Lịch sử hình thành ASEAN



ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
                                               KHOA QUAN HỆ QUỐC TẾ


Tổng quan lịch sử hình thành ASEAN
Nền tảng liên kết khu vực ở Đông Nam Á:
Sau chiến tranh thế giới II, các nước Đông Nam Á đều có sự phân hóa về mặt chính trị nhất định. Bên cạnh những ảnh hưởng của hệ thống lưỡng cực thế giới lúc bấy giờ kèm theo sức ép từ các cường quốc ngoài khu vực thì trong hệ tư tưởng của Đông Nam Á lúc đó, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa thực dân đều là nỗi lo cho toàn khu vực.
Bởi lẽ, sau chiến tranh thế giới II, những gì còn lại với các quốc gia này là tàn tích của hệ thống cơ sở vật chất cũng như tinh thần gần như đã biến mất. Điều này khiến cho các quốc gia Đông Nam Á đều e dè trước những động thái của hệ thống lưỡng cực bên ngoài. Trước những khó khăn đó thì nhu cầu liên kết khu vực, thành lập nên một tổ chức thống nhất giữa các nước Đông Nam Á ngày càng được xem xét một cách chuẩn mực hơn.
Tình hình các quốc gia Đông Nam Á sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc:
Kết thúc chiến tranh thế giới II, Đông Nam Á nổi lên như một thực thể khu vực đáng chú ý. Điều này khiến cho chủ nghĩa thực dân vô cùng bức bối. Chúng quay lại đàn áp, dập tắt ý nghĩ liên khu vực ở Đông Nam Á bằng các hình thức chiến tranh “mãnh liệt” hơn. Điều này tạo nên một làn sóng đấu tranh quyết liệt hơn từ trong nội tại các nước Đông Nam Á sau năm 1945.
Đến giữa những năm 50 của thế kỷ XIX, các quốc gia Đông Nam Á lần lượt tuyên bố độc lập. Philippines (4/7/1946), Miến Điện (4/1/1948), Indonesia (27/12/1949), Malaysia (31/8/1957), Singapore (1963), riêng Bruney mãi đến năm 1984 mới giành được độc lập. Từ đó, các nước này bắt đầu bước vào một thời kỳ phát triển mới: xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, đồng thời trong quá trình xây dựng, thiết lập nên mối quan hệ với các nước trong khu vực nhằm đẩy mạnh vị thế của quốc gia. Do quá trình giành độc lập diễn ra khác nhau, nên các quốc gia này xây dựng con đường phát triển của mình theo hướng tương đối khác nhau. Tuy nhiên, nội dung chính của công cuộc phát triển trong thời kỳ này diễn ra đan xen với sự phát triển của Đông Nam Á.
 Kết thúc chiến tranh thế giới II, Đông Nam Á phải đối mặt với hậu quả nặng nề của chế độ thực dân. Bộ máy nhà nước được xây dựng theo mô hình Phương Tây bị bỏ ngõ. Cộng thêm việc trải qua hàng nghìn năm bị thống trị nên mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á gần như tắt nghẽn. Từ đó, nhiều quốc gia dân tộc cảm thấy “không điểm tựa” dần hình thành xu hướng nhắm đến tình trạng độc lập về chính trị, tự cường, không liên kết.
Thêm vào đó, các quốc gia Đông Nam Á lại chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ hệ thống lưỡng cực của thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bị các cường quốc ngoài khu vực tác động mạnh mẽ đến hệ tư tưởng khiến cho các quốc gia này hình thành nên những con đường phát triển có phần đối lập nhau. Malaysia, Indonesia, Myanmar sau khi giành được độc lập đã tiến tới xây dựng đường lối đối ngoại độc lập tự chủ không liên kết. Riêng Philippines và Thái Lan có xu hướng thân Mỹ. Việt Nam, Lào, Campuchia có xu hướng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Như vậy, thực chất trong nội bộ của các quốc gia Đông Nam Á đã có sự phân hóa về mặt chính trị, kể từ sau chiến tranh thế giới II, điều làm tác động đến các yếu tố khác giữa các quốc gia với nhau về sau này.
Các tổ chức tiền thân:
v ECAFE (Ủy ban châu Á và Viễn Đông)
Tháng 5/1947, ECAFE được thành lập dưới sự bảo trợ của “Hội đồng kinh tế - xã hội thuộc Liên hiệp quốc” chính vì thế mà tổ chức này hoạt động trong khuôn khổ đường lối chính sách của LHQ và có sự tham gia của Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan (nguyên là “mẫu quốc” của vùng châu Á và Viễn Đông). Mục đích của ECAFE: thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa các nước: Afganistan, Brunei, Myanmar, Campuchia, Ceylon, Trung Quốc, Australia, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Korea, Lào, Malaya, Thái Lan, Việt Nam và Tây Samoa[1].
Tiền thân của ESCAP là Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông (A. Economic Commission for Asia and the Far - East: ECAFE), được thành lập vào tháng 10/1947 tại Thượng Hải, Trung Quốc, xuất phát từ nhu cầu của các nước trong khu vực cần có sự giúp đỡ để xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế-xã hội sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đến năm 1974, tổ chức này đổi tên thành Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) để phù hợp hơn với quy mô và phương hướng hoạt động mới của mình.
v Kế hoạch Colombo (Colombo Plan)
Được thành lập năm 1950 với 24 quốc gia thành viên, trong đó có Anh, Mỹ. Mục tiêu của Kế hoạch Colombo là thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Hợp Quốc. Phương thức hoạt động của Kế hoạch Colombo là “thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, tổ chức các khóa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm công nghệ và tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội của các nước thành viên”[2].
Điểm yếu của “Kế hoạch Colombo” là thiếu một bộ máy tổ chức và cơ quan thường trực. Đây đơn thuần là một sự thỏa thuận các vấn đề về viện trợ nước ngoài cho sự phát triển kinh tế của Đông Nam Á[3].
v SEATO - “Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á” (Southest Asia Treaty Organization)
Được thành lập năm 1954 (giải thể năm 1977) với sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Philippines, New Zealand, Úc, Thái Lan, Pakistan[4]. Hiệp ước của SEATO đã xác định mục đích của mình chỉ có phòng thủ, cùng với đó là các quy định để tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc ngăn chặn và chống lại các hoạt động lật đổ từ bên ngoài; hợp tác trong việc thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội[5].
Nguyên nhân thất bại của SEATO: Thể hiện sự không rõ ràng về mặt địa lý: “không một nước châu Á nào trong SEATO có chung biên giới với nước thành viên khác”[6], các thành viên không mang tính đại diện cho khu vực, khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa giữa các nước thành viên. Sự can thiệp của các nước ngoài khu vực và việc chỉ có ba quốc gia từ châu Á khiến cho SEATO bị xem là một hình thức mới của chủ nghĩa thực dân phương Tây[7]; thiếu sự thống nhất để theo đuổi một chính sách hay thể hiện một lập trường về một vấn đề. Không giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), SEATO không có cơ chế độc lập để có được thông tin tình báo hoặc triển khai các lực lượng quân sự, vì vậy khả năng hành động tập thể bị giới hạn.
v Dự án phát triển tiểu vùng sông Mekong
Năm thành lập: 1957. Các nước thành viên: Campuchia, Lào, Nam Việt Nam, Thái Lan. Mục đích thành lập: Hợp tác kinh tế và việc quản lý nguồn nước liên quan đến các quốc gia thành viên[8]. Đặc điểm: Bỏ ngỏ vấn đề chính trị, an ninh[9].
v Hiệp ước hữu nghị và hợp tác kinh tế ở Đông Nam Á (Southeast Asia Friendship and Economy Treaty – SEAFET)
Đưa ra ý tưởng vào năm 1958. Mục đích thành lập: Thời điểm đó, ĐNÁ chưa có một tổ chức khu vực nào hoạt động hiệu quả, giúp ĐNÁ liên kết chặt chẽ với nhau và đưa ra kế hoạch để giải quyết các vấn nạn chung. Vì vậy, thủ tướng Malaya Abdul Rahman đã đưa ra ý tưởng về một hình thức hợp tác tiểu khu vực, bao gồm: Malaya, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Nam Việt Nam[10].
Lý do tan rã: Indonesia là nước phản đối ý tưởng SEAFET mạnh mẽ nhất. Nước này cho rằng đây là một âm mưu thiết lập liên minh chính trị, quân sự nhằm chống lại chế độ cộng sản[11]. Năm 1960, Malaya và Philipines xuất hiện bất đồng quan điểm. Manila muốn mở rộng thành viên đến Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi Kuala Lumpur lại không muốn có Đài Loan và Hàn Quốc xuất hiện vì lo ngại phản ứng từ Bắc Kinh. Ý tưởng về SEAFET bị bỏ rơi[12].
v Hiệp hội Đông Nam Á (Association of Southeast Asia – ASA)
Thời gian tồn tại: 31/7/1961 – 1963. Các nước thành viên: Thái Lan, Malaya, Phillipines.
Mục đích thành lập: Thay thế cho ý tưởng về SEAFET. ASA chủ yếu là hiệp hội tự do của các nước Đông Nam Á, có mục tiêu là thúc đẩy sự thịnh vượng và tiến bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực thông qua những nỗ lực chung[13].
Đặc điểm: Để tranh thủ các nước Không liên kết trong khu vực, ASA chỉ đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội[14]. ASA chủ trương không trở thành một tổ chức chính thức, lãnh đạo ba nước quyết định không lập trụ sở cố định, tổ chức họp thường niên cấp cao và ngoại thưởng theo hình thức họp kín và không ghi biên bản[15]. ASA ra đời được xem là biểu hiện cụ thể đầu tiên về một hình thức tổ chức khu vực ở ĐNÁ do các nước khu vực khởi xướng. ASA cũng được coi là đã vượt qua khỏi ranh giới văn hóa và tôn giáo vốn chia rẽ các nước khu vực, do ba nước thành viên đại diện cho ba dạng tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo), văn hóa và ngôn ngữ khác nhau[16].
ASA đã làm giảm xu hướng hợp tác Á châu hoặc Viễn Đông trước đó. Thông qua ASA, người Đông Nam Á đã bắt đầu tự giải quyết các vấn đề khu vực mà không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài. Đây là điểm khởi đầu của một quá trình liên kết chính phủ ở ĐNÁ, thừa nhận một thứ quyền lực siêu quốc gia trong khu vực. Cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong ASA là hội nghị hằng năm của các ngoại trưởng các nước thành viên. Hội nghị này được sử dụng như một diễn đàn để bày tỏ, trao đổi, giải quyết các vấn đề khu vực[17].
Lý do tan rã: Tháng 12/1961, trước tham vọng của tổng thống Philipines với vùng đất Sabah (đã được người Anh nhập vào lãnh thổ của Malaya trước đó), mối quan hệ Malaya – Philipines rơi vào tình trạng căng thẳng. Không chỉ vậy, tính trạng đối đầu giữa Indonesia – Malaya cũng làm cho những hoạt động của ASA bị cản trở[18].  Liên bang Malaysia thành lập tháng 9/1963 đã bị Philippines và Indonesia từ chối công nhận. Những sự kiện này đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của ASA[19].
Ngoài ra, ASA thất bại còn vì một số lý do như: ASA chỉ mang tính tiểu khu vực mà không có tính đại diện cho toàn bộ khu vực ĐNÁ. Thứ hai, ASA chỉ tập hợp được các nước dân tộc chủ nghĩa thân phương Tây mà không được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa hoặc Không liên kết, chứng tỏ ASA không thoát khỏi được sự phân biệt có tính ý thức hệ[20]. Về hợp tác kinh tế giữa các nước trong ASA, thương mại giữa các thành viên rất thấp, chỉ chiếm khoảng 7 – 8% tổng thương mại mỗi nước, gây cản trở rất nhiều trong tiến trình hợp tác[21]. Tổ chức này đã không làm dịu được những mâu thuẫn này, cũng như giải quyết các vấn đề của khu vực nên về sau, ASA chỉ còn tồn tại về mặt hình thức[22].
v MAPHILINDO
            Được thành lập vào năm 1963 với 3 nước: Malaysia, Philippines và Indonesia.
            Tuyên bố Manila cũng chính là mục đích thành lập của MAPHILINDO[23]:
·        Quyết tâm duy trì quan hệ anh em, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
·        Phối hợp trong cuộc đấu tranh chung chống CN thực dân và chủ nghĩa đế quốc dưới tất cả các hình thức và biểu hiện của nó trong khu vực và trên thế giới.
·        Với tư cách là những lực lượng mới trỗi dậy, hợp tác xây dựng một thế giới mới tốt đẹp hơn dựa trên cơ sở tự do dân tộc, công bằng xã hội và hòa bình lâu dài.
MAPHILINDO được thành lập để giải quyết những xung đột về lãnh thổ, lãnh hải. Thành quả: tiếp tục xu thế liên kết khu vực ở ĐNÁ không có sự tham gia của nước ngoài, hình thành ý tưởng về chủ nghĩa khu vực. Hơn nữa, Indonesia – quốc gia lớn nhất ĐNÁ về diện tích và số dân đã thể hiện thái độ tích cực và chấp thuận hợp tác.
Tuy nhiên MAPHILINDO không dung hòa được lợi ích của các thành viên[24], cả Indonesia và Philippines đều có bất đồng về lãnh thổ đối với Malaysia. MAPHILINDO không mang tính đại diện cho khu vực, ít về số lượng, lấy chủng tộc làm cơ sở khi đặt ra tiêu chí xây dựng một “đại liên bang Malaya”[25], quá trình chuyển từ chủ nghĩa quốc gia sang chủ nghĩa khu vực chưa thành công. Ngoài ra, MAPHILINDO có tổ chức lỏng lẻo: chỉ có một ủy ban tối cao, họp 1-2 lần/năm, tổ chức này được coi là “không đóng góp cho sự hợp tác khu vực”, “Indonesia và Philippines có ý đồ sử dụng MAPHILINDO để chống Malaysia”[26] và 3 nước này bị chia rẽ bởi chủ nghĩa thực dân và sự khác biệt tôn giáo. Sau khi Liên bang Malaysia thành lập ngày 16/9/1963, Indonesia tố cáo Malaysia là “sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc”[27], quan hệ ngoại giao giữa Philippines và Malaysia chưa được khôi phục; từ đó làm đảo lộn tuyên bố Manila và khiến cho MAPHILINDO tan rã.
Ngoài ra còn có một số tổ chức khác như Hội đồng Châu Á Thái Bình Dương (ASPAC), Hiệp hội Đông Nam Á hợp tác khu vực (SEAARC)[28],v.v… nhưng cũng không thành công.
Bảng tổng kết đặc điểm của một số tổ chức tiền thân ASEAN tiêu biểu:
TÊN TC
TG T.LẬP
THÀNH VIÊN
MỤC ĐÍCH
LÝ DO TAN RÃ
SEATO
1954
Mỹ, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Philippines Pakistan, Lào, Campuchia, New Zealand
T giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc ngăn chặn và chống lại các hoạt động lật đổ từ bên ngoài; hợp tác trong việc thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội.
-Không rõ ràng về mặt địa lý, khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa,
-Sự can thiệp của các nước ngoài khu vực và chỉ có ba quốc gia từ châu Á, thiếu sự thống nhất.
 Hiệp hội Đông Nam Á (ASA)

1961

Thái Lan, Malaya, Phillipines

Thúc đẩy sự thịnh vượng và tiến bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực thông qua những nỗ lực chung
-Không có tính đại diện cho toàn bộ khu vực
-Không thoát khỏi sự phân biệt có tính ý thức hệ và xung đột giữa các nước thành viên. Hợp tác KT kém hiệu quả.
MAPHI
LINDO
1963
Malaysia, Philippines, Indonesia
Hợp tác trong KT, VH và XH; Phối hợp chống CN thực dân và CN đế quốc; giải quyết những xung đột về lãnh thổ, lãnh hải.
- Không dung hòa được lợi ích thành viên
- Cả 3 nước đều có bất đồng về lãnh thổ
- Không mang tính đại diện cho khu vực, có tổ chức lỏng lẻo.
Như vậy, do không phù hợp với xu thế mà các tổ chức tiền thân trên đã không thành công cho tới khi ASEAN được thành lập. Đó là xu thế “hướng tâm” với yêu cầu về một tổ chức khu vực rộng lớn hơn để cùng hợp tác, đối thoại và giải quyết những vấn đề nêu trên.
ASEAN 5:
Trong bối cảnh phát triển phức tạp của quan hệ quốc tế vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, chủ nghĩa khu vực đã hình thành và nhanh chóng phát triển. Trong thời kỳ hòa hoãn của Chiến tranh Lạnh (1962-1978), nhiều tổ chức khu vực đã xuất hiện như Liên đoàn Ả Rập (1950), Tổ chức các nước Trung Mỹ OCAS (1951), Cộng đồng kinh tế châu Âu EEC(1957), Tổ chức thống nhất Châu Phi – OAU (1963).  Ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA) cũng xuất hiện Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) vào năm 1961 bao gồm Malaysia, Philippine, Thái Lan, Nam Việt Nam, rồi Maphilindo (1963) với Malaysia, Philippine, Indonesia, nhưng các tổ chức này đều không tồn tại lâu dài. 
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 phản ánh nguyện vọng của 5 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thailand và Philippines) với mong muốn hình thành một tổ chức khu vực vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Mặt khác, đây cũng chính là kết quả của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi trật tự hai cực được hình thành, cả Liên Xô và Mỹ đều muốn ảnh hưởng của mình ở khu vực ĐNA hiện diện một cách mạnh mẽ. Khu vực này trở thành khu vực hết sức nhạy cảm bởi sự can thiệp từ bên ngoài, sự lôi kéo của các nước lớn vì lợi ích và an ninh của họ và cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Mỗi quốc gia đều muốn tạo một khoảng cách an toàn cho mình để không bị kéo sâu vào cuộc chiến tranh hai cực cũng như tránh không để cho phong trào giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ ở khu vực này thành các cuộc nội chiến.[29]
ASEAN ra đời như là một xu thế chung – xu thế tất yếu khu vực hóa của thời đại.[30] Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia ở ĐNA dần nhận thấy sự khác biệt về ý thức hệ và về chế độ chính trị không còn là yếu tố gây trở ngại cho tiến trình xây dựng một tổ chức khu vực nữa. Kết thúc chiến tranh Đông Dương lần 3 (chiến tranh Campuchia), tổ chức này bắt tay thực hiện chương trình hợp tác kinh tế, nhưng gặp phải khó khăn vào giữa thập niên 80 để rồi được hồi sinh vào đầu thập niên 90 với lời đề nghị của Thái Lan về một “ khu vực thương mại tự do”. Năm 1984 Brunei gia nhập ASEAN, tiếp theo là Việt Nam vào năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997, và Campuchia năm 1999. Với chặng đường gần 45 năm xây dựng và phát triển, ASEAN từ Hiệp hội của các nước nghèo, chậm phát triển đã vươn lên thành khu vực phát triển kinh tế năng động với dân số gần 600 triệu người, diện tích 4,5 triệu km2, quy mô GDP đạt gần 900 tỷ và tổng giá trị thương mại khoảng 800 tỷ USD.[31]

Mục đích thành lập: Thành lập một tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy sự liên minh giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội giống nhau, có lợi ích lâu dài và cơ bản trùng hợp nhau để đối phó với các phong trào chống đối trong nước và những tác động tiêu cực từ bên ngoài, bảo đảm an ninh chính trị làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế.[32]
Mục tiêu: Tuyên bố Bangkok nêu 7 mục tiêu của ASEAN, tóm tắt như sau:
·        Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa trong khu vực trên tinh thần bình đẳng và hợp tác.
·        Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
·        Thúc đẩy sự cộng tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau.
·        Giúp đỡ lẫn nhau dưới hình thức đào tạo và cung cấp phương tiện nghiên cứu.
·        Cộng tác để sử dụng tốt hơn nền nông nghiệp và các ngành CN của nhau.
·        Thúc đẩy việc nghiên cứu về Đông Nam Á.
·        Duy trì sự hợp tác có lợi với các tổ chức quốc tế.[33]
Trong khuôn khổ ASEAN 5, ASEAN đã có các văn bản:
·        8/8/1967: Tuyên bố ASEAN hay còn gọi là tuyên bố Bangkok, chính thức thành lập ASEAN.
·        17/11/1971: Tuyên bố Kuala Lumpur, khẳng định cam kết của ASEAN đối với duy trì hòa bình ổn định trong khu vực.
·        2/1976: Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á[34] và Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN[35].
Ý nghĩa sự ra đời của ASEAN:
ASEAN đã giải quyết được các vấn đề chung liên quan đến lợi ích lâu dài và cơ bản giữa các nước Đông Nam Á:
-            Tình hình quốc tế phức tạp: ảnh hưởng của Chiến tranh lạnh, trật tự thế giới hai cực, các nước đứng trước việc chịu ảnh hưởng của các nước lớn; từ đó đòi hỏi đường lối chính trị khu vực cụ thể.
-            Tăng cường giúp đỡ nhau với nguy cơ thống trị và can thiệp từ các thế lực bên ngoài. Thể hiện “một triết lý chính trị vượt ra ngoài hệ thống lưỡng cực thế giới”[36].
-            Tranh chấp, xung đột trong khu vực (hậu quả để lại của CN thực dân). “Những quyền lợi quốc gia đối chọi nhau thực sự làm chậm trễ sự tiến bộ của mỗi nước”[37].
-            Nhu cầu khôi phục và phát triển đất nước và khu vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, hòa bình. Chung một chính sách kinh tế đối ngoại sẽ có thể ngăn chặn chính sách độc quyền của các nước tư bản phương Tây.
-            Thành công trong chuyển biến từ chủ nghĩa quốc gia sang chủ nghĩa khu vực, điều mà các tổ chức khu vực trước đó chưa làm được.
-            Mở rộng hiểu biết của người Đông Nam Á về khu vực của mình.
-            Thúc đẩy việc nghiên cứu về Đông Nam Á[38].

Người viết: ThS. Trần Thanh Huyền
PGĐ. Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS)
Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp. HCM


[1] Singh L.P: The Politics of Economic Cooperation in Asia. “A study of Asian International Organization”, Chapter I, Columbia, Missouri, 1966, tr. 23, 25
[2] Vụ Thông tin báo chí – Bộ Ngoại giao, 21/11/2013, Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Kế hoạch Colombo, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://cn.cpv.org.vn/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10010&cn_id=140493 (truy cập 30/4/2014)
[3] Singh L.P: The Politics of Economic Cooperation in Asia. “A study of Asian International Organization”, Chapter I, Columbia, Missouri, 1966, tr. 23, 25

[4] Southeast Asia Treaty Organization (SEATO), 1954, Office of the Historian, Bureau of Public Affairs, United States Department of State, http://history.state.gov/milestones/1953-1960/seato (truy cập 28/4/2014)

[5] Southeast Asia Treaty Organization (SEATO), Encyclopaedia Britannica, http://www.britannica.com/EBchecked/topic/556523/Southeast-Asia-Treaty-Organization-SEATO (truy cập 29/4/2014)
[6] TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhỉn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, ASEAN- 40 năm nhìn lại và hướng tới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 53
[7] Southeast Asia Treaty Organization (SEATO), 1954, Office of the Historian, Bureau of Public Affairs, United States Department of State, http://history.state.gov/milestones/1953-1960/seato (truy cập 28/4/2014)
[8] Thanat Khoman: ASEAN conception and evolution. “The ASEAN Reader”. Institute of Southeast Asian Studies, Singpaore 1992, tr. 18 - 22
[9] Nguyễn Ngọc Dung, Sự hình thành Chủ nghĩa khu vực của ASEAN, Đại học Quốc gia TP. HCM, 2002.
[10] Nicholas Tarling, 2007, From SEAFET and ASA: Precursors of ASEAN, IJAPS, Vol. 3, No.1, University of Auckland, p. 5
[11] The Straits times, Kuala Lumpur, 7/1/1959
[12] Government Printers, Malaya – Philippines Relation, Aug. 31th 1957 to Sep 15th 1963, Kuala Lumpur 1963, tr. 2-3
[13] Nguyễn Ngọc Dung, Sự hình thành Chủ nghĩa khu vực của ASEAN, Đại học Quốc gia TP. HCM, 2002
[14] Micheal Leifer, 1974, The Foreign Relations of the New States, Longman, tr.94. Được trích dẫn trong TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhìn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, Học viện Quan hệ quốc tế, tr. 68.
[15] Gordon, The Dimension of conflict in Southeast Asia, tr. 169. Được trích dẫn trong TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhìn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, Học viện Quan hệ quốc tế, tr. 68.
[16] TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhìn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, Học viên Quan hệ quốc tế, tr. 68.
[17] Nguyễn Ngọc Dung, Sự hình thành Chủ nghĩa khu vực của ASEAN, Đại học Quốc gia TP. HCM, 2002
[18] Government Priters, 1963, Malaya – Philippines Relation, Aug 31th 1957 to Sep. 15th  1963, Kuala Lumpur, tr. 2 – 3. Được trích dẫn trong ThS. Trần Thanh Huyền, 4-2014, Tập bài đọc: Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Khoa Quan hệ Quốc tế trường ĐH KHXH & NV, tr. 36
[19] TS. Nguyễn Trần Quế, 2003, 35 năm ASEAN hợp tác và phát triển, NXB. Khoa Học Xã Hội, tr.17
[20] Ranjit Gill, 1997, ASEAN: Toward the 21st century, Academic Press, tr.27. Được trích dẫn trong TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhìn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, Học viện Quan hệ quốc tế, tr.68
[21] Bernard Gordon, The Dimension of Conflict in Southeast Asia, tr. 19, Được trích dẫn trong TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhìn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, Học viện Quan hệ quốc tế, tr.69
[22] ThS. Trần Thanh Huyền, 4-2014, Tập bài đọc: Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Khoa Quan hệ Quốc tế trường ĐH KHXH & NV, tr. 36
[23] ThS. Trần Thanh Huyền, 4-2014, Tập bài đọc: Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Khoa Quan hệ Quốc tế trường ĐH KHXH & NV, tr. 37
[24] ASEAN: History, Global Edge, http://globaledge.msu.edu/trade-blocs/asean/history (truy cập 30/4/2014)
[25] Ranjit Gill, 1997,  ASEAN: Toward the 21st century – A third-eayr review of the Association of Southeast Asian Nations, London Asean Academic Press, p. 27
[26] Bernard K.Gordon, 1966, The Dimension of Conflict in Southest Asia, Prentice-Hall, Inc., p. 188
[27] TS. Nguyễn Vũ Tùng, 2007, Nhỉn lại lịch sử sự ra đời ASEAN: Logic của việc hình thành một tổ chức khu vực, ASEAN- 40 năm nhìn lại và hướng tới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội
[28] ASEAN: History, Global Edge, http://globaledge.msu.edu/trade-blocs/asean/history (truy cập 30/4/2014)
[29] Vũ Dương Ninh, 2009, ASEAN thập niên đầu thế kỷ XXI, Tập Chuyên đề I: Nghiên cứu quốc tế – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, ĐHQG Hà Nội, trang 58 - 73
[30] Nguyễn Trần Quế (Chủ biên), 2005, 35 năm ASEAN – Hợp tác và phát triển, NXB Khoa học xã hội, 2005, trang 12-20
[31] Nguyễn Thị Quế và Nguyễn Hoàng Giáp, 2012, Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 đến nay – Thành tựu, vấn đề và triển vọng, NXB chính trị quốc gia, trang 7
[32] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tuyên bố Bangkok, truy cập tại < http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/ctc_quocte/un/nr090311103654/nr090311141455/nr090311143142/ns090811160801>
[33] 29/7/1995: Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Lịch sử Việt Nam, http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&Itemid=33&id=1016 (truy cập 29/4/2014)
[34] Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Bộ Ngoại giao – Vụ ASEAN – Ban thư ký ASEAN Quốc gia Việt Nam, http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr070521170031/nr130930203540/nr140228022301/ns131113050929 (truy cập 30/4/2014)
[35] TTXVN, 26/10/2010, Các dấu mốc quan trọng trong sự phát triển ASEAN, Vietnamplus, http://www.vietnamplus.vn/cac-dau-moc-quan-trong-trong-su-phat-trien-asean/66573.vnp (truy cập 28/4/2014)
[36] Nguyễn Văn Lịch, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), quá trình phát triển và hoạt động. Tủ sách trường Đại học Tổng hợp Tp. HCM 1995, tr. 24
[37] Nguyễn Trần Quế, 35 năm ASEAN – Hợp tác và phát triển, NXB. Khoa học – Xã hội.
[38] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cổng thông tin điện tử Chính phủ CHXHCN VN, http://m.chinhphu.vn/gov/article/view/173/239/ (truy cập 30/4/2014)

________________

Thành viên ASEAN


Quan sát viên ASEAN

ASEAN +3

Nguồn: vi.wikipedia.org

=> iDiaLy.com - Tất cả bài đăng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang