Thâu tóm điểm thi THPT Quốc gia môn Địa với 6 câu hỏi tiềm năng

Kỳ thi đang tiến lại gần, chắc hẳn trong các sĩ tử đang vang lên những thắc mắc về đề thi THPT Quốc gia năm nay. Đúc kết từ các câu hỏi tiềm năng trong đề thi thử môn Địa, dưới đây là những vấn đề được dự báo là sẽ xuất hiện trong đề thi THPT Quốc gia. 
Cùng ôn luyện với idialy.com để có điểm thi THPT quốc gia thật cao nhé. 

Thâu tóm điểm thi THPT Quốc gia môn Địa với 6 câu hỏi tiềm năng.


Câu 1/ 
a. Trình bày các đặc điểm chung của địa hình nước ta. 
b. Chứng minh rằng dân cư nước ta phân bố chưa hợp lí. 

Câu 2/ Chứng minh rằng nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Phân tích thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. Tại sao hiện nay cần phải chú trọng đánh bắt thủy sản xa bờ ở vùng này? 

Câu 3/ Phân tích các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành thủy sản và khai thác khoáng sản biển ở nước ta. Tại sao việc giải quyết các vấn đề về Biển Đông cần phải tăng cường sự hợp tác của các nước trong khu vực? Phân tích những thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng này, vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải quan tâm là gì? 

Câu 4/ 
a.Trình bày đặc điểm của nguồn lao động nước ta. Tại sao vấn đề việc làm là vấn đề gay gắt ở nước ta hiện nay? 
b.Tại sao nước ta cần phải tiến hành phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước? 

Câu 5/ 
a.Chứng minh hoạt động du lịch của nước ta có sự phân hóa về mặt lãnh thổ. Tại sao hoạt động du lịch lại tập trung ở một số khu vực? 
b.Nêu vai trò của hệ thống đảo và quần đảo trong sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển nước ta? 

Câu 6/ 
a.Nêu những vấn đề chủ yếu trong bảo vệ môi trường nước ta hiện nay. Tình trạng hạn hán đang diễn ra ở các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long dẫn tới hậu quả gì? 
b.Chứng minh quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra chậm và khác nhau giữa các thời kỳ. 

Gợi ý trả lời:

Câu 1 (2,0điểm)
a. Trình bày các đặc điểm chung của địa hình nước ta nước ta. 
Địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp 
+ Địa hình đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ, đồng bằng chiếm 1/4 diện tích. 
+ Địa hình đồng bằng và đồi núi thấp (dưới 1000m) chiếm 85% diện tích, núi cao (trên 2000m) chỉ chiếm 1%. 

Cấu trúc địa hình nước ta khá đa dạng 
+ Địa hình được vận động Tân kiến tạo làm trẻ lại. Địa hình có tính phân bậc rõ rệt, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. 
+ Cấu trúc địa hình gồm 2 hướng chính: Hướng tây bắc – đông nam thể hiện rõ rệt từ hữu ngạn sông Hồng tới dãy Bạch Mã. Hướng vòng cung thể hiện ở vùng núi Đông Bắc và khu vực Nam Trung Bộ (Trường Sơn Nam). 

Địa hình của vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa 
+ Với các tác động của con người như: làm ruộng bậc thang, xẻ núi làm đường, xây dựng thủy điện, cầu cống… làm thay đổi bề mặt địa hình. 
+ Địa hình có sự xâm thực mạnh mẽ ở miền núi, sự cắt xẻ địa hình, các hiện tượng xói mòn, rửa trôi… do tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu… 

Địa hình chịu tác động mạnh mẽ của con người 
Với các tác động của con người như: làm ruộng bậc thang, xẻ núi làm đường, xây dựng thủy điện, cầu cống… làm thay đổi bề mặt địa hình. 

b. Chứng minh rằng dân cư nước ta phân bố chưa hợp lý.                                         
Mật độ dân số trung bình nước ta là 254 người/km2, nhưng bố chưa hợp lí: 
– Giữa đồng bằng với trung du miền núi. Ở đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số, mật độ dân số cao. Ở vùng trung du miền núi mật độ dân số thấp hơn nhiều so với đồng bằng trong khi vùng này tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước. Ngay trong các đồng bằng có sự chênh lệch khá lớn, mật độ dân cư ở Đồng bằng sông Hồng gấp 2,86 lần ở Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2006) 
- Giữa thành thị và nông thôn: Năm 2006, dân thành thị nước ta chiếm 26,9%, nông thôn chiếm 73,1% tổng số dân, điều này phản ánh quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở nước ta còn chậm và trình độ thấp.   

Câu 2 (3 điểm) 
a. Chứng minh rằng nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. 
– Nguồn nguyên liệu phong phú: 
+ Từ ngành trồng trọt, chăn nuôi 
+ Từ ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 
– Thị trường tiêu thụ rộng lớn ở trong và ngoài nước 
– Nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm, truyền thống sản xuất 
– Cơ sở vật chất – kĩ thuật tương đối phát triển 

b. Phân tích thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ. 
Tại sao hiện nay cần phải chú trọng đánh bắt thủy sản xa bờ ở vùng này? 
– Phân tích:   
+ Nguồn lợi sinh vật biển phong phú với các bãi cá, bãi tôm; nhiều diện tích mặt nước thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 
+ Nhiều bãi biển nổi tiếng và các đảo, quần đảo tạo điều kiện cho phát triển du lịch biển (dc) + Đường bờ biển dài với nhiều vũng, vịnh có thể xây dựng được các cảng nước sâu phục vụ ngành giao thông vận tải biển (dc) 
+ Khoáng sản đa dạng (muối, cát, titan, dầu khí…) để phát triển các ngành 
– Giải thích: 
+ Khai thác nguồn lợi thủy sản xa bờ giàu có, trữ lượng lớn trong khi nguồn lợi thủy sản gần bờ đang bị cạn kiệt 
+ Vùng có 02 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa nên việc đẩy mạnh đánh bắt thủy sản xa bờ góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ an ninh vùng biển của nước ta. 

Câu 3 (3 điểm) 
a. Phân tích các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành thủy sản và khai thác khoáng sản biển ở nước ta. 
Tại sao việc giải quyết các vấn đề về Biển Đông cần phải tăng cường sự hợp tác của các nước trong khu vực? 
Phân tích 
+ Đối với ngành thủy sản: Nguồn lợi hải sản phong phú (trữ lượng khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, hơn 2000 loài cá, hơn trăm loài tôm..) Nước ta có 4 ngư trường trọng điểm (dc); Có nhiều bãi triều, đầm phá thuận lợi nuôi trồng. 
+ Đối với ngành khai thác khoáng sản: Trữ lượng dầu mỏ, khí thiên nhiên lớn (vài tỉ tấn dầu, hàng trăm tỉ m3 khí) 
Các khoáng sản khác (Ti tan, muối,..) 

Giải thích: 
+ Biển Đông là biển chung của các nước trong vùng, việc hợp tác tạo ra môi trường hòa bình, ổn định giữa các nước. 
+ Bảo vệ được lợi ích chính đáng và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. 

b. Phân tích những thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng này, vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải quan tâm là gì?  
Các thế mạnh tự nhiên: 
+ Diện tích rộng lớn với nhiều loại đất (phù sa) thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp 
+ Khí hậu mang tính chất cận xích đạo, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt để phát triển nông nghiệp, giao thông thủy… 
+ Tài nguyên sinh vật phong phú, nhất là rừng ngập mặn, cá, chim.. 
+ Các thế mạnh khác: Nguồn lợi hải sản, khoáng sản (than bùn, dầu khí…) 
– Vấn đề quan trọng hàng đầu: 
+ Thủy lợi, kênh thoát nước… 
+ Nước ngọt vào mùa khô 

Câu 4 (3 điểm) 
a. Trình bày đặc điểm của nguồn lao động nước ta. Tại sao vấn đề việc làm là vấn đề gay gắt ở nước ta hiện nay? 
Đặc điểm của nguồn lao động nước ta: 
Lao động nước ta dồi dào bao gồm 42,53 triệu người ( chiếm 51,2%). 
Mỗi năm tăng 1 triệu lao động. 
Người lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo và có kinh nghiệm phong phú. 
Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao. 
Lực lượng lao động qua đào tạo còn hạn chế. 
Công nhân đã qua đào tạo hoặc có trình độ cao còn hạn chế. 

Vấn đề việc làm là vấn đề gay gắt ở nước ta hiện nay vì: 
Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp của nước ta còn cao: 
tỷ lệ thiếu việc làm là 8,1%; tỷ lệ thất nghiệp là 2,1% (năm 2005). 
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,3%, tỷ lệ thiếu việc làm là4,3%. 
Ở nông thôn tỷ lệ thất nghiệp là 1,1%, tỷ lệ thiếu việc làm là 9,3%. 

b. Tại sao nước ta cần phải tiến hành phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước?
Sự phân bố dân cư nước ta chưa hợp lý và đồng đều nên đã gây ra những hậu quả tiêu cực. 
+ Nơi giàu tài nguyên thì thiếu nhân lực. 
+ Nơi giàu lao động thì tài nguyên cạn kiện. Dẫn tới khai thác không hiệu quả nguồn tài nguyên, gây sức ép cho môi trường và xã hội. 
Cần phân bố lại nhân lực để cải thiện tình trạng môi trường và sức ép cho xã hội. Phát huy các thế mạnh của nước ta. 

Câu 5 (3 điểm) 
a. Chứng minh hoạt động du lịch của nước ta có sự phân hóa về mặt lãnh thổ. Tại sao hoạt động du lịch lại tập trung ở một số khu vực? 
– Về phương diện du lịch, nước ta được chia thành 3 vùng: vùng du lịch Bắc Bộ, vùng du lịch Bắc Trung Bộ, vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ. 
– Các khu vực phát triển hơn cả tập trung ở hai tam giác tăng trưởng du lịch là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Nha Trang và ở dải ven biển. 
– Các trung tâm du lịch lớn nhất của nước ta là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,Huế – Đà Nẵng. 
– Ngoài ra, nước ta còn 1 số trung tâm du lịch quan trọng khác như Hạ Long, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ…  

Hoạt động du lịch lại tập trung ở một số khu vực vì ở đó có: 
– Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú: các bãi biển đẹp, các di sản tự nhiên và văn hóa thế giới, các tài nguyên du lịch có giá trị khác. 
– Có cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch phát triển: các khách sạn cao cấp, các khu nghĩ dưỡng, các khu vui chơi giải trí, mua sắm… 
– Dân số đông, mức sống cao, người dân có thói quen đi du lịch. 
– Các thuận lợi khác: lao động trong ngành du lịch có chuyên môn tốt, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoàn thiện. 

b. Nêu vai trò của hệ thống đảo và quần đảo trong sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển nước ta? 
Đối với kinh tế: 
– Là cơ sở để khai thác hiệu quả các nguồn lợi của vùng biển, hải đảo và thềm lục địa. – Là căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển. 
Đối với an ninh: 
– Là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền. 
– Là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quang đảo và quần đảo. 

Câu 6 (2 điểm) 
a. Nêu những vấn đề chủ yếu trong bảo vệ môi trường nước ta hiện nay. Tình trạng hạn hán đang diễn ra ở các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long dẫn tới hậu quả gì? 

Những vấn đề chủ yếu trong bảo vệ môi trường ở nước ta: 
+ Tình trạng mất cân bằng sinh thái ngày càng trở nên trầm trọng. Biểu hiện ở sự gia tăng thiên tai, sự biến đổi khôn lường của thời tiết và khí hậu. 
+ Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nơi, nồng độ các chất ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Hậu quả tình trạng hạn hán diễn ra ở nhiều nơi. 
+ Tình trạng thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tổn hại đến nền sản xuất. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. 
+Dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng từ môi trường như: Tình trạng ngập mặn lan rộng, cháy rừng, thoái hóa đất đai… 

b. Chứng minh quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra chậm và khác nhau giữa các thời kỳ. 
Thời kỳ phong kiến: một số đô thị nổi lên  như Cổ Loa, Hội An, Thăng Long, Phố Hiến , Phú Xuân,… 
Thời kỳ Pháp thuộc các đô thị nổi lên với quy mô nhỏ với chức năng hành chính, quân sự như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn,… 
Trong thời kỳ 1954- 1975: Quá trình đô thị xảy ra khác nhau giữa miền Nam với miền Bắc do ảnh hưởng của chiến tranh nhưng nhìn chung vẫn xảy ra rất chậm. 
Từ năm 1975 đến nay: Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn nhưng vẫn thấp hơn so với khu vực, châu Á và trên thế giới. 

Trên đây là toàn bộ những câu hỏi nặng ký được biên soạn từ bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý. Chúc các sĩ tử có điểm thi THPT Quốc gia môn Địa thật cao.

Xem thêm: http://hoc.vtc.vn/thau-tom-diem-thi-thpt-quoc-gia-mon-dia-voi-6-cau-hoi-tiem-nang-32507.html


Xem thêm tại đây... =>Tất cả bài đăng từ iDiaLy.com chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thắc mắc hay có tài liệu hay liên quan đến Địa Lý thì comment cho cả nhà cùng tham khảo nhé.... Sưu tầm bởi www.NguyenDucHanh.net
Lên đầu trang