HLT.vn - iDiaLy.com - DiaLy.edu.vn

13 câu nói giáo viên nên tránh nói với học sinh

13 câu nói giáo viên nên tránh nói với học sinh

Trong quá trình dạy học, bạn đã bao giờ có một câu nói với học sinh mà sau này bạn cảm thấy ân hận. Cứ mỗi lần như thế ...bạn nên ghi lại để không phải ân hận lần tiếp theo. Có một giáo viên nước ngoài đã làm công việc ấy và bây giờ xin chia sẻ với các bạn.

13 câu nói phổ biến mà giáo viên nên tránh nói với học sinh
13 câu nói phổ biến mà giáo viên nên tránh nói với học sinh 

Khi tôi là một giáo viên mới ở một trường trung học, một cách vô tình tôi đã nói với học sinh những câu này. Điều này khiến cho mỗi khi nghĩ lại... tôi lại cảm thấy hối hận. Trong một vài năm qua, tôi đã chứng kiến hoặc được nghe các giáo viên nói những điều mà lẽ ra họ không nên nói với học sinh của mình. Gần đây tôi có dịp hỏi các giáo viên trẻ và các sinh viên thực tập liệu rằng họ đã bao giờ nói điều gì với học sinh khiến cho sau này họ cảm thấy hối hận không? Sau khi nghe những câu trả lời từ những đồng nghiệp, tôi đã soạn ra một danh sách những điều như vậy và bạn nhớ là không bao giờ nên nói với học sinh của mình.

Tôi cố gắng giới hạn danh sách của tôi trong 13 điều. Một số có liên quan đến các vấn đề quản lí hành vi, một số liên quan đến động lực và vẫn nhiều hơn là về quản lý lớp học. Tất cả đều có thể gây sự tức giận, hãy bắt đầu năm học mới bằng việc tránh các từ trong danh sách này nhé.

Có những thói quen giáo viên cần phải thay đổi

1. "Con rất có tiềm năng tuy nhiên con đã không sử dụng nó"

Học sinh sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu như họ nghe thấy điều này. Nếu như một số chấp nhận nó giống như một sự thử thách để có thể làm tốt hơn thì rất nhiều học sinh bị mất đi nguồn cảm hứng để làm việc. Thay vì vậy, hãy nói bằng cách thể hiện sự quan tâm: "Làm thế nào để thầy có thể giúp con phát huy được khả năng của mình?"

2. "Thầy rất thất vọng về con"

Chắc chắn chúng ta đã ít nhất một lần vô tình nói câu này hoặc những câu tương tự khi chúng ta thất vọng về một hành động nào đó của học trò. Thêm vào đó, sự tổn thương còn phụ thuộc vào cả cách mà chúng ta nói cũng như ngôn từ chúng ta sử dụng. Học sinh đã chia sẻ rằng chúng ghét khi phải nghe giáo viên nói như vậy. Vấn đề với cách nói này đó là giáo viên luôn nhìn vào quá khứ, vào lỗi lầm của người học. Một phương pháp hữu ích hơn nên nhìn vào tương lai. Bạn có thể thay đổi nó dạng như: "Con nghĩ lần sau con có thể khắc phục những hạn chế này như thế nào?"

3. "Con nói cái gì?"

Điều này khá thử thách đối với một số giáo viên khi nó đã trở thành thói quen của họ. Đặc biệt là khi giao tiếp hoặc phải đối thoại với học sinh về vấn đề về hành vi. Khi mà học sinh nói thì thầm, hoặc không đủ lớn để giáo viên có thể nghe rõ. Khi đó giáo viên thường hỏi một cách rất tự nhiên: "Con vừa nói cái gì?". Liệu bạn có thực sự muốn nghe rõ tất cả những điều mà học sinh nói? Hay bạn chỉ đang muốn thể hiện uy quyền của mình? Tốt hơn hết là bạn bỏ qua những gì mà mình nghe không rõ và sẽ trở lại với nó sau hoặc chuyển sang nội dung khác.

4. "Nếu thầy làm điều đó cho con, nghĩa là thầy phải làm cho tất cả các bạn khác trong lớp."

Trong một cuốn sách có tên Discipline With Dignity tác giả Al Mendler đã đưa ra một tình huống điển hình cho một nội quy vốn là tốt nhưng không công bằng. Nhu cầu về sự hỗ trợ của mỗi học sinh rất khác nhau. Hơn nữa, không ai muốn nghĩ rằng mình là người bình thường như những người khác. Tốt hơn, bạn nên nói: "Thầy không chắc rằng liệu con có thể làm điều đó, nhưng thầy sẽ cố hết sức để giúp con có thể bằng cách này hay cách khác".

5. "Điều đó là vi phạm nội quy."

Nội quy là những quy định về hành vi. Thông thường có rất nhiều hành vi mà con người có thể lựa chọn để giải quyết một vấn đề. Một vài trường hợp nó nằm giữa các quy định. Hãy thử nói bằng cách này xem sao: "Để thầy xem có cách nào khác để giải quyết vấn đề mà không vi phạm nội quy".

6. "Anh chị của con học tốt hơn con nhiều"

Đừng bao giờ so sánh học sinh với các anh chị em hay bất cứ ai khác một cách tích cực hay tiêu cực về bất cứ điều gì. Việc so sánh chỉ có thể dẫn đến lặp lại những rắc rối mà trẻ đã gặp. Bà nội tôi thường xuyên hỏi tôi: "Ai là người con yêu quý?". Câu hỏi đó tốt hơn nhiều so với việc hỏi: "Giữa bà và mẹ cháu, cháu yêu quý ai hơn?"

7. "Tôi thích cách mà Tony đang ngồi"

Đây là một mẹo giáo viên hay dùng để yêu cầu cả lớp ngồi xuống. Câu nói này sẽ dạy trẻ rằng đó chỉ là một "mánh khóe" của giáo viên. Tốt hơn, giáo viên nên nói thẳng sự thật bằng cách: "Cô muốn các con ngồi xuống".. Thêm vào đó, những học sinh được nêu tên trước lớp cũng không cảm thấy thoải mái khi phải so sánh với các bạn mình. Thay vào đó, tôi thường sử dụng cách thể hiện trực tiếp sự kì vọng về những hành vi mình mong muốn.

8. "Em sẽ không bao giờ thành công trong bất cứ điều gì”

Đây không chỉ là sự xúc phạm đến học sinh, điều quan trọng nó thể hiện sự sai lầm và trình độ của giáo viên. Khi tôi còn nhỏ, tôi được nói rằng tôi sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành một giáo viên. Biết bao nhiêu những con người vĩ đại đã phải nghe điều này? Bao nhiêu người trong số bạn đã từng nghe những câu nói tương tự?

9. "Em nghĩ em là ai?"

Bạn có thật sự muốn biết học sinh đang nghĩ chúng là ai? Câu hỏi này có nghĩa rằng "bạn chẳng là gì trong mắt tôi!". Cách giao tiếp này cho thấy sự kiêu ngạo và thách thức của giáo viên đối với người học.

10. "Em chưa bao giờ ngồi im được à?"

Điều này giống như một cách yêu cầu học sinh ngưng nói chuyện nhưng không mấy thiện cảm. Đừng bao giờ bắt đầu với một câu hỏi dạng như: "Con chưa bao giờ……?". Bạn có thể đưa ra bất cứ thông tin nào về hành vi hay thái độ mà bạn muốn đối với học sinh: "Trật tự", "Làm bài tập về nhà", "Cẩn thận hơn khi làm bài tập",… Hãy nói một cách trực tiếp những gì bạn suy nghĩ và tránh chế nhạo học sinh.

11. "Tôi đang bận"

Nếu học sinh đang cần sự giúp đỡ của bạn, đừng bỏ qua học sinh như vậy. Hãy thể hiện sự quan tâm qua những gì bạn nói: "Thầy đang rất bận, nhưng những gì con hỏi rất quan trọng. Nếu không quá cấp bách, con có thể chờ thầy chút được không? Thầy thực sự muốn biết con đang gặp khó khăn ở đâu?"

12. "Cả lớp sẽ bị ... trừ khi một số người ...."

Hình phạt tập thể không bao giờ là phù hợp. Có nhiều lí do tại sao nên tránh các hình phạt tập thể, nhưng điều quan trọng nhất là nếu chúng ta muốn học sinh học cách chịu trách nhiệm cho hành vi của chúng, học sinh cần phải biết được hậu quả cho sự lựa chọn của chính chúng. Khi chúng bị phạt cho điều gì đó mà chúng không làm, chúng sẽ thấy rằng thế giới này thật không công bằng và không thể hiểu nổi, nơi mà hình phạt được đưa ra một cách tùy tiện. Đó cũng không phải là điều chúng ta muốn dạy cho con trẻ.

13. "Con bị làm sao thế?"

Câu hỏi này áp dụng khi học sinh mắc khuyết điểm. Khi tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, thì câu hỏi đó thực sự là một lời xúc phạm. Liệu bạn muốn học sinh sẽ trả lời như thế nào? "Con là kẻ ích kỉ, vô trách nhiệm?". Tôi đã từng nghe những cách nói từ các chuyên gia như: tất cả mọi người đều hoàn hảo theo cách của họ. Một phương pháp tốt hơn chúng ta có thể nói đó là: "Thầy thấy con đang có gì đó không ổn, chúng ta sẽ cùng tìm cách để giải quyết nhé!"

Nếu một giáo viên đánh mất đi sự bình tĩnh hoặc mất kiểm soát khi nói những điều trên đây một hoặc hai lần trong một năm, đó là điều không thể chấp nhận được. Đối với hầu hết học sinh chúng sẽ tự xóa đi hình ảnh một giáo viên người mà chúng "yêu thích" và "tôn trọng". Học sinh sẽ nhớ mãi những khi chúng bị tổn thương hay xúc phạm. Điều quan trọng bạn cần làm là xây dựng niềm tin và thể hiện tình yêu đối với học trò. Những câu nói trên đây thật khó để tránh. Cái mà chúng ta có thể tránh đó là những câu nói mà chúng ta biết là sẽ làm người học tổn thương. Tôi mong muốn các thầy cô cùng tôi bổ sung thêm vào danh sách những câu nói như vậy.

By Dr. Richard Curwin – Nguyễn Hữu Long dịch


Tài liệu địa Lý miễn phí.
idialy.HLT.vn - dialy.HLT.vn - lop10.idialy.com - lop11.idialy.com -lop12.idialy.com
Giáo viên Tin tức
Lên đầu trang