GIẢI THÍCH CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN VỀ KHÔNG KHÍ LẠNH

KHÔNG KHÍ LẠNH

Câu 1: Trong các bản tin thời tiết thường thấy cụm từ “không khí lạnh”, vậy không khí lạnh có thể hiểu như thế nào ?

Không khí lạnh là hiện tượng thời tiết khi khối không khí rất lạnh từ lục địa Châu Á di chuyển xuống khu vực nước ta, nơi đang có khối không khí ấm, gây ra gió đông bắc mạnh trời trở rét và thời tiết xấu. Thời gian đặc trưng là vào thời kỳ gió mùa mùa đông nên còn gọi là "gió mùa đông bắc". Khối không khí lạnh này có nguồn gốc cực đới, tràn qua lục địa Châu Á dưới dạng front lạnh, xuống đến nước ta trong nhiều trường hợp không còn thể hiện rõ tính chất điển hình của một front lạnh nên ta gọi chung là "không khí lạnh".

Gió mùa đông bắc là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm, vì khi nó tràn về ngoài khơi vịnh Bắc bộ gió có thể mạnh cấp 6 - 7 (đôi lúc có thể mạnh hơn) có thể đánh đắm tầu thuyền, trên đất liền gió cấp 4 - 5, có thể làm hư hại nhà cửa, cây cối, các công trình đang thi công trên cao, ...Đặc biệt những đợt mạnh còn gây ra mưa to, gió lớn, thậm chí xuất hiện cả các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, tố lốc, có khi cả mưa đá (tập trung vào các tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng và ngược lại). Vào những tháng chính đông (từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau), đêm về trời quang mây, gây ra sương muối, băng giá, thậm chí có năm cả tuyết rơi trên vùng núi cao. Nếu kéo dài còn gây rét đậm, rét hại không những đối với cây trồng, gia súc mà cả con người. Ở ta không khí lạnh thường bắt đầu từ trung tuần tháng 9 năm trước đến trung tuần tháng 6 năm sau, nhưng mạnh nhất vào các tháng chính đông, ảnh hưởng trực tiếp là khu vực phía bắc, từ đèo Ngang trở ra, ít khi đến nam Trung bộ.

Câu 2: Không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta dưới những dạng nào ?

Căn cứ vào mức độ thay đổi thời tiết trước và sau khi không khí lạnh ảnh hưởng mà phân chia ra hai loại ảnh hưởng chính: Gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường.Gió mùa đông bắc là không khí lạnh ảnh hưởng có kèm theo front lạnh hoặc đường đứt khi xâm nhập đến nước ta làm thay đổi hoàn toàn hệ thống gió trước đó bởi hệ thống gió mùa đông bắc (gió có thành phần bắc), làm biến đổi thời tiết mạnh mẽ, nhiệt độ giảm mạnh đột ngột và thay đổi trạng thái thời tiết từ nóng, ấm sang lạnh hoặc rét. Gió mùa đông bắc đôi khi kèm theo gió giật, tố, lốc xoáy, dông hoặc mưa lớn.

Không khí lạnh tăng cường là khối không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong điều kiện trước đó khu vực chịu ảnh hưởng đang bị một khối không khí lạnh khống chế với hệ thống gió thành phần bắc đã suy yếu. Không khí lạnh tăng cướng không kèm theo front. Khi ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu làm tốc độ gió tăng trở lại ở ngoài khơi và trong đấtliền có thể làm giảm nhiệt độ, điểm sương hoặc ít thay đổi về nhiệt độ. Trong một vàitrường hợp không khí lạnh tăng cường làm giảm lượng mây do đó có thể làm tăng nhiệt độ ban ngày.

Câu 3: Gió chướng là gì ? Gió chướng xảy ra ở đâu và có liên quan đến gió mùa đông bắc không ?

Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thông thường bắt đầu từ tháng 12 năm trước cho đến đầu tháng 4 năm sau, mùa mưa từ giữa tháng 5 đến tháng 11. Thời gian của hai mùa gần trùng với thời gian ảnh hưởng của hai mùa gió mùa là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc.

Đối với các tỉnh Nam Bộ, nhất là đối với vùng gần ven biển có những ao hồ nuôi trồng thủy hải sản, cũng như những vùng chuyên canh sản xuất nông sản thì gió mùa Đông Bắc thường gây ra nhiều bất lợi cho việc sản xuất như không mưa kéo dài trong khoảng 5 đến 6 tháng, thiếu nước ngọt cho cây trồng, vỡ các đê bao, bờ bao gây thất thoát năng suất. Đối với vùng biển và ngoài khơi có gió to, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển. Mặt khác, trong thời kỳ gió mùa Đông Bắc phát triển mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thì trên thượng lưu sông Mê Kông ở vào thời kỳ kiệt nhất, nguồn nước ngọt chảy về hạ lưu rất ít, cùng với hướng gió thổi thẳng góc với mặt cắt ngang của các cửa sông nên sự xâm nhập mặn có khả năng vào sâu hơn trong các sông. Cũng chính vì những lẽ đó mà nhân dân Nam Bộ gọi gió mùa Đông Bắc là “gió chướng”, đây là tên gọi địa phương của bà con nông dân ở Nam Bộ đối với gió mùa Đông Bắc và gió tín phong. Sự xâm nhập mặn là một trong những yếu tố gây trở ngại lớn đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ngay cả sinh hoạt của nhân dân. Khi có gió chuớng mạnh có thể làm cho độ mặn tăng đột biến làm thiệt hại không ít cho sản xuất.

Câu 4: Trong các bản tin dự báo không khí lạnh thường thấy các cụm từ trời mát, trới rét..., căn cứ vào đâu để có được những cụm từ này ?

Từ nhu cầu thực tế về cảm nhận của cơ thể con người đối với nhiệt độ của khối không khí xung quanh khi có không khí lạnh xâm nhập người ta đưa ra các khái niệm sau:
Trời mát: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 22 đến 25 độ C (220C < Ttb ≤ 250C).
Trời lạnh: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 20 đến 22 độ C (200C < Ttb ≤ 220C).
Trời rét: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 15 đến 20 độ C (150C < Ttb ≤ 200C).
Ttb là nhiệt độ trung bình ngày, được tính trên cơ sở trung bình hoá của tất cả các quan trắc trong ngày. Khi không có các quan trắc này, một cách gần đúng có thể sử dụng nhiệt độ trung bình là trung bình cộng giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất trong ngày.Tuy nhiên khoảng nhiệt độ phân chia bên trên chỉ mang tính chất tương đối. Trong thực tế, căn cứ vào sức khỏe của mỗi người chịu sự ảnh hưởng của hiện tượng mất nhiệt mà cảm nhận khoảng nhiệt độ trên là khác nhau, đặc biệt khi thời tiết chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh.

Câu 5: Thế nào là trời rét đậm, rét hại ? Căn cứ vào đâu để người ta phân chia rét đậm, rét hại ?

Rét đậm: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ (130C < Ttb ≤ 150C) .
Rét hại: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C (Ttb ≤ 130C).

Trong các bản tin dự báo thời tiết thường đề cập đến hiện tượng rét đậm, rét hại. Hiện tượng này chủ yếu được hiểu cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều nhất vào mùa lạnh. Hiện tượng này không đề cập đến rét đậm, rét hại ở vùng núi vì ở đó không phải xảy ra từng đợt, mà hầu như xảy ra suốt tháng. Ví dụ như tai Sa Pa (Lao Cai) rét đậm hầu như xảy ra suốt tháng 12, tháng 1 và tháng 2.

Trên thực tế Việt Nam là một nước chủ yếu phát triển nông nghiệp với cây lúa là cây lương thực chủ đạo. Thuật ngữ rét đậm, rét hại được sử dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học đã tính toán được rằng khi nhiệt độ trung bình ngày dưới ngưỡng rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây lúa. Nếu rét đậm, rét hại xảy ra trong 1 ngày thì cây lúa vẫn có khả năng quang hợp và phát triển bình thường. Nếu kéo dài từ 2 ngày trở lên thì cây lúa sẽ không còn khả năng quang hợp và tự bảo vệ mình dẫn đến không còn khả năng đề kháng và chết đi.

Một điều cần chú ý là nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C và 130C phải gắn với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ khi đó mới được coi là rét đậm, rét hại. Trong thực tế vào những ngày trời quang mây về đêm nhiệt độ xuống rất thấp, nhưng ban ngày trời nắng nhiệt độ lên rất cao, nhiệt độ trung bình ngày vẫn có thể dưới 150C nhưng không đực coi là rét đậm được.

Câu 6: Có bao nhiêu loại tin dự báo về không khí lạnh ?

Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng đợt không khí lạnh, có hoặc không kèm theo front lạnh, thì phát tin dự báo không khí lạnh theo các tiêu đề như sau:

Tin Gió mùa đông bắc được phát ra khi:

- Không khí lạnh có khả năng xâm nhập xuống nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch bắc, gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 3 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ);
- Hoặc khi không khí lạnh có khả năng xâm nhập đến miền bắc nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời làm thay đổi rõ rệt về thời tiết ở một khu vực: chuyển đầy mây, diện mưa tănglên đột ngột và nhiệt độ trung bình ngày giảm từ 3 - 5 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực;
- Hoặc làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc(không xét tốc độ gió), đồng thời gây mưa rào và dông diện rộng ở một khu vực, có thể có gió giật mạnh trên cấp 6 hay tố, lốc, mưa đá... và nhiệt độ tối cao giảm 5 - 7 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực.
.
Tin Gió mùa đông bắc và rét: được phát giống như khi phát tin gió mùa đông bắc kể trên nhưng nếu thấy đợt không khí lạnh có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 15 độ (rét đậm và rét hại) và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.

Tin không khí lạnh tăng cường: Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường xuống nước ta. Trong khi ở các tỉnh phía bắc đang tồn tại không khí lạnh, hướng gió chưa thay đổi (vẫn gió hướng lệch bắc), nhưng tốc tộ gió đã tương đối suy yếu, ngoài khơi gió đã giảm xuống dưới cấp 5, nhưng nhận thấy khả năng có một đợt không khí lạnh khác, lại gây ra gió mạnh lại từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 6 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ).

Tin gió không khí lạnh tăng cường và rét: Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường nhưng có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 150C và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.

-Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn, mở link, bài viết nhanh hơn.
-youtube.iDiaLy.com
-tiktok.iDiaLy.com
-Group: idialy.HLT.vn
-Fanpage: dialy.HLT.vn
-iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí
Lên đầu trang