CHUYỆN TÌNH CỦA CÁC CHÀNG GIÓ - Chàng gió Đông Bắc (còn gọi là gió mùa mùa đông).

CHUYỆN TÌNH CỦA CÁC CHÀNG GIÓ - Chàng gió Đông Bắc (còn gọi là gió mùa mùa đông).

Khoác vẻ ngoài lạnh lùng và khô khan, chàng Đông Bắc bất ngờ ùa đến nơi cửa ngõ nhà ông bà Việt Nam. Chàng đi cùng hướng với Tín Phong nhưng thật tội , quê chàng xa xôi lắm, mãi tít tận vùng cao áp Xibia - Viễn Đông của Liên bang Nga, khoảng lưng chừng 55 độ vĩ Bắc .
Lạnh lùng và khô khan – đó chính là bản tính của chàng.Dù vốn dĩ tính cách đó không gây được thiện cảm của hầu hết dân cư trên Trái Đất, nhưng chàng không có ý định vứt bỏ, chỉ là thay đổi chút ít mà thôi. Chặng đường đi dài hàng vạn km làm chàng mất bớt năng lượng và sắc thái vốn có . Để khi đến được nhà của các người đẹp, chàng Đông Bắc đã không còn ào ạt và lạnh lùng như ngày ra đi nữa.Tuy nhiên, vốn quen sống ở xứ nóng, bố mẹ và nàng Miền Bắc khi gặp chàng thì không ngừng xuýt xoa : Ôi lạnh quá, lạnh quá ,..! Ở đồng bằng còn đỡ nhưng nếu đi lên mạn ngược Cao Bằng, Hà Giang hay triền cao Tây Bắc thì lại càng xuýt xoa mạnh hơn : Đậm quá, hại quá,...
Nếu như Tín Phong chỉ làm cho nàng Miền Bắc trở nên nóng và khô khan ở chừng mực nhất định, phô bày ra cái kém duyên của mình , đó là ăn mặc khá cởi mở, mặt mày nhăn nhó, thở than cái nỗi lo thiếu nước thì chàng Đông Bắc này lại làm cho Miền Bắc trở nên nữ tính hơn bao giờ hết.
Bỗng chốc nàng ấy trở nên khiêm nhường, e ấp, ăn mặc kín đáo, ít ra ngoài, tâm trạng thay đổi hẳn, từ hoạt bát , ồn ào giờ trở nên suy tư , trầm lắng, thậm chí có chút yếu đuối, lãng mạn,.....Không khéo nàng còn suốt ngày làm thơ, viết văn ,hát hò thương nhớ, ngợi ca người mới đến nếu như ta gặp nàng ngay chính thủ đô Hà Nội.
Sao chàng Đông Bắc lại có được khả năng chinh phục con gái giỏi như vậy, mà cụ thể ở đây là nàng Miền Bắc vốn rất kiên định ?
Có lẽ nguyên nhân là ở chỗ chàng có " nghệ thuật tán gái ". Sự lạnh lùng , cao ngạo vốn dĩ đã là một cá tính hấp dẫn đàn bà con gái của cánh đàn ông, nhưng chưa phải tất cả. Điểm hấp dẫn của chàng chính là không ở lại lâu, giống kiểu ở lì như Tín Phong. Đông Bắc, chàng ấy, chỉ thường ở chơi 2-3 ngày, hoặc lâu là 5-7 ngày nếu như có sự tiếp viện bởi anh em nhà chàng, nhưng điều này hiếm, rồi là tạm biệt, hẹn gặp lại bố mẹ và em lần sau ! Cháu còn bận làm ăn! Em à ! Anh bận lắm ! Chưa kịp thân quen thì đã vội ra đi, chuyện còn dài tâm tư còn lắm nỗi,.... Ôi ! Còn gì hấp dẫn hơn một người đàn ông mạnh mẽ, lạnh lùng, si tình từ nơi xa xôi cất bước tìm đến nhưng lại không quên sự nghịêp của bản thân ?
Mỗi năm một mùa, trong khoảng thời gian từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng 4 năm sau, cứ như vậy, chàng Đông Bắc không ở chơi liên tục mà cứ đi đi về về với nhịp điệu 2-3,4 ngày mỗi đợt như vậy.Tính ra, mỗi năm, tức mỗi mùa tán tỉnh yêu đương, có trung bình trên dưới 20 đợt chàng đi về . Vào giai đoạn đầu, chàng thường đi một mình, hướng đi chủ yếu trong miền lục địa thẳng từ Xibia của Liên bang Nga , qua hết chiều dài miền Đông Trung Quốc để đến với gia đình Việt Nam .Về sau, trên đường đi ,chàng rủ theo những người bạn quen biết dọc đường, đó là áp cao Hoa Bắc và Hoa Trung - những thanh niên mới lớn của nhà Trung Quốc đi cùng. Và đường đi có thay đổi chút ít, lệch về phía đông nhiều hơn, tức về phía biển. Chàng tung hứng nếm và ngậm vào mình một lượng hơi nước đáng kể dọc đường đi ngang qua biển Hoa Đông. Cho nên, vào giai đoạn sau của “mùa tán gái ", quãng từ tháng 2 trở đi, chúng ta thấy Đông Bắc trở nên khác trước, bớt khô khan. Mỗi khi chàng về đến thường là mang theo mưa phùn, mưa xuân lất phất đi theo . Và bớt lạnh.Vì vậy mà gương mặt chị gái Miền Bắc thì không còn toát lên vẻ trong sáng như giai đoạn đầu . Nàng giận vì Đông Bắc có vẻ không chung tình như Tín Phong( mặc dù là chung tình với cả mấy chị em). 
Thực ra thì Đông Bắc không phải không muốn bắt cá mấy tay như Tín Phong, nhưng ngặt nối đường xa tốn sức, lại gặp phải ông cụ Bạch Mã chắn ngang lối đi, thành ra chàng cũng không cố mà vào với các em trong kia.Nhưng đàn ông mà, thi thoảng năm nào đó, đợt nào đó, chàng trai Đông Bắc lại cầm lòng không được, đã cố hết sức liếc mắt vào.Nhưng giỏi lắm chỉ thấy được cái lưng của Trường Sơn Nam, nơi mà người đời thường gọi là Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhưng chả ăn thua gì, chả động lòng rung cảm mãnh liệt như chị Miền Bắc đâu ! Còn cái ......ngực , cái bụng , cái chân của Trường Sơn Nam thì đành chịu ! Những nơi đó thuộc hẳn về Tín Phong và Tây Nam(sẽ nói sau về Tây Nam). 
Với cái kiểu thoắt đến thoắt đi, thay đổi tính tình và còn mang theo cả bạn bè, mây mưa ,...như vậy thì Đông Bắc không làm cho Tín Phong trở nên mờ nhạt mới là lạ ! Cứ hễ Đông Bắc về là Tín Phong chỉ còn cách im miệng ngồi lui vào một góc, chẳng ai ngó đến nữa, ở cái nơi Miền Bắc ấy. Lúc đó , Tín Phong chỉ có Nam Bộ và Tây Nguyên là vẫn yêu chàng tha thíêt, khóc hết nước mắt , trở nên khô héo vì yêu.
Tín Phong cứ chờ thời điểm Đông Bắc cất bước ra đi là chàng ấy lại thò mặt ra làm loạn. Khi đó, nàng Miền Bắc lại trở lại tính nết cố hữu : ồn ào, nóng nảy, ăn mặc phong phanh, nói cười bỗ bã, thoắt cái bíên ra ngoài, bia bọt như đàn ông, mặt mũi lại mồ hôi, bụi bặm,...
Hôm nay, khi tôi ngồi kể chuyện với các bạn ở đây, thì chàng Đông Bắc đang làm khách quý ở Miền Bắc đấy.Chúng ta chào khách quý nhé! Chào Gío mùa Đông Bắc !
(Dài quá phải không các bạn ? Vậy chàng Tây Nam để ngày sau)


Nguồn: Nhuhoa Tran

Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé....
Lên đầu trang