BÍ QUYẾT ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN ĐỊA LÝ

Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ, theo thống kê, điểm môn thi địa lý luôn thấp hơn các môn khác. Vậy làm thế nào để đạt điểm cao ở môn thi này? Dưới đây là những chia sẻ của thầy cô về cách ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn địa lý.

Mỗi dạng biểu đồ đều có cách “nhận diện”

Địa lý vốn không phải là môn khó học nên những học sinh không chuyên về khối C đừng quá lo lắng. Chỉ cần nắm vững các kiến thức, biết cách sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, biết xác định và vẽ biểu đồ là các em có thể làm tốt bài thi môn địa lý.

Đối với phần kiến thức, khi ôn tập, các em nên lập bảng hệ thống, sơ đồ so sánh giữa các vùng có sự tương quan với nhau về đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển. Với các vùng kinh tế trọng điểm, khi lập bảng hệ thống hóa kiến thức, các em nên chỉ ra sự giống và khác nhau giữa các vùng để dễ nhớ, đồng thời tập làm quen với dạng bài so sánh trong đề thi. Đối với các số liệu, chi tiết khó nhớ, các em có thể ghi vào những mẩu giấy nhỏ, dán ở những khu vực mình dễ thấy nhất. Khi không thể nhớ chính xác con số, các em có thể trả lời theo kiểu “dự đoán” như khoảng, gần, hơn…

Atlat địa lý Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các em rất nhiều về lượng kiến thức. Các em nên nắm chắc các kí hiệu trong cuốn này để khi trình bày có thể “đọc” được các kí hiệu có trong Atlat, từ các kí hiệu đó, mổ xẻ ra nhiều vấn đề khác.

Riêng đối với phần vẽ biểu đồ, các em nên đọc kĩ vì mỗi dạng biểu đồ đều có những “dấu hiệu nhận biết” của nó. Các em nên dựa theo số năm và gạch chân dưới những “từ khóa” quan trọng có trong đề. Cụ thể, dựa theo số năm có trong bài, ta chia làm hai trường hợp. Trường hợp 1: bài có từ 1-3 năm, ta sẽ vẽ biểu đồ tròn hoặc cột. Nếu “từ khóa” trong đề là “cơ cấu”, ta chọn dạng biểu đồ hình tròn. Ngược lại, nếu “từ khóa” là “tỉ trọng, tỉ lệ”, ta chọn biểu đồ hình cột; trường hợp 2: Đối với những đề có từ 4 năm trở lên, chúng ta có các dạng biểu đồ: hình cột, miền, đường biểu diễn và biểu đồ kết hợp (dạng biểu đồ kết hợp thường được nói rõ trong đề). Chúng ta cần chú ý các “từ khóa” có trong đề thi. Nếu có từ “cơ cấu” thì chọn biểu đồ miền, nếu có từ “tăng trưởng” thì vẽ biểu đồ đường, và nếu từ khóa rơi vào “phát triển”, hoặc “biến động” thì vẽ biểu đồ hình cột.

Đề hỏi gì trả lời nấy

So với chương trình học cũ, đề thi môn địa lý trong những năm gần đây lượng kiến thức ra nhiều hơn và mang tính chiều sâu hơn. Đề thi không ra theo kiểu học thuộc mà phải có sự xâu chuỗi, liên kết giữa các bài học, phần học với nhau. Do đó, các em không thể ôn tập theo kiểu học thuộc mà là học để hiểu. Chính vì những yêu cầu đó, các em cần xây dựng phương pháp học sao cho hiệu quả và khoa học. Sau mỗi chương, các em nên đúc kết lại lượng kiến thức cần phải học, lập đề cương để từ đó phát triển ý của mình. Cách học dễ nhất là học từ SGK, tuyệt đối không được bỏ bất cứ phần nào. Ôn tập và trả lời các câu hỏi trong SGK cũng là một cách học hữu hiệu được nhiều học sinh áp dụng.
Atlat là tài liệu quan trọng các em được phép mang vào phòng thi. Các em cần nắm chắc kiến thức trong cuốn này vì nó chiếm hơn 70% kiến thức môn địa lý và có thể lấy được 50% số điểm trong bài thi nếu biết cách sử dụng. Nắm vững các kí hiệu và dùng Atlat để tự làm bài trong thời gian ôn tập sẽ giúp các em không bị rối trong phòng thi.Khi làm bài thi, các em nên đọc kĩ đề và xác định đề ra theo dạng nào. Đề thi hỏi gì thì trả lời nấy, trả lời ý nào ra ý đó để tránh hiện tượng bài thi bị rối trong cách trả lời.Atlat là tài liệu quan trọng mà các em được phép mang vào phòng thi. Chỉ cần nắm chắc kiến thức trong cuốn này thì có thể lấy được 50% số điểm trong bài thi.

HLTcoffee.com - Vị thật cafe Việt
Lên đầu trang