữ lượng.

- Phần lớn các mỏ có quy mô nhỏ, chỉ có ý nghĩa đối với công nghiệp địa phương.

- Một số mỏ có trữ lượng lớn:

+ Bôxít: tổng trữ lượng tới hàng tỉ tấn.

+ Dầu khí, than, vật liệu xây dựng, sắt… có trữ lượng đáng kể.

c) Phân bố: phân tán theo không gian.

- Phần lớn tập trung ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, một số ở Tây Nguyên, còn ở Nam Bộ rất ít.

- Chủ yếu phân bố ở nơi khó khai thác như: miền núi, trung du, vùng thềm lục địa.

2. Tại sao phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên khoáng sản

 - Hiện nay ở nước ta nhiều nơi có hiện tượng khai thác khoáng sản bừa bãi gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

- Sự hình thành các tài nguyên khoáng sản phải mất hàng triệu năm, vì vậy khi các tài nguyên này hao kiệt thì không phục hồi được.

Câu 56. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Cho biết bão đổ bộ vào nước ta thường xuất phát từ đâu và hoạt động như thế nào.

2. Giải thích tại sao dải đồng bằng duyên hải miền Trung là vùng chịu tác động mạnh của bão.

Gợi ý trả lời

1. Bão ở Việt Nam

- Bão là vùng áp thấp gần tròn, có gió xoáy rất mạnh, kèm theo mưa to; tại vùng trung tâm gọi là "mắt bão", gió yếu hay lặng gió, trời quang, mây tạnh.

- Bão đổ bộ vào Việt Nam là từ tây Thái Bình Dương (trong khoảng 100 - 200B và 1300 - 1450Đ) hay từ Biển Đông (70 - 200B và 1120 - 1210Đ).

- Hoạt động của bão ở Việt Nam:

+ Thời gian: bắt đầu tháng 6 và kết thúc tháng 11, tập trung nhiều nhất vào tháng 9, 10, 8

+ Mùa bão chậm dần từ Bắc vào Nam: Ở khu vực phía bắc (từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa) mùa bão đến sớm và kết thúc sớm, tháng bão xảy ra nhiều nhất là tháng 8 (tần suất 1 - 1,3 cơn bão/tháng). Ở khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ mùa bão kết thúc muộn hơn (vào tháng 11, 12) trong đó tháng bão nhiều nhất là tháng 9 (tần suất 1,3 đến 1,7 cơn bão/tháng).

+ Bão hoạt động mạnh nhất ở ven biển Trung Bộ, còn Nam Bộ ít chịu ảnh hưởng của bão.

+ Trung bình mỗi năm có từ 3 - 4 cơn bão đổ bộ vào vùng biển nước ta, có năm lên tới 8 - 10 cơn bão.

2. Dải đồng bằng duyên hải miền Trung là vùng chịu tác động mạnh của bão vì:

Mùa bão trên Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 12 nhưng vào đầu mùa, bão hướng về duyên hải Hoa Nam (Trung Quốc); đến giữa mùa (tháng 7 - 9) bão hay đi vào bờ biển nước ta từ Quảng Ninh đến Bắc Trung Bộ; đến cuối mùa (10 - 12) thì chuyển vào Trung và Nam Trung Bộ. Bão tập trung nhiều nhất vào tháng 9, sau đó đến tháng 10 và tháng 8. Tổng số cơn bão của 3 tháng này chiếm tới 70% số cơn bão trong toàn mùa, ảnh hưởng của bão đến ven biển miền Trung là lớn nhất.

Vào tháng 9, tháng 10  dải hội tụ nhiệt đới nằm ở khu vực miền Trung mà bão lại thường xảy ra khi cường độ hội tụ giữa gió Tín phong và gió mùa Tây Nam được tăng cường trên đường hội tụ nội chí tuyến nên thời gian này miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão đổ bộ từ Biển Đông vào đất liền.

Câu 57. Hãy giải thích:

- Tại sao đồng bằng sông Hồng là vùng chịu ngập lụt nghiêm trọng nhất nước ta.

- Tại sao "sống chung với lũ" là cách ứng xử tốt nhất đối với tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

- Đồng bằng sông Hồng là vùng chịu ngập lụt nghiêm trọng nhất nước ta do diện mưa bão rộng, lũ tập trung trong các hệ thống sông lớn, mặt đất thấp xung quanh có đê sông, đê biển bao bọc. Mức độ đô thị hóa cao cũng làm cho ngập lụt nghiêm trọng hơn.

- "Sống chung với lũ" là cách ứng xử tốt nhất đối với tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long vì:

+ Sông Cửu Long dài, diện tích lưu vực và tổng lượng nước rất lớn, dạng lông chim cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, sự điều tiết nước của Biển Hồ nên lũ tương đối điều hòa kéo dài trong nhiều tháng.

+ Do địa thế thấp, địa hình bằng phẳng, lượng nước tập trung quá lớn trong mùa lũ và tác động của triều cường nên ở đồng bằng sông Cửu Long không thể đắp đê dọc triền sông chỉ có thể đắp đê bao theo từng vùng.

+ Từ lâu đời người dân đã thích ứng với mùa lũ. Mùa lũ mang lại nhiều lợi ích như tôm, cá, phù sa ngọt, nước ngọt để rửa phèn mặn trong đất… Các tập quán sản xuất, ngành nghề, giống cây trồng và nếp sống của người dân vùng sông nước đã được định hình trong quá trình "sống chung với lũ".

 

Câu 58. Thế nào là hoang mạc hóa? Ở Việt Nam khu vực nào có hiện tượng hoang mạc hóa điển hình? Giải pháp khắc phục vấn đề này ra sao?

Gợi ý trả lời

- Khái niệm: hoang mạc hóa là quá trình suy thoái đất do những thay đổi về khí hậu và do tác động của con người. Hiện nay trên thế giới, ước tính cứ một phút trôi qua có 10 ha đất bị hoang mạc hóa.

- Hoang mạc hóa đặc biệt tác động mạnh tới các vùng đất khô hạn mà về mặt sinh thái đã bị suy yếu. Ở Việt Nam có những vùng hoang mạc hóa điển hình như ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

- Để ngăn chặn hoang mạc hóa ở khu vực này, cần kiểm soát việc sử dụng đất, trồng trọt, chăn thả, trồng cây giữ nước, tăng độ che phủ đất bằng cách trồng cây để giữ nước và duy trì chất lượng đất. Do vậy, để hạn chế tình trạng hoang mạc hóa đang gia tăng ở Việt Nam cần phải:

+ Thực hiện các kế hoạch quốc gia về sử dụng đất bền vững và quản lí lâu bền tài nguyên nước.

+ Đẩy nhanh các chương trình trồng cây theo hướng tập trung vào những loài cây phát triển nhanh, các cây bản địa có sức chịu hạn tốt.

+ Tạo điều kiện giảm nhu cầu củi đốt thông qua các chương trình sử dụng các loại năng lượng có hiệu quả và năng lượng thay thế.

+ Những người sống ở nông thôn cần có ý thức về bảo vệ đất và nước, biện pháp nông, lâm kết hợp với hệ thống tưới tiêu phù hợp. Cần phải có các chương trình quốc gia chống hoang mạc hóa nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về các biện pháp giải quyết vấn đề này.

+ Cải tạo các vùng đất bị suy thoái, hướng dẫn và hỗ trợ cho nhân dân thay đổi lối sống và cách thức sử dụng tài nguyên đất.


................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.

iDiaLy.com - Tài liệu , videos địa lý miễn phí
- Kênh youtube.idialy.com
- Kênh tiktok.idialy.com
- Nhóm: nhom.idialy.com - group.idialy.com - iDiaLy.HLT.vn
- Trang: trang.idialy.com - fanpage.idialy.com - DiaLy.HLT.vn
- Webiste/app: idialy.com
Lop4.idialy.com - Lop4.HLT.vn
Lop6.idialy.com - Lop6.HLT.vn
Lop7.idialy.com - Lop7.HLT.vn
Lop8.idialy.com - Lop8.HLT.vn
Lop9.idialy.com - Lop9.HLT.vn
Lop10.idialy.com - Lop10.HLT.vn
Lop11.idialy.com - Lop10.HLT.vn
Lop12.idialy.com - Lop10.HLT.vn
giaoan.idialy.com - giaoan.HLT.vn
tracnghiem.idialy.com
bieudo.idialy.com
atlat.idialy.com
tinhtoan.idialy.com
sodotuduy.idialy.com
dethi.idialy.com
Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn để không hiện quảng cáo nhé
iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Học sinh giỏi Học sinh giỏi 12 Lớp 12 Tin tức
Lên đầu trang