HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

Top 12 Ngành nghề nguy hiểm, chịu nhiều áp lực nhất Việt Nam hiện nay

Top 12 Ngành nghề nguy hiểm, chịu nhiều áp lực nhất Việt Nam hiện nay

Top 12 Ngành nghề nguy hiểm, chịu nhiều áp lực nhất Việt Nam
Nghề giáo viên

1. Nghề giáo viên

    Tôi tin rằng, đại đa số những ai đang làm trong ngành giáo dục cũng sẽ đồng tình với nhận định này: Nghề giáo là một trong những nghề nguy hiểm nhất hiện nay. Đó phải chăng quá nghịch lý khi mà nghề giáo luôn được xem là nghề cao quý nhất trong các nghề, vậy lý do là gì mà lại xếp nghề giáo là một trong những nghề nguy hiểm nhất?
    Qua các sự việc gây xôn xao dư luận về nghề giáo trong thời gian vừa qua, trong đó có các vụ bạo hành xâm phạm thân thể, nhân phẩm giáo viên như vụ phụ huynh dùng lời nói ép cô giáo trẻ phải quỳ gối ở Long An; vụ phụ huynh xông vào trường ép cô giáo quỳ xin lỗi và hành hung cô giáo đang mang thai dẫn đến dọa sẩy thai ở Nghệ An,... Đó thật sự là một bức tranh đầy đắng cay, tủi nhục và chua xót cho nghề giáo.
    Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh và có cả vụ các giáo viên dùng các hình phạt “kinh khủng” đối với học sinh như “phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng”, “giáo viên bắt học sinh liếm bàn”, “giáo viên phạt học sinh ăn ớt”, hay các bảo mẫu hành hạ tàn nhẫn đối với các trẻ em… Các hành động trên đã xảy ra đã để lại nhiều tiếng “xấu” cho ngành giáo dục, các giáo viên trên đã bị xử lý thích đáng. Có người bị cho thôi việc, có người bị khởi tố để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
    Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của bức tranh giáo dục, vẫn còn rất nhiều các giáo viên luôn tâm huyết với nghề, ngày đêm miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị cho các tiết học, là người cầm lái con đò tri thức đưa tất cả tất cả học sinh về bến đỗ an toàn. Nhưng trong việc giảng dạy và giáo dục, đôi khi vì tình yêu thương học sinh vì mong muốn học sinh tiến bộ, mong học sinh trở thành người tốt nên có khi người giáo viên đã dùng lời nói hay thước kẻ đánh nhẹ để dạy dỗ học sinh. 
    Thế nhưng, phụ huynh lại không nhận ra điều đó và chính sự yêu thương, bao che quá đáng từ phía phụ huynh đã dẫn đến những lần phụ huynh bạo hành giáo viên ngay trên bục giảng hay trên đường tới trường. Chính vì thế, giáo viên ngày nay khi đi đến lớp không chỉ mang theo cặp giáo án mà còn có cả tâm trạng nơm nớp lo sợ.
    Đó là chưa kể đến những áp lực “khủng khiếp” về thành tích mà lãnh đạo áp đặt, giáo viên không còn cách nào khác phải “chạy đua” theo những điều giả tạo, ảo tưởng, phi lý về những con số “trên trời” như 100% lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%,…. Và còn rất rất nhiều những nỗi lo, áp lực khác nữa.
    Mỗi nghề mỗi nghiệp, mỗi nghề có những áp lực, khó khăn riêng nhưng nếu thiếu tình yêu với nghề, thiếu kĩ năng sư phạm, thiếu sự đồng thuận giữa gia đình - nhà trường - xã hội thì nghề dạy học có còn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý? Và đến khi nào những áp lực trong nghề dạy học mới được gỡ bỏ thì người dạy học mới đúng là những kĩ sư tâm hồn, người giáo viên nhân dân!

2. Bộ đội biên phòng

    Bộ đội Biên phòng Việt Nam là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
    Bộ đội biên phòng là ngành, nghề chịu rất nhiều áp lực. Họ công tác xa nhà, xa quê, và thường xuyên phải tiếp xúc với nhân dân. Đảm bảo cho dân được yên giấc, đặc biệt khu vực biên giới nhạy cảm. Tại nơi đây, với tính đặc thù của nghề, họ giác ngộ nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc, xa xôi của tổ quốc.Đôi khi bộ đội biên phòng còn phải phối hợp với công an để phá án và truy bắt đối tượng tội phạm nguy hiểm trốn sang nước ngoài...

3. Nghề lính cứu hỏa

    Chiến đấu với lửa và cứu các nạn nhân khỏi một tòa nhà đang cháy có lẽ chính là hình tượng mà ai cũng nghĩ đến khi nhắc đến người lính cứu hỏa. Ở đâu có cháy, ở đó có lính cứu hỏa, chỉ cần gọi và trong tích tắc họ sẽ có mặt dù bất cứ nơi đâu. Nguy hiểm ư? Họ không màng điều đó,... và họ làm tất cả cho đến khi đám cháy bị dập tắt và cứu được những người gặp nạn. Và đó cũng là lý do vì sao, lính cứu hỏa được xem là những người anh hùng trong thời bình.
    Nói về nghề chữa cháy, các cán bộ chiến sĩ chữa cháy thường nói vui: Đây là cái nghề người ta chạy ra (khi có cháy) để tránh khỏi lưỡi lửa, còn mình thì chạy vô, "giáp lá cà" với "giặc lửa" để cứu người, cứu tài sản. Làm nghề lính cứu hỏa nghĩa là cứ có cháy là phải chạy. Việc lên ca trực 24/24 là điều thường xuyên xảy ra. Bởi một trung tâm cảnh sát PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu số cán bộ công nhân viên trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể… hoạt động hết công suất! Cuộc sống, công việc của các anh đối diện với hiểm nguy hàng ngày.
    Là con người ai mà chẳng có những nỗi sợ, với những người lính cứu hỏa, họ sợ nỗi đau của sự chết chóc. Cái chết ấy có thể không đến với họ nhưng rất có thể là đồng đội, những nạn nhân xa lạ họ chưa từng quen biết.
    Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ, những người lính cứu hỏa cũng vậy. Nhưng nỗi sợ của họ không chỉ là sự mất mát của cá nhân, nỗi đau của thể xác, nỗi sợ của họ còn bao gồm cả sự mất mát, đau thương của những nạn nhân trong thảm họa. Họ là những người anh hùng thầm lặng giữa thời bình, hy sinh cả tuổi trẻ thênh thang để gìn giữa sự an toàn cho xã hội, cộng đồng.

4. Nhà báo

    Có thể sẽ có nhiều người ngạc nhiên vì sao lại xếp Nhà báo là một trong những ngành nghề nguy hiểm, chịu nhiều áp lực nhất Việt Nam. Nguy hiểm bởi luôn đối diện với sự thật. Sự thật vốn nghiệt ngã lại càng nghiệt ngã hơn khi sự thật đó lại chứa sau nó cái ác, cái xấu,.. Thực tế thì thế giới cũng đã từng liệt nghề làm báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất, và ở nước ta có lẽ cũng không ngoại lệ. Không ít nhà báo gặp nạn ngay trước mặt lực lượng chức năng nhưng không được bảo vệ kịp thời. Biết là vậy, nhưng "Không dấn thân vào nguy hiểm, nhà báo đó là kẻ thất bại" - như lời của Nữ nhà báo Đỗ Mai Lan đã khẳng định.
    Không chỉ nguy hiểm, Nhà báo còn phải chịu rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực thời gian. Báo chí là sản phẩm "tươi sống", gắn liền với sự kiện trong dòng chảy thời sự nên nhà báo phải giao sản phẩm về tòa soạn đúng giờ, đúng ngày, đúng thời điểm, đúng cam kết... Với cuộc cạnh tranh của báo điện tử hiện nay, đưa tin trước 10 -20 phút đã rất quí giá, nếu chậm một vài giờ thì có thể tin đó không còn được sử dụng. Phát hiện vấn đề nhanh, tác nghiệp nhanh và kỹ năng tốt thì nhà báo mới vượt quan được áp lực thời gian. Áp lực thời gian còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt gia đình. Với các nam nhà báo đã khó khăn, với các nữ nhà báo còn lo chồng con, cơm nước thì việc đi làm không tính theo giờ hành chính, bất kể giờ giấc, là một thách thức đối với mối quan hệ gia đình.

5. Nghề xây dựng

    Khắp mọi nơi trên thế giới người ta đang không ngừng xây dựng, vì vậy nghề xây dựng thu hút một lượng lớn lao động tham gia. Tuy nhiên, làm việc trong ngành xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thậm chí những người được đào tạo tốt nhất cũng có thể bị ngã, điện giật hoặc mắc kẹt. Họ cũng phải chịu đựng nguy cơ liên quan tới hóa chất mạnh, hơi khói và các phân tử độc hại. Dụng cụ bảo hộ lao động có thể bị đâm thủng và không bảo vệ được họ.
    Tai nạn gây thương vong nhiều nhất ở công trường xây dựng là rơi từ trên cao. Ngoài ra, cháy nổ, giật điện, tiếng ồn, độ cao, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ánh sáng quá sáng hoặc quá tối, khói bụi, amiang... cũng là những nguồn nguy hiểm cho các công nhân xây dựng.
Cứ tìm kiếm và thử gõ từ khóa: "tai nạn lao động" thì chắc chắn google sẽ trả về cho bạn đến 80% các kết quả là thuộc về nghề xây dựng.

6. Lái xe

    Nghề lái xe không chỉ đơn giản là nghề ngồi sau vô lăng, và đi mà nghề này là nghề làm bạn với đường. Lái xe có rất nhiều kiểu: lái xe taxi, đường dài, lái xe bus...nhiều người cho rằng đây là một nghề tương đối an toàn trong xã hội, với thu nhập khá cao và nhàn hạ theo kiểu "nắng không đến mặt, mưa không đến đầu"… 
    Tuy nhiên, chỉ khi vào nghề rồi thì mới thấy, nghề này khá vất vả, cũng có nhiều mối nguy hiểm rình rập người tài xế nhất là ở các thành phố lớn... 
    Mức thu nhập thấp, làm việc nhiều giờ và có thể lái xe khách, taxi họ gặp nhiều người khách say rượu, mất lịch sự… khiến người lái xe không thể tập trung vào công việc dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Không những vậy, họ còn là một trong những đối tượng dễ bị cướp hơn bất cứ nghề nào. 
    Lái xe bus hay xe khách, lại vất vả kiểu khác. Luôn phải căn giờ và đi lại với cường độ chóng mặt trên đường. Còn lái xe đường dài bạn sẽ thường xuyên phải đi đêm, rất nguy hiểm. Đây là nghề vất vả, và đòi hỏi bạn phải có sức khỏe bạn mới có thể theo nó được.

7. Nhân viên cao cấp ở các tập đoàn lớn

    Để được vào làm việc cho các tập đoàn lớn vốn đã không phải điều đơn giản. Vậy hãy tưởng tượng nếu là nhân viên cao cấp của họ, bạn phải có khả năng đến mức nào. Nhận một mức lương cao chót vót mà nhiều người mơ ước, bạn phải nghĩ ra các chiến lược tốt, đảm bảo mọi kế hoạch được triển khai nuột nà và điều khiển cho cấp dưới phối hợp làm việc nhịp nhàng. 
    Cái áp lực của bạn là cái mà người khác khó có thể thấu hiểu. Bạn áp lực với chính bản thân bạn, áp lực với cường đồ công việc dầy đặc và với những chiến lược kinh doanh quy mô. Đây là nghề tuy nhiều tiền, nhưng chắc chắn không dễ dàng gì.

8. Phi công

    Đam mê đưa những người làm nghề này lên bầu trời, nhưng họ phải trải qua cảm giác tính thời gian bằng số ngày xa gia đình. Do phải làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực ở môi trường trên không liên tục, một phi công phải có thị lực tốt tuyệt đối, các chỉ số sức khỏe hoàn hảo và tâm lý vững vàng. 
    Khi bạn nắm giữ hàng trăm sinh mạng trong tay và cách mặt đất hành chục nghìn km thì hoàn toàn không có chỗ cho một sai lầm, dù là nhỏ nhất. Nên đây cũng là nghề được liệt vào danh sách những nghề vất vả, nguy hiểm và áp lực nhất.

9. Nhân viên kĩ thuật ngành tự động hóa

    Hiện nay, công nghệ thế giới ngày càng phát triển, những ứng dụng của khoa học kỹ thuật được áp dụng vào cuộc sống cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự áp lực của những nhân viên làm trong ngành tự động hóa. Công nghệ luôn thay đổi từng phút, từng giờ. Chính vì thế, họ luôn phải làm việc trong môi trường với áp lực cao để đưa ra những ý tưởng của mình. 
    Chưa hết, chuyện đối mặt với sự thay đổi ý kiến của khách hàng là điều thường xuyên diễn ra. Một lượng lớn công việc sẽ phải hoàn thành lại từ đầu với hàng ngàn đô la sẽ phải chi trả cho việc đảm bảo an toàn khi làm việc với những thiết bị tiên tiến nhất.

10. Kế toán

    Nếu phải nhắc đến các nghề chịu nhiều áp lực nhất Việt Nam thì Toplist nghĩ rằng kế toán là một nghề xứng đáng nằm ở top đầu. Người làm Kế toán thường xuyên phải đối mặt với những con số khô khan. Vì vậy, họ rất dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và mất hứng thú với công việc... Nhiệm vụ chính của một người kế toán là thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu tài chính, tính toán kinh phí sản xuất và báo cáo với cấp trên,… 
    Nghề kế toán cũng rất nguy hiểm, sai một con số "0" là số tiền mất đi không hề nhỏ. Chính vì thế, cái nghề này đòi hỏi chúng ta phải liên tục suy nghĩ, cẩn thận và đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.
    Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn ngành Kế toán vì những lợi ích mà nó mang lại. Nhu cầu nhân lực kế toán sẽ tăng mạnh vì kinh tế phát triển, số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều nên cơ hội việc làm rất cao. Họ được trang bị bài bản về các phần mềm, Excel,…Ngoài ra, mức lương của ngành Kế toán thuộc dạng khá và ổn định.

11. Nghề Công an

    Công an luôn là một công việc nguy hiểm, mặc cho bất cứ nguyên nhân gì từ một cuộc tấn công khủng bố đến ách tắc, tai nạn giao thông hay trộm cướp, giết người đều cần sự có mặt của họ. Công an được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự xã hội nhưng đồng thời, phải tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp - thách thức lớn đối với mỗi người không đủ dũng cảm và kiên nhẫn. Hằng năm, báo đài đã đưa tin có rất nhiều chiến sĩ công an hi sinh khi làm nhiệm vụ. 
    Đây là ngành chịu rất nhiều áp lực không chỉ trong ngành mà dư luận của xã hội. Là ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với tội phạm nguy hiểm. Sẽ không có gì sai nếu xếp ngành công an là khối ngành nguy hiểm, và chịu nhiều áp lực nhất Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

12. Bác sĩ, y tá

    Không phải tự nhiên mà nghề Bác sĩ, y tá lại được xếp vào danh sách các ngành nghề nguy hiểm, áp lực nhất Việt Nam hiện nay. Trước hàng loạt các vụ bệnh nhân đánh bác sĩ trong thời gian gần đây, chắc hẳn một phần nào đó bạn cũng đã hiểu được lý do, đó quả thật là nỗi xót xa cho một nghề cao quý. Làm nhiệm vụ cứu người nhưng nhiều y - bác sĩ lại bị chính bệnh nhân và người nhà hành hung. Để rồi, nhiều người phải xót xa và đặt ra câu hỏi: “Tát một nhân viên hàng không, kẻ hành hung bị cấm bay. Tại sao đánh đổ máu nhân viên y tế lại không bị cấm chữa bệnh. Vì sao máu của nhân viên y tế thì không làm ai lay động cả?"
    Sự nguy hiểm ấy không phải chỉ là những chuyện chúng ta chứng kiến gần đây như bác sĩ bị hành hung, bệnh viện bị đập phá mà còn cả những hiểm nguy mà bằng mắt thường mọi người không thể thấy. Nhiều bác sĩ đã bị phơi nhiễm HIV, lây nhiễm các virus độc hại, thậm chí tử vong khi phải tiếp xúc, đối diện với bệnh tật hàng ngày.
    Những người làm việc trong ngành Y dành phần lớn thời gian của mình trong bệnh viện, phòng khám. Cảnh những y, bác sĩ ăn, ngủ tại bệnh viện luôn là chuyện rất đỗi bình thường. Họ xem bệnh viện như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Người làm việc trong ngành Y luôn phải làm việc với cường độ cao, liên tục cả ngày đêm đến kiệt sức. Rất nhiều người làm việc trong ngành Y không có khái niệm nghỉ lễ, Tết. Áp lực công việc trong những ngày đó thậm chí còn cao hơn ngày thường, nhất là với các bác sĩ, điều dưỡng ở phòng cấp cứu luôn phải đối diện với tình trạng căng thẳng vì khối lượng công việc cực kỳ cao.
    Những người làm nghề Y phải tiếp xúc với bệnh tật, máu, vi khuẩn và cả tử thi. Họ luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhiễm xạ, hóa chất độc hại, chất thải Y tế nguy hiểm…. Và chỉ một phút sơ suất, “tai nạn nghề nghiệp” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều người còn bị lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình của mình. Ngoài ra, vì công việc của nghề Y ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, nên cái giá của một phút sơ suất là vô cùng đắt!

Sự sắp xếp này theo khách quan người viết bài. Tuỳ quan điểm từng mà cho thứ tự khác nhau.

................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. idialy.com không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu có sự cố xảy ra. Cảm ơn.

iDiaLy.com - Tài liệu , videos địa lý miễn phí
- Webiste/app: idialy.com
Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn để không hiện quảng cáo nhé
iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí



Tin tức
Lên đầu trang