HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

Nhìn vật tượng, thiên nhiên, mây trời để dự báo thời tiết

Nhìn vật tượng, thiên nhiên, mây trời để dự báo thời tiết

Việc sự báo thời tiết, từ ngàn xưa khi chưa có các phương tiện, thiết bị như ngày nay ở các đài dự báo thời tiết, nhưng con người vẫn có thể biết được thời tiết của các mùa trong năm và các ngày trong tháng một cách tương đối chính xác. 
 
Trời Hà Nội sau con mưa chiều - Ảnh: Việt Long

Ai đã từng đọc Tam quốc diễn nghĩa, đều biết câu chuyện Gia Cát Lượng lập đàn tế cầu gió Đông để cùng Đông Ngô đánh Tào Tháo trong trận hỏa công  Xích Bích. Ta biết rằng, việc Gia Cát Lượng lập đàn tế cầu gió Đông chỉ là phù phép, còn ông là người biết thiên văn, địa lý nên rất thông thạo việc tính thời tiết, thiên tượng. Gia Cát Lượng đã tính và dự báo được thời tiết những ngày có gió Đông để dùng hỏa công đánh các chiến thuyền của quân Tào. Người nông dân sống dọc theo hai bờ các con sông: Nil, Dương Tử, Mê Kông, Đa nuýp, Volga… theo dõi con nước lên, xuống từng năm để định ra mùa vụ.
 
Do vây, việc quan sát thiên tượng thiên nhiên nhìn màu mây, sắc mây, hướng gió, dáng sắc của Mặt trời, Mặt trăng, các vì sao, rồi màu sắc của cỏ cây, hoa lá và một số loài động, thực vật khác đang sinh sôi và phát triển, nảy nở theo các mùa để dự báo thời tiết, nông vụ. Dưới đây, là một số những kinh nghiệm được tích lũy từ ngàn năm xưa để lại.

a.     Vật tượng
1. Cua bò lên cao thế nào cũng lụt.
2. Cỏ gà mọc loang, cả làng có nước.
3. Dễ si ra trắng chẳng nắng được đâu.
4. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, 
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.
5. Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.
6. Kiến đắp thành thì bão.
Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa.

Ngoài ra, người ta còn quan sát thấy rằng, có một loại hoa náng, khi loài hoa này nở hoa là sắp có mưa. Hoặc những đêm có tiếng ếch, nhái, cóc kêu râm ran suốt đêm ngày là báo hiệu trời sắp có mưa. Ở khu vực rừng núi hoặc trung du, khi có một số loài động vật rắn, rết, giun, dế, hươu, nai, hổ, báo chạy nháo nhác, tán loạn khắp nơi bò ra đường, đấy là tín hiệu báo tin sắp có động đất, núi lửa hoạt động sắp xảy ra trong vùng. Loài cá vàng nuôi làm cảnh, khi đường bơi lội của nó bị rối loạn, tức là báo hiệu sắp có động đất hoặc sóng thần sắp xảy ra. Loài sứa biển khi bơi dạt vào bờ từng đám, một cách không bình thường, đấy là báo hiệu có những trận bão đã xảy ra cách nó vài nghìn km. Vì loài sứa có vùng hạ âm đặc biệt có thể nghe được tiếng động đất rất nhỏ, cách xa nó hàng nghìn km

b.     Thiên tượng

Khi nhìn Thiên tượng, quan sát các đám mây, màu sắc của mây, sự lưu chuyển của đám mây trên bầu trời và quan sát ánh sáng Mặt trời, Mặt trăng, các vì sao, âm thanh của tiếng sấm, hương vị của gió trong không khí, người ta có thể đoán biết được thời tiết sẽ diễn ra như thế nào?. Dưới đây là những câu ca dao tổng kết, dự báo từ Thiên tượng:

1. Ráng mỡ gà ai có nhà thì chống (ý nói Thiên tượng báo hiệu sắp có giông, bão).
2. Hoặc: Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa.
3. Dày sao thì nắng, vắng sao thì mưa hoặc Sao dày thì nắng, sao vắng thì mưa.
4. Mặt trăng úa đỏ trời sắp có mưa.
5. Trăng quầng thì cạn (hạn hán), trăng tán thì mưa.
6. Chớp Đông nhay nháy gà gáy thì mưa.
7. Sấm động đằng Nam nắng vàng cả mặt.
8.  Sấm động đằng Bắc mưa ập cả bờ.
9.  Sấm động đằng Đông không làm cũng có.
10. Sấm động đằng Tây thì đầy bồ thóc.(Báo hiệu có mưa thuận, gió hòa)
11. Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy (sắp có mưa ngay lập tức).
Hoặc: Cơn đằng Đông mưa giông bão giật.
12. Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi.
13. Cơn đằng Bắc đổ thóc ra phơi (ý nói ít có mưa).
14. Cơn đằng Tây chẳng mưa dây cũng bão giật,
15. Đông Nam có chớp chéo nhau, thấp sát mặt biển hôm sau bão về.
16. Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa.
17. Sáng mưa mòi, trưa nắng lòi mắt ra.
18. Nào ai chài lưới ra khơi
Thấy mây đỏ ngọn thì bơi thuyền vào (ý nói sắp có giông, bão, mưa gió)
19.  Thâm Đông, hồng Tây, dựng may,
Ai ơi ở lại ba ngày hãy đi. (báo hiệu trời sắp có mưa bão).
20. Rét tháng tư, nắng dư tháng tám (Tứ nguyệt hàn, bát nguyệt hạn).
21. Sấm đến tháng chín, rét đến tháng tư (Cửu nguyệt văn lôi, tứ nguyệt hàn).
22. Tháng chín nhiều giông mùa Đông rét muộn.
23. Thập nguyệt kiến hồng, tam đông bát vũ.
24. Bao giờ cho đến tháng mười 
Tha hồ đi lộng, đi khơi mặc lòng.(Tháng mười ở đây là tháng mười Âm lịch, vào thời kỳ có mưa bão ít).
25. Mưa tháng bảy gãy cành trám,(mưa nhiều, mưa dữ dội)
Nắng tháng tám rám trái bưởi (nắng nóng còn khủng khiếp).
26. Lúa chiêm đứng nép đầu bờ,
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ (mở cờ) mà lên. (câu này ý nói vào vụ lúa chiêm, thời kỳ lúa còn con gái, nếu trong cơn mưa có sấm chớp thì lúa lớn và phát triển rất nhanh. Lý do: Vì trong nước mưa có kết hợp giữa nước (H₂O) và Axít nitơríc (HNO3) thành đạm hai lá (hai gốc Nitơ) NH4NO3. Đây là loại đạm rất tốt cho cây trồng về phát triển lá.

c. Thời vụ

1. Tháng một là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
2. Bao giờ đom đóm bay ra, 
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng.
3. Bao giờ ổi rụng, bàng trôi,
Tua rua đúng Ngọ thì thôi cấy mùa.
4. Cấy mùa thì cấy cho sâu,
Lúa chiêm thì gẩy cành dâu bối bừa. (Cấy nông tay, lý do, lúa chiêm rễ ăn sâu xuống, lúa mùa rễ ăn lên).

d. Nhìn mây dự đoán thời tiết

Khi quan sát Thiên tượng, người ta nhìn vào bầu trời mây để có thể dự đoán thời tiết diễn ra như thế nào?. Nhìn vào dạng mây, ráng mây, màu mây, ta có thể tiên đoán được thời tiết ngày hôm đó: Lạnh, nóng, ấm, khô, hay có sương hoặc báo hiệu mưa to hoặc gió lớn. Vì thế, nếu thời tiết một ngày nào đó, bầu trời có hình dạng đám mây như từng sợi tơ trắng to hoặc như nạm bông, giống hình thoi nhọn ở hai đầu, ngày hôm đó thường là thời tiết ổn định.

-   Nếu mây tụ thành khối lớn, mỏng có dạng sợi to, tỏa lan nhanh khắp bầu trời, độ dày tăng dần lên và bay là là thấp xuống hoặc mấy trắng đùn lên như núi bông là trời sắp có giông.

-   Vào mùa Hè, khi thấy mây thành càng cao thì cơn giông kéo tới càng chậm. Như thế phải từ 6-8h sau mới có giông. Nếu buổi sớm trời trong sáng, nhưng phía chân trời xuất hiện dạng mây như bức thành lúc ẩn, lúc hiện thì khi chiều đến có thể có giông. Dưới đây là một số dạng mây cho ta biết thời tiết của từng ngày trước khi định liệu xuất hành:

1. Loại mây có dạng từng chùm như sợi tơ trắng mịn, trắng muốt, thường gọi là Mây ti.Loại mây này có khi cong lên như móc câu hoặc có khi vắt gang bầu trời. Lúc Mặt trời sắp lặn, thường có màu hồng hoặc màu vàng chói. Khi mây ti xuất hiện thường rất ít mưa. Nhưng về mùa Hè, nếu xuất hiện loại mây này có thể báo hiệu sắp có giông bão. Nếu nó xuất hiện như hình chữ V thì tâm bão có thể cách xa đỉnh nhọn từ 900-1000km.

2. Loại mây giống như lông chim, kết thành từng lớp như vẩy tê tê, hay giống lớp sóng lăn tăn như dải cát bờ biển thường gọi là Mây ti tích. 

Mây ti tích có thể tụ thành đám hoặc kéo thành hàng dài và thường xuất hiện dưới dạng tán. Khi có loại mây này xuất hiện, trời có thể đột nhiên trở lạnh. Nó có thể báo hiệu trời xấu hoặc sắp mưa lớn.

3. Dạng mây mỏng có màu sắc trắng đục như sữa thường gọi là Mây ti tầng. Loại mây ti tầng đôi khi nom giống như mớ chỉ rối. Hoặc có hiện tượng quầng tán quanh Mặt trời, Mặt trăng. Khi xuất hiện loại mây này, khí áp bắt đầu hạ xuống, có thể báo hiệu có giông, bão lớn.

4.Loại mây có dạng như lượn sóng lớn hoặc tròn như những mảnh lông cừu, thường gọi làMây trung tích. Loại mây này đôi khi tạo thành những hình như giẻ quạt. Đây là loại mây có màu trắng hoặc xám nhạt. Mây trung tích khi qua gần Mặt trời sẽ tạo thành màu đỏ hồng. Ở giữa các đám mây có thể nhìn rõ nền trời xanh. Khu vực mép mây thường mỏng trong suốt, có lúc có ánh sáng ngũ sắc. Trường hợp quan sát thấy các đám mây này biến thành những gò nhỏ, trên đỉnh có hình tháp là báo hiệu có thể sắp có mưa rào và giông.

5.Loại mây dày có màu xám hoặc xanh nhạt có khi có dạng sợi thường gọi là Mây trung tầng. Khi nhìn qua lớp mây này, Mặt trời chỉ lờ mờ không có quầng tán. Nếu xuất hiện loại mây trên trời sắp có mưa.

6.Loại mây tạo thành từng khối tròn màu thẫm, mép tơi như bông, nhiều khi thành từng cuộn lớn sát nhau, thường gọi là Mây tầng tích. Loại mây này thường xuất hiện về mùa Đông. Khi có loại mây tầng tích thường không có mưa hoặc chỉ báo hiệu mưa phùn nhỏ.

7.Loại mây có dạng nền là lớp mây bằng phẳng ở độ cao từ 200m tới 600m thường gọi là lớp Mây tầng. Lớp mây tầng khi bị gió thổi tạo thành những mảnh vụn. Nó thường đồng loạt là màu xám giống như sương mù làm cho trời đất âm u. Khi có loại mây này thời tiết chỉ có mưa phùn không có mưa to.

8.Dạng mây có màu xám thẫm dày đặc, vào mùa Hè có lúc nhìn hơi xanh, ở phía dưới luôn có những lớp mây bị xé ra thành nhiều mảnh xơ xác như giẻ rách hoặc nhiều mảnh mây nhỏ bay ở dưới thường được gọi là lớp Mây vũ tầng. Loại mây vũ tầng thường xuất hiện trong cả bốn mùa. Khi có loại mây này xuất hiện thời tiết bình thường, nhưng đôi khi có mưa phùn hoặc mưa dầm.

9.Dạng mây phát triển theo đường thẳng đứng có đỉnh hình tròn hoặc hình tháp có múi như múi bông và chân mây bằng phẳng chung quanh trắng, giữa xám thường được gọi là loạiMây tích. Khi nhìn về phía Mặt trời, loại mây này thường sáng chói và trắng. Loại mây trên xuất hiện thời tiết thường ổn định, không có mưa, trời đẹp và thường hay có bóng rợp.

10.Dạng mây dày đặc, phát triển thẳng lên cao, tạo thành những khối đồ sộ như trái núi thường được gọi là lớp Mây vũ tích. Lớp mây vũ tích phát triển rất nhanh lan tỏa khắp bầu trời nó thường kèm theo sấm sét dữ dội. Khi loại mây này xuất hiện vào mùa Xuân - Hè thường hay có mưa rào và giông hoặc đôi khi có mưa đá./.


Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Khí hậu Tài liệu tham khảo Tin tức
Lên đầu trang