HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

CHÂU PHI

CHÂU PHI

1.  Vị trí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Châu  Phi nằm ở Bán Cầu Đông, đây là châu lục duy nhất  nằm trọn trong một lục địa, có đường xích đạo chạy ngang giữa, chia đôi châu Phi thành hai phần với các đới tự nhiên đối xứng nhau.
    Cực Bắc là mũi Cáp Blăng (thuộc Tuynidi) nằm ở vĩ độ 37020' B, cách Xích đạo 4144 km. Cực Nam - mũi Kim (thuộc CH Nam Phi) nằm ở vĩ độ 34051' N, cách Xích đạo 3870 km. Cực Đông - mũi Gáđaphun (thuộc Xômali) nằm ở kinh độ 51024’ Đ .Cực Tây - mũi Cáp Ve (Mũi xanh) nằm ở kinh độ 17033’T, thuộc nước Xênêgan. Theo chiều Bắc - Nam, lãnh thổ châu Phi kéo dài 8000 km.  Nơi rộng nhất chính là nơi nối hai điểm cực Đông - Tây: 7500 km.

    Lãnh thổ châu Phi rộng 29,2 triệu km2, nếu tính cả diện tích các đảo: 30,3 triệu km2 (tỷ lệ diện tích các đảo không lớn, chỉ chiếm 2% diện tích châu lục, trong khi đó tỷ lệ này ở châu Âu- 8,5%). Châu Phi chiếm 1/5 diện tích đất nổi của trái đất, đứng vị trí thứ ba trên thế giới sau  châu Á và  châu Mỹ.
    Mặc dù độ cao trung bình của lục địa Phi khá cao (750 m), nhưng độ chia cắt bề mặt địa hình ở đây không lớn. Đặc trưng chủ yếu của địa hình châu Phi là cao nguyên và bình sơn nguyên, xen kẽ giữa chúng là những bồn địa lớn như bồn địa Côngô,  Calahari, Sát và bồn địa Nin Thượng.
    Các miền đồng bằng của châu Phi chiếm diện tích không nhiều. Phần lớn chúng thường nằm trên những độ cao lớn, bao quanh lấy các cao nguyên và bình sơn nguyên. Một số đồng bằng nhỏ chạy dọc theo bờ biển phía đông, đông nam  (đồng bằng Môdăm bích và Xômali) và phía tây ven vịnh Ghinê.

    Châu Phi rất giàu có các loại khoáng sản khác nhau như quặng đa kim, kim cương, vàng, sắt, mangan, crôm, phốtphorít, bôxít và đồng.
    Các nguồn khoáng sản năng lượng chủ yếu là dầu mỏ với trữ lượng công nghiệp đã tìm thấy ở 13 nước trong châu lục, trong đó những nước có trữ lượng lớn: Libi (4 tỷ tấn), Nigiêria (2,8 tỷ tấn) và Angiêri (1,3 tỷ tấn). Các mỏ Gientin và Xeri ở Libi có trữ lượng đáng kinh ngạc: trên 1 tỷ tấn. Than đá ở châu Phi không nhiều, trữ lượng thăm dò khoảng 72 tỷ tấn (xấp xỉ 6% của thế giới). Phần lớn than tập trung ở 2 nước:  CH Nam Phi - hơn 80% và Dimbabuê  (6%).
    Châu Phi rất giàu có các mỏ kim lọai màu. Trong đó quặng đồng được tìm thấy nhiều ở tỉnh Saba thuộc Cộng hòa dân chủ Côngô (CHDC Côngô) và Cốppeben của Dămbia. Ở Saba các mỏ đồng tạo thành một dải kéo dài 300 km. Ngoài đồng, trong các mỏ này còn thường chứa côban, chì, kẽm và uran. Thiếc có nhiều ở CHDC Côngô, Burunđi và Nigiêria. Ở  Ghinê, Gana và Camêrun người ta tìm thấy những mỏ bôxít với trữ lượng lớn vào thời gian gần đây.

    Châu Phi nằm gọn giữa hai đới khí hậu cận nhiệt của Bán Cầu Bắc và Bán Cầu Nam. Do chủ yếu nằm trong các vĩ độ thấp nên hàng năm lượng bức xạ nhận được ở đây khá lớn: từ 100 - 120 Kcal/ cm2. Đặc trưng khí hậu của châu Phi là nhiệt đới nóng, khô. Nhiệt độ trung bình năm trên 200c. Hơn 1/3 lãnh thổ có lượng mưa trung bình dưới 200 mm một năm (Xahara, Namíp và Calahari). Ở một phần ba diện tích khác lượng mưa tuy khá hơn nhưng có một mùa khô kéo dài và đôi khi xảy ra hạn hán rất gay gắt. Nằm giữa hai đới khô hạn là đới khí hậu xích đạo ẩm ướt với rừng rậm thường xanh phát triển quanh năm. Với thiên nhiên như thế, khu vực này cũng không thích hợp cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người. Như vậy, điều kiện khí hậu, trước hết là chế độ mưa đã gây cho châu Phi nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có  tới 2/3 diện tích lãnh thổ đòi hỏi phải có biện pháp cải tạo đất khi sử dụng.

    Hệ thống sông, hồ trên lục địa có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng, đặc biệt những sông chảy qua các miền khô hạn như sông Nin, Orangiơ và Nigiê. Ở nhiều nơi nước ngầm đóng vai trò chủ yếu trong việc cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu. Trữ lượng lượng ngầm được đánh giá khoảng 70 tỷ m3. Bể nước ngầm lớn nhất nằm ở vùng sa mạc Xahara thuộc Angiêri và Libi. Tiềm năng thuỷ điện của châu lục khoảng 70 triệu kw, chỉ đứng sau châu Á, nhưng hiện nay mới sử dụng được hơn 1,5%. Những sông có tiềm năng thuỷ điện lớn là Côngô, Dămbedơ, Nigiê và sông Nin. Các hồ nước ngọt và sông là nơi có thể phát triển ngành đánh bắt cá nội địa, về mặt này châu Phi chỉ thua kém châu Á. Trong đó quan trọng nhất là các hồ Víchtoria, Tanganica, Ruđônphơ, Sát và các sông Nigiê, Côngô, sông Nin.
    Đất có khả năng phát triển thực vật chỉ chiếm 2/3 diện tích lãnh thổ. Phổ biến nhất trên toàn lục địa là đất feralít với các màu khác nhau:  đỏ vàng ở các miền rừng nhiệt đới ẩm ướt, màu đỏ ở các vùng rừng ẩm theo mùa, nâu đỏ – rừng thưa, đỏ xám – vùng xa van khô, xám đỏ – vùng xa van bán hoang mạc. Nhìn chung lớp thổ nhưỡng ở châu Phi kém màu mỡ, lượng mùn thấp hơn từ  4- 10 lần so với các vùng đất trồng của châu Âu.
    Hệ thực vật châu lục khá phong phú và đa dạng. Giá trị nhất gỗ với trữ lượng ước tính 35 – 38 tỷ m3. Phần lớn số gỗ này phân bố ở miền rừng xích đạo. Châu Phi cũng là quê hương của các cây chà là, côla, cây bánh mì, baobáp, cây keo vv…
Châu Phi đặc biệt giàu có và phong phú các động vật tự nhiên, trong đó có nhiều loài động vật lớn có vú sống thành từng đàn rất đông cần được bảo vệ. Tuy nhiên nơi đây cũng có những loài côn trùng và sâu bọ phá hoại mùa màng (nạn châu chấu, ruồi xê xê) gây thiệt hại ước tính từ 25 – 30% sản lượng thu hoạch hàng năm. 

2. Dân cư – xã hội

2.1. Dân cư 

    Châu Phi – châu lục rất phong phú đa dạng xét theo nguồn gốc, sắc tộc, đặc điểm dân số, bản sắc dân tộc, quá trình nhập cư và cơ cấu kinh tế - xã hội. Với cái tên gọi chung "Người Phi" không thể nào thể hiện được hết những sự khác nhau về sắc thái màu da, tiếng nói, tôn giáo…của người dân nơi đây.

    Đại bộ phận người Phi thuộc hai đại chủng tộc lớn: Nêgrôít  và Ơrôpôít.
     Thuộc Ơrôpôít chủ yếu gồm người Arập và Bécbe sống ở khu vực các nước Bắc Phi. Họ là những cư dân đã có mặt ở đây từ rất lâu đời, hiện nay  chiếm 25% dân số toàn châu lục.
      Người Nêgrôít chiếm hơn 60% dân số châu Phi, phân bố chủ yếu phần phía nam sa mạc Xahara. Thuộc chủng này gồm có những nhóm chính như: nhóm Xuđăng khá tiêu biểu cho chủng tộc Nêgrôit (tốc quăn, lông và râu ít, thân hình cao to, vạm vỡ, da đen bóng, chân tay dài, môi rất dày) phân bố từ thượng Ghinê tới Xuđăng; nhóm Nigiê - Côngô (gồm người Ibibiô, Côngô, Luba, Ruanđa, Xôna, Malavi, Dudu)  sống ở khu vực trung tâm và đông - nam châu Phi; nhóm Kva (gồm  người Iarúpba, Acan, Ibo) cư trú ở Tây Phi; nhóm Tây Đại Tây Dương  (người Phunbe) sống rải rác ở khu vực Tây Phi; nhóm Manđe (người Malinke) cũng sống phân tán ở khu vực Tây Phi; nhóm Trung Phi gồm những người Nêgrin sống ở vùng rừng xích đạo có tầm vóc thấp, tiêu biểu cho nhóm là các bộ lạc người Picmê (còn gọi là nguời “bé nhỏ”, cao trung bình 1,25 - 1,35 m, da đen, tóc dài, quăn, đầu to, trán dô, sống chủ yếu bằng nghề săn bắn, hái lượm); nhóm Nam Phi gồm người Busman cư trú  chủ yếu ở vùng bồn địa Calahari  với  nhiều đặc điểm giống người châu Á (màu da từ vàng đến nâu, mí mắt trên phát triển, môi dày, mũi rộng, tóc xoăn), người Hôtentô ở vùng hoang mạc Namíp.
    Người châu Âu di cư tới đây từ thời kỳ thực dân hoá. Họ chiếm khoảng 3% dân số châu Phi, bao gồm  người Anh, Hà Lan, Pháp, Italia, … 
Hiện nay tỷ lệ gia tăng tự nhiên của châu Phi vào loại cao nhất thế giới: 2,4%/ năm (thế giới- 1,3%), thậm trí khu vực Tây Phi - 2,7%, Trung Phi - 3,0%. Gia tăng tự nhiên cao chủ yếu do tỷ lệ sinh cao: 38%o (thế giới - 22%o) còn  tỷ lệ tử vong được hạ thấp: 14/ %o (thế giới 9%o). Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 45% trong tổng số dân, trong khi đó số người già trên 60 tuổi chỉ chiếm 3%.  Dân số châu lục tăng rất nhanh  trong những năm gần đây, đó là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 
    Mật độ trung  bình  phân bố dân cư toàn châu lục: 27 người/ km2 (thế giới – 46 người), tuy nhiên có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực và các nước.                
   Tỷ lệ thị dân cao nhất gồm hai khu vực: Bắc Phi (Libi  -  86%, Tuynidi – 61%, Angiêri – 56%) và CH Nam Phi (60 %) chủ yếu dựa trên cơ sở phát triển công nghiệp. Tỷ lệ thị dân thấp nhất ở các nước Êtiôpia – 16%, Uganđa – 14%, Burunđi và Ruanđa – 5%...là những nước nông nghiệp lạc hậu, chậm phát triển.

2.2. Tình hình chính trị - xã hội.

    Quá trình tự nhiên của sự phát triển kinh tế – xã hội châu Phi đã bị phá vỡ bởi sự can thiệp của người châu Âu.
    Bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, châu Phi bước vào một thời kỳ lịch sử đen tối -  thời kỳ bị các nước châu Âu xâm chiếm và tàn phá . Đầu tiên là sự xuất hiện các thương điếm mua nông sản của người Bồ Đào Nha. Nhưng từ thế kỷ XVI, khi châu Mỹ cần nhiều lao động để khai mỏ và mở mang các đồn điền, các thương điếm này chuyển sang buôn bán người da đen châu Phi sang châu Mỹ. Một vùng rộng lớn từ 16- 170 B đến 200 N xuất hiện nhiều trạm thu gom nô lệ nằm dọc ven bờ Đại Tây Dương. Các trạm này do người châu Âu tổ chức nhưng sự thực hiện lại chủ yếu bởi bàn tay của chính người Phi. Các nô lệ từ đây được đưa về các chợ nô lệ ở châu Âu, hoặc chuyển thẳng sang châu Mỹ bán cho các chủ đồn điền và hầm mỏ.
    Các nước chính quốc đã tiến hành những chính sách cai trị khác nhau đối với thuộc địa cuả mình. Ví dụ, người Pháp đã sử dụng hệ thống điều hành trực tiếp, lập ra các đơn vị hành chính, đồng thời cố gắng thu hút giới thượng lưu người Phi hoà nhập vào nền văn hoá và lối sống Pháp. Ở một mức độ nhất định, kết quả của chính sách này cho tới nay vẫn còn thể hiện qua mối quan hệ chặt chẽ về mặt kinh tế và quân sự giữa Pháp với các nước thuộc địa châu Phi trước đây. 
    Bước sang thế kỷ XX, liên quan tới những biến động ở các nước chính quốc, một số nước châu Phi dần dần đã thoát khỏi ách cai trị của các nước đế quốc và  đã giành được độc lập ở các mức độ khác nhau. Năm 1910, Liên bang Nam Phi được hưởng quy chế tự trị. Vào năm 1922  Ai Cập được độc lập về mặt hình thức. Sau đại chiến thế giới thứ II, cùng với phong trào giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhân dân châu Phi đã đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1956 ba nước Marốc, Tuynidi và Xuđăng đã trở thành những nước có chủ quyền.  Đáng chú ý nhất là năm 1960 – năm được coi là một mốc son quan trọng  trong lịch sử phát triển của "Lục địa đen": 14 nước đã đựơc trao trả độc lập trong năm này. Đến năm 1990, Namibia là nước cuối cùng giành được độc lập từ tay CH Nam Phi. Hiện nay trên lãnh thổ châu Phi, trừ  Xarauy vẫn tạm thời bị chiếm đóng bởi quân đội Marốc theo điều lệ của Liên Hợp Quốc, còn lại tất cả các nước (6 nước Bắc Phi và 48 nước thuộc khu vực nam Xahara) đều hoàn toàn là những quốc gia độc lập.

3. Kinh tế

3.1. Nông nghiệp.

    Sản xuất nông nghiệp châu Phi còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, các nạn hạn hán, nạn côn trùng thường xuyên gây thiệt hại cho mùa màng và gia súc. Hiện nay, trong số hơn 20 % diện tích đất tự nhiên có khả năng canh tác nông nghiệp, châu Phi mới sử dụng được một nửa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hệ thống tưới tiêu kém phát triển, không được đầu tư xây dựng đúng mức. Giữa các nước có sự khác nhau rất lớn trong việc khai thác và sử dụng diện tích đất tự nhiên vào sản xuất nông nghiệp. Một số nước như  Trung Phi, Kênia, Libêria mới chỉ sử dụng được từ 1 – 10% diện tích lãnh thổ, trong khi đó ở Môdămbích, Mađagátxca, Ruanđa, Êtiôpia, CH Nam Phi, Xiera Lion mức độ sử khai thác đạt khá cao – 60%. Phần lớn diện tích đất đã khai thác được sử dụng vào hoạt động chăn nuôi  (chiếm 83,2 % trong cơ cấu đất nông nghiệp), đất trồng trọt – 15,1%, đất trồng rừng lấy gỗ - 1,7%. Nhìn chung mối quan hệ qua lại giữa hai ngành trồng trọt và chăn nuôi phát triển kém.  
    Ngành trồng trọt chiếm vị trí số một trong nông nghiệp. Sản phẩm của ngành chiếm 65 – 80% tổng thu nhập quốc dân của các nước châu lục. Ngành trồng trọt được phát triển theo hai hướng: 1) Trồng những cây có sản phẩm xuất khẩu; 2) Sản xuất lương thực cung cấp cho người dân địa phương. Ở nhiều nước ngành này mang tính độc canh (Xênêgan – lạc, Êtiôpia – cà phê, Gana – cacao) hoặc chuyên môn hoá theo hướng trồng một số loại cây công nghiệp để xuất khẩu.
    Cà phê là cây trồng quan trọng của châu Phi: chiếm 18.4% sản lượng  cà phê thế giới. Cây cà phê được trồng nhiều ở Đông Phi: Êtiôpia, Uganđa;  ở khu vực Tây Phi: Cốtđivoa; Trung Phi: CHDC Côngô và Ăngôla.
Chăn nuôi là ngành phổ biến ở tất cả các nước châu Phi, đặc biệt tại các nước có khí hậu khô hạn như Môritani, Xômali, Xuđăng vv…Tuy nhiên chăn nuôi chủ yếu trong tình trạng du mục và bán du mục hoặc chăn thả tự do trên các bãi cỏ. Mặc dù châu Phi có tỷ lệ gia súc khá cao theo đầu người, nhưng với hình thức chăn nuôi quảng canh , kỹ thuật lạc hậu nên giá trị hàng hoá thấp. Nhiều nước vẫn không đủ đảm bảo lượng thịt, sữa cần thiết cho người dân.
    Trong đại gia súc có sừng (215 triệu con), bò được nuôi nhiều nhất (140 triệu con) và phân bố chủ yếu ở các nước: Êtiôpia, Xuđăng, CH Nam Phi, Nigiêria, Tandania, Kênia, Ănggôla và Mađagatxca. Cừu là con vật thích hợp với thiên nhiên khô hạn châu Phi. Đàn cừu châu Phi có khoảng 228 triệu con (21,4 % thế giới), chăn nuôi cừu phát triển ở CH Nam Phi, Marốc, Xuđăng, Êtiôpia, Angiêri và Libi.
    Cùng với cừu, ở các vùng khô hạn còn phát triển chăn nuôi dê và lừa. Châu Phi có 202 triệu con dê, chiếm 29,2% tổng số đàn dê trên thế giới. Đặc biệt là ngành chăn nuôi lạc đà  làm phương tiện vận chuyển ở vùng sa mạc rất phổ biến, chỉ riêng ở Xuđăng đã có tới 2 triệu lạc đà.

3.2. Công nghiệp

    Trình độ sản xuất công nghiệp của châu Phi còn thấp, cơ cấu ngành mất cân đối, chiếm chủ yếu trong công nghiệp là các ngành khai thác khoáng sản dệt và chế biến nông sản, các ngành công nghiệp nặng phát triển chậm và không hoàn chỉnh. Nhiều ngành công nghiệp hiện đại như chế tạo thiết bị, máy móc chính xác, sản xuất các phương tiện giao thông vận tải như ô tô, xe lửa vv…bị vắng mắt ở hầu hết các nước châu Phi. Phần lớn các xí nghiệp của các ngành công nghiệp  phân bố một cách riêng lẻ. 
    Công nghiệp khai thác phân thành 4 khu vực chính:
    Đứng đầu trong các khu vực về khai thác khoáng sản là CH Nam Phi gồm CH Nam Phi (than đá, sắt, mangan, crôm, vàng, kim cương, phốtphorít, bạch kim); Dimbabuê (than đá, crôm, vàng); Namibia (uran), Bôtxoana (kim cương).
Khu vực Trung Phi: CHDC Côngô (đồng, kim cương, quặng đakim, côban); Gabông (uran, mangan); Côngô (dầu mỏ). Khu vực Tây Phi: Nigiêria (dầu mỏ); Ghinê (uran, bôxít); Libêria (sắt); Gana (mangan, vàng); Xiera Lion (bôxít); Tôgô (Phốtphorít); Môritani (sắt) . Khu vực Bắc Phi: Ngành khai thác quan trọng nhất ở đây là dầu- khí (Libi, Aicập, Angiêri), ngoài ra khu vực này còn khai thác quặng sắt (Angiêri, Tuynidi và Marốc), phốtphorít (Marốc, Tuynidi).
    Hiện nay công nghiệp dầu khí là ngành chủ lực của ngành khai thác,  chiếm gần 60% tổng giá trị của toàn ngành. Lượng dầu khai thác ở châu Phi đạt 371 triệu tấn (1997), chiếm 10% sản lượng thế giới. Trong đó Nigiêria chiếm vị trí số một (113 triệu tấn), Libi khai thác đứng vị trí số hai (70 triệu tấn), Angiêri (62 triệu tấn),  Aicập - 44 triệu tấn dầu, Ăngôla (36 triệu tấn), Gabông (18 triệu tấn). Nước khai thác nhiều khí đốt nhất là Angiêri (58 tỷ m3 khí/1995). Angiêri không những là nước xuất khẩu khí dưới dạng lỏng lớn nhất sang châu Âu, mà còn là nước có hệ thống đường ống dẫn dầu khí dài nhất ở châu Phi.
    Khai thác quặng sắt thuộc vào số những ngành phát triển nhanh. Trước chiến tranh, ngành này được tiến hành chủ yếu ở các nước Bắc Phi (Angiêri, Tuynidi, Marốc), nhưng hiện nay các nước Tây Phi đã vượt lên (Libêria, Môritani) và khu vực Nam Phi (CH Nam Phi và Dimbabuê). Theo khối lượng khai thác (đạt 20 triệu tấn năm 1977), CH Nam Phi chiếm vị trí số một ở châu Phi. 
    Châu Phi đóng vai trò đặc biệt trong khai thác vàng, kim cương và các kim loại quý hiếm. 
    Công nghiệp chế biến của châu Phi (trừ CH Nam Phi) còn trong tình trạng phát triển chậm, không hoàn chỉnh, lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật so với các châu lục khác. Châu Phi chiếm chưa tới 1% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến toàn thế giới.
    Ngành chế biến thực phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Đứng đầu trong nhóm ngành này là các ngành chế biến dầu thực vật gồm có: dầu cọ, dầu ô lưu và dầu lạc. Châu Phi chiếm 80% dầu cọ xuất khẩu trên thế giới; sản xuất dầu cọ phát triển ở Nigiêria, Gana, Camơrun và CHDC Côngô. Dầu ôliu  chiếm 14% sản lượng của thế giới, đựơc sản xuất ở các nước Bắc Phi ( Angiêri, Marốc, Tuynidi) và CH Nam Phi. Sản phẩm rượu vang của châu Phi chiếm 11% sản lượng thế giới. Phần lớn dầu ôliu và rượu vang được xuất khẩu, chiếm tới 50% lượng hàng xuất khẩu trên thế giới. Chế biến dầu lạc chiếm 12% sản lượng của thế giới và 50% số lượng xuất khẩu. Ngoài ra châu Phi còn phát triển các ngành xay xát , chế biến đồ hộp…
    Những năm gần đây, ngành lọc dầu còn được phát triển khá mạnh ở Aicập, Libi, Marốc, Angiêri, Nigiêria và CH Nam Phi. Trong đó những nhà máy có công xuất lớn nhất phân bố ở CH Nam Phi (21 triệu tấn) và Nigiêria  (13 triệu tấn).

3.3. Dịch vụ

    Những năm gần đây, một số loại hình giao thông khác nhau đã được chú ý phát triển như đường ôtô, đường hàng không và đường ống. 
    Những năm gần đây giao thông hàng không đã có sự phát triển đáng kể. Ngành này đã đảm nhận chuyên chở phần lớn lượng hành khách cũng như những hàng hoá có giá trị, cần vận chuyển nhanh giữa các nước trong nội bộ châu lục cũng như giữa châu Phi với các châu lục khác. Châu Phi hiện có 1500 sân bay các loại khác nhau. Trong đó có một số sân bay thuộc loại lớn trên thế giới như các sân bay ở Cairô, Rabát, Đaca, Lagốt, Giôhanetxbua. Trước kia khai thác các tuyến hàng không chủ yếu do các hãng Tây Âu đảm nhận, nhưng hiện nay  các hãng trong nước đã đảm nhận hơn một nửa số các tuyến đường bay.
    Giao thông đường biển đảm nhận việc chuyên chở hàng ngoại thương. Lưu lượng vận chuyển hàng ngoại thương gấp 1,5 lần hàng nội địa. Khai thác các tuyến đường chủ yếu do các đội tầu nước ngoài đảm nhận. Chỉ 2- 3% khối lượng hàng vận chuyển được thực hiện bởi các đội tầu của châu Phi. Mặc dù rất nhiều tầu mang cờ Libêria, nhưng thực chất đó là các tầu nước ngoài mượn danh nhằm giảm bớt các chi phí như bảo hiểm, thuế … Châu Phi có khoảng 100 cảng biển có thể tiếp nhận được tầu lớn, trong số đó có những cảng lớn  như  Đaca, Lagốt, Képtao, Đuốcbân, Mambaxa.
    Ngoại thương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với châu Phi, bởi vì thông qua ngoại thương một phần lớn các sản phẩm của các ngành xuất khẩu được xuất đi.  Ngoại thương cũng là yếu tố chủ yếu trong mối quan hệ quốc tế của các nước châu lục. Mặc dù tỷ lệ ngoại thương chỉ chiếm 2,6% tổng giá trị ngoại thương thế giới, nhưng thông qua ngoại thương hơn 1/4 tổng thu nhập quốc dân của châu Phi đã được thực hiện. Ngoại thương cũng bổ xung tới 4/5  ngân sách cho các nước châu Phi.  Hàng xuất khẩu chủ yếu là các khoáng sản thô bao gồm: dầu mỏ từ Nigiêria, Angiêri, Libi; đồng - Dămbia, CHDC Côngô; sắt -   Libêria, Môritani; Măngan -  Gabông; kim cương -  CH Nam Phi, CHDC Côngô…
    Châu Phi phải nhập khẩu hàng hoá công nghiệp, tư liệu sản xuất, thiết bị máy móc và hàng hoá tiêu dùng. Ngoài ra lương thực cũng là mặt hàng nhập khẩu quan trọng đối với nhiều nước của châu lục. Trao đổi buôn bán của châu Phi chủ yếu với các nước Tây Âu. Nhưng sau Đại chiến Thế giới lần thứ II, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức đã từng bước tìm cách len chân vào thị trường châu Phi.

4. Sự phân hóa theo lãnh thổ

    Trên lãnh thổ châu Phi có thể chia ra 5 khu vực lớn, mỗi khu vực gồm một số nước kề liền nhau và có sự tương đồng về các điều kiện địa lý.

a. Bắc Phi

    Khu vực này bao gồm các nước ven Địa Trung Hải. Dân cư sống ở đây chủ yếu là người Arập và người Bécbe. Trong điều kiện khí hậu khô hạn, vấn đề tưới tiêu trong nông nghiệp cũng như việc cung cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt của con người đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực. Ở  đây dân cư sống tập trung chủ yếu  theo dải dọc ven biển và những nơi có nguồn nước. Huyết mạch duy nhất cung cấp nước của khu vực là sông Nin. Các tụ điểm công nghiệp trong khu vực tập trung chủ yếu dọc bờ Địa Trung Hải  bao gồm Cairô, Alêxanđria, Tripôli, Angiê, Rabát, Tuynit…Các trung tâm công nghiệp trong miền samạc hầu hết đều có liên quan tới các mỏ dầu và khí đốt như ở các nước Angiêri và Libi. Ngoài ra một vài trung tâm còn liên quan các nguồn khoáng sản khác, ví dụ như mỏ phốtphorít ở Marốc.

b. Tây Phi

    Khu vực Tây Phi là khu vực tương đối giàu có và phong phú nhiều tài nguyên thiên nhiên khác nhau như các mỏ sắt với trữ lượng lớn, mỏ mangan, bôxít. Ngoài ra ở đây còn có thiếc, vàng, kim cương và dầu mỏ.
    Khu vực này cũng nổi bật với sự phân chia nhỏ lãnh thổ thành nhiều quốc gia  (gần 20) và khá pha tạp về mặt chính trị. Sự phức tạp về sắc tộc, ngôn ngữ chính là một rào cản quan hệ giữa các nước trong khu vực. Đa số các nước trong khu vực đều phát triển khai thác một vài loại quặng, ví dụ như khai thác quặng sắt - Môritani, Libêria, quặng bôxít - Ghinê, uran-  Nigiê. Đặc  biệt Nigiêria ngày nay đã trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới. Hầu hết các khoáng sản khai thác được đều dùng để xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến của khu vực mới chỉ phát triển ở giai đoạn đầu tiên.

c. Đông Phi 

    So với những khu vực khác, Đông Phi nghèo tài nguyên khoáng sản hơn. Kinh tế các nước trong khu vực chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm  nông nghiệp như cà phê - Êtiôpia, Kênia và Uganđa, chè -  Kênia, bông -  Tandania, Uganđa, Kênia hoặc xuất khẩu da súc vật -  Êtiôpia, Tandania. Ngoài ra ở Xômali và Burunđi còn phát triển chăn nuôi đại gia súc có sừng. Lương thực của người dân nhiều nước trong khu vực chủ yếu là kê, ngô, cao lương, hạt bobo, khoai lang và sắn. Ngành công nghiệp phát triển kém, bao gồm phần lớn các xí nghiệp sơ chế sản phẩm của ngành trồng trọt và chăn nuôi, xí nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ. Các ngành công nghiệp nặng ở đây hầu như vẫn còn vắng mặt.

d. Trung Phi.

    Nằm ở giữa lục địa Phi, Trung phi là khu vực giầu có các tài nguyên khoáng sản. Ở  đây có nhiều mỏ đồng phân bố trên vùng giáp ranh giữa CHDC Côngô và Dămbia; các mỏ kim cương, côban, kẽm, chì  ở CHDC Côngô; quặng sắt -  Gabông, Dămbia; mangan - Gabông, CHDC Côngô. Gần đây Gabông, Côngô đã phát hiện và tiến hành khai thác các mỏ dầu.     Ngành nông nghiệp của khu vực chủ yếu chuyên môn hoá các sản phẩm như cà phê, cacao, caosu, chuối và hoa quả khác. Ở một số nước, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu.

e. Nam Phi 

    Đây là khu vực rất giàu có các loại khoáng sản khác nhau như kim cương, vàng, crôm, sắt, quặng đa kim, than đá. Phần lớn các mỏ phân bố tập trung ở CH Nam Phi và Dimbabuê. Hai nước này cũng là những nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển nhất khu vực.
    Sản phẩm của ngành trồng trọt của phần lớn các nước CH Nam Phi ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu, trong đó ưu thế hơn cả là ngô và lúa mì.
    Một số nước như Dimbabuê, Bôtxoana và Lêxôthô còn  có sản phẩm của ngành chăn nuôi bao gồm len, mảnh lông cừu non, da và sừng gia súc phục vụ cho xuất khẩu. So với những khu vực khác, trong nội bộ Nam Phi có sự phân hoá khá lớn về mức độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các nước. 


................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. idialy.com không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu có sự cố xảy ra. Cảm ơn.

iDiaLy.com - Tài liệu , videos địa lý miễn phí
- Webiste/app: idialy.com

Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn để không hiện quảng cáo nhé
iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí



Châu Phi Tin tức
Lên đầu trang