HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

KỲ BÍ DÒNG SÔNG SÔI TRONG LÒNG AMAZON 7

KỲ BÍ DÒNG SÔNG SÔI TRONG LÒNG AMAZON 7

KỲ BÍ DÒNG SÔNG SÔI TRONG LÒNG AMAZON

KỲ BÍ DÒNG SÔNG SÔI TRONG LÒNG AMAZON

PAITITI


Tháng 5 năm 2014, buổi tối đầu tiên tôi trở lại Mayantuyacu. Tôi ngồi dưới ánh đèn điện của maloca, chuẩn bị cho công việc thực địa. Chiếc máy tính xách tay của tôi đang được sạc điện trong tiếng ầm ì của chiếc máy phát điện tại Mayantuyacu. Đại sư nói rằng các linh hồn không thích tiếng ồn.

Tôi không nghi ngờ là một ngày nào đó Mayantuyacu sẽ có điện suốt ngày đêm, đường dây điện thoại và truy cập Internet. Những thứ này sẽ giúp đời sống cộng đồng dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và thoải mái hơn, đồng thời hỗ trợ đắc lực việc giám sát cũng như những nỗ lực bảo tồn, bảo vệ khu vực. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể không cảm thấy một chút e ngại về việc điều này sẽ thay đổi cuộc sống nơi đây ra sao.

Chín tháng kể từ lần cuối cùng tôi tới thăm, những thay đổi mạnh mẽ đã xảy ra – những thay đổi đúng như José đã dự đoán. Rừng đang biến mất.

Nhờ sự hỗ trợ của Google, bây giờ tôi có hình ảnh vệ tinh với độ phân giải cao của khu vực xunh quanh Sông Sôi. Một đồng nghiệp ở Google đã cảnh báo tôi rằng những hình ảnh đó không mới và rằng nạn phá rừng đã gia tăng đáng kể từ khi chúng được chụp. Anh ấy hoàn toàn đúng.

Những hình ảnh này, từ năm 2004, 2005, 2010 và 2011, cho thấy một thực tế rõ ràng: đốt rừng, đồng cỏ chăn thả gia súc và nạn phá rừng lan rộng qua từng năm. Chúng vẫn không giúp tôi chuẩn bị sẵn tinh thần cho chuyến đi rừng năm 2014 là mấy. Chín tháng trước, hành trình từ Pucallpa tới Mayantuyacu mất hai tiếng chạy xe, ba mươi phút đi pekepeke và một tiếng đồng hồ đi bộ xuyên rừng. Năm nay, phá rừng làm cho chuyến đi chỉ hết khoảng ba tiếng chạy xe thoải mái. Rừng dọc đường đi đã bị thay thế bởi các đồng cỏ, rải rác những phần cháy xém còn lại của những cây lớn và một vài con bò gặm cỏ.

Thật đau xót khi so sánh những hình ảnh vệ tinh với bức ảnh chụp trên không những năm 1940, khi cả khu vực này được bao phủ hoàn toàn bởi rừng rậm. Tuy nhiên, tôi không thể không nhận thấy các khu vực được kiểm soát bởi công ty dầu mỏ hầu như không thay đổi gì, dù việc khai thác rất mạnh.

Sự phát triển đang tới – nhưng nó không có nghĩa là tàn phá. Được thực hiện có trách nhiệm và ý thức, sự phát triển có thể bảo vệ khu vực này chứ không phải san bằng nó. Bên cạnh tôi là những chai mẫu trống rỗng và cuốn sổ tay sẽ được ghi kín các nghiên cứu thực địa trong tuần. Chứng minh bằng tư liệu chi tiết về những gì khiến hệ thống nhiệt địa lạ thường này độc nhất vô nhị như vậy là chìa khóa để đảm bảo tương lai của nó. Với mỗi điểm dữ liệu mới, tôi đang làm việc để cho thế giới thấy tại sao nơi đây lại là một điều tuyệt diệu đến thế, tại sao nó xứng đáng được bảo vệ – và để đảm bảo rằng bất cứ ai kiểm soát khu vực này cũng hiểu được tầm quan trọng của Sông Sôi. May mắn thay, tôi không cô độc trong nỗ lực này. “Bộ lạc” Mayantuyacu trải rộng ra rất xa bên ngoài khu rừng này cùng vô số khách nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới, những người đã đến thăm địa điểm kỳ diệu này, đều là những người quan tâm tới khu rừng nhiều như tôi. Dòng sông đã đưa chúng tôi lại với nhau. Một nhóm người Canada đang làm việc với dân địa phương để giúp Mayantuyacu giảm thiểu tác động lên môi trường. Những người Ý cũng đang cộng tác với Mayantuyacu để xác định các đặc tính chữa lành của các thảo dược trong khi người Mỹ hợp tác nghiên cứu tầm quan trọng về nhân chủng học của nơi đây. Tôi vẫn tiếp tục các nghiên cứu của mình và đang tập hợp người Peru ở rừng cũng như ở các thành phố để giành được sự bảo hộ hợp pháp cho Sông Sôi.

Tôi tiếp tục làm việc cho tới khi chiếc máy phát điện im tiếng và ánh đèn chậm rãi lập lòe rồi tắt hẳn.

Với niềm tin và sự háo hức được bắt đầu việc nghiên cứu thực địa vào ngày mai, tôi cuốc bộ trở lại lều trong bóng tối. Khi mắt quen dần với đêm đầy sao, tôi ngỡ ngàng trước thế giới này mà mới đây, bên ngoài khu vực được ánh điện chiếu sáng, chỉ là một khoảng không đen thăm thẳm.

Một tuần trôi qua rất nhanh. Mỗi ngày, tôi thu thập các mẫu nước, đá và các khoáng sản. Tôi dự tính sẽ phân tích chúng khi trở lại phòng thí nghiệm, hi vọng hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa nước và cấu tạo của đá, nơi nước chảy qua. Năm nay, lần đầu tiên, tôi nghiên cứu các sinh vật chịu cực hạn – tảo, vi khuẩn và các vi sinh vật khác – sống trong và xung quanh Sông Sôi với nhiệt độ có thể giết chết hầu hết các sinh vật.

Đêm trước khi rời khỏi Mayantuyacu, tôi ra khỏi lều và bước vào bầu không khí buổi tối mát mẻ. Đã đến lúc nói lời tạm biệt.

Đại sư nằm thư thái trên võng trong khi Luis, người hướng dẫn đi rừng trước kia của chúng tôi, ngồi trên một chiếc đệm sàn và nhả khói từ một điếu mapacho.

Mauro, học trò mới của Đại sư, ngồi trên một cái ghế nhựa thấp.

“Buenas noches,”* tôi lên tiếng.

* Xin chào (buổi tối).

“Bác sĩ trẻ!” Đại sư cười, đôi mắt thấp thoáng qua làn khói.

“Tuần qua, chúng tôi hiếm khi thấy cậu,” Mauro nói. “Tôi làm việc,” tôi đáp.

“Đúng đấy,” Luis nói. “Tôi đã thấy cậu ấy nhiều lần, lúc nào cũng một mình với dòng sông.” Sau đó, quay sang tôi: “Giờ cậu di chuyển trong rừng đã khác.”

Tôi ngạc nhiên. “Anh nhìn thấy tôi khi nào? Tôi tưởng lúc nào tôi cũng chỉ có một mình thôi chứ!” Luis mỉm cười tinh quái.

“Đúng vậy – Giờ con đã di chuyển khác rồi,” Đại sư nói. “Các nghiên cứu của con thế nào?” ông hỏi tôi.

Tôi kể đầy đủ cho ông nghe về nghiên cứu của mình. Ông chăm chú lắng nghe, háo hức tìm hiểu xem thời kỳ Đại Văn Minh chứng minh tầm quan trọng của một vấn đề thông qua các phép đo lường như thế nào. Tôi trình bày lại cách nhận diện quá trình và cơ chế tạo ra dòng sông sẽ xác định những khu vực nhạy cảm – cả ở trên cũng như dưới mặt đất – đòi hỏi sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất và cam đoan với ông rằng cùng nhau, chúng tôi, những người Amazon và những người không phải Amazon, sẽ tìm ra cách tôn trọng các linh hồn và bảo vệ rừng.

“Đại sư,” tôi nói. “Kể từ lần đầu tiên tới thăm ngài, con đã rất ấn tượng khi Mayantuyacu nổi tiếng như thế nào với những người nước ngoài, trong khi lại hầu như không được biết đến ở Peru – điều gì đã xảy ra?”

Ông mỉm cười qua những vòng khói cuộn lên từ điếu mapacho. “Ban đầu, ta muốn nơi này chỉ dành cho người Amazon – để bảo tồn văn hóa và khu rừng của chúng ta. Nhưng con người bị quyến rũ bởi thời kỳ Đại Văn minh. Người trẻ thì chỉ muốn ở Lima, người già lại quên cách đối xử với rừng. Không biết phải làm gì, nên ta đã hỏi cây rừng và có một giấc mộng.”

Ông ngưng, nhìn xoáy vào tôi. “Có nhớ lần thứ hai đến đây, con đã có vấn đề về xoang và ta đã cho con thuốc chứ?”

“Có ạ – Ishpingo. Nó rất hiệu nghiệm.”

“Ishpingo là một cây lớn, với một linh hồn rất quyền lực. Trong giấc mộng, ta đang ngồi dưới một cây Ishpingo vĩ đại khi Linh hồn Ishpingo hiện ra trước mặt ta dưới hình dáng một người đàn ông da trắng cao gầy, mặc toàn đồ trắng, bộ râu trắng dài. Mọi thứ trên người đàn ông này đều tỏa ánh sáng trắng. Khi ta hỏi linh hồn tại sao lại xuất hiện dưới hình dáng đó, linh hồn đáp rằng sự cứu rỗi của khu rừng này sẽ đến cùng với những người nước ngoài. Ngày hôm sau, ta gặp bệnh nhân nước ngoài đầu tiên và giờ ta có những học trò nước ngoài. Linh hồn Ishpingo đã đúng: thế giới đã thay đổi và chúng ta cần học lẫn nhau – những phương thức cổ xưa và những phương thức của thời kỳ Đại Văn minh.”

Khu rừng này đúng là nơi của những truyền thuyết và tưởng tượng, tôi nghĩ.

Ngay lập tức, một chi tiết từ truyền thuyết của ông tôi hiện về – một chi tiết mà trong nhiều năm tôi đã muốn hỏi Đại sư. Chỉ là thời điểm chưa lúc nào thích hợp hoặc có lẽ tôi luôn sợ mình trông ngớ ngẩn. Nhưng giờ đây ngồi cạnh ông, tôi phát hiện ra rằng những truyền thuyết có thể là thật, cuối cùng tôi lấy hết can đảm.

“Ngài Đại sư,” tôi nói, “Paititi, thành phố vàng, có thực sự tồn tại không?”

Đại sư rướn mày ngạc nhiên. “Ý con là con đã không thấy nó?.”

Tôi nhìn ông, bối rối.

Đại sư cười vang, sau đó chỉ khu rừng bao quanh chúng tôi.

Đột nhiên, tôi hiểu ra. Khi những kẻ chinh phục hỏi về Paititi, người Inca đã không nói dối. Với người Inca, vàng là biểu tượng cho sự sống. Một thành phố vàng, theo đó, là thành phố của sự sống – và nơi nào có sự sống nhiều hơn Amazon? Sự báo thù của người Inca đến từ lối chơi chữ mà những kẻ chinh phục không bao giờ hiểu được ý nghĩa của nó.
Tôi cười lớn, lắc đầu kinh ngạc. Khu rừng này, dòng sông này còn hơn là một nơi cần được bảo vệ. Nó là minh chứng rằng thế giới vẫn còn đầy bí ẩn, rằng với tất cả tri thức của chúng ta, tự nhiên sẽ luôn luôn đi trước chúng ta vài bước.

Ánh sáng của chiếc đèn đeo trên trán chiếu xuyên qua bóng tối, dẫn tôi trở lại căn lều của mình. Đi ngang qua gốc cây Came Renaco, tôi dừng lại và rẽ sang các bậc đá dẫn xuống dòng sông. Tôi bước xuống bờ đá phía dưới đang bị nhấn chìm trong hơi nước. Chậm rãi, cẩn thận, tôi tìm đường lên được một tảng đá lớn giữa dòng nước dậy sóng.

Khắp xung quanh, khu rừng ngân lên những âm thanh của sự sống: ếch nhái ộp oạp, côn trùng rả rích, tán lá xào xạc, những âm thanh liên ngân hà của bầy dơi bay ngang qua. Ở chính giữa là dòng sông đang dâng trào cuồn cuộn. Vòng xoáy hơi nước bốc lên nhảy múa xuyên qua khí đêm mát mẻ để gặp gỡ vô vàn vì sao của dải Ngân Hà.

Tôi tự hỏi chúng tôi còn bao nhiêu thời gian trước khi ánh sáng văn minh xâm lược vùng đất này của Amazon. Nghiên cứu của tôi có đưa ánh sáng ấy đến đây nhanh hơn không? Trách nhiệm của tôi với khoa học là gì? Với những người sống ở đây? Với dòng sông thiêng này? Đại sư từng nói: “Chúng ta che giấu để bảo vệ” – nhưng bây giờ, chúng tôi đang làm điều ngược lại. Tôi nghĩ về những nhà thám hiểm mà những khám phá của họ đã đe dọa hủy hoại những thứ họ khám phá ra. Ở Peru, khi Hiram Bingham lần đầu tiên nhìn thấy Machu Picchu, ông có hình dung ra những tác động mình sẽ gây ra với văn hóa của đất nước này, nền kinh tế của nó, cũng như vị trí của nó trong hình dung của thế giới? Ông đã bao giờ dành một đêm ngồi một mình giữa đống đổ nát, tự hỏi: Chúng ta có thể bảo tồn được nơi này như thế nào nếu tiết lộ nó với thế giới? Bản năng của tôi mách bảo rằng con đường đến bảo tồn nằm trong việc cho thế giới thấy họ cần phải bảo vệ tuyệt tác tự nhiên này. Nhưng nếu tôi sai thì sao?

Đứng trên tảng đá, tôi nhận ra nghiên cứu về dòng sông đã dạy tôi về bản thân mình nhiều hơn về địa chất, đặc tính địa nhiệt hay văn hóa bản địa. Như Đại sư đã nói: “Dòng sông chỉ cho chúng ta thấy điều chúng ta cần thấy.” Một người bạn từng hỏi tại sao tôi cứ quay trở lại nơi này. Giờ đây, tôi nhận ra đó là bởi khi ở đây, bạn buộc phải để tâm, đối mặt với những giới hạn của chính mình và làm việc trong những giới hạn ấy. Mỗi bước đi phải được cân nhắc. Sai lầm sẽ có những hậu quả đau đớn. Xao lãng là một điều quá xa xỉ.

Đèn đeo trán tập trung sự chú ý của tôi vào một khu vực nhỏ mà nó chiếu sáng, khiến bóng tối ở ngoài kia dường như không thể xuyên thủng. Tôi mong đợi những điều kỳ diệu chắc chắn nằm ở ngoài kia, được che giấu trong bóng đêm hoặc được ẩn trong những điều bình thường. Đó chính là bài học của bóng tối: chính quan điểm của chúng ta tạo ra ranh giới giữa cái đã biết và cái chưa biết, linh thiêng và trần tục, những điều chúng ta cho là hiển nhiên và những điều chúng ta còn phải khám phá.

Tôi đã từng bỏ lỡ bóng tối.

LỜI BẠT


Thỉnh thoảng, tôi cầm mẩu hóa thạch “trái tim của rừng” trên giá sách lên hay lôi ra các cuốn sổ nhật ký hiện trường từ ngăn kéo bàn làm việc, quăn queo bởi mưa Amazon và hơi nước của dòng sông, hương rừng vẫn còn vương trên những trang giấy. Tôi làm điều này để nhắc mình rằng tiểu thuyết không phải là thứ duy nhất có những điều khó tin. Nếu không có những số liệu, hình ảnh, video và các bằng chứng khác được thu thập được trong vài năm qua, đôi khi tôi cảm thấy có thể tưởng nhầm toàn bộ trải nghiệm với dòng sông của mình là một giấc mơ.

Bây giờ là tháng 7 năm 2015 và dòng sông vẫn chưa được pháp luật bảo vệ. Nó không xuất hiện như một địa điểm quan trọng trên bất cứ bản đồ nào. Nếu chúng tôi thành công, tất cả điều này sẽ thay đổi và Peru sẽ có một kỳ quan “mới”.

Tôi đã có thể bắt đầu công bố về dòng sông trên các tạp chí khoa học hoặc trên truyền thông chính thống từ năm 2011. Thay vào đó, tôi giữ bí mật phần lớn công việc của mình. Tôi đang làm việc chặt chẽ với Đại sư, Sandra cũng như các nhóm bảo tồn của Peru và quốc tế để giới thiệu dòng sông ra thế giới một cách có trách nhiệm.

Mục tiêu của chúng tôi là phát triển có trách nhiệm, trao quyền và đem lại lợi ích cho những ngườisống trong khu vực này. Tiết lộ về dòng sông mà không chuẩn bị cho những người dân địa phương có nguy cơ dẫn tới phát triển thiếu kiểm soát và du lịch vô trách nhiệm. Điều này hẳn sẽ lợi bất cập hại.

Tôi đang làm việc với Mayantuyacu và Santuario Huishtín (một trung tâm chữa lành Amazon khác ở trên Sông Sôi do một học trò cũ của Đại sư điều hành), cung cấp cho họ những thông tin cho phép họ quyết định tương lai tốt đẹp nhất cho cộng đồng của mình. Mayantuyacu đang làm việc để mở rộng các hoạt động du lịch sinh thái, giảm thiểu tác động môi trường lên khu rừng và tạo ra một trung tâm giáo dục về văn hóa Asháninka và y học cổ truyền. Tầm nhìn của Đại sư về Ishpingo dường như đang trở thành hiện thực: “bộ lạc” Mayantuyacu đã phát triển và bao gồm cả những người từ khắp nơi trên thế giới đang làm việc để bảo vệ nó.

Tháng tới, tôi sẽ trở lại rừng, thu thập những mẫu cuối cùng và kết thúc công việc nghiên cứu kéo dài 5 năm về Sông Sôi. Dù công việc chưa hoàn thành nhưng những kết quả sơ bộ cho thấy thế giới, trong thực tế, tuyệt vời hơn so với những gì tôi tưởng tượng. Được làm việc với một số người như tiến sĩ Jonathan Eisen, nhà vi sinh học của UC Davis, và tiến sĩ Spencer Wells, nhà di truyền học của Hiệp hội Địa lý Quốc gia, đội chúng tôi đã xác định những loài vi sinh vật chịu cực hạn chưa từng được ghi nhận trước đây đang sống trong và xung quanh Sông Sôi ở nhiệt độ có thể giết chết chúng ta. Hiểu cách thức những vi sinh vật này phát triển mạnh trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy và so sánh chúng với những vi sinh vật chịu cực hạn khác trong các hệ thống địa nhiệt trên toàn cầu có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn nguồn gốc sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Tôi cũng đã tìm thấy nhiều dòng sông nhiệt khác ở khu vực rừng Amazon thuộc địa phận Peru – dù không dòng sông nào có thể so sánh với Sông Sôi về kích thước và thể tích. Các nỗ lực bảo tồn và nghiên cứu khoa học xung quanh những hệ thống phức tạp này là quá chi tiết để tóm tắt ở đây, vì vậy để tìm hiểu thêm hoặc hỗ trợ trực tiếp công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học, xin mời bạn đọc ghé thăm trang boilingriver.org (với phiên bản tiếng Tây Ban Nha tại riohirviente.org). Tại đó, các dữ liệu khoa học và những thông tin khác hoàn toàn có sẵn cho những ai quan tâm tìm hiểu thêm về kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời này. Nhiều điều ẩn giấu trong thế giới của chúng ta và bị che lấp trong trong những điều bình thường – cả trong những điều chưa biết và trong những điều chúng ta tưởng mình đã tường tận. Hãy tò mò. Những vùng đất chúng ta đi qua, những điểm ảnh trong bức ảnh vệ tinh của Google Earth và những chi tiết nhỏ nhất trong các câu chuyện đều mang một ý nghĩa nào đó. Trong năm tới, giai đoạn đầu tiên trong nghiên cứu của tôi sẽ hoàn thành. Dòng sông sẽ được đưa vào bản đồ và tôi cuối cùng cũng sẽ bước ra khỏi phòng thí nghiệm, rót những mẫu nước tôi đã thu thập xuống đất để nước, như Đại sư đã nói, có thể tìm đường trở về nhà.

LỜI CẢM ƠN


Với lòng biết ơn sâu sắc nhất, tôi muốn cảm ơn những cá nhân và tổ chức mà sự yêu thương, hỗ trợ và hướng dẫn của họ đã giúp cho quá trình nghiên cứu này trở thành hiện thực.

Ông tôi, Daniel Ruzo, người kể chuyện vĩ đại nhất tôi từng biết. Dì Guida và chú Eo Gastelumedi – và những bữa tối liên hoan của chú dì. Bố mẹ tôi, Andrés và Ana, cậu Octavio, cha đỡ đầu Javier và những con người tuyệt vời mà tôi được hân hạnh gọi là gia đình.

Cảm ơn Sông Sôi, cánh rừng của nó và những người đang trông nom nó, họ đã cho tôi vinh dự được chia sẻ kỳ quan của mình với thế giới; cụ thể, cảm ơn Đại sư Juan, Sandra, Luis, Mauro, Brunswick và toàn thể cộng đồng Mayantuyacu cũng như Đại sư Enrique và cộng đồng Santuario Huishtín, công ty Maple Gas, cụ thể là anh José Carlos.

Với TED – những bài thuyết trình của các bạn đã thay đổi cuộc đời tôi và tôi vinh dự được là một phần trong sứ mệnh của các bạn. Cảm ơn Kelly Stoetzel, Rives, Bruno Giussani, Chris Anderson, Ellyn Guttman, Alex Hofmann và toàn bộ gia đình TED.

Tôi xin gửi những lời cảm ơn đặc biệt đến biên tập viên của tôi, Michelle Quint. Sự chăm chỉ, kiên nhẫn và cống hiến của chị đã giúp biến một ý tưởng trở thành một cuốn sách xứng đáng được phổ biến rộng khắp. Cảm ơn chị.

Cảm ơn cộng đồng SMU: Maria Richards, David Blackwell, Andrew Quicksall, Drew Aleto, Jumana Haj Abed, Al Waibel, Kurt Ferguson, Roy Beavers, Robert Gregory và hội đồng tiến sỹ của tôi. Đồng cảm ơn Jim và Carole Young, Sharon và Bobby Lyle – những người đầu tiên giới thiệu tôi với TED Talks.

Cảm ơn Alfonso Callejas, Carlos Espinosa, Peter Koutsogeorgas, Basil Koutsogeorgas, Whitney Olson, José Fajri và Devlin Gandy. Shannon K. McCall, gia đình ông và Công ty Telios. Google, cụ thể là Charles Baron và Christiaan Adams. Hội đồng Tài nguyên Địa nhiệt. William E. Gipson và AAPG. Jose và Felipe Koechlin, Mark Plotkin, Hiệp hội Luật Môi trường Peru (Sociedad Peruana de Derecho Ambiental, UC Santa Barbara, Quỹ tín thác Moran, INGEMMET, PeruPetro, Donald Thomas, Jonathan Eisen và Spencer Wells. Cảm ơn những đồng nghiệp của tôi tại Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, cụ thể là Emily Landis, Chris Thornton và Wade Davis. Nhà xuất bản National Geographic Learning, những trường đã sử dụng các tài liệu này và giúp gây quỹ cho nghiên cứu của tôi, những bạn trẻ học tập những tài liệu đó và truyền cảm hứng cho tôi bảo vệ thế giới tuyệt diệu này.

Cuối cùng và quan trọng hơn hết, tôi muốn cảm ơn người vợ của mình, Sofía. Anh sẽ không thể làm được điều này nếu thiếu em. Em là tảng đá của anh – và với tư cách là một nhà địa chất học, em hiểu điều đó có ý nghĩa với anh đến nhường nào.

VỀ TÁC GIẢ


Andrés Ruzo lớn lên ở Mỹ, Nicaragua và Peru. Bên cạnh việc mang lại cho anh chút khủng hoảng nhận diện quốc tịch, đặc điểm này đã giúp anh thấy rằng các vấn đề của thế giới không chỉ được đóng khung trong biên giới mỗi quốc gia mà có chung một gốc rễ về năng lượng và tài nguyên. Nhận thức rõ ràng này đã cho anh cảm hứng để trở thành một nhà khoa học địa nhiệt: anh đã có những tấm bằng chuyên ngành Địa chất và Tài chính tại Đại học Southern Methodis, nơi anh vẫn đang hoàn thành nghiên cứu tiến sỹ ngành Địa vật lý. Anh tin rằng trách nhiệm với môi trường và sự thịnh vượng kinh tế có thể song hành cùng nhau và sử dụng khoa học để thống nhất cả hai mục tiêu đó. Anh tham gia một tập trong loạt chương trình truyền hình National Geographic Explorer (Người khám phá của kênh National Geographic), một nhà truyền thông khoa học nhiều mơ ước, một nhà phát triển tài liệu giáo dục giàu nhiệt huyết.

VỀ TED

TED là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm truyền bá các ý tưởng, thường dưới dạng những bài nói chuyện ngắn và có sức thuyết phục (18 phút hoặc ít hơn) và cũng qua cả sách báo, hoạt hình, chương trình truyền thanh và các sự kiện. TED bắt đầu năm 1984 như là một hội nghị nơi các chuyên gia Công nghệ, Giải trí và Thiết kế gặp gỡ, và ngày nay nó bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực – từ khoa học đến kinh doanh tới những vấn đề toàn cầu – bằng hơn 100 ngôn ngữ.

TED là một cộng đồng toàn cầu, chào đón mọi người từ mọi ngành nghề và các nền văn hóa, những người muốn tìm hiểu thế giới sâu sắc hơn. Chúng tôi thiết tha tin rằng sức mạnh của các ý tưởng có thể thay đổi thái độ, cuộc sống và cuối cùng là văn hóa chúng ta. Trên trang web TED.com, chúng tôi đang xây dựng một kho dữ liệu cung cấp kiến thức miễn phí từ những nhà tư duy truyền cảm hứng nhất trên thế giới – và một cộng đồng những tâm hồn tò mò gắn bó với những ý tưởng và gắn bó với nhau. Hội nghị lớn hàng năm của chúng tôi quy tụ những lãnh đạo thông thái từ khắp các lĩnh vực đến để chia sẻ ý tưởng.

CHƯƠNG trình TEDx của chúng tôi cho phép các cộng đồng trên toàn thế giới được tổ chức những sự kiện độc lập tại địa phương họ, trong cả năm. Và Dự án Dịch mở của chúng tôi đảm bảo những ý tưởng đó có thể được lan truyền ra ngoài biên giới.

Thực ra, mọi thứ chúng tôi làm – từ Giờ phát thanh TED đến những dự án được khơi nguồn bởi giải thưởng TED, từ các sự kiện TEDx đến những chuỗi bài học TED-Ed – đều hướng đến mục tiêu này: Làm thế nào để chúng ta có thể truyền bá tốt nhất các ý tưởng tuyệt vời?

TED thuộc sở hữu của một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái.

VỀ LOẠT SÁCH TED

Loạt sách TED (TED Books) là những cuốn sách nhỏ về những ý tưởng lớn. Sách đủ ngắn để đọc một lượt là hết, nhưng đủ dài để đào sâu vào một chủ đề. Bộ sách với chủ đề phong phú này bao trùm mọi vấn đề từ kiến trúc đến kinh doanh, từ du hành vũ trụ đến tình yêu, và hoàn hảo cho bất cứ ai có đầu óc tò mò và tình yêu rộng lớn dành cho học tập.

Mỗi cuốn sách TED được song hành cùng một bài thuyết trình TED có liên quan, có thể truy cập trực tuyến tại TED.com. Cuốn sách tiếp tục tại phần mà bài thuyết trình dừng lại. Một bài thuyết trình dài 18 phút có thể gieo một hạt giống hoặc làm loé lên trí tưởng tượng, nhưng nhiều bài trình bày đòi hỏi cần đi sâu hơn nữa, tìm hiểu nhiều hơn nữa, kể một câu chuyện dài hơn. Loạt sách TED đáp ứng nhu cầu này.

NHỮNG BÀI NÓI CHUYỆN KHÁC TRÊN TED.COM

Shawn Achor

Bí quyết hạnh phúc để làm việc tốt hơn

Chúng ta tin rằng chúng ta nên làm việc để hạnh phúc, nhưng tại sao thực tế lại ngược lại? Trong bài nói chuyện với tiết tấu nhanh và thoải mái này, nhà tâm lý học Shawn Achor đã cho rằng chỉ có hạnh phúc mới thực sự khuyến khích năng suất lao động.

Dan Pink

Sự bối rối của động lực

Nhà tư vấn nghề nghiệp Dan Pink kiểm tra sự bối rối của động lực, bắt đầu với một thực tế mà các nhà khoa học xã hội biết nhưng hầu như các nhà quản lý lại không: những phần thưởng truyền thống không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm như chúng ta nghĩ. Hãy lắng nghe những câu chuyện sáng tỏ – và có thể, bước một bước tiến lên phía trước.
Tony Robbins

Tại sao chúng ta làm công việc của mình

Tony Robbins thảo luận về “lực vô hình” thúc đẩy hành động của mọi người.

Barry Schwartz

Sự mất trí của chúng ta

Barry Schwartz đã tha thiết kêu gọi cần phải coi “trí khôn thực hành” như là một phương thuốc giải độc cho một xã hội phát điên với tính quan liêu. Ông biện luận mạnh mẽ rằng các quy tắc đã đánh bại chúng ta, các khen thưởng thường đem đến kết quả ngược lại, và trí khôn thực tế, hàng ngày sẽ giúp tái thiết thế giới của chúng ta. 

 KỲ BÍ DÒNG SÔNG SÔI TRONG LÒNG AMAZON

---❊ ❖ ❊---

Tác giả: Andrés Ruzo

Dịch thuật: Chung Quý

Nhà xuất bản NXB Lao Động

Thể loại: Văn hóa - Xã hội

Nguồn text: Internet

................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. 
idialy.com không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu có sự cố xảy ra. 
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Điểm 10+ Địa Lý
iDiaLy.com - Tài liệu, videos địa lý miễn phí
- Nhóm: iDiaLy.HLT.vn
- Trang: DiaLy.HLT.vn


Amazon Tin tức
Lên đầu trang