CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM - ĐỀ CƯƠNG ÔN THI THPT NĂM 2016 - MÔN ĐỊA LÝ

CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
I. Kiến thức trọng tâm
1. Biết phạm vi lãnh thổ, vai trò, đặc điểm chính, thực trạng phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm: phía Bắc, miền Trung, phía Nam
- Phạm vi lãnh thổ :
+ Bao gồm nhiều tỉnh và thành phố, ranh giới có thể thay đổi theo thời gian tuỳ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
+ Tên các tỉnh, thành phố của mỗi vùng kinh tế trọng điểm.
- Vai trò : Có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế cả nước; có tỉ trọng GDP lớn; tốc độ phát triển kinh tế cao; có khả năng thu hút các ngành mới về công nghiệp và dịch vụ.
- Đặc điểm chính của từng vùng.
- Thực trạng phát triển kinh tế của ba vùng trọng điểm về: tốc độ tăng trưởng, % GDP, kim ngạch xuất khẩu so với cả nước, cơ cấu GDP.
2.Trình bày được thế mạnh của từng vùng kinh tế trọng điểm đối với việc phát triển kinh tế - xã hội
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: quy mô, tiềm năng, thực trạng và hướng phát triển
- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: quy mô, tiềm năng, thực trạng và hướng phát triển
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: quy mô, tiềm năng, thực trạng và hướng phát triển
- So sánh 3 vùng kinh tế trọng điểm.
II. Câu hỏi ôn tập
Câu 1: Hãy nêu đặc điểm của một vùng kinh tế trọng điểm. Tại sao nước ta phải hình thành các vùng kinh tế trọng điểm?
Gợi ý trả lời:
a/ Đặc điểm: Đây là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế cả nước. Nó đặc trưng bằng những đặc điểm chủ yếu sau:
- Phạm vi gồm nhiều tỉnh, thành phố, ranh giới có sự thay đổi theo thời gian.
- Có đủ các thế mạnh, có tiềm lực kinh tế và hấp dẫn đầu tư.
- Có tỷ trọng GDP lớn, tạo ra tốc độ phát triển nhanh và hỗ trợ các vùng khác.
- Có khả năng thu hút các ngành mới về công nghiệp và dịch vụ để từ đó nhân rộng ra cả nước
b/ Nước ta phải hình thành các vùng kinh tế trọng điểm do:
- Nước ta đi lên từ điểm xuất phát thấp, trình độ phát triển kinh tế còn hạn chế.
- Nguồn lực để phát triển KT-XH tương đối phong phú, nhưng lại có sự phân hóa theo các vùng. Trong khi nguồn vốn đầu tư có giới hạn nên phải đầu tư có trọng điểm.
- Nước ta đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH. Vì vậy cần tạo ra các vùng thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
-> Tất cả những điều đó đòi hỏi phải lựa chọn và hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.
Câu
2: Hãy trình bày đặc điểm, quá trình hình thành và thực trạng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm
Gợi ý trả lời:
- Vùng kinh tế trọng điểm là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế cả nước.
* Đặc điểm của vùng kinh tế trọng điểm:
- Phạm vi gồm nhiều tỉnh, thành phố. Ranh giới có sự thay đổi theo thời gian.
- Có đủ thế mạnh, có tiềm năng kinh tế và hấp dẫn đầu tư.
- Có tỷ trọng GDP lớn, tạo tốc độ phát triển nhanh và hỗ trợ cho vùng khác.
- Có khả năng thu hút, tập trung nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ mới.
* Quá trình hình thành:
- Được hình thành vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20.
- Quy mô, diện tích có sự thay đổi: tăng thêm các tỉnh lân cận.
* Thực trạng phát triển:
- Tốc độ tăng trưởng của cả 3 vùng cao hơn mức trung bình cả nước.
- Cơ cấu GDP 3 vùng so với cả nước: 66,9%.
- Cơ cấu GDP phân theo ngành chủ yếu thuộc về CN-XD và dịch vụ.
- Kim ngạch xuất khẩu so với cả nước: 64,5%.
Câu 3: Trình bày đặc điểm 3 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta.
Gợi ý trả lời:
* Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Diện tích 15,3 nghìn km2, dân số 13,7 triệu người.
- Gồm 7 tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
- Thế mạnh và hạn chế:
  + Có vị trí địa lí thuận lợi cho giao lưu phát triển.
  + Có Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.
  + Có cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là GTVT.
  + Có lao động đông, chất lượng tốt, tuy nhiên thất nghiệp cao.
  + Có các ngành kinh tế sớm phát triển, cơ cấu đa dạng.
- Cơ cấu GDP nông-lâm-ngư nghiệp: 12,6%, Công nghiệp xây dựng: 42,2%, dịch vụ: 45,2%.
- Hướng phát triển:
  + Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
  + Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, chú trọng thương mại, dịch vụ.
  + Giải quyết vấn đề việc làm, thất nghiệp.
  + Chú ý vấn đề môi trường.
* Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Diện tích: 28000km2, dân số 6,3 triệu người.
- Gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
- Thế mạnh và hạn chế:
  + Có vị trí chuyển tiếp từ Bắc – Nam, là cửa ngõ thông ra biển của Tây Nguyên, Lào.
  + Có Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông của miền Trung và cả nước.
  + Có thể mạnh tổng hợp về khai thác tài nguyên biển, rừng, khoáng sản.
  + Khó khăn về lao động, cơ sở vật chất hạ tầng và GTVT.
- Cơ cấu GDP: nông-lâm-ngư: 25%, công nghiệp-xây dựng: 36,6%, dịch vụ; 38,4%.
- Hướng phát triển:
  + Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển tổng hợp biển, rừng , du lịch.
  + Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, giao thông vận tải.
  + Phát triển công nghiệp chế lọc dầu khí.
  + Giải quyết vấn đề chất lượng lao động.
  + Chú ý phòng tránh thiên tai (bão, lũ, phơn Tây Nam).
* Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Diện tích 30,6 nghìn km2, dân số 15,2 triệu người.
- Gồm 8 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
- Thế mạnh và hạn chế:
+ Là vị trí bản lề  giữa Tây Nguyên, DH Nam Trung Bộ với ĐB sông Cửu Long.
+ Có tài nguyên nổi trội là dầu khí.
+ Cư dân đông, lao động dồi dào, có trình độ cao, có kinh nghiệm sản xuất.
+ Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối tốt và đồng bộ.
+ Có Tp Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của vùng, phát triển năng động tập trung nhiều tiềm lực sản xuất.
+ Có thể mạnh về khai thác tổng hợp biển + rừng + khoáng sản.
- Cơ cấu GDP: nông-lâm-ngư: 7,8%, công nghiệp-xây dựng: 59%, dịch vụ; 33,2%.
- Hướng phát triển:
+ Chuyển dịch cơ cấu kinh thế theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao.
+ Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, GTVT theo hướng hiện đại.
+ Hình thành các khu CN tập trung.
+ Giải quyết vấn đề đô thị hóa và việc làm cho lao động.
+ Phân điểm các dịch vụ tri thức.
+ Chú ý vấn đề môi trường.


Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang