CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN LỚP 12 - MỨC ĐỘ THÔNG HIỂU - Đề số 6



CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN LỚP 12

MỨC ĐỘ THÔNG HIỂU – Đề số 1 

(Có lời giải chi tiết)

Câu 1. Đặc điểm nào không phải ảnh hưởng của biển Đông đối với thiên nhiên Việt Nam?

A.  Khí hậu mang tính hải dương điều hòa

B.   Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh.

C.  Địa hình ven biển rất đa dạng.

D.  Hệ sinh thái vùng ven biển đa dạng và giàu có.

Câu 2. Đâu không phải đặc điểm của địa hình bán bình nguyên và đồi trung du của nước ta:

A.  địa hình đồi trung du phần nhiều là các thềm phù sa cổ bị chia cắt do tác động của dòng chảy.

B.   dải đồi trung du thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển miển Trung.

C.  dải đồi trung du rộng nhất nằm ở đồng bằng sông Hồng.

D.  bán bình nguyên thể hiện rõ nhất ở Đông Nam Bộ.

Câu 3. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, hãy cho biết biểu đồ khí hậu nào dưới đây có nhiệt độ trung bình các tháng luôn trên 250C?

     A. Biểu đồ khí hậu TP. Hồ Chí Minh.                        B. Biểu đồ khí hậu Đà Nẵng.

     C. Biểu đồ khí hậu Hà Nội.                                         D. Biểu đồ khí hậu Sa Pa

Câu 4. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, thời kì tần suất các cơn bão di chuyển từ biển Đông vào miền khí hậu phía Bắc ít nhất là:

     A. tháng IX và tháng X.                                               B. tháng VIII và tháng IX.

     C. tháng VI và tháng VII.                                             D. tháng XI và tháng XII.

Câu 5. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, hãy cho biết hệ thống sông Vàm Cỏ thuộc lưu vực sông nào?

A.  Thái Bình.         B. Thu Bồn    C. Đồng Nai D. Mê Công.

Câu 6. Sự phân hóa đất đai theo độ cao địa hình ở nước ta từ thấp lên cao lần lượt là A. đất feralit, đất phù sa, đất feralit có mùn, đất mùn thô.

B.   đất feralit có mùn, đất mùn, đất phù sa, đất feralit, đất mùn thô.

C.  đất phù sa, đất feralit có mùn, đất feralit, đất mùn, đất mùn thô.

D.  đất phù sa, đất feralit, đất feralit có mùn, đất mùn, đất mùn thô.

Câu 7. Biểu hiện của tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa và tính chất khép kín của biển Đông là

A.    sóng mạnh nhất vào thời kì gió mùa Đông Bắc, dòng hải lưu hoạt động theo mùa

B.    nhiệt độ nước biển cao, trung bình trên 230C và tăng dần từ Nam ra Bắc

C.    độ muối trung bình khoảng 30-33‰ và đồng nhất giữa các mùa

D.    thủy triều biến động theo hai mùa lũ cạn và tác động sâu sắc nhất là ở đồng bằng sông Hồng. 


Câu 8. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, cho biết vườn quốc gia nào sau đây nằm trên đất liền?

     A. Phú Quốc                    B. Ba Bể.                           C. Cát Bà                            D. Côn Đảo.

Câu 9. Đặc điểm không đúng với chế độ nhiệt của nước ta là

A.  nơi nào chịu tác động của gió mùa Đông Bắc sẽ có biên độ nhiệt cao hơn

B.   nền nhiệt độ tương đối đồng đều trên toàn lãnh thổ vào thời kì mùa hạ (ở cùng độ cao địa hình)

C.  nhiệt độ trung bình năm trên cả nước đều lớn hơn 200C (trừ các vùng núi cao)

D.  nhiệt độ trung bình năm tăng dần khi đi từ Nam ra Bắc và biên độ nhiệt trong Nam lớn hơn ngoài Bắc

Câu 10. Ngập lụt ở Trung Bộ diễn ra chủ yếu ở các tháng

     A. tháng V -X                 B. tháng IX-XII.                C. tháng IX -X                   D. tháng X -XII.

Câu 11. Quanh năm nhiệt độ thấp dưới 15 độ C, mùa đông xuống dưới 5 độ C, các loại thực vật chủ yếu là thiết sam, lãnh sam là đặc điểm tự nhiên của đai

A.  nhiệt đới gió mùa ẩm.

B.   cận nhiệt đới gió mùa trên núi cao ( > 1700m)

C.  cận nhiệt đới gió mùa

D.  đai ôn đới gió mùa trên núi.

Câu 12. Biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ đất ở miền núi- trung du nước ta là:

     A. làm ruộng bậc thang                                                B. phát triển thuỷ lợi

C. cải tạo đất         D. Bảo vệ đất gắn với bảo vệ rừng Câu 13. Sự phân hóa thiên nhiên nước ta theo độ cao thể hiện rõ ở sự phân hóa của

     A. nhiệt độ, sinh vật.                                                     B. khí hậu, đất đai, sinh vật.

     C. sinh vật, lượng mưa                                                 D. đất đai.

Câu 14. Theo quy hoạch để đảm bảo vai trò của rừng đối với môi trường,độ che phủ rừng ở nước ta phải đạt là

     A. 40%                             B. 45-50%                          C. 70-80%                          D. 100%

Câu 15. Bão lũ, trượt lở đất đá, hạn hán là những thiên tai thường xảy ra ở miền

     A. Miền Bắc và Đông Bắc bắc Bộ.                             B. Nam Trung bộ và Nam bộ.

      C. Tây bắc và Bắc Trung Bộ.                                      D. Nam Bộ.

Câu 16. Tính chất nhiệt đới ẩm của sông ngòi nước ta không có biểu hiện nào sau đây?


A. Chế độ nước sông phân hóa theo mùa

B.   Giàu phù sa

C.   Lưu lượng nước sông lớn khoảng 839 tỷ m3.

D.   Mạng lưới sông ngòi dày đặc

Câu 17. Khó khăn lớn nhất về tự nhiên ở vùng đồng bằng của Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là 

A. xói mòn rửa trôi đất ở miền núi.

B.   ngập lụt trên diện rộng ở đồng bằng và hạ lưu các sông lớn.

C.   thiếu nước trong mùa khô.

D.   lũ quét.

Câu 18. Đâu không phải là hạn chế của vùng đồi núi nước ta?

A. Xói mòn, rửa trôi.                                                       B. Địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh.

C. Ngập lụt.                                                                      D. Lở đất, lũ quét.

Câu 19. Tính chất nhiệt đới âm gió mùa của biển Đông không thể hiện ở 

A. sự phong phú đa dạng của tài nguyên sinh vật biển.

B.   giàu dầu mỏ và khí đốt.

C.   có các dòng biển thay đổi theo mùa

D.   nhiệt độ nước biển quanh năm cao trên 200C

Câu 20. Đặc điểm nào sau đây không đúng với gió mùa Đông Bắc (Gió mùa mùa đông)?

A.   Luôn có tính chất lạnh khô khi hoạt động ở nước ta

B.   Di chuyển theo hướng Đông bắc

C.   Chủ yếu hoạt động ở phía Bắc dãy Bạch Mã.

D.   Hoạt động theo từng đợt trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Câu 21. Biển Đông là nhân tố quan trọng làm cho khí hậu nước ta mang tính hải dương nên điều hòa hơn, biểu hiện là

A.   tạo cho nước ta có độ âm lớn, lượng mưa nhiều quanh năm.

B.   sự hình thành nhiều dạng địa hình ven biển độc đáo.

C.   giảm tính lạnh khô trong mùa đông, nóng bức trong mùa hạ

D.   sự xuất hiện của nhiều thiên tai, nhất là bão.

Câu 22. Đai chiếm diện tích lớn nhất ở nước ta là

A. đai cận xích đạo gió mùa                                          B. đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi.

C. đai ôn đới gió mùa trên núi.                                      D. đai nhiệt đới gió mùa chân núi.

Câu 23. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, hãy cho biết những vùng khí hậu nào dưới đây ở nước ta chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc? 

A. Đông Bắc Bộ, Nam Trung Bộ.

B.   Trung và Nam Bắc Bộ, Nam Trung Bộ.

C.   Đông Bắc Bộ, Trung và Nam Bắc Bộ.

D.   Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Câu 24. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, các trạm khí hậu có mưa vào mùa hè tiêu biểu ở nước ta là:

A.          Sapa, Hà Nội, Đà Nẵng.                                          B. Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang.

C. Lạng Sơn, Đà Lạt, Cà Mau.                                      D. Hà Nội, Điện Biên, Nha Trang.

Câu 25. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 14, núi nào sau đây cao nhất vùng núi Trường Sơn Nam?

A. Ngọc Linh.                    B. Lang Bian.                    C. Chư Yang Sin.             D. Kon Ka Kinh.

Câu 26. Vùng ven biển Nam Trung Bộ thuận lợi làm muối không phải vì lí do nào sau đây?

A. Có nhiều nắng.                                                            B. Có mùa khô kéo dài.

C. Có nhiều sông đổ ra biển.                                         D. Có nhiệt độ cao.

Câu 27. Ranh giới tự nhiên của 4 khu vực địa hình đồi núi: Tây Bắc, Đông Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam ở nước ta là

A. dãy Hoàng Liên Sơn, sông Cả, dãy Bạch Mã. 

B. dãy Con Voi, sông Cả, dãy Bạch Mã

C.   sông Hồng, sông Cả, dãy Bạch Mã.

D.   dãy Hoàng Liên Sơn, sông Mã, dãy Hoành Sơn.

Câu 28. Ý nào dưới đây không phải là một trong những biện pháp duy trì đa dạng sinh học ở nước ta?

A. Ban hành Sách đỏ Việt Nam.                                    B. Xây dựng, mở rộng hệ thống vườn quốc gia

C. Nhà nước giao đất giao rừng cho các hộ dân.        D. Quy hoạch khai thác

Câu 29. Tỉnh có lượng mưa ít nhất của nước ta là (Atlat Địa lí Việt Nam trang 9)

A. Bà Rịa - Vũng Tàu.                                                    B. Ninh Thuận.

C. Lạng Sơn.                                                                    D. TP. Hồ Chí Minh.

Câu 30. Đồng bằng chậu thổ sông Hồng và sông Cửu Long ở nước ta hàng năm được mở rộng ra biển là do quá trình

A.   bóc mòn.            B. vận chuyển.          C. xâm thực. D. bồi tụ.

Câu 31. Phát biểu nào sau đây không đúng với thiên nhiên dải đồng bằng ven biển Trung Bộ? 

A. Đất đai kém màu mỡ, ít cát, nhiều phù sa sông.

B.   Hẹp bề ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ.

C.   Thiên nhiên khắc nghiệt với nhiều cồn cát

D.   Đường bờ biển khúc khuỷu với thềm lục địa hẹp

Câu 32. Phát biểu nào sau đây không đúng với đặc điểm của biển Đông ?

A.   Năm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa

B.   Là vùng biển lớn thứ 2 trong các biển của Thái Bình Dương 

C. Năm trong vùng khí hậu cận nhiệt gió mùa

D. Là vùng biển tương đối kín.

Câu 33. Phát biểu nào sau đây không đúng với tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta?

A. Tổng lượng bức xạ lớn.            

B. Nhiệt độ trung bình năm trên 200

C. Độ ẩm không khí cao trên 80%.          

D. Cân bằng bức xạ dương quanh năm.

Câu 34. Sự thất thường của nhịp điệu mùa khí hậu, của dòng chảy sông ngòi và tính bất ổn định cao của thời tiết là những trở ngại lớn trong việc sử dụng thiên nhiên của miền?

A.          Tây Bắc                                                                     B. Bắc Trung Bộ.

C. Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.                                         D. Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Câu 35. Phát biểu nào sau đây đúng về đặc điểm thiên nhiên phần lãnh thổ phía Bắc của nước ta? 

A. Nhiệt độ trung bình năm dưới 200C, có mùa đông lạnh.

B.   Biên độ nhiệt trung bình năm nhỏ.

C.   Khí hậu gồm hai mùa mưa, khô rõ rệt

D.   Thành phần loài sinh vật nhiệt đới chiếm ưu thế.

Câu 36. Các sườn đồi ba dan lượn sóng ở Đông Nam Bộ là dạng địa hình?

A. Các bán bình nguyên.                                                B. Các bậc thềm phù sa cổ.

C. Các cao nguyên.                                                         D. Đồng bằng

Câu 37. Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 14, xác định cao nguyên Mơ Nông thuộc vùng núi nào sau đây?

A. Đông Bắc                      B. Tây Bắc                         C. Trường Sơn Bắc             D. Trường Sơn Nam.

Câu 38. Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 10, cho biết sông nào sau đây không thuộc lưu vực hệ thống sông Thái Bình?

A. Sông Thương.              B. Sông Cầu.                     C. Sông Đáy.                     D. Sông Kinh Thầy.

Câu 39. Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 9, cho biết tỉnh nào sau đây không thuộc vùng khí hậu Bắc Trung Bộ?

A. Quảng Bình.                 B. Thanh Hóa                    C. Quảng Trị.                    D. Nghệ An

Câu 40. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang13 -14, cho biết đỉnh núi nào sau đây không thuộc miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ?

A.      núi Mẫu Sơn.            B. núi Lang Bian.     C. núi Tam Đảo.       D. núi Tây Côn Lĩnh.

Câu 41. Nguyên nhân khiến đất feralit có màu sắc đỏ vàng là do 

A. có sự tích tụ oxit nhôm (Al2O3).

B.       có sự tích tụ oxit sắt (Fe2O3).

C.      các chất badơ dễ tan như Ca2+, K+, Mg2+ bị rửa trôi mạnh.

D.      có sự tích tụ đồng thời oxit sắt (Fe2O3) và oxit nhôm (Al2O3). 

Câu 42. Mưa phùn ở nước ta thường diễn ra vào:

A.   nửa sau mùa đông ở đồng bằng và ven biển miền Bắc

B.   đầu mùa đông ở miền Bắc

C.   đầu mùa đông ở đồng bằng và ven biển miền Bắc

D.   nửa sau mùa đông ở miền Bắc

Câu 43. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, cho biết phát biểu nào sau đây đúng với chế độ mưa của Đà Nẵng so với Hà Nội.

A.   Tháng mưa ít nhất của Đà Nẵng là tháng XII.

B.   Tháng mưa nhiều nhất của Đà Nẵng là tháng VIII.

C.   Đà Nẵng có mùa mưa nhiều vào thu đông.

D.   Đà Nẵng có mùa mưa mưa nhiều vào mùa hạ.

Câu 44. Dạng địa hình nằm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng là

 A.         sơn nguyên.                B. cao nguyên.                   C. núi thấp.                        D. trung du.

Câu 45. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, trong miền khí hậu phía Nam không có vùng khí hậu nào?

A. Vùng khí hậu Bắc Trung Bộ.                                    B. Vùng khí hậu Tây Nguyên.

C. Vùng khí hậu Nam Trung Bộ.                                  D. Vùng khí hậu Nam Bộ.

Câu 46. Đồng bằng được mở rộng ở cửa sông Đà Rằng là

A. đồng bằng sông Quảng Nam                                    B. đồng bằng Tuy Hòa

C. đồng bằng Nghệ An.                                                  D. đồng bằng Thanh Hóa

Câu 47. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, tại trạm khí tượng Đà Nẵng, tháng có lượng mưa lớn nhất là

A. tháng VIII.                    B. tháng X.                        C. tháng IX.                       D. tháng VII.

Câu 48. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết sông nào sau đây không thuộc hệ thống sông Cửu Long?

A. sông Cái Bè.                 B. sông Bé.                        C. sông Tiền.                     D. sông Hậu.

Câu 49. Đặc điểm nào sau đây của Biển Đông làm tăng độ ẩm các khối khí di chuyển qua biển gây mưa nhiều cho nước ta?

A. Biển rộng, nhiệt độ cao và thay đổi theo mùa 

B. Biển nhỏ, nhiệt độ cao và thay đổi theo mùa

C.   Biển nhỏ, nhiệt độ thấp và không ổn định.

D.   Biển rộng, nhiệt độ thấp và không ổn định.

Câu 50. Thời kì chuyển tiếp giữa hai mùa gió (gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ) là thời kì hoạt động mạnh của gió.

A.   Tây Nam.           B. Gió fơn.    C. Tín Phong.           D. Đông Bắc

Câu 51. Đặc điểm khí hậu với hai mùa mưa và khô rõ rệt nhất được thể hiện ở: 

A. trên cả khu vực từ dãy Bạch Mã trở vào Nam.

B.   chỉ có ở Nam Bộ.

C.   chỉ có ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

D.   khu vực từ Quy Nhơn trở vào.

Câu 52. Đặc điểm thiên nhiên nào dưới đây không phải của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ?

A. Nền nhiệt cao, biên độ nhiệt năm lớn.                     B. khí hậu phân mùa sâu sắc

C. Khí hậu cận xích đạo gió mùa                                  D. Hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển.

Câu 53. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết tỉ lệ diện tích lưu vực giảm dần của các hệ thống sông lớn ở nước ta?

A.   sông Mê Công, sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Thái Bình, sông Mã

B.   sông Hồng, sông Mê Công, sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã

C.   sông Mê Công, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả

D.   sông Hồng, sông Mê Công, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả.

Câu 54. Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về lãnh hải Việt Nam? 

A. Tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở.


B.   Ranh giới của lãnh hải chính là đường biên giới quốc gia trên biển.

C.  Vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển.

D.  Có chiều rộng 12 hải lí.

Câu 55. Căn cứ vào trang 10 của Atlat Địa lí Việt Nam, hãy cho biết đỉnh lũ trên sông Mê Kông vào tháng nào sau đây?

      A. IX.                               B. X.                                    C. XI.                                  D. XII.

Câu 56. Căn cứ vào trang 9 và trang 6,7 của Atlat Địa lí Việt Nam, hãy cho biết những nơi nào sau đây có lượng mưa lớn ở nước ta?

A.  Móng Cái, Bạch Mã, Ngọc Linh, núi ở biên giới Việt - Lào.

B.   Móng Cái, Bạch Mã, Ngọc Linh, Cao Nguyên Mơ Nông.

C.  Móng Cái, Ngọc Linh, Hoàng Liên Sơn, núi ở biên giới Việt - Trung.

D.  Móng Cái, Ngọc Linh, Bạch Mã, đồng bằng sông Cửu Long.

Câu 57. Căn cứ vào trang 11 của Atlat Địa lí Việt Nam, hãy cho biết loại đất nào sau đây không thuộc nhóm đất feralit ?

     A. Đất feralit trên các loại đá khác                             B. Đất cát biển.

     C. Đất feralit trên đá badan.                                         D. Đất feralit trên đá vôi.

Câu 58. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết hệ thống sông nào sau đây có diện tích lưu vực lớn nhất ở phần lãnh thổ phía Nam của nước ta?

     A. sông Hồng.                 B. sông Mê Công.             C. sông Thu Bồn.              D. sông Đồng Nai.

Câu 59. Nhận định nào sau đây không đúng về các miền địa lí tự nhiên của nước ta?

A.  So với miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mùa khô sâu sắc hơn.

B.   Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là miền đầu tiên của nước ta đón nhận khối khí lạnh từ phương bắc tràn về.

C.  Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là miền chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió phơn Tây Nam.

D.  Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là miền duy nhất nước ta có đủ ba đai cao.

Câu 60. Dựa vào Atlat Việt Nam trang 9, cho biết thời gian mùa mưa ở trạm khí hậu nào kéo dài nhất?

      A. Hà Nội.                       B. Cà Mau.                         C. Nha Trang.                   D. Thanh Hóa

 

ĐÁP ÁN

 

1. B

2. C

3. A

4. C

5. C

6. D

7. A

8. B

9. D

10. C

11. D

12. D

13. B

14. B

15. C

16. A

17. C

18. C

19. B

20. A

21. C

22. D

23. C

24. C

25. A

26. C

27. C

28. C

29. B

30. D

31. A

32. C

33. C

34. D

35. D

36. A

37. D

38. C

39. B

40. B

41. D

42. A

43. C

44. D

45. A

46. B

47. B

48. B

49. A

50. C

51. D

52. A

53. B

54. A

55. B

56. B

57. B

58. B

59. C

60. B

 

 

 

Câu 1.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Đặc điểm không phải ảnh hưởng của biển Đông đối với thiên nhiên Việt Nam là Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh. Vì Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh là do

nước ta chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc lạnh => Chọn đáp án B 

Câu 2.

Đặc điểm của địa hình bán bình nguyên và đồi trung du của nước ta không bao gồm “dải đồi trung du rộng nhất năm ở đồng bằng sông Hồng “vì dải đồng trung du rộng nhất năm ở rìa phía Bắc và phía Tây Đồng bằng sông Hồng chứ không phải năm ở Đồng bằng sông Hồng => Chọn đáp án C 

Câu 3.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, biểu đồ khí hậu có nhiệt độ trung bình các tháng luôn trên 250C là Biểu đồ khí hậu TP. Hồ Chí Minh => Chọn đáp án A 

Câu 4.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, thời kì tần suất các cơn bão di chuyển từ biển Đông vào miền khí hậu phía Bắc ít nhất là tháng VI và tháng VII.

=> Chọn đáp ánC 

Câu 5.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, hệ thống sông Vàm Cỏ thuộc lưu vực sông Đồng Nai =>Chọn đáp án C 

Câu 6.

Sự phân hóa đất đai theo độ cao địa hình ở nước ta từ thấp lên cao lần lượt là đất phù sa, đất feralit, đất feralit có mùn, đất mùn, đất mùn thô (sgk Địa lí 12 trang 51-52)=> Chọn đáp án D 

Câu 7.

Biểu hiện của tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa và tính chất khép kín của biển Đông là

A.  đúng vì vào thời kì gió mùa Đông Bắc, sóng to; các dòng hải lưu cũng hoạt động theo mùa

B.   sai vì nhiệt độ nước biển tăng dần từ Bắc vào Nam chứ không phải từ Nam ra Bắc C. sai vì độ muối không đồng nhất giữa các mùa mà có sự thay đổi theo mùa mưa - khô.

D. sai vì thủy triều tác động mạnh nhất ở vùng phía Nam nhất là khu vực TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL thường xuyên chịu ngập lụt do thủy triều=> Chọn đáp án A 

Câu 8.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, vườn quốc gia nằm trên đất liền là vườn quốc gia Ba Bể ( Bắc Kạn) => Chọn đáp án B 

Câu 9.

Đặc điểm không đúng với chế độ nhiệt của nước ta là “nhiệt độ trung bình năm tăng dần khi đi từ Nam ra Bắc và biên độ nhiệt trong Nam lớn hơn ngoài Bắc” vì đã phát biểu ngược với đặc điểm chế độ nhiệt nước ta: nhiệt độ trung bình năm tăng dần khi đi từ Bắc vào Nam và biên độ nhiệt trong Nam nhỏ hơn ngoài Bắc=> Chọn đáp án D

Câu 10.

Ngập lụt ở Trung Bộ diễn ra chủ yếu ở các tháng IX -X do mưa bão lớn, nước biển dâng và lũ nguồn về (sgk Địa lí trang 63) => Chọn đáp án C 

Câu 11.

Quanh năm nhiệt độ thấp dưới 15oC, mùa đông xuống dưới 50C các loại thực vật chủ yếu là thiết sam,lãnh sam là đặc điểm tự nhiên của đai đai ôn đới gió mùa trên núi (sgk Địa lí 12 trang 52)=> Chọn đáp án D 

Câu 12.

Biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ đất ở miền núi- trung du nước ta là Bảo vệ đất gắn với bảo vệ rừng; để hạn chế xói mòn trên đất dốc phải áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi, canh tác=> Chọn đáp án D

Chú ý: các đáp án còn lại đều đúng nhưng chưa đủ và chưa phải là quan trọng nhất 

Câu 13.

Sự phân hóa thiên nhiên nước ta theo độ cao thể hiện rõ ở sự phân hóa của khí hậu, đất đai, sinh vật.=> Chọn đáp án B (đầy đủ nhất) 

Câu 14.

Theo quy hoạch để đảm bảo vai trò của rừng đối với môi trường,độ che phủ rừng ở nước ta phải đạt là 45-50% => Chọn đáp án B 

Câu 15.

Bão lũ, trượt lở đất đá,hạn hán là những thiên tai thường xảy ra ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (sgk Địa lí 12 trang 54)=> Chọn đáp án C 

Câu 16.

Câu hỏi là “Tính chất nhiệt đới ẩm” nên sẽ không có đặc điểm phân mùa; nếu là tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa thì sẽ có cả đặc điểm Chế độ nước sông phân hóa theo mùa)

=> Tính chất nhiệt đới ẩm của sông ngòi nước ta không có biểu hiện Chế độ nước sông phân hóa theo mùa => Chọn đáp án A

Câu 17.

Khó khăn lớn nhất về tự nhiên ở vùng đồng bằng của Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô và xâm nhập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất => Chọn đáp án C 

Câu 18.

Hạn chế của vùng đồi núi nước ta không bao gồm Ngập lụt, đây là hạn chế của khu vực đồng bằng => Chọn đáp án C 

Câu 19.

Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của biển Đông không thể hiện ở “giàu dầu mỏ và khí đốt” vì giàu khoáng sản do nước ta nằm gần vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương - Địa Trung Hải, không phải khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo nên => Chọn đáp án B

Câu 20.

Đặc điểm không đúng với gió mùa Đông Bắc (Gió mùa mùa đông) là Luôn có tính chất lạnh khô khi hoạt động ở nước ta. Vì gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh ở miền Bắc: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm (sgk Địa lí 12 trang 41)

=> Chọn đáp án A 

Câu 21.

Biển Đông là nhân tố quan trọng làm cho khí hậu nước ta mang tính hải dương nên điều hòa hơn, biểu hiện là giảm tính lạnh khô trong mùa đông, nóng bức trong mùa hạ (sgk Địa lí 12 trang 36)

=> Chọn đáp án C

Chú ý: A không đúng vì nước ta mưa theo mùa chứ không mưa nhiều quanh năm 

Câu 22.

Đai chiếm diện tích lớn nhất ở nước ta là đai nhiệt đới gió mùa chân núi do phần lớn diện tích nước

ta dưới 1000m (85% diện tích), chủ yếu là đồi núi thấp và đồng bằng => Chọn đáp án D 

Câu 23.

Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, những vùng khí hậu chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc ở nước ta là Đông Bắc Bộ, Trung và Nam Bắc Bộ. => Chọn đáp án C 

Câu 24.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, các trạm khí hậu có mưa vào mùa hè tiêu biểu ở nước ta là Lạng Sơn, Đà Lạt, Cà Mau (Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa mùa hạ)

=> Chọn đáp án C

 Câu 25.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 14, núi Ngọc Linh cao nhất vùng núi Trường Sơn Nam (2598m, xem Atlat trang 14) => Chọn đáp án A 

Câu 26.

Vùng ven biển Nam Trung Bộ thuận lợi làm muối không phải vì Có nhiều sông đổ ra biển mà ngược lại vì có ít sông lớn đổ ra biển => Chọn đáp án C

Câu 27.

Ranh giới tự nhiên của 4 khu vực địa hình đồi núi: Tây Bắc, Đông Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam ở nước ta lần lượt là:

Ranh giới Đông Bắc và Tây Bắc là sông Hồng Ranh giới Tây Bắc và Trường Sơn Bắc là sông Cả

Ranh giới Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam là dãy Bạch Mã (Atlat trang 6-7) => Chọn đáp án C 

Câu 28.

Biện pháp duy trì đa dạng sinh học ở nước ta không bao gồm Nhà nước giao đất giao rừng cho các hộ dân. (xem thêm các biện pháp duy trì đa dạng sinh học ở sgk Địa lí 12 trang 60:

-  Xây dựng và mở rộng hệ thống vườn quốc gia và các khi bảo tồn thiên nhiên

-  Ban hành Sách đỏ Việt Nam

-  Quy định việc khai thác)

=> Chọn đáp án C 

Câu 29.

Tỉnh có lượng mưa ít nhất của nước ta là theo Atlat Địa lí Việt Nam trang 9 là Ninh Thuận (có khu vực của Ninh Thuận lượng mưa trung bình năm dưới 800mm) => Chọn đáp án B 

Câu 30.

Đồng bằng chậu thổ sông Hồng và sông Cửu Long ở nước ta hàng năm được mở rộng ra biển là do quá trình bồi tụ (sgk Địa lí 12 trang 45)=> Chọn đáp án D 

Câu 31.

Phát biểu không đúng với thiên nhiên dải đồng bằng ven biển Trung Bộ là “Đất đai kém màu mỡ, ít cát, nhiều phù sa sông” vì đất đồng bằng ven biển Trung Bộ chủ yếu là đất cát pha, ít phù sa sông (sgk Địa lí 12 trang 33) => Chọn đáp án A

Câu 32.

Phát biểu không đúng với đặc điểm của biển Đông “Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt gió mùa” vì biển Đông Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, không phải là cận nhiệt gió mùa => Chọn đáp án C 

Câu 33.

Phát biểu không đúng với tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta là “Độ ẩm không khí cao trên

80%.” vì độ ẩm không khí cao là đặc điểm tính chất ẩm chứ không phải tính chất nhiệt đới => Chọn đáp án C 

Câu 34.

Sự thất thường của nhịp điệu mùa khí hậu, của dòng chảy sông ngòi và tính bất ổn định cao của thời tiết là những trở ngại lớn trong việc sử dụng thiên nhiên của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ. (sgk Địa lí 12 trag 54) => Chọn đáp án D

Câu 35.

Phát biểu đúng về đặc điểm thiên nhiên phần lãnh thổ phía Bắc của nước ta là Thành phần loài sinh vật nhiệt đới chiếm ưu thế (sgk Địa lí 12 trang 48) => Chọn đáp án D 

Câu 36.

Các sườn đồi ba dan lượn sóng ở Đông Nam Bộ là dạng địa hình bán bình nguyên (sgk Địa lí 12 trang 32)=> Chọn đáp án A 

Câu 37.

Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 14, cao nguyên Mơ Nông thuộc vùng núi Trường Sơn Nam=> Chọn đáp án D 

Câu 38.

Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 10, cho biết sông không thuộc lưu vực hệ thống sông Thái Bình là sông Đáy, sông Đáy thuộc lưu vực sông Hồng => Chọn đáp án C 

Câu 39.

Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 9, tỉnh không thuộc vùng khí hậu Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Thanh Hóa thuộc vùng khí hậu Trung và Nam Bắc Bộ => Chọn đáp án B 

Câu 40.

Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang13 -14, đỉnh núi không thuộc miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là núi Lang Bian (thuộc Tây Nguyên)=> Chọn đáp án B 

Câu 41.

Nguyên nhân khiến đất feralit có màu sắc đỏ vàng là do có sự tích tụ đồng thời oxit sắt (Fe 2O3) và oxit nhôm (Al2O3) (sgk Địa lí 12 trang 46)=> Chọn đáp án D 

Câu 42.

Mưa phùn ở nước ta thường diễn ra vào nửa sau mùa đông ở đồng bằng và ven biển miền Bắc (Bắc

Bộ và Bắc Trung Bộ)=> Chọn đáp án A 

Câu 43.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, so với Hà Nội, chế độ mưa của Đà Nẵng có điểm khác là mùa mưa lệch về thu đông (còn Hà Nội mưa mùa hạ) => Chọn đáp án C 

Câu 44.

Dạng địa hình nằm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng là trung du (và bán bình nguyên). Địa hình đồi trung du ở nước ta phần nhiều là các bậc thềm phù sa cổ bị chia cắt do tác động của dòng chảy. Dải đồi trung du rộng nhất nằm ở rìa phía bắc và phía tây đồng bằng sông Hồng, thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển miền Trung (sgk Địa lí 12 trang 32)=> Chọn đáp án D 

Câu 45.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, Vùng khí hậu Bắ c Trung Bộ thuộc miền khí hậu phía

Bắc => trong miền khí hậu phía Nam không có vùng khí hậu Bac Trung Bộ => Chọn đáp án A Chú ý: kí hiệu ranh giới các miền khí hậu vắt ngang khu vực gần vĩ tuyến 160B (dãy Bạch Mã) 

Câu 46.

Đồng bằng được mở rộng ở cửa sông Đà Rằng là đồng bằng Tuy Hòa (xem Atlat trang 14) => Chọn đáp án B 

Câu 47.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 9, tại trạm khí tượng Đà Nẵng, tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng X, lượng mưa khoảng 600mm => Chọn đáp án B 

Câu 48.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết sông không thuộc hệ thống sông Cửu Long là sông Bé. Sông Bé thuộc hệ thống sông Đồng Nai => Chọn đáp án B 

Câu 49.

Biển Đông là một biển rộng, nhiệt độ cao và thay đổi theo mùa làm tăng độ ẩm các khối khí di chuyển qua biển gây mưa nhiều cho nước ta (sgk Địa lí 12 trang 36) => Chọn đáp án A 

Câu 50.

Thời kì chuyển tiếp giữa hai mùa gió (gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ) là thời kì hoạt động mạnh của gió Tín Phong. Gió Tín Phong hoạt động xen kẽ gió mùa và chỉ mạnh lên rõ rệt vào các thời kì chuyển tiếp giữa 2 mùa gió.=> Chọn đáp án C 

Câu 51.

Đặc điểm khí hậu với hai mùa mưa và khô rõ rệt, đặc biệt rõ từ 14 0B trở vào Nam (sgk Địa lí 12 trang 48), tương đương khu vực Quy Nhơn trở vào Nam có 2 mùa mưa khô rõ rệt nhất => Chọn đáp án D

Câu 52.

Đặc điểm thiên nhiên không phải của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là “Nền nhiệt cao, biên độ nhiệt năm lớn” vì miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ nóng quanh năm, biên độ nhiệt trung bình năm nhỏ => Chọn đáp án A 

Câu 53.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, tỉ lệ diện tích lưu vực giảm dần của các hệ thống sông lớn ở nước ta là sông Hồng (21,91%), sông Mê Công (21,4%), sông Đồng Nai (11,27%), sông Cả (5,34%), sông Mã (5,31%)=> Chọn đáp án B 

Câu 54.

Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về lãnh hải Việt Nam là Tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở. Vì lãnh hải tiếp giáp vùng nội thủy, nằm ngoài vùng nội thủy; đặc điểm đã cho là đặc điểm của vùng nội thủy=> Chọn đáp án A 

Câu 55.

Căn cứ vào trang 10 của Atlat Địa lí Việt Nam, đỉnh lũ trên sông Mê Kông vào tháng 10 (29000 m3/s)=> Chọn đáp án B 

Câu 56.

Căn cứ vào trang 9 và trang 6,7 của Atlat Địa lí Việt Nam, những nơi có lượng mưa lớn ở nước ta (màu xanh đậm nhất) là Móng Cái, Bạch Mã, Ngọc Linh, Cao Nguyên Mơ Nông - Lâm Viên (màu xanh đậm nhất) => Chọn đáp án B 

Câu 57.

Căn cứ vào trang 11 của Atlat Địa lí Việt Nam, loại đất không thuộc nhóm đất feralit là đất cát biển => Chọn đáp án B 

Câu 58.

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10, cho biết hệ thống sông có diện tích lưu vực lớn nhất ở phần lãnh thổ phía Nam của nước ta là sông Mê Công (21,4% tổng diện tích các lưu vực sông)=> Chọn đáp án B 

Câu 59.

Nhận định không đúng về các miền địa lí tự nhiên của nước ta là Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là miền chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió phơn Tây Nam. Vì Bắc Trung Bộ thuộc miền Tây Bắc và

Bắc Trung Bộ là miền chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió phơn Tây Nam (Atlat trang 9)=> Chọn đáp án C 

Câu 60.

Dựa vào Atlat Việt Nam trang 9, thời gian mùa mưa ở trạm khí hậu Cà Mau kéo dài nhất, từ tháng 4-tháng 11 => Chọn đáp án B 



................................................
Tài liệu Địa Lý được idialy.com sưu tầm dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.

- Webiste: idialy.com
- Apps CHplay: idialy.com
- youtube.idialy.com
- facebook.idialy.com
- tiktok.idialy.com
- nhom.idialy.com - group.idialy.com - idialy.HLT.vn
- trang.idialy.com - fanpage.idialy.com - dialy.HLT.vn.
Tải app iDiaLy.com cài vào điện thoại của bạn để không hiện quảng cáo nhé
iDiaLy.com - Tài liệu Địa Lý miễn phí

Lên đầu trang