HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn
Quyền Lực Của Địa Lý 1
Admin: Tài trợ bởi: HLT.vn - Cung cấp cà phê và máy cà phê - 06/01/2025
Quyền Lực Của Địa Lý
LỜI GIỚI THIỆU
Con chim ưng mất liên lạc với người;
Toàn tan rã; trung tâm không thể giữ;
“Trở lại lần hai”, W. B. Yeats
Ởkhu vực Trung Đông, pháo đài sừng sững Iran và kẻ thù truyền kiếp của nó là Ả Rập Saudi vẫn đang đối đầu nhau qua vịnh Ba Tư. Ở Nam Thái Bình Dương, Úc thấy mình mắc kẹt giữa hai cường quốc hùng mạnh nhất thời đại chúng ta: Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ở Địa Trung Hải, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong một cuộc đua tranh bắt nguồn từ thời cổ đại nhưng luôn chực chờ để bùng phát thành bạo lực bất cứ khi nào.
Chào mừng bạn đến với thập niên 2020. Kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, khi mà Hoa Kỳ và Liên Xô thống trị thế giới, đã dần trở thành dĩ vãng xa xôi. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, với sự góp mặt của rất nhiều tay chơi, thậm chí là nhỏ bé, tất cả đều đang chen lấn xô đẩy để giành lấy sân khấu trung tâm. Vở kịch địa chính trị thậm chí còn vượt ra ngoài lãnh địa trần gian khi nhiều nước đua tranh tuyên bố chủ quyền không gian ngoài hành tinh, ở tận Mặt Trăng và xa hơn thế.
Khi trật tự đã được thiết lập qua nhiều thế hệ hóa ra chỉ là tạm thời, người ta dễ dàng trở nên bất an. Nhưng tình trạng đó từng xảy ra, hiện đang xảy ra và sẽ còn xảy ra. Chúng ta đã ở trên con đường hướng tới một thế giới “đa cực” một thời gian. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng ta thấy một trật tự mới: kỷ nguyên lưỡng cực với một bên là chế độ tư bản do Mỹ cầm đầu và bên kia là chế độ cộng sản được vận hành bởi thứ trên thực tế là Đế quốc Nga và Trung Quốc. Trật tự này tồn tại trong khoảng từ năm mươi đến tám mươi năm, tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người. Sang thập niên 1990, chúng ta bước vào giai đoạn mà một số nhà phân tích gọi là thập niên “đơn cực”, khi sức mạnh của Mỹ gần như là tuyệt đối. Nhưng rõ ràng là giờ đây, chúng ta đang quay trở lại với những gì từng là chuẩn mực trong phần lớn lịch sử loài người – kỷ nguyên đối đầu của đa cường quốc.
Thật khó để xác định nó bắt đầu xảy ra từ bao giờ, không có một sự kiện nào châm ngòi cho sự thay đổi. Nhưng có những khoảnh khắc bạn thoáng thấy được một điều gì đó và thế giới chính trị quốc tế mờ mịt bỗng trở nên rõ ràng hơn. Tôi đã có một trải nghiệm như thế vào một đêm mùa hè ẩm ướt năm 1999 ở Pristina, thủ đô đổ nát của Kosovo. Sự tan rã của Nam Tư năm 1991 đã kéo theo nhiều năm chiến tranh thịt rơi máu đổ. Khi đó, các máy bay của NATO đã tiến hành trút bom ồ ạt buộc lực lượng Serbia rút khỏi Kosovo, còn dưới đất, quân đội NATO đang chờ lệnh để tiến vào Kosovo từ phía nam. Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi nghe thấy những tin đồn rằng một lực lượng quân sự của Nga đã khởi hành từ Bosnia nhằm đảm bảo duy trì ảnh hưởng truyền thống của Nga trong các vấn đề Serbia.
Trong cả một thập niên trước đó, gấu Nga đã bị bật ra ngoài cuộc chơi, suy kiệt, hoang mang và chỉ còn là cái bóng của chính mình. Nó đã phải ngậm ngùi nhìn NATO “lấn tới” các biên giới phía tây của mình, khi các dân tộc ở những quốc gia từng nằm dưới trướng của Nga lần lượt bỏ phiếu xin gia nhập NATO và/hoặc EU; và ở Mỹ Latin cùng Trung Đông, ảnh hưởng của Nga cũng đã suy yếu. Năm 1999, Moscow đạt được một thỏa thuận với các cường quốc phương Tây về việc ai ở đâu thì ở nguyên chỗ đó và không tiến xa hơn nữa. Kosovo chính là đường ranh giới mong manh. Tổng thống Yeltsin đã yêu cầu quân đội Nga can thiệp (mặc dù người ta cho rằng chính trị gia Vladimir Putin, sau này theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, có góp phần vào quyết định ấy).
Tôi có mặt ở Pristina khi đơn vị thiết giáp Nga ầm ầm tiến vào con đường chính dẫn tới sân bay của Kosovo ở vùng ngoại ô vào buổi sáng sớm hôm đó. Tôi được kể lại rằng Tổng thống Clinton đã nắm được thông tin về cuộc đổ bộ của quân Nga trước cả các lực lượng thực địa của NATO, nhờ phóng sự “Người Nga đã tiến vào thị trấn. Họ đã trở lại vũ đài quốc tế” của tôi. Khó có thể coi bài báo này là tác phẩm để giành giải Pulitzer nhưng là bản ghi chép đầu tiên về sự kiện lịch sử này, nó thật sự có ý nghĩa. Người Nga đã tái thiết lập vị trí của mình trong sự kiện lớn nhất của năm và tuyên bố rằng dòng chảy lịch sử, vốn đang chảy theo hướng đối nghịch với lợi ích của họ, giờ đây sẽ phải được điều chỉnh lại. Vào cuối những năm 1990, sức mạnh của Mỹ rõ ràng là vô song còn phương Tây dường như thắng thế trong mọi vấn đề toàn cầu. Nhưng sự phản kháng đã bắt đầu trỗi dậy. Nga dù không còn là cường quốc cực kỳ đáng gòm như nó đã từng và hiện chỉ là một trong số rất nhiều cường quốc, nhưng người Nga sẽ chiến đấu để khẳng định mình ở bất cứ nơi nào họ có thể. Họ sẽ còn tiếp tục chứng minh điều đó ở Georgia, Ukraine, Syria và những nơi khác.
Bốn năm sau, tôi đến thành phố Karbala của Iraq, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo dòng Shia. Mặc dù Saddam Hussein đã bị liên minh do Mỹ và Anh cầm đầu lật đổ, nhưng cuộc nổi dậy vẫn diễn ra. Dưới thời Saddam (một người Hồi giáo dòng Sunni), nhiều nghi lễ tôn giáo của người Shia bị cấm đoán, trong đó có nghi lễ tự dùng roi đánh mình. Sau khi Saddam bị lật đổ, vào một ngày nắng nóng như thiêu đốt, tôi được chứng kiến cảnh tượng hơn một triệu người Hồi giáo dòng Shia đổ về Karbala từ khắp nơi trên đất nước. Rất nhiều người trong số họ lấy roi quất vào lưng hay cửa vào trán của mình cho đến khi toàn thân bê bết máu. Máu chảy thành dòng, nhuộm đỏ cả bụi đường. Tôi biết rằng ở bên kia biên giới phía đông Iraq, Iran – cường quốc Hồi giáo Shia – từ lúc này sẽ dùng mọi thủ đoạn có thể để dựng nên một chính phủ Iraq do người Shia kiểm soát, và sử dụng chính phủ này để khuếch trương quyền lực của Tehran về phía tây với tốc độ mạnh mẽ, xuyên qua Trung Đông và kết nối với các lực lượng đồng minh của Iran ở Syria và Lebanon. Địa lý và chính trị khiến những việc ấy khó mà tránh khỏi. Khi quan sát dòng người trên đường phố ngày hôm ấy, tôi đã nghĩ: “Trông thì có vẻ là tôn giáo nhưng đây cũng là chính trị, và những làn sóng từ sự cuồng nhiệt này sẽ còn lan xa tới tận Địa Trung Hải.” Cán cân chính trị đã thay đổi và quyền lực ngày càng vươn xa của Iran sẽ thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực. Karbala là tấm phông nền để người ta bắt đầu vẽ tranh lên đó. Đáng buồn thay, màu sắc chi phối bức tranh ấy là màu đỏ của máu.
Đây mới chỉ là hai trong số những khoảnh khắc quan trọng giúp định hình nên thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống, khi các nước lớn giằng co, kéo đẩy, đôi khi còn đụng độ với nhau trong cái mà trước đây được gọi là “cuộc chơi lớn”. Cả hai khoảnh khắc này đều hé lộ cho tôi thấy chúng ta đang dịch chuyển theo hướng nào. Với một loạt sự kiện xảy ra ở Ai Cập, Libya và Syria trong những năm 2010, hướng dịch chuyển ấy càng rõ rệt hơn. Ở Ai Cập, quân đội chơi trò ném đá giấu tay, lợi dụng tình trạng bạo lực trên đường phố để lật đổ Tổng thống Mubarak trong một cuộc đảo chính. Ở Libya, đại tá Gaddafi bị lật đổ và sau đó bị giết chết. Ở Syria, Tổng thống Assad rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc cho đến khi được người Nga và Iran cứu nguy. Trong cả ba trường hợp ấy, người Mỹ đều tỏ thái độ sẽ không bảo vệ các nhà độc tài mà họ đã làm ăn cùng trong nhiều thập niên. Hoa Kỳ từ từ rút khỏi trường quốc tế trong tám năm nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, một động thái được duy trì trong bốn năm dưới thời Tổng thống Trump. Trong khi đó, các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil bắt đầu nổi lên như những cường quốc thế giới mới, với nền kinh tế phát triển nhanh, đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Nhiều người không thích ý tưởng Hoa Kỳ đóng vai trò “sen đầm quốc tế” trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Có nhiều ví dụ cho thấy hành động của nước này mang lại những tác động cả tích cực và tiêu cực. Mặc dù vậy, nói gì thì nói, nếu không ai làm nhiệm vụ sen đầm quốc tế này thì rất nhiều phe phái khác nhau sẽ tìm cách kiểm soát ngay các nước láng giềng của mình. Nếu các phe phái còn cạnh tranh với nhau thì nguy cơ bất ổn sẽ càng tăng.
Các đế chế nổi lên rồi suy tàn. Các liên minh hình thành rồi tan rã. Thời kỳ hòa bình ở châu Âu sau các cuộc chiến của Napoléon kéo dài khoảng sáu mươi năm; ảo vọng “Bá chủ nghìn năm” của Đức Quốc xã cũng chỉ tồn tại hơn một thập niên. Cho nên không thể biết được chính xác cán cân quyền lực sẽ thay đổi như thế nào trong những năm tới. Rõ ràng những nền kinh tế và địa chính trị khổng lồ sẽ tiếp tục có sức ảnh hưởng lớn đến các vấn đề toàn cầu, trong số đó đương nhiên có Mỹ, Trung Quốc, Nga, tập thể các quốc gia châu Âu trong khối EU cũng như cường quốc kinh tế đang phát triển nhanh là Ấn Độ. Nhưng các quốc gia nhỏ hơn cũng đóng một vai trò quan trọng. Địa chính trị liên quan đến các đồng minh, và với trật tự thế giới hiện đang ở trạng thái thay đổi liên tục, đây là thời điểm mà các cường quốc lớn cần lôi kéo các cường quốc nhỏ về phe mình và ngược lại. Điều này mang lại cho những quốc gia này, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Anh, cơ hội để đặt mình vào vị thế chiến lược nhằm giành lấy quyền lực trong tương lai. Hiện tại, chiếc kính vạn hoa vẫn đang rung lắc và các mảnh màu vẫn chưa lắng xuống.
Năm 2015, tôi viết cuốn sách Những tù nhân của địa lý với mục đích cho mọi người thấy địa lý có thể ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu cũng như định hình các quyết định của các quốc gia và các nguyên thủ của họ như thế nào. Tôi đã viết về địa chính trị của Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và Pakistan, Nhật Bản và Triều Tiên, Mỹ Latin, và Bắc Cực. Tôi đã muốn tập trung vào những đối thủ máu mặt nhất, những khu vực hoặc khối địa chính trị lớn để cung cấp cho độc giả một cái nhìn khái quát toàn cầu. Thế nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được nói hết. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh hải quân thực sự cùng lúc ở cả hai đại dương, nhưng dãy Himalaya vẫn ngăn cách Ấn Độ và Trung Quốc, và Nga vẫn dễ bị tổn thương tại những vùng đất bằng phẳng nằm ở phía tây của nó, các thực tế địa chính trị mới luôn luôn xuất hiện và còn nhiều đối thủ khác đáng để chúng ta phải chú ý, với sức mạnh định hình tương lai của chúng ta.
Giống như Những tù nhân của địa lý, cuốn Quyền lực của địa lý cũng sẽ nhìn vào các yếu tố núi non, sông ngòi và biển cả dưới một thể thống nhất để hiểu hơn về các thực tế địa chính trị. Địa lý là yếu tố chủ chốt quyết định giới hạn những gì nhân loại có thể và không thể làm. Đúng là các chính trị gia rất quan trọng nhưng địa lý còn quan trọng hơn. Những lựa chọn của con người đang và sẽ không bao giờ có thể tách rời bối cảnh tự nhiên. Xuất phát điểm trong câu chuyện của bất kỳ quốc gia nào luôn là vị trí của quốc gia đó trong mối quan hệ với các nước láng giềng, các tuyến đường biển và tài nguyên thiên nhiên. Nếu sống trên một hòn đảo lộng gió bên ngoài Đại Tây Dương ư? Vậy là bạn đã ở vào vị trí tốt để khai thác sức mạnh của sóng và gió. Nếu sống ở một đất nước nơi mặt trời chiếu rọi quanh năm? Các tấm pin năng lượng mặt trời là con đường tương lai. Nếu sống ở một khu vực có mỏ cobalt? Đó có thể là một phước lành lẫn lời nguyền dành cho bạn.
Một số người vẫn xem thường xuất phát điểm này vì nó có vẻ tất định. Người ta còn nói về một “thế giới phẳng” mà ở đó, các giao dịch tài chính và thông tin liên lạc được thực hiện qua không gian mạng đã triệt tiêu mọi khoảng cách và khiến cảnh quan địa lý trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, đó là thế giới của số ít, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ của dân số thế giới, những người có thể họp hành trực tuyến rồi bay vèo qua núi non và biển cả để đến gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với nhau; chứ không phải là trải nghiệm của hầu hết 8 tỷ người khác trên trái đất này. Nông dân Ai Cập vẫn phải phụ thuộc vào Ethiopia để có nước. Những dãy núi ở phía bắc Athens vẫn cản trở hoạt động giao thương của nó với châu Âu. Địa lý không làm nên số phận – con người vẫn là nhân tố quyết định những gì xảy ra – nhưng nó rất quan trọng.
Có nhiều yếu tố góp phần vào việc tạo nên một thập niên mà chúng ta thấy trước là sẽ đầy biến động và chia rẽ khi bước sang một kỷ nguyên mới. Toàn cầu hóa, chống toàn cầu hóa, Covid-19, công nghệ và biến đổi khí hậu, tất cả đều có tác động và đều được đề cập trong cuốn sách này. Quyền lực của địa lý phân tích một số cuộc xung đột và sự kiện nổi lên trong thế kỷ hai mươi mốt có tiềm năng gây ra những hậu quả sâu rộng trong một thế giới đa cực.
Iran, chẳng hạn, đang định hình tương lai của Trung Đông. Là quốc gia bị cộng đồng quốc tế cô lập vì phát triển chương trình hạt nhân, để duy trì được ảnh hưởng, nước này buộc phải giữ cho được hành lang “Shia” của mình thông suốt tới Địa Trung Hải, thông qua Baghdad, Damascus và Beirut. Đối thủ trong khu vực của Iran là Ả Rập Saudi, quốc gia được hình thành trên dầu và cát. Nước này trước nay vẫn phải dựa dẫm vào đồng minh Hoa Kỳ của mình, nhưng khi nhu cầu dầu mỏ của thế giới giảm đi và Hoa Kỳ trở nên độc lập hơn về năng lượng thì mối quan tâm của họ đối với Trung Đông cũng sẽ từ từ mà cạn.
Ở một nơi khác, không phải dầu mỏ mà nước lại là thứ gây rối loạn. Được ví như “tháp nước của châu Phi", ", Ethiopia nắm giữ một lợi thế quan trọng so với các nước láng giềng của mình, đặc biệt là Ai Cập. Đây là một trong những khu vực trọng điểm có khả năng xảy ra “chiến tranh vì nguồn nước” trong thế kỷ này, nhưng cũng là nơi cho chúng ta thấy được sức mạnh của công nghệ khi nhìn vào Ethiopia và cách nước này sử dụng thủy điện để thay đổi vận mệnh của mình.
Nhưng đó không phải là một lựa chọn ở nhiều khu vực khác của châu Phi, chẳng hạn như Sahel, một miền đất trống trải rộng lớn bên rìa phía nam của sa mạc Sahara, một khu vực bị chiến tranh tàn phá, nằm giữa các đường phân chia địa lý và văn hóa cổ đại, và một vài phần đang bị Al-Qaeda và ISIS chiếm cứ. Nhiều người dân sẽ bỏ chạy khỏi đó, một số sẽ đi về phía bắc hướng tới châu Âu. Cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất nghiêm trọng ở đây có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Là cửa ngõ vào châu Âu, Hy Lạp là một trong những quốc gia đầu tiên cảm nhận được tác động của những làn sóng di cư mới. Địa lý của Hy Lạp cũng đặt nước này vào trung tâm của một trong những điểm nóng địa chính trị trong những năm tới: phía đông Địa Trung Hải, nơi các mỏ khí đốt mới được phát hiện đã đẩy thành viên của EU này đến bờ vực của cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang ngày càng gây hấn. Trong khi phô diễn sức mạnh ở Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ còn nuôi những tham vọng lớn hơn nhiều. Chính sách “tân Ottoman” của Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ lịch sử uy quyền và vị trí của nước này ở giao lộ Đông-Tây, nhằm hoàn thành sứ mệnh của mình là trở thành một cường quốc lớn trên toàn cầu.
Một quốc gia khác đã mất đi đế chế của mình, Vương quốc Anh, một quần đảo lạnh giá nằm ở phía tây của Đồng bằng Bắc Âu, hiện vẫn đang tìm kiếm vai trò cho mình. Hậu Brexit, có thể Anh sẽ thấy mình là một cường quốc tầm trung ở châu Âu đang thúc đẩy các mối quan hệ chính trị và kinh tế trên toàn thế giới. Nhưng nước này đang phải đối mặt với những thách thức từ cả trong lẫn ngoài khi phải đối diện với viễn cảnh về một Scotland độc lập.
Ở phía nam, Tây Ban Nha, một trong những quốc gia lâu đời nhất của châu Âu, cũng đang đối mặt với nguy cơ tan rã bởi chủ nghĩa dân tộc ở các vùng miền của nó. Châu Âu không thể ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của người Catalonia; nhưng việc từ chối tình trạng độc lập của Catalonia sẽ để ngỏ cửa cho Nga và Trung Quốc gây ảnh hưởng ở châu Âu. Các phong trào đấu tranh ở Tây Ban Nha phản chiếu sự mong manh của một số quốc gia dân tộc cũng như các liên minh siêu quốc gia trong thế kỷ hai mươi mốt.
Tuy nhiên, có lẽ diễn biến kỳ thú nhất trong thời đại này là cuộc tranh giành quyền lực địa chính trị của chúng ta đang thoát ra khỏi phạm vi trái đất và bành trướng vào không gian. Ai sở hữu không gian? Bạn quyết định như thế nào? Thực sự thì không có gì là “biên giới cuối cùng”, nhưng vũ trụ gần giống như thế, và các biên giới có xu hướng trở thành những nơi hoang dã, vô pháp. Lên đến một độ cao nhất định sẽ không còn khái niệm lãnh thổ có chủ quyền nữa; nếu tôi muốn đặt vệ tinh trang bị laser của mình ngay phía trên đất nước của bạn, viện dẫn luật nào để bạn có thể nói tôi không được làm việc đó? Với việc nhiều quốc gia đang chạy đua để trở thành cường quốc chiếm ưu thế trong không gian, và các công ty tư nhân nhập cuộc, vũ đài của cuộc chạy đua vũ trang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất và vô cùng nguy hiểm đã được dựng lên, trừ phi chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và thừa nhận lợi ích lớn từ việc hợp tác trên bình diện quốc tế.
Nhưng chúng ta sẽ bắt đầu cuốn sách này ở một nơi trên trái đất, nơi từng bị coi là xa xôi hẻo lánh và không ai biết đến nhưng giờ đây thấy mình đứng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với sức mạnh định hình các sự kiện xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một đối thủ chính trong câu chuyện của chúng ta, lục địa đảo Úc.
................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.
idialy.com không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu có sự cố xảy ra.
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Điểm 10+ Địa Lý
iDiaLy.com - Tài liệu, videos địa lý miễn phí
- Kênh youtube.idialy.com
- Kênh tiktok.idialy.com
- Nhóm: iDiaLy.HLT.vn
- Trang: DiaLy.HLT.vn
- Webiste: iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn - DiaLy.ai.vn - diali.HLT.vn