HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

Hướng dẫn khai thác atlat ĐỊA LÝ VIỆT NAM

Hướng dẫn khai thác atlat ĐỊA LÝ VIỆT NAM

Hướng dẫn khai thác atlat ĐỊA LÝ VIỆT NAM
HỌC ĐỊA LÝ 12 BẰNG ATLAT ĐỊA LÝ VIỆT NAM
- Kênh VIDEO: Youtube.idialy.com
- Webiste/app: idialy.com


         LỜI NÓI ĐẦU : 
Đây là tài liệu viết thử nghiệm,không mang tính thương mại, chỉ lưu hành nội bộ được dành cho đối tượng là các em học sinh đang học lớp 12 .Tài liệu này không nhằm mục đích làm” lá bùa”cho các em khi thi vì vậy không nên tốn công học thuộc (vì rất khó học thuộc) mà nên theo từng bước hướng dẫn trong tài liệu và đối chiếu với át lát để rèn luyện kĩ năng sử dụng atlat được tốt hơn. Để tìm đến kiến thức có thể dựa vào nhiều cách khác nhau, trên các bản đồ khác nhau, ở tài liệu này chỉ đưa ra một cách tìm khả dĩ, các em có thể tìm thêm cách khác để trình bày. Các bài , các nội dung không đề cập trong tài liệu này mà phải học trong chương trình đề nghị học theo nội dung trong SGK 12.
                Hiện nay  học môn địa lý có thể bằng 2 cách: Một là mang tính chất học thuộc lòng ,cách học này ít phải suy nghĩ, chỉ cần ghi nhớ máy móc và có một phần lợi thế khi thi vào các trường ĐH,CĐ,THCN.Hai là : Để tránh phải ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng(một nỗi sợ của nhiều học sinh) thì học sinh nên sử dụng atlas vào việc học địa lý, cách học này đòi hỏi học sinh phải có kiến thức về bản đồ(đọc-hiểu) và đôi khi lại bất lợi khi thi vào: ĐH,CĐ,THCN vì không nhớ được số liệu. Vậy học  như thế nào là tối ưu? Có lẽ cần phải học địa lý bằng atlas xong cũng không bỏ qua sách GK ,cả hai tài liệu này sẽ hỗ trợ nhau trong quá trình học. Tuy nhiên vì mục đích của người viết nên cách học là trên cơ sở sử dụng atlas, chỉ những nội dung nào không có hoặc quá khó mới sử dụng trong SGK, những số liệu khác biệt có thể xảy ra giữa SGK và Atlas không ảnh hưởng đến việc học.
Để sử dụng át lát trong học vàlàm bài địa lý cần phải:
·       Đọc kĩ đề xem đề thi yêu cầu những gì?
·       Để đáp ứng yêu cầu của đề thì cần phải sử dụng những bản đồ nào? Bản đồ ấy nằm ở đâu?
·       Nắm vững bảng ký hiệu nằm ở trang bìa.
·       Tìm đến bản đồ cần sử dụng (tên bản đồ) Việc làm này rất nhiều hs đã bỏ qua, trong khi ở 1 trang bản đồ  đôi khi có nhiều bản đồ với nhiều nội dung khác nhau, một nội dung nhưng nó lại có ở nhiều trang, nhiều bản đồ khác nhau.(Về cơ bản các nội dung về nguồn lực nằm ở nửa đầu, các nội dung về các ngành, các vùng nằm ở các trang sau)
·       Xem trong bản chú thích : các nội dung mình cần tìm được kí hiệu như thế nào? Có những nội dung nào được thể hiện trên bản đồ đó?( Các màu sắc, các biểu đồ trên bản đồ, các kí hiệu…nó có ý nghĩa gì trên bản đồ đó?)
·      Phân tích, tổng hợp, so sánh và rút ra nhận xét kết luận theo yêu cầu của đề thi – đây là việc làm khó nhất, đôi khi phải sử dụng nhiều bản đồ mới đưa ra được 1 kết luận, một nhận xét cần thiết.
   Trong quá trình viết có thể không tránh khỏi sai sót, người viết rất mong được  thông cảm và góp ý để tài liệu được hoàn thiện hơn.

PHẦN MỘT

CÁC NGUỒN LỰC CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
:
1.Về vị trí địa lý:
 Xem lãnh thổ nước ta gồm những bộ phận nào? Hình dạng lãnh thổ ra sao,với qui mô và hình dạng lãnh thổ như vậy có ảnh hưởng gì đến sự phát triển  kinh tế?
Xem giới hạn vĩ độ địa lý kết hợp với biển Đông ở phía Đông => Rút ra những đặc điểm khí hậu và ảnh hưởng của khí hậu đối với kinh tế.

Bản đồ Việt nam trong Đông Nam Á : Xem VN ở phía nào trong 3 nước Đông dương, ở khu vực nào trong khu vực Đông Nam Á => qui kết ý nghĩa trong việc trao đổi trong khu vực.
Xem vị trí của VN với đường giao thông Biển từ Thái Bình Dương sang Ấn  Độ Dương, Vị trí của VN trên đường giao thông Á-Úc, Vị trí của VN với Nhật, Hàn quốc, Đài loan, Hồng công, Trung quốc => Cơ hội và thách thức gì trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi giữa VN với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái bình dương và các nước khác trên thế giới?

2.Về tài nguyên thiên nhiên :

Đất (trang 8): 
Chúng ta có những loại đất chính gì ?(Dựa vào chú thích)-> thuận lợi gì đối với sản xuất nông nghiệp? Việc sử dụng các loại đất này có khó khăn gì không?{Cần phải nói rõ có những loại nào, qui mô của từng loại, phân bố của từng loại(chồng bản đồ đất lên bản đồ trang 4,5), chất lượng của từng loại và ảnh hưởng của từng loại}.

Khí hậu (Trang 7)
Khí hậu nước ta là khí hậu gì? Nó có sự phân hoá như thế nào theo vĩ độ, theo độ cao, theo thời gian.
Dựa vào bản đồ khí hậu chung(màu sắc) để nói có miền khí hậu nào(3 vùng).
Dựa vào bản đồ nhiệt độ,bản đồ lượng mưa để nói đặc điểm chung của nhiệt độ và mưa, dựa vào bản đồ nhiệt độ, bản đồ lượng mưa để nói về chế độ nhiệt(nhiệt độ trung bình, sự thay đổi nhiệt theo vĩ độ, theo thời gian, theo độ cao) và chế độ mưa(lượng mưa trung bình năm khoảng bao nhiêu mm, nó thay đổi như thế nào theo thời gian, lượng mưa giữa các vùng có đều nhau hay không..) Chế độ gió ở nước ta như thế nào? Có những loại gió nào thịnh hành trong năm(dựa vào hoa gió trong bản đồ khí hậu chung).
 Các kiến thức trên cần sử dụng cả màu sắc, đường đẳng nhiệt mới nói được .Nêu những thuận lợi và khó khăn của những đặc điểm trên đối với sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp(Cần chú ý đến gió T-N khô nóng, gió mùa mùa đông và bão).
Sông ngòi :(Dựa vào trang4,5 hoặc 9,10) cho biết nước ta có những hệ thống sông nào, có những con sông lớn nào? Đặc điểm chung về lượng nước, chế độ dòng chảy (dựa vào khí hậu để suy luận).. nó có những thuận lợi và khó khăn gì đối với các hoạt động kinh tế.(Nông nghiệp, Công nghiệp, Giao thông, Thuỷ sản )
 Sinh vật : Dựa vào bản đồ trang 8 (phần thực vật và động vật) hãy đánh giá chung về chủng loại sinh vật ở nước ta (trên cạn, trên không và dưới nước) và những ảnh hưởng của đặc điểm đó đối với sự phát triển kinh tế.
 Khoáng sản : Bản đồ trang 6(Yêu cầu trình bày cả về chủng loại và phân bố )
 -Về chủng loại : Dựa vào chú thích để trình bày về chủng loại khoáng sản(loại nào, nhóm nào) trong các khoáng sản đó những loại nào nhiều nhất?
 -Về trữ lượng: Không có trên bản đồ, cần tham khảo SGK.
 -Về phân bố : Cần nhìn tổng quan trên bản đồ để rút ra nhận xét chung về sự phân bố có đều hay không đều, chồng bản đồ khoáng sản lên bản đồ tự nhiên(trang 4,5) em còn phát hiện được là : Khoáng sản phân bố chủ yếu ở vùng miền núi, cao nguyên hoặc ở ngoài khơi như dầu khí ( điều này muốn nói là khoáng sản tập trung ở những nơi khó khai thác). Khoáng sản thường có mặt nhiều ở các đứt gãy (đường màu đỏ) <-> khoáng sản ở sâu trong lòng đất -> khó khai thác.
  3.Về thực trạng khai thác tài nguyên đề nghị các em đọc sách giáo khoa
…………

II. DÂN CƯ VÀ NGUỒN LAO ĐỘNG
1. Về vấn đề dân số,sự phân bố dân cư(Trang 11)
Dựa vào biểu đồ cột (Dân số VN qua các năm) sẽ biết được dân số nước ta đến năm 2003 là bao nhiêu người, với số người như vậy là nhiều hay ít, có thuận lợi và khó khăn gì trong hoàn cảnh nước ta hiện nay?( có nguồn lao động dồi dào nhưng khó khăn trong việc nâng cao mức sống).
Sự thay đổi dân số qua một số năm, qua một số thời kì khác nhau như thế nào? xem giai đoạn nào tăng nhanh, giai đoạn nào tăng chậm và những năm gần đây như thế nào. Nội dung này nên so sánh giai đoạn 1921-1960 dân số tăng gấp đôi trong 39 năm với giai đoạn 1960-1989 mới 29 năm nhưng dân số đã tăng trên 2 lần như vậy dân số tăng ngày càng nhanh. Sử dụng tháp dân số năm 1999 ta nhận thấy tháp tuổi đang có xu hướng thu hẹp, nhóm tuổi 5-9(sinh từ năm 1990 đến 1994) nhiều hơn nhóm tuổi 0-4 (sinh từ năm 1995 đến 1999) cho nên ta nói từ 1990 đến nay tốc độ tăng dân số ở nước ta giảm dần(tuy nhiên vẫn còn cao hơn mức gia tăng dân số trung bình của thế giới).à Hãy nêu hậu quả của sự tăng nhanh dân số đối với chất lượng cuộc sống, tài nguyên và môi trường, sự phát triển kinh tế.
Dựa vào 2 tháp dân số em sẽ có những nhận định tương đối về kết cấu dân số nước ta về tuổi(già hay trẻ), về giới(nam nhiều hay nữ nhiều), về nguồn lao động(nhiều hay ít). Qua 2 tháp dân số này ta cũng có thể nhận xét được về kết cấu theo tuổi của dân số, nguồn lao động như thế nào? Nếu ta so sánh 2 tháp ta còn có thể nhận định được về tình hình tăng dân số của nước ta trong giai đoạn 89-99 như thế nào( So sánh nhóm tuổi từ 0-4 với nhóm tuổi 5-9 với nhóm tuổi từ 10-14 trong từng năm và giữa 2 năm để suy ra tỉ lệ sinh có xu hướng thay đổi như thế nào).
Ta cũng có thể chỉ dựa vào tháp dân số năm 1999 để nhận xét bằng cách cộng tỉ lệ các nhóm tuổi từ 0-4,5-9,10-14 = 9%+12%+12%=33% và ta nói nước ta có dân số trẻ.Từ đây ta nêu ảnh hưởng của kết cấu dân số trẻ đối với hiện tại và tương lai : Hiện tại là gánh nặng cho xã hội nhưng đồng thời cũng là lực lượng lao động dự trữ lớn nếu được giáo dục và đào tạo tốt .
+ Về phân bố dân cư và nguồn lao động:Dựa vào trang 11( phần màu sắc thể hiện mật độ dân số)
Căn cứ vào sự phân bố màu sắc trên bản đồ em có nhận xét chung về sự phân bố dân cư ở Việt nam
Dựa vào thang màu sắc em hãy nêu ra các khu vực có mật độ dân số cao trên 2000 ng/Km2…..và những địa phương có mật độ dân số dưới 50 ng/Km2.(mật độ dân số các Tỉnh và TP trực thuộc trung ương có thể tính được cụ thể dựa vào diện tích và số dân ở trang 3).
Chồng bản đồ mật độ dân số trang 11 lên bản đồ hình thể trang 4,5 em sẽ nhận xét được vùng nào mật độ dân số cao vùng nào mật độ dân số thấp và như vậy mật độ dân số giữa miền núi và đồng bằng, giữa các đồng bằng như thế nào? Em so sánh giữa mật độ dân số ở thành thị và mật độ dân số ở các nơi khác em sẽ rút ra nhận xét phân bố dân cư giữa thành thị và nông thôn. Em cũng quan sát xem các đô thị phân bố chủ yếu ở vùng nào?
Dựa vào biểu đồ cơ cấu dân số hoạt động theo ngành ta lập luận dân số hoạt động theo ngành->Dân cư phân bố không đều giữa thành thị và nông thôn (Vì lao dộng chủ yếu trong ngành nông- lâm -ngư nghiệp mà những hoạt động kinh tế này là hình thức sản xuất chủ yếu của quần cư nông thôn)
* Tổng hợp tất cả các vấn đề trên em rút ra nhận xét về sự phân bố dân cư và phân bố lao động ở VN. - Dựa vào kiến thức đã học ở lớp trước suy nghĩ xem vì sao dân cư VN lại phân bố như vậy? Sự phân bố dân cư và lao động như vậy nó có ảnh hưởng gì đến việc khai thác tài nguyên và sử dụng hợp lý nguồn lao động trong từng vùng, từng miền của nước ta?
- Ngoài các vấn đề đãnêu trên ta còn có thể trình bày được sự phân bố dân cư ngay trong mộtđịa phương nhỏ, giữa miền Bắc và miền Nam.
2.Về vấn đề dân tộc:(Trang 12):
+Dựa vào bảng thống kê dân tộc, bảng chú thích các ngữ hệ và nhóm ngôn ngữ, biểu đồ các nhóm dân tộc em sẽ nói đựơc các thành phần dân tộc ở VN gồm bao nhiêu dân tộc, gồm có mấy ngữ hệ, mấy nhóm ngôn ngữ, nhóm nào là nòng cốt của dân tộc VN?(phải kể ra).
+Nếu chồng bản đồ dân tộc lên bản đồ trang 4,5 em sẽ biết được nhóm dân tộc nào sống ở vùng núi nhóm dân tộc nào sống ở vùng đồng bằng . Nếu kết hợp với trang kinh tế và kiến thức của em thì em còn biết được hoạt động kinh tế chính của từng nhóm dân tộc và trình độ sản xuất, tập quán sản xuất của các dân tộc này.
+Nếu chồng bản đồ dân tộc lên bản đồ trang 13 em còn có thể xác định được vùng phân bố của các nhóm dân tộc (người Việt ở đâu, người Chăm ở đâu, người Khme ở đâu…)
*Tất cả các vấn đề trên nó mang lại những thuận lợi và khó khăn gì về kinh tế về chính trị xã hội?
3.Các biện pháp giải quyết về dân số, dân cư, dân tộc: Đề nghị các em nghiên cứu sách giáo khoa.
…………

III. ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT
+Vềđường lối phát triển kinh tế xã hội: Không có trong Atlas
+Về cơ sở vật chất kĩ thuật (Phương diện ngành và lãnh thổ)
Cả hai vấn đề trên nên học theo sách giáo khoa sẽ đầy đủ hơn. Nếu học theo atlas sẽ không đầy đủ, ta chỉ có thể tìm được một số nội dung (và cũng cần hiểu thế nào là cơ sở vật chất kỹ thuật). Ví dụ: trong bản đồ trang 13,14 để thấy các vùng chuyên canh Nông nghiệp. Biểu đồ giá trịsản xuất Công nghiệp phân theo thành phần kinh tế trang 16 để nói các thanh phần kinh tế tham gia vào sản xuất công nghiệp,bản đồ trang 16,17 để nói về các ngành công nghiệp có năng lực sản xuất đáng kể, các trung tâm công nghiệp quan trọng. Bản đồ trang 18 để nhận xét về mạng lưới giao thông đã tỏa đi đến đâu, có các cảng biển quan trọng nào?Trang 19-bản đồ thương mại: ta biết các thành phần tham gia, số lượng người tham gia, mạng lưới thương mại, các địa phươngđược coi là trung tâm thương mại của cả nước. Tổng hợp các trang trên để ta nói về hạn chế của cơ sở vật chất kĩ thuật nước ta(nên vừa đọc SGK vừa đối chiếu trên từng trang atlas sẽ dễ nắm được bài hơn).
PHẦN HAI
CÁC VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI
I.LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
Bài này chủ yếu học trên SGK, ở trên atlas chỉ thể hiện một nội dung: Cơ cấu lao động phân theo ngành trong biểu đồ tròn ở trang 11.
II . THỰC TRẠNG NỀN KINH TẾ :
Bài này chỉ có một số nội dung trên atlas còn hầu hết phải học theo Sách giáo khoa, tuy nhiên cũng có thể trình bày được một số nội dung (nhưng hơi khó)
1 . Những thay đổi về cơ cấu ngành Kinh tế :
+ Sự thay đổi trong nội bộ các ngành kinh tế :
Dựa vào atlat trang 13 (phần biểu đồ cột chồng, góc trên bên phải) : Trên biểu đồ có các cột biểu thị giá trị sản lượng Nông-Lâm-Thủy sản của một số năm khác nhau, số liệu ghi trên đầu cột là giá trị sản lượng nông-lâm-thủy sản của từng năm, số liệu ghi trong cột là giá trị sản lượng của từng nhóm ngành như vậy nếu ta so sánh giữa 3 nhóm ngành ta thấy được sự phát triển của ngành thủy sản .
Dựa vào trang 14 (biểu đồ chăn nuôi) : ta nói được sự phát triển của ngành chăn nuôi, nếu lấy số lần phát triển này so với số lần phát triển của ngành nông nghiệp(phần nông nghiệp trong biểu đồ cột ở trang 13) ta sẽ suy ra được ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh hơn, như vậy ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh hơn ngành trồng trọt và nó đang trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Dựa vào bản đồ cây hoa màu(phần biểu đồ) nhận xét sự thay đổi sản lượng sau đó so sánh với sự thay đổi sản lượng lúa(phần biểu đồ bản đồ lúa) ta cũng nói được sản lượng cây hoa màu tăng nhanh nó đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Dựa vào bản đồ cây công nghiệp(phần biểu đồ cột) ta cũng nói được sự chuyển biến tích cực của ngành trồng cây công nghiệp.
Dựa vào biểu đồ sản lượng thủy sản cả nước (trang 15) ta nói được chuyển biến trong ngành thủy sản.
Dựa vào các biểu đồ cột chồng ở trang 17 ta nhận định chung về sự thay đổi cơ cấu một số ngành công nghiệp. Dựa vào biểu đồ tròn :giá trị sản xuất công nghiệp phân theo nhóm ngành công nghiệp(trang 16) ta sẽ xác định được các ngành công nghiệp trọng điểm.
+. Sự thay đổi giữa Công nghiệp và nông nghiệp
Dựa vào trang 13(biểu đồ góc trên bên phải) ta sẽ tính được sự gia tăng giá trị giá trị sản lượng của ngành nông nghiệp trong từng giai đoạn là bao nhiêu lần sau đó so sánh với sự gia tăng giá trị sản lượng của ngành công nghiệp(giai đoạn tương ứng) ở biểu đồ cột trang 16 ta sẽ thấy giá trị sản lượng công nghiệp tăng nhanh hơn giá trị sản lượng của ngành nông nghiệp( nói một cách khác là nước ta đang từng bước tiến hành công nghiệp hóa đất nước).
+Sự thay đổi trong ngành dịch vụ không có trên bản đồ
2 . Sự thay đổi về cơ cấu lãnh thổ :
Cần quan sát trang 14 để cho biết nước ta có những vùng chuyên canh nào(nhóm cây gì, ở vùng nào) .
Quan sát trang 16,17 xem nước ta có những khu vực tập trung Công nghiệp nào, với nhóm ngành gì.
Kết hợp bản đồ trang 14 và 16 xem nước ta có vùng nào kinh tế phát triển hơn cả.
3 . Phương hướng hoàn thiện cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ không có trên atlas.
………..

III. SỬ DỤNG VỐN ĐẤT :
1.Vốn đất đai (Chỉ nói được một số nội dung)
Dựa vào trang 8 ta sẽ trình bày được ở nước ta có những nhóm đất nào(phần chú thích). Dựa vào màu sắc bản đồ so sánh từng nhóm sẽ thấy qui mô(diện tích) đất của từng loại khác nhau, nếu chồng bản đồ đất lên bản đồ trang 11,13 ta sẽ thấy trong từng vùng khác nhau thì qui mô, cơ cấu đất,bình quân đất theo đầu người cũng khác nhau à chính vì vậy mà phải có biện pháp sử dụng khác nhau.
2.Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp ở từng vùng :( Kết hợp trang 8,9,10,11,12,13,14,15)
+ Ở ĐBSH :
Trang 8-> Đất phù sa hệ thống sông Hồng và sông Thái bình bồi đắp(khá màu mỡ)
Trang 13 -> Diện tích nhỏ + trang 11 -> mật độ dân số caoà Bình quân đất nông nghiệp theo đầu người thấp nhất cả nước, nhu cầu về đất chuyên dùng cao + nhu cầu về lương thực cao làm cho đất đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Trang 13 + 14 -> Đất ở đây đang được thâm canh lúa và trồng cây hàng năm, đất hoang ít.
à Đưa ra biện pháp sử dụng hợp lý.
+ Ở ĐBSCL :
So sánh với đồng bằng sông Hồng(căn cứ trên trang 11 và 13) khi ĐBSCL mật độ dân số thấp hơn nhưng diện tích lại lớn hơn -> bình quân đất theo đầu người ở ĐBSCL cao hơn ĐBSH
Bản đồ đất :Trang 8 - Đất phù sa hệ thống sông Tiền và sông Hậu bồi đắp(chiếm khoảng 1/3 diện tích) .Chồng lên trang 14(lúa) ta nói vùng đất này được sử dụng trồng lúa với năng suất cao, chồng lên trang 13 ta nói vùng này trồng cây ăn quả(cây lâu năm). Đất phèn và đất mặn( ở phía Tây vàNam của đồng bằng, chiếm trên ½ diện tích )loại đất này muốn sử dụng thì phải cải tạo.
à Tự đưa ra biện pháp sử dụng hợp lý với từng loại đất đã nêu(đối với đất phù sa, với đất phèn,đất mặn, đất còn bỏ hoang)
+ Ở Duyên hải miền Trung :
Quan sát diện tích các đồng bằng trên trang 4,5 ta nói có diện tích nhỏ hẹp
Quan sát bản đồ đất trang 8: cần chú ý loại đất cát biển (màu vàng khác với đất phù sa cổ)-> thích hợp cho sự phát triển cây hàng năm. Quan sát bản đồ khí hậu xem vùng có khó khăn gì, chú ý đến gió tháng 1 thổi vuông góc với bờ biển Bắc trung bộ nó sẽ ảnh hưởng gì đến đất của vùng, gió Tây khô nóng ở Bắc trung bộ, lượng mưa ở các tỉnh ven biển Nam trung bộ.
+ Ở miền núi và cao nguyên : Ta chồng bản đồ trang 4,5 lên bản đồ trang 8 ta thấy vùng này chủ yếu là đất Feralit . Chồng bản đồ đất lên bản đồ trang 11,12 ta sẽ thấy ở đây mật độ dân số còn thấp( có nghĩa là vốn đất ở đây còn nhiều) đồng thời ta cũng thấy được nơi này là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người( Trình độ sản xuất nói chung còn thấp, tập quán sản xuất còn lạc hậu). Chồng bản đồ đất lên bản đồ trang 13 xem vùng này người ta sử dụng đất vào sản xuất Nông nghiệp những gì. Tự liên hệ thực tế xem hiện nay người dân trên vùng này đang làm gì ảnh hưởng đến tài nguyên đất và rừng, việc làm như vậy có gì hợp lý có gì chưa hợp lý, từ đây ta đưa ra các biện pháp sử dụng hợp lý hơn.
IV. VẤN ĐỀ LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM
Tầm quan trọng của vấn đề lương thực thực phẩm :( không có trên atlas – nếu có chăng là dựa vào trang 11( phần biểu đồ dân số) thấy dân số đông vàđang tăng lên thì nói được nhu cầu về lương thực đang ngày càng tăng lên)
1.Hiện trạng sản xuất lương thực :
Trang 14 :Bản đồ lúa , bản đồ hoa màu:
Phần biểu đồ lúa : Dựa vào số liệu trên biểu đồ tròn(diện tích lúa – đơn vị nghìn ha) so sánh giữa các năm sẽ nhận xét được sự gia tăng của diện tích lúa nói chung được mấy lần, nếu so sánh trong từng giai đoạn tasẽ biết thời kỳ1990-1995 hay thời kỳ 1995-2000 tăng nhanh hơn. Tương tự khi so sánh phần biểu đồ cột (sản lượng lúa- đơn vị nghìn tấn) ta cũng biết được sản lượng lúa tăng bao nhiêu lần và thời kỳ nào tăng nhanh hơn thời kỳ nào? So sánh số lần tăng của diện tích với số lần tăng của sản lượng trong thời kỳ 1990-2000 ta sẽ thấy sản lượng tăng nhanh hơn diện tích điều này có nghĩa là năng suất tăng( cách khác để nói về năng suất là ta lấy sản lượng của từng năm chia cho diện tích của từng năm tương ứng ta sẽ được kết quả là càng về thời gian sau thì tỉ số này càng tăng dần có nghĩa là năng suất lúa (tấn/héc ta) tăng dần. Kết hợp biểu đồ sản lượng lúa với biểu đồ số dân trang 11 ta lấy sản lượng lúa chia cho số dân của năm tương ứng ta sẽ thấy bình quân lúa trên đầu người tăng dần, nhận xét sự thay đổi kết quả này theo từng năm sẽ thấy mức bình quân lúa theo đầu người tăng dần.
Về phân bố cây lúa ta dựa vào bản đồ lúa: Nếu căn cứ vào màu sắc ta sẽ nói được các vùng chuyên canh lúa ở nước ta là vùng nào có tỉ lệ đất trồng lúa so với diện tích trồng cây lương thực trên 90%, từ 81% đến 90%….., nếu dựa vào chiều cao của biểu đồ cột ở các tỉnh ta sẽ nói được tỉnh nào có diện tích trồng lúa nhiều tỉnh nào có sản lượng lúa cao,( chi tiết hơn nếu căn cứ vào chú thích ta có thể đo được chiều cao các cột là bao nhiêu mm và từ đây nhân với tỉ lệ ta sẽ biết được cụ thể từng tỉnh có diện tích và sản lượng lúa là bao nhiêu ), năng suất lúa ở tỉnh nào cao (dựa vào tỉ số giữa cột sản lượng so với cột diện tích trong từng tỉnh)
Về cơ cấu mùa vụ :không có trên bản đồ
Trang 11 bản đồ hoa màu ta chỉ nhận xét chung về sự thay đổi diện tích và sản lượng hoa màu, ta sẽ nhận thấy sản lượng tăng nhanh hơn nhiều so với sự gia tăng diện tích. (không phải tính năng suất , bình quân theo đầu người như lúa) và tìm sự phân bố của cây hoa màu trên lãnh thổ xem vùng nào có tỉ lệ đất trồng cây hoa màu so với diện tích đất trồng cây lương thực nhiều và ở vùng đó trồng cây gì .
Những khó khăn hạn chế trong việc sản xuất lương thực các em tự tìm hiểu và suy luận căn cứ vào nội dung phân tích ở trên, dựa vào thực tế cuộc sống, dựa vào sách giáo khoa.
2.Hiện trạng sản xuất thực phẩm :
Bản đồ chăn nuôi trang 14 và ngư nghiệp trang 15:
Trên bản đồ chăn nuôi trang 14 dựa vào phần biểu đồ tròn ta thấy bán kính tăng dần có nghĩa là giá trị sản lượng ngành chăn nuôi đang tăng lên, nhìn vào trong từng biểu đồ ta thấy ngành chăn nuôi ở nước ta gồm các ngành nào, sự thay đổi tỉ lệ của từng ngành chính là sự thay đổi cơ cấu cũng như tình hình phát triển của từng ngành trong những năm qua.
Về sự phân bố ta dựa vào bản đồ chăn nuôi, căn cứ vào chú thích để trình bày sự phân bố của từng nhóm ngành chăn nuôi, vùng nào tỉnh nào nuôi nhiều con gì?( Cột là chăn nuôi gia súc, hình bán nguyệt là chăn nuôi gia cầm, số lượng đàn gia súc gia cầm phụ thuộc vào chiều cao của các cột hoặc bán kính của hình bán nguyệt ). Cần phải hết sức chú ý để tránh nhầm lẫn giữa tỉnh này với tỉnh kia, gia súc này với gia súc kia.
Trên bản đồ ngư nghiệp trang 15: Dựa vào biểu đồ cột sản lượng thủy sản cả nước nhận xét, so sánh về sản lượng thủy sản nuôi trồng, thủy sản đánh bắt.Về sự phân bố ta dựa vào các cột và chiều cao của các cột ở trong từng tỉnh sẽ xác định được các vùng và các tỉnh có sản lượng đánh bắt(cột màu hồng) và sản lượng nuôi trồng (cột màu xanh) . Để giải thích về sản lượng ta có thể dựa vào các bãi tôm, bãi cá ở ven biển. Những khó khăn han chế của ngành chăn nuôi cũng như định hướng phát triển của ngành các em đọc thêm ở sách giáo khoa và tự suy luận dựa trên thực tiễn cuộc sống.
…………

V. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP
Dựa chủ yếu trên trang 14 để trình bày
1 . Ý nghĩa của việc phát triển cây công nghiệp : Tự suy luận ( theo sách giáo khoa)
2 . Những thuận lợi trong việc phát triển cây công nghiệp( Dựa vào bản đồ đất trang 8 và khí hậu trang 7)
Trang 7 (Nhiệt độ và lượng mưa) : Khí hậu nhiệt đới, Nhiệt độ cao, mưa nhiều, có sự phân hóa……giúp cho việc phát triển các cây nhiệt đới với cơ cấu đa dạng đồng thời có thể trồng các cây có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới.
Trang 6 : Có nhiều loại đất khác nhau : dẫn chứng …..thuận lợi cho sự phát triển nhiều loại cây khác nhau.
Những thuận lợi về kinh tế xã hội: tham khảo SGK phần cuối trang 36 , phần đầu trang 37
3.Hiện trạng phát triển cây công nghiệp : trang 14 bản đồ cây công nghiệp
Về diện tích : sử dụng phần biểu đồ cột nói về sự thay đổi diện tích qua các năm của từng loại cây : hàng năm và lâu năm, diện tích tăng bao nhiêu lần trong từng giai đoạn, trong cả thời kỳ, giai đoạn nào tăng nhanh hơn giai đoạn nào, giai đoạn nào tăng nhiều hơn giai đoạn nào.Ta so sánh giữa cây hàng năm và cây lâu năm xem cây nào có tốc độ phát triển nhanh hơn. Nếu cộng diện tích cây hàng năm và lâu năm ta sẽ có diện tích cây công nghiệp nói chung và qua kết quả cộng này ta sẽ nói được sự gia tăng diện tích cây công nghiệp qua các năm theo các hướng đã nói ở trên.
Về phân bố: Sử dụng các ký hiệu cây công nghiệp trên bản đồ kết hợp với trang 13( để xác định vùng), trang 14(xác định tỉnh) ta sẽ nói được nước ta có cây công nghiệp chủ yếu nào và trồng ở những vùng nào, tỉnh nào. Nếu chồng bản đồ này lên bản đồ đất trang 8 ta biết các cây công nghiệp được trồng trên loại đất gì.
Bảng : Sự phân bố các cây công nghiệp chủ yếu ở nước ta.
Cây công nghiệp
Phân bố
Hàng năm Mía

Lạc

…….

Lâu năm Cà phê

Cao su

Chè

………

4. Các vùng chuyên canh : Dựa vào phần màu sắc trên bản đồ cây công nghiệp trang 14 để tìm xem tỉ lệ đất trồng cây công nghiệp của từng vùng là bao nhiêu % , vùng nào hoặc tỉnh nào có tỉ lệ đất trồng cây công nghiệp dưói 15%, từ 15 đến 40%, trên 40% so với diện tích gieo trồng đã sử dụng, như vậy vùng nào là vùng chuyên canh lớn nhất, nhì, ba…trong từng vùng trồng các cây công nghiệp chủ yếu nào, vì sao lại trồng được cây cây công nghiệp đó?(dựa vào khí hậu, đất, địa hình, truyền thống, công nghiệp chế biến….)

Bảng: Các vùng chuyên canh cây công nghiệp.
Vùng
Qui mô
Điều kiện thuận lợi( Tự nhiên, Kinh tế xã hội)
Cây trồng chính
Đông NB Lớn nhất
>40% diện tích đất canh tác trồng cây công nghiệp
Tự nhiên : Địa hình…. Cao su, Mía……
…..



………..

VI. NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
1.Cơ cấu ngành công nghiệp và tình hình phát triển :
Trang 16 : Dựa vào chú thích(ở trang bìa) ta sẽ nói được công nghiệp của nước ta có những ngành công nghiệp nào (yêu cầu phải kể ra tất cả các ngành), nhóm ngành công nghiệp nào? Và ta kết luận nước ta có cơ cấu công nghiệp đa dạng, có khá đầy đủ các ngành công nghiệp quan trọng Nếu muốn biết có nhóm ngành công nghiệp nào thì cần sử dụng biểu đồ giá trị sản xuất công nghiệp phân theo nhóm ngành công nghiệp trang 16. Sử dụng biểu đồ giá trị sản xuất phân theo thành phần kinh tế trang 16 ta nói được cơ cấu công nghiệp theo khu vực quản lý.
Nếu muốn trình bày tình hình phát triển công nghiệp thì sử dụng biểu đồ cột (góc trên bên phải) trang 16: nhận xét trong 5năm giá trị sản lượng công nghiệp tăng bao nhiêu lần, trong từng năm ta thấy giai đoạn nào tăng nhanh, giai đoạn nào tăng chậm.
Để trình bày tình hình phát triển của một nhóm ngành (Năng lượng, luyện kim-cơ khí –hóa chất, nhẹ và thực phẩm) cần dựa vào trang 17: trong các biểu đồ cột, cột chồng thể hiện tình hình phát triển của ngành hoặc cơ cấu trong từng nhóm ngành, trong các biểu đồ tròn thể hiện vai trò của từng nhóm ngành trong cơ cấu công nghiệp chung. Trên các bản đồ thể hiện sự phân bố của từng nhóm ngành, qui mô của các trung tâm công nghiệp chuyên ngành, cơ cấu ngành trong các trung tâm công nghiệp đó.
Để trình bày về các trung tâm công nghiệp nói chung thì cần dựa vào bản đồ trang 16 ở đó qui mô của các trung tâm công nghiệp được thể hiện bởi độ lớn của các vòng tròn, cơ cấu ngành của trung tâm công nghiệp được thể hiện bởi các ký hiệu được thể hiện trong từng vòng tròn đó.
Để giải thích được sự có mặt của các ngành trong từng trung tâm công nghiệp thì cần phải có kiến thức tổng hợp, phải dựa vào yếu tố tự nhiên( như vị trí địa lý, tài nguyên khóang sản…) và kinh tế xã hội( như dân cư, lao động, kĩ thuật, thị trường, giao thông, truyền thống..) . Ứng với nội dung trên cần sử dụng bản đồ tương ứng để trình bày– nên đọc lại bài vai trò, đặc điểm và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố công nghiệp ở chương trình địa lý lớp 10.
Các ngành công nghiệp trọng điểm: là các ngành được nêu ở trang 17( tuy nhiên không đầy đủ cần phải đọc thêm trong sách )
Sự thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp : giữa nhóm A và nhóm B tuy có một số ở trang 17 (phần biểu đồ) nhưng không được đầy đủ, tốt nhất nên đọc trong sách giáo khoa(Biểu đồ diện tích). Trong trang 17 phần biểu đồ cột chồng ta tính số lần tăng giá trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp LK-CKh-ĐTử-HCh, số lần tăng của nhóm ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm sau đó so sánh số lần tăng này và so sánh giá trị sản xuất của 2 nhóm ngành này theo từng năm ta sẽ thấy nhóm ngành công nghiệp nặng có tốc độ tăng nhanh hơn nhưng giá trị sản xuất của nó vẫn còn thấp hơn nhóm ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.
2.Sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp :
Dựa vào trang 16 nhìn tổng quát xem ở khu vực nào có các trung tâm công nghiệp dày đặc ở khu vực nào còn thưa từ đó ta sẽ nhận xét được sự phân bố các trung tâm công nghiệp ở nước ta .
Cần phải tìm xem trong từng khu vực có những trung tâm công nghiệp nào, trung tâm nào đóng vai trò hạt nhân trong vùng, trong từng trung tâm công nghiệp có ngành nào là chủ đạo (ngành chuyên môn hóa), tại sao lại có những ngành đó? Nên lập bảng theo mẫu sau:
Hai trung tâm công nghiệp quan trọng nhất
Trung tâm công nghiệp
Qui mô-vị trí
Cơ cấu ngành
Giải thích
HÀ NỘI



TP.HỒ CHÍ MINH



Vùng bắc bộ và phụ cận
Vị trí so với HÀ NỘI Tên các trung tâm công nghiệp Các ngành chuyên môn hóa
Bắc Thái nguyên …………………
Đông-Bắc ……………… ……………
………………… ………………… ……………………






Vùng Duyên hải miền Trung
Trung tâm công nghiệp
Qui mô
Các ngành chuyên môn hóa
Thanh hóa Sản xuất từ 1 đến 2 tỉ đồng ……………..
Vinh …………….

………..


Vùng Đông nam bộ và đồng bằng sông cửu long
Trung tâm công nghiệp
Qui mô
Các ngành chuyên môn hóa
Biên hòa Sản xuất từ 10 đến 50 tỉ đồng ……………..
Vũng tàu …………….

………..


Sự phân hóa lãnh thổ công nghiệp nước ta đang có thay đổi ngày một hợp lý hơn: không thể hiện trên atlas.
………

VII. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI
1.Những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển giao thông vận tải
Về tự nhiên: cần sử dụng các trang bản đồ tự nhiên để trình bày những thuận lợi và khó khăn của địa hình, khí hậu, mạng lưới sông ngòi, vị trí địa lý đối với việc phát triển giao thông vận tải.
Về kinh tế xã hội: Cần tham khảo trong sách giáo khoa.
2. Về cơ sở vật chất của ngành GTVT: dựa vào bản đồ GTVT trang 18 để trình bày
Dựa vào chú thích để nêu các loại hình giao thông vận tải chủ yếu ở nước ta(cần bổ sung GTVT đường ống)
Về đường sắt nước ta có tuyến đường quan trọng nào, đi từ đâu đến đâu?
Về đường ô tô nước ta có những tuyến đường quan trọng nào, nối các vùng nào với nhau?
Về đường sông, đường biển nước ta có những cảng sông, cảng biển nào quan trọng?
Về đường hàng không nước ta có những sân bay quốc tế nào(ký hiệu hình máy bay màu đỏ), có bao nhiêu sân bay trong nước(ký hiệu hình máy bay màu đen)?
Nhìn chung về mạng lưới đường giao thông của nước ta như thế nào? Phân bố có đều chưa? Ở vùng nào dày đặc, vùng nào còn thưa? Các tuyến đường giao thông nước ta đã nối với các tuyến đường giao thông quốc tế chưa, đó là tuyến nào, loại hình nào, nối với đâu?
3.Về các tuyến giao thông vận tải quan trọng trong nước
Cần xác định theo hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, xem có tuyến đường nào nối liền các vùng lại với nhau, nối các đầu mối giao thông quan trọng, đó chính là các đường giao thông quan trọng (phải nêu tên các tuyến đường đó ra)
Các tuyến giao thông vận tải chuyên môn hóa: Nên đọc từng tuyến ở trong SGK và dò trên bản đồ trang 18 để dễ hiểu hơn, để xác định tuyến này vạn chuyển hàng gì cần phải dựa vào bản đồ dân cư, kinh tế và phải có kiến thức tổng hợp về kinh tế mới trình bày được(sẽ học trong chương trình kỳ 2)
…………….
VIII.VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI.
1. Về du lịch quốc tế và các dịch vụ thu ngoại tệ: Sử dụng bản đồ trang 20
Quan sát biểu đồ cột khách du lịch và doanh thu từ du lịch nhận xét về số lượng khách du lịch và sự gia tăng khách du lịch trong giai đoạn 1990-2000, nhận xét về sự gia tăng doanh thu từ du lịch, tăng mấy lần, sự gia tăng này nhanh hay chậm, đến năm 2000 ta đã đón được bao nhiêu lượt khách du lịch quốc tế, sự biến động của khách du lịch quốc tế và sự biến động của doanh thu từ du lịch giống nhau trong khi khách nội địa tăng liên tục điều này nó phản ánh nguồn thu từ du lịch phụ thuộc nhiều vào khách quốc tế, nguồn thu từ khách nội địa chưa ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu từ du lịch. Nếu lấy tổng doanh thu từ du lịch chia cho tổng số khách du lịch(cả nội địa và quốc tế) ta sẽ thấy mức chi dùng của một khách du lịch còn thấp(chưa lưu giữ được khách ở lâu).
Quan sát biểu đồ tròn về cơ cấu khách du lịch quốc tế ta sẽ nhận xét được số lượng khách ,sự gia tăng số lượng khách quốc tế giai đoạn 1996-2000, cơ cấu khách du lịch, sự thay đổi cơ cấu khách du lịch đến nước ta(cần nêu một ý là khách đến từ các nước phát triển-có mức tiêu dùng cao- còn ít).
Quan sát nội dung bản đồ ta nêu được những thuận lợi trong việc phát triển du lịch ở nước ta về các tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch xã hội và nhân văn của ta có những gì, các em cũng cần nêu các chính sách của nhà nước mới ban hành trong việc phát triển du lịch nhất là trong việc thu hút khách du lịch quốc tế như những thay đổi trong việc cấp visa, chuyển tiền, chuyển hàng hóa, cho phép xe ôtô tay lái nghịch được hoạt động trong một số khu vực…….
Các hoạt động thu ngoại tệ khác như xuất khẩu lao động không có ở trên bản đồ.
2.Về hoạt động xuất nhập khẩu: Dựa vào bản đồ trang 19
Dựa vào biểu đồ cột xuất nhập khẩu hàng hóa qua các năm trong bản đồ ngoại thương ta nhận xét sự gia tăng giá trị xuất khẩu(cột xanh) được bao nhiêu lần, giai đoạn nào tăng nhanh nhất? Nhận xét sự gia tăng giá trị nhập khẩu(cột đỏ) bao nhiêu lần? Như vậy giữa xuất khẩu và nhập khẩu hoạt động nào tăng nhanh hơn? Ta cộng giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu theo từng năm và nhận xét tổng giá trị xuất nhập khẩu nó thay đổi như thế nào? So sánh giá trị xuất khẩu và nhập khẩu trong từng năm ta có nhận xét gì? Đến đây chúng ta có thể kết luận sự chuyển biến trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta là: Tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng dần, tuy còn nhập siêu nhưng cán cân xuất nhập khẩu đang tiến dần đến sự cân đối, nhập siêu giảm dần.
Dựa vào hai biểu đồ tròn cơ cấu giá trị hàng xuất khẩu và cơ cấu giá trị hàng nhập khẩu năm 2000 trong bản đồ thương mại ta nhận xét về cơ cấu hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu của chúng ta hàng gì là chủ yếu, dựa trên cơ sở hàng xuất nhập khẩu như vậy cũng có thể đưa ra một lý do để giải thích vì sao nước ta còn trong tình trạng nhập siêu.
Dựa vào bản đồ ngoại thương ta xác định các nước các lãnh thổ có buôn bán với nước ta là ở khu vực nào trên thế giới, đó là nước nào, lãnh thổ nào, trong đó giá trị buôn bán với nước và lãnh thổ nào đạt từ 1 đến 2 tỉ USD, trên 2 tỉ USD.
Để giải thích về các hoạt động xuất nhập khẩu, sự thay đổi cơ cấu thị trường đề nghị xem trong SGK.

Đang được tiếp tục cập nhật......

- Website/app: iDiaLy.com
- Group:idialy.HLT.vn
- Fanpage: dialy.HLT.vn

iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Atlat Việt Nam Kỹ Năng Atlat Lớp 12 Tin tức
Lên đầu trang